Nước Sạch Và Những “Cánh Cửa Mới” Được Mở Ra

3211

Hơn một nửa thời gian thức trong ngày của một đứa trẻ là ở ngoài trường học, và hơn một nửa trong khoảng thời gian đó của các thiếu nhi tại bản Giang Châu là để giải quyết bài toán về nước sạch. Đây chính là nan đề kéo dài suốt 15 năm qua kể từ ngày cộng đồng người H’Mông từ Hà Giang và Lai Châu di cư vào huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông lập nên bản Giang Châu.

Giang Châu là một bản vùng sâu, vùng xa khá cách biệt với bên ngoài, nằm giáp ranh với huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước và biên giới Cam-pu-chia. Từ khi di cư vào đây năm 2002, bà con trong bản ai cũng chịu thương, chịu khó làm lụng trên nương trên rẫy nên hầu như cái đói không còn nữa, đời sống ngày càng tốt hơn, tất cả người H’Mông trong bản đều là tín hữu Tin Lành nên các hủ tục từng bước bị đẩy lùi… Thế nhưng có một thực tế vẫn tồn tại lâu nay là các trẻ em trong bản thường xuyên bị mẩn ngứa đỏ khắp người làm kết quả học tập thường hay giảm sút, nhất là vào các tháng mùa nắng.

Điều chúng tôi ghi nhận được là hầu hết 68 hộ dân trong bản đều sử dụng nguồn nước từ con suối bên dưới chân núi hiện đang bị ô nhiễm nặng nề. Từ trên cao nhìn xuống triền dốc, phía sau những hàng tre xanh mướt là một dải lụa màu nâu đỏ đang uốn mình trong gió, sẽ là một bức tranh thật đặc sắc nếu như màu sắc đó không phải là màu của dòng suối được tạo ra bởi đủ các loại rác bẩn, thải từ khu chợ ở phía thượng nguồn. Điều đáng nói, con suối ấy chính là nguồn cung cấp nước duy nhất của rất nhiều hộ dân sinh sống trong bản.

Dòng suối bị ô nhiễm vốn là nguồn nước của nhiều hộ dân trong bản

Vào mùa khô, các giếng đào hiếm hoi trong bản đều khô cạn trơ đáy. Như những thiếu nhi khác trong bản, hai đứa con mới 13 và 14 tuổi của thầy Lý Văn Sành, người đang cộng tác lo cho Điểm Nhóm tại đây, phải thức dậy từ lúc 5 giờ 30 sáng. Hai chị em cùng dắt nhau xuống chân núi lấy từng thùng nước màu nâu sậm từ con suối về để nấu cơm và cho cả nhà dùng sinh hoạt trước khi đến lớp. Buổi trưa sau khi tan trường, việc đầu tiên của các em cũng là hành trình đi lấy nước từ con suối quen thuộc, và tiếp tục lặp lại một lần nữa vào buổi xế chiều. Lượng nước ít ỏi đem về chỉ đủ cho việc nấu nướng và nước uống cho gia đình. Để tắm và giặt giũ hằng ngày thì người dân nơi đây phải đi xuống tận suối hoặc đến những vũng nước may mắn còn đọng lại cách nhà 500m đến 600m. Về đến nhà thì người cũng đã ướt đẫm mồ hôi và bám đầy bụi trở lại. Vào mỗi Chúa Nhật, các Chấp sự trong Điểm Nhóm cũng phải đến sớm hơn để đi xuống suối bơm nước lên dùng trong nhà vệ sinh và những nhu cầu khác của Hội Thánh.

Hội Thánh dùng máy nổ để bơm nước lên Điểm nhóm vào mỗi ngày Chúa Nhật

Từng chút nước ở đây đều được chắt chiu

Bà con trong bản cũng nhiều lần thử tìm nguồn nước khác bằng cách khoan giếng, đào giếng tại nhiều vị trí khác nhau. Họ đã bảy lần tiến hành khoan giếng nhưng tới bốn lần thất bại, không tìm được nguồn nước, ba lần khoan thì có nước nhưng nước không thể uống được mà chỉ dùng để tắm, giặt rồi lại cạn vào mùa khô. Điều đó làm cho các nhà thầu khoan giếng trong vùng nản lòng và dường như không muốn tiếp tục thực hiện trong bản nữa.

Những giếng nước cạn khô trở thành hố rác

Giếng khoan có nước nhưng nước không sử dụng được

Nhận thấy sự cấp bách về nhu cầu nước sạch, cùng với sự hỗ trợ từ Ủy ban Y tế-Xã hội Tổng Liên Hội, Hội Thánh địa phương đã hiệp lòng cầu nguyện và cậy ơn Chúa quyết tâm khoan một giếng trong khuôn viên Điểm Nhóm. Hội Thánh thuyết phục nhà thầu thử lại một lần nữa với lòng tin quyết nơi sự mở đường của Chúa. Cảm động trước sự tin quyết của Hội Thánh, đã có nhà thầu nhận lời tiến hành khoan giếng. Và thật cảm tạ Chúa về công việc lạ lùng Ngài đã làm, một giếng khoan với độ sâu 65m cùng hệ thống bơm sử dụng điện đã hoàn thành.

Cảm tạ Chúa đã cho mọi việc xảy ra đúng như lời Hội Thánh hết lòng cầu xin. Giếng lần này nước phun trào mạnh mẽ. Giếng bơm từ sáng đến tối mà nước vẫn không cạn, nước rất trong, sạch có thể dùng cho ăn uống cũng như mọi sinh hoạt khác.

Thầy Lý Văn Sành bên giếng nước mới

Có thể nói giếng nước mới đã giải toả áp lực về nước sạch cho Điểm Nhóm và hơn 30 gia đình khác (gần một nữa bản) với khoảng 150 nhân khẩu. Giờ đây, hai người con của thầy Sành cũng như nhiều thiếu nhi khác trong bản đã có thêm thời gian để vui chơi và học tập như đúng với lứa tuổi của chúng chứ không còn canh cánh trong lòng khi mỗi ngày ba lần phải thực hiện hành trình mang nước về nhà nữa. Các em cũng không phải lo lắng mỗi khi tắm xong có bị nổi mẩn ngứa gì không, mắt có bị lèm nhèm không… vì giờ đây đã có nguồn nước sạch và an toàn. Các Chấp sự trong Điểm Nhóm cũng có thể chuyên tâm lo những công tác có cần khác trong giờ thờ phượng Chúa mỗi sáng Chúa Nhật thay vì phải vất vả từ sớm đi quay máy bơm chuẩn bị nước cho Điểm Nhóm… Dường như những cánh của mới được mở ra và những điều mới được bắt đầu từ những điều tưởng chừng như giản đơn nhất./.

Các em thiếu nhi vui mừng bên giếng nước

Hiện tại giếng nước này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của một nửa số hộ dân trong bản. Tại Giang Châu cũng như hàng ngàn bản làng khác ở Việt Nam cũng đang phải đối diện với nan đề về nước sạch. Khoảng 17,2 triệu người Việt Nam chưa được tiếp cận với nước sạch (theo VnExpress). Đó cũng là thực tế mà hàng trăm triệu người trên thế giới đang chịu đựng, bao gồm hơn 800 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày do tiêu chảy vì uống những nguồn nước bẩn, vệ sinh kém và vệ sinh không đúng cách (theo Unicef). Cậy ơn Chúa, chúng ta có thể cùng nhau giải phóng những đứa trẻ này khỏi những căn bệnh chết người có thể phòng ngừa được, giải phóng phụ nữ và các em gái khỏi cuộc sống quanh quẩn bên nguồn nước bẩn và ô nhiễm, mở cánh cửa cho nền giáo dục và một tương lai hứa hẹn. Những cánh cửa cần được mở ra!

 

UB. YTXH (TLH)
Tin và hình ảnh: Người Vỡ Đất

Bài trướcHuấn Luyện Giáo Viên Trường Chúa Nhật Khu Vực Vĩnh Long – Trà Vinh
Bài tiếp theoNhìn Lại Công Việc Chúa Tại Điểm Nhóm Cây Điều, Tỉnh Bạc Liêu