Người Sống Trong Ân Điển

3564

HTTLVN.ORG – Cách đây nhiều năm, một trải nghiệm nhỏ đã khiến tôi thấy mình vừa hụt hẫng vừa hoang mang tra xét lại cách mình lo mục vụ giữa vòng những người trẻ. Sáng sớm Chúa nhật, tôi  vào quán ăn cạnh nhà thờ, vội vàng dùng bữa điểm tâm trước khi cùng Hội Thánh thờ phượng Chúa và nuôi dưỡng tâm linh. Tình cờ tôi gặp một em sinh viên trong quán. Tôi ăn xong trước, vì có ý muốn quan tâm đến em ấy nên đã tính tiền luôn phần của em. Có vẻ biết chuyện, em ấy vội vàng ra nhất quyết yêu cầu bà chủ quán trả tiền lại cho tôi, với một sự kiên quyết không ai cản nổi. Tôi ngạc nhiên: “Chị chia sẻ với em tí cho vui thôi mà”. “Chị vui chứ em không vui. Em không cần ai trả cho em hết”. Nói xong, em ấy bỏ đi, mặc tôi đứng tần ngần với tờ tiền trên tay, tự hỏi chuyện này có nghĩa gì.

Sau này, khi tìm hiểu thêm thì tôi biết rằng em sinh viên ấy vốn là người có lòng tự trọng cao, và em không thích cảm giác được người khác thương hại. Bất kỳ sự chia sẻ hay giúp đỡ nào của người khác cũng đều khiến em cảm thấy mình đang nhận lòng trắc ẩn và phải mang ơn họ. Lúc đó, tôi liên tưởng đến mục vụ của mình, cả về lý thuyết lẫn thực hành, thật khó để trình bày đúng và đủ Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu cho các em – một Tin Lành nhấn mạnh ân điển của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ để bất kỳ ai đến với Ngài, ở bất kỳ tình trạng nào, đều được đón nhận, được tha tội, và được cứu rỗi. Ân điển đó phải được nhận thức không chỉ trong lĩnh vực thuộc linh mà còn được sống động và tuôn chảy qua đời sống thực tiễn bao gồm nhiều khía cạnh của người thuộc về Chúa. Ân điển đó không chỉ giúp người ta nhận ra mình không xứng đáng với tình yêu cứu chuộc của Chúa Cứu Thế, mà còn giúp họ đón nhận những quà tặng ân điển khác trong đời sống mà Chúa ban cho, để được thôi thúc trở nên cánh tay nối dài của ân điển và trao ban của Cứu Chúa cho nhiều người. Vậy mà, tôi – và có lẽ nhiều người khác nữa – đã từng giống như em sinh viên kia, mặc dù tin Chúa Giê-xu, nhận được sự sống đời đời bởi ân điển, nhưng thực tế đời sống vẫn nhiều lần nhiều cách khước từ ân điển của Chúa qua người khác, cốt để thấy mình ở vị thế xứng đáng chứ không phải ở vị thế nhận ơn và hàm ơn. Tư tưởng ấy dường như không tương xứng với đức tin nơi Cứu Chúa Giê-xu để được cứu rỗi nhờ ân điển.

Thật vậy, công cuộc truyền giáo hay bất kỳ mục vụ Cơ Đốc nào nếu không giúp người khác trân quý ân điển của Đức Chúa Trời, sống trong ân điển đó và trở nên chứng nhân của ân điển đó thì mục vụ ấy có một khiếm khuyết thật tai hại. Đó là bởi vì nét đặc trưng của Cơ Đốc giáo, theo lời của C. S. Lewis, chính là Ân Điển.[1] Nét đặc trưng này đối với người ta vừa “đáng ghét” mà vừa lôi cuốn. Ân điển “đáng ghét” là vì nó khiến con người rủ bỏ lòng kiêu hãnh, sự tự tôn, tính độc lập, và triết lý “thành quả xứng đáng với nỗ lực” vốn đặc trưng của loài người, để rồi họ khỏi phải dựa dẫm vào một thứ ân huệ nào đó từ trên cao ban xuống, khiến họ thấy mình chẳng còn tự trị được nữa. Tuy nhiên, nó có sức hút kỳ diệu bởi vì nó vượt lên mọi sự phán xét và định kiến để luôn dành sẵn cho mọi người cơ hội thứ hai – cơ hội được chấp nhận, được yêu thương, được phục hồi, đầy hi vọng và sinh lực giữa tuyệt vọng và sầu thảm – cho dù người ta không xứng đáng với những điều đó. Ân điển này đã được thể hiện như thế nào? Đó là: chính trên thập tự giá, Con Đức Chúa Trời đã gánh thay tội lỗi và chịu chết cho nhân loại để họ được sống. Nhiều người chưa chết nhưng cũng không thật sự sống. Nhưng nhờ ân điển, con người không những tránh khỏi sự chết lẽ ra dành cho mình mà còn được sự sống đời đời nhờ ân điển đó – một sự sống được bắt đầu trong chính hiện tại của người thuộc về Chúa. Quả thật, ân điển là ân huệ vô giá dành cho người không xứng đáng.

Hình ảnh sống động này đã được Sứ đồ Phi-e-rơ phác họa trong những dòng thư sau:

Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh. (I Phi-e-rơ 2:24)

Sứ đồ Phao-lô cũng đã diễn đạt một cách cụ thể để nhấn mạnh ân điển hoàn toàn này trong sự cứu rỗi dành cho con người:

Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo. (Ê-phê-sô 2:8-10)

Từ hai phân đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy ân điển hết sức quý giá và hết sức cần thiết cho mọi người. Quý giá bởi vì đích thân Con Đức Chúa Trời vô tội đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta trong thân thể Ngài trên thập tự giá; cần thiết vì chỉ có ân điển không sòng phẳng này mới làm thoả mãn được tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho tạo vật của Ngài – để họ được sống, được chữa lành, và làm được việc lành. Vậy thì, một người sống trong ân điển sẽ sống như thế nào?

  1. Người sống trong ân điển luôn biết ơn và tuỳ thuộc Chúa trong cuộc sống hiện tại.

Vì chính Chúa đã mang lấy tội lỗi chúng ta trên thân thể Ngài và chịu chết trên thập tự giá đền tội cho chúng ta, chúng ta được chuộc và được kể là công bình. Sự tha tội này hoàn toàn là sự khởi xướng của Đức Chúa Trời bởi ân điển Ngài, mà con người chỉ lấy đức tin để tiếp nhận chứ không cần làm bất kỳ điều gì khác. Có lẽ việc thừa nhận mình là tội nhân là một điều kinh khủng đối với con người nói chung. Không những thế, lại là một tội nhân để cho ai đó khác chết thế và chuộc tội cho mình là điều không thể chấp nhận được đối với con người độc lập. Đây chính là điểm không được ưa chuộng của Tin Lành đối với nhiều người, bởi vì nó tấn công vào sự kiêu ngạo của con người, nó buộc con người phải “hạ mình” trước ân điển cứu chuộc của Chúa. John Stott đã từng nhấn mạnh sự tự tôn này của con người khi ông quan sát thấy “chúng ta khăng khăng đòi trả giá những gì chúng ta đã làm. Chúng ta không thể chịu được sự hổ mặt của việc thừa nhận sự phá sản của chúng ta và cho phép người khác trả thay cho chúng ta. Ý niệm rằng chính Đức Chúa Trời là người trả thay là điều thật quá khó chấp nhận. Chúng ta thà hư mất còn hơn ăn năn, thà đánh mất chính mình còn hơn hạ mình.”[2]

Trong khi một số tôn giáo khác dạy về sự thiêng liêng của con người thì cùng với khía cạnh thiêng liêng, Cơ Đốc giáo nhấn mạnh tình trạng băng hoại và tội lỗi; trong khi họ dạy về những nỗ lực để tự cứu dù cho có phạm tội, thì Cơ Đốc giáo lặp đi lặp lại giải pháp của ân điển. Sự thật là chúng ta không bao giờ đủ khả năng để tự chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình, và những nỗ lực của chúng ta đều vô hiệu như những chiếc lá mà A-đam và Ê-va dùng để cố gắng che đậy sự trần truồng của họ. Chỉ bằng cách đến với Chúa, hạ mình, thừa nhận sự can thiệp của Đức Chúa Trời đối với tình trạng của chúng ta, và nép mình trong ân điển Ngài thì chúng ta mới được gột rửa khỏi tội và mới được cứu.

Việc tiếp nhận ân điển hoàn toàn là bởi đức tin dựa trên những dữ kiện mà một người lĩnh hội về Chúa trong sự soi sáng và hành động của Đức Thánh Linh để dẫn dắt người đó. Sự tiếp nhận này diễn ra tại thời điểm một người tin nhận Chúa, nhưng nó không dừng lại tại đó. Trong cả phần còn lại của cuộc đời sau khi tin nhận Chúa, người thuộc về Chúa sẽ tiếp tục sống ân điển và nhạy bén để nhìn thấy mỗi một chi tiết trong đời sống họ đều là nhờ ân điển của Chúa. Nhờ đó, họ được giải phóng, thoả vui, và bình an.

Được sống động và lành mạnh là nhờ ân điển. Có công việc làm và có năng lực làm việc là nhờ ân điển. Bị đau ốm và được lành bệnh là nhờ ân điển. Được thoát nạn trong gang tấc là nhờ ân điển. Gặp hoạn nạn và thử thách và chịu đựng được là nhờ ân điển. Có những mối liên hệ tốt đẹp là nhờ ân điển. Có đủ thức ăn và quần áo mặc là nhờ ân điển. Dư dả về vật chất là nhờ ân điển. Có cơ hội phục vụ là nhờ ân điển. Được người khác giúp đỡ và sẻ chia là nhờ ân điển. Vấp ngã rồi lại đứng lên là nhờ ân điển, v.v… Không một điều nào trong đời sống hiện tại của người thuộc về Chúa mà không nhờ ân điển của Chúa cho họ. Do đó, mặc dù vẫn luôn là người có trách nhiệm và cầu tiến, đời sống người thuộc về Chúa được định hình bởi ân điển của Chúa chứ không phải đường lối của thế gian, vốn được thể hiện qua các phương châm như: “làm để được”, “không ai cho không ai điều gì”, “mình làm mình chịu”, “tôi được vậy vì tôi xứng đáng”, v.v… Có lẽ Sứ đồ Phao-lô đã trải nghiệm được sâu sắc điều này trong đời sống của ông khi ông nói: “Tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy” (I Cô-rinh-tô 15:10).

Với tinh thần đó, người tin Chúa sẽ luôn nhìn lại và đếm các ơn phước Chúa ban, dẫu trong nghịch cảnh, để biết ơn Chúa, để tiếp tục bước đi khiêm nhường trong ân điển Chúa. Người ấy sẽ bằng lòng để Chúa can thiệp vào từng lĩnh vực của đời sống mình, và nhìn thấy cách Chúa hành động, sai phái các tác nhân của Ngài để bày tỏ ân điển cho mình. Người ấy sẽ thôi gồng mình để tự lèo lái cuộc đời mình mà tuỳ thuộc Chúa hoàn toàn.

  1. Người sống trong ân điển là sống cho sự công bình và làm những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn.

Sự đền tội, sự cứu chuộc mà con người nhận được từ nơi Đức Chúa Giê-xu khiến họ được chữa lành và được tái tạo tâm linh cho sự sống mới. Sự sống mới trong ân điển giúp người tin Chúa không tiếp tục ngụp lặn trong tội lỗi và xem ân điển của Chúa là cái cớ để tiếp tục phạm tội. Đồng thời, sự sống đó giúp họ theo đuổi nếp sống công chính đã dành sẵn cho họ trong Đấng Christ (I Phi-e-rơ 2:24; Ê-phê-sô 2:10).

Khi một người trở lại với Chúa, được đón nhận, được tha tội và được chữa lành tâm linh, hẳn họ rất vui mừng. Niềm vui của việc được chấp nhận này phải đồng thời là niềm vui của sự biến đổi. Nó không giống như niềm vui của một đứa trẻ lỡ làm sai mà ba mẹ không phạt để rồi sung sướng tiếp tục làm điều sai trái. Nhưng đó là niềm vui của việc nhận ra dù mình đã có xuất phát điểm và quá khứ như thế nào, Chúa vẫn đón nhận và trao ban cho mình cơ hội để làm lại từ đầu. Đó là bởi vì người được cứu đã được kể là “chết về tội lỗi”, tức là không còn sống trong ràng buộc của tội lỗi hay là làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Được cứu rồi, người tin Chúa không giậm chân tại chỗ với tình trạng thuộc linh của chính mình mà “lấy lòng sợ sệt và run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình” (Phi-líp 2:12) và “vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Đức Chúa Trời” để sống tương xứng với sự cứu rỗi mình đã nhận được. Họ không để cho tội lỗi kiểm soát mình, mà được giải phóng để sống đời sống mới trong Đấng Christ.

Mọi hoàn cảnh Chúa cho phép xảy ra đều là cơ hội để họ lan toả ân điển thiên thượng 

Sống trong ân điển, người thuộc về Chúa nhờ Đức Thánh Linh để được thanh tẩy từ bên trong và kết quả ra bên ngoài, cho nên họ cũng sẽ không thờ ơ với tình trạng của tha nhân. Cuộc sống của họ giờ đây có mục đích thiên thượng, có sứ mạng để thực hiện, có nỗ lực và đấu tranh để hoàn tất sứ mạng. Đây cũng chính là điều mà tác giả thư Hê-bơ-rơ đã khích lệ độc giả của mình phải “theo đòi cuộc chạy đua” đã bày ra cho người thuộc về Chúa (Hê-bơ-rơ 12:1). Họ tận dụng những tài năng, ân tứ, những cơ hội và nguồn lực mình có để phục vụ Chúa giữa thế giới họ đang sống. Họ mong muốn người khác kinh nghiệm ân điển của Chúa qua sự nhân từ giới hạn của chính họ. Việc học, việc làm, các mối liên hệ, chức vụ… mà họ đang có đều sẽ là những kênh dẫn ân điển của Chúa qua họ đến với người khác chứ không phải là những phương tiện để họ bồi đắp cho định dạng vốn tự tôn của con người cũ. Đó là “sống cho sự công bình” (I Phi-e-rơ 2:24) và “làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước” cho họ làm theo.

Có lẽ từ “ân điển” được dùng quá thường xuyên trong ngôn ngữ Cơ Đốc nên chúng ta hiếm khi lắng lòng mình lại để suy ngẫm ý nghĩa của từ ngữ mang tính “thương hiệu” này của niềm tin Cơ Đốc. Ân điển là ân huệ vô giá được ban cho người không xứng đáng. Đó là sự chết của Con Đức Chúa Trời để đền tội cho tội nhân lẽ ra phải nhận lấy sự chết đó cho mình, để họ được sống và sống sung mãn trong Đấng Christ. Nếu sự sống đời đời và cuộc sống trên đất hiện tại của người thuộc về Chúa đều là nhờ ân điển, bởi đức tin, thì đời sống của người ấy không ngớt lời tạ ơn, không thiếu vắng niềm vui dù cho hoàn cảnh chung quanh họ thật ảm đạm và thê thảm. Đó là bởi vì họ đã nhìn thấy việc làm của Chúa và tiếp tục ngửa trông sự giải cứu từ duy Ngài mà thôi. Nếu sống nhờ ân điển, người thuộc về Chúa cũng sẽ không bỏ qua cơ hội nào để bày tỏ ân điển của Chúa cho tha nhân. Mọi hoàn cảnh Chúa cho phép xảy ra đều là cơ hội để họ lan toả ân điển thiên thượng đến với mọi người, để họ hoà lòng với Phao-lô mà nói rằng “ân điển của Chúa ban cho tôi chẳng hề uổng phí”.

Karis Đỗ

[1] Vernon Grounds, “Grace – The Heart of The Gospel,” Our Daily Bread, Sept.-Nov. 1997, October 31.
[2]John R W. Stott, The Cross of Christ (Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1986), 162.

Bài trướcNgười Nhu Mì – 2/9/2021   
Bài tiếp theoBài hát: Sống Trong Ân Điển Chúa Ban