Một Năm Nhìn Lại.

1764

Có một tác giả đã viết: “Rất có thể đối với nhiều người, năm qua là một năm buồn. Buồn cho những nạn nhân của trận động đất kinh hoàng, buồn cho số phận của những con gà, buồn cho một thế giới tiếp tục chứng kiến sự man rợ của bàn tay khủng bố… Một năm trôi qua, thế giới vẫn tồn đọng nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng trực tiếp chính trị lẫn kinh tế. Trong một thế giới toàn cầu, người ta nhắc đi nhắc lại rằng rào cản đã được tháo bỏ, giao thương thông thoáng hơn, khái niệm khác biệt về ý thức hệ cũng ít căng thẳng hơn, các nền văn hoá đan xen và hội nhập rõ hơn… Nhưng sao mà xung đột vẫn xảy ra và con người cứ “chém giết” nhau mãi? Đó quả là một câu hỏi khó có thể được trả lời minh tường và thông suốt.”

 

Vâng, có lẽ những ai không có Chúa đều đã thắc mắc như trên, nhưng đối với chúng ta thì động đất, chiến tranh, đói kém, dịch lệ là những điều đã được Chúa Giê-xu tiên báo trong Lu-ca 21. Nhìn lại một năm qua, những gì đã xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam, chắc hẳn phải làm cho chúng ta, là những con cái Chúa, có ít nhiều suy nghĩ. Những ngày cuối của năm âm lịch đang dần dần lùi về quá khứ, nhưng những ký ức của sự sợ hãi, của những nỗi lo… có lẽ không thể nào phai nhòa trong tâm trạng mỗi người.

 

Trước khi bước vào Mùa Hát Xướng, mỗi chúng ta thử nhìn lại đôi nét về những biến động của năm qua, rồi đối chiếu với Lời Chúa báo trước trong Kinh Thánh để có đôi chút ngẫm suy.

 

Thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011 ở Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người và gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới trong vòng 25 năm qua, khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị hư hại nặng làm rò rỉ chất phóng xạ ra ngoài biển và trong không khí chưa lắng dịu, thì ngày 7/12/2012, một trận động đất đã xảy ra ở ngoài khơi bờ biển đông bắc nước Nhật có cường độ lên tới 7,3 độ Richter, làm nhiều tòa nhà ở Tokyo rung lắc mạnh và gây ra sóng thần cao 1m gây nên một nỗi lo rất lớn cho người Nhật nói riêng và cho cả thế giới nói chung.

 

Tại nước ta, trong vòng một năm qua, gần 100 trận động đất lớn nhỏ xảy ra ở Quảng Nam. Tại huyện Bắc Trà My – nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2 tọa lạc, khiến mặt đất rung chuyển kèm theo là những tiếng nổ lớn trong lòng đất…, gần 900 nhà dân cùng 8 công trình công cộng bị hư hỏng do động đất. Các huyện ở xa vùng động đất như Tam Kỳ, Hiệp Đức, Quế Sơn… thuộc tỉnh Quảng Nam; và các huyện Tây Trà, Trà Bồng… thuộc tỉnh Quảng Ngãi đều cảm nhận được rung chấn của trận động đất này.

 

Không chỉ Bắc Trà My, tại Hà Nội, Kiến An (Hải Phòng) và Thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra nhiều trận động đất, tuy cường độ không lớn nhưng cũng đã gây hoang mang và lo sợ cho nhiều người.

 

Cuối tháng 1, đầu tháng 2, băng giá kỷ lục ở Đông Âu, làm cho hơn 50 người chết. Đầu tháng 7/2012, lũ lớn trên diện rộng tại Ấn Độ khiến 121 người thiệt mạng và khoảng 6 triệu người rời bỏ nhà cửa. Cũng trong tháng 7, lũ lớn ở Triều Tiên, khiến 16.000 người mất nhà. Tháng 8, bão nhiệt đới Saola quét qua nhiều nước châu Á, làm 44 người chết. Cuối tháng 10, bão Sandy, một trong những cơn bão lớn nhất đánh vào bờ đông nước Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, làm thiệt mạng hơn 90 người, gây thiệt hại về kinh tế tới 50 tỷ USD. Tháng 11, Bắc Kinh đón trận bão tuyết lớn nhất nửa thế kỷ qua, Moscow cũng tương tự. Đầu tháng 12, bão lớn Washi đã thổi qua đảo Mindanao, miền nam Philippines làm cho hơn 1.000 người chết và mất tích, 40.000 người sơ tán.

 

Ở nước ta, tai họa lũ quét kinh hoàng ở huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai và huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An đã khiến cho hằng trăm hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa, tài sản, hoa màu và ít nhất có trên 10 người bị mất tích.

 

Về nạn đói, trong ngày Thế giới chống đói nghèo 17/10/2012 vừa qua. Liên Hiệp Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng thế giới sắp phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng nhất trong vài thập niên trở lại đây. Theo Liên Hiệp Quốc, thiên tai có thể khiến sản lượng lương thực năm 2012 sụt giảm nghiêm trọng so với những năm trước đó, đe dọa phá vỡ kỷ lục mùa màng thất bát được xác lập vào những năm 1980. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) mới đây cũng đã công bố một báo cáo khá ảm đạm về tình hình đói kém trên thế giới, theo đó số người bị đói trên toàn cầu hiện đã lên đến 870 triệu người. Mặc dù nạn đói nghiêm trọng đang đe dọa trước mắt, song nhiều nhà phân tích cho rằng sự quan tâm của các nhà lãnh đạo trên thế giới đối với tình trạng nghèo đói vẫn chưa thỏa đáng. Nhiều nước sẵn sàng chi hàng trăm tỉ đô la vào các cuộc chiến song chỉ dành vài phần trăm của con số này để hỗ trợ chống đói nghèo.

 

Năm hết tết đến, dịch lệ cúm gà và bệnh lở mồm long móng của heo luôn là vấn đề thời sự nóng hổi trên từng trang báo. Nỗi lo đại dịch toàn cầu khi vi rút lây từ gia cầm sang người là nỗi lo lớn của nhân loại hiện nay. Dịch lệ làm cho một số người kháo nhau tết nầy không dám ăn lạp xưởng, và nồi thịt kho hột vịt cũng có nguy cơ vắng bóng trong mấy ngày Xuân.

 

Về chiến tranh và tình trạng đánh bom liều chết thì không thể nào kể xiết, cả thế giới đã bắt đầu liên kết với nhau để chống khủng bố, nhưng càng chống thì tình trạng khủng bố càng gia tăng, thế giới luôn kêu gào hoà bình, nhưng chiến tranh không bao giờ chấm dứt.

 

Một trong những sự kiện được quan tâm nhất vào tháng 12 năm qua chính là "Ngày tận thế". Tin đồn về ngày tận thế dựa trên những dự đoán từ bộ lịch đá của người Maya, theo đó, ngày kết thúc chu kỳ lịch này sẽ là ngày 21/12/2012. Người ta đưa ra một loạt giả thuyết về ngày tận thế như các hành tinh nằm thẳng hàng, thiên thạch lao vào trái đất, bão từ… Tất cả những kịch bản này đều bị các nhà khoa học bác bỏ. Tuy nhiên, không ít người đã cứ lo lắng, chuẩn bị sẵn tinh thần cho ngày này.

 

Qua những biến động trên thế giới về động đất, lũ quét, đói kém, dịch lệ, chiến tranh… nhân loại dường như đang lờ mờ nhìn thấy cái bóng của ngày tận thế. Tạp chí khoa học New Scientist đã tiết lộ, chính phủ Na Uy đã lên kế hoạch lập một kho chứa hai triệu hạt giống của tất cả các cây lương thực trên thế giới. Kho nầy được giấu mình trong một hang khoan sâu vào lòng một quả núi ở đảo Spitsbergen, cách Bắc Cực 600 km, nơi nhiệt độ ngoài trời là âm 18oC. Kho hạt giống nầy nằm trong chế độ ngủ đông giữa sáu mặt tường bê tông dày 1 mét với những cánh cửa mìn nổ không phá nổi và hai lần khoá bằng khí nén! Giám đốc dự án nói trên, tiến sĩ Cary Folwer, cho biết đây là ngân hàng gien được bảo quản kỹ nhất thế giới. Hạt giống ở đây được sử dụng khi và chỉ khi trên thế giới không nơi nào còn hạt giống nữa.

 

Riêng chúng ta là Cơ Đốc nhân, một năm nhìn lại, chúng ta nghĩ gì? Người đời dù không hiểu biết về Chúa, nhưng họ cũng đã dồn hết trí lực và tiền của để chuẩn bị cho “ngày tận thế”; còn con cái Chúa, là những người đã được Chúa báo trước về những dấu hiệu khởi đầu cho ngày cuối cùng rằng: “Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; sẽ có sự động đất lớn, có đói kém và dịch lệ trong nhiều nơi, có những điềm lạ kinh khiếp và dấu lớn ở trên trời.” (Lu-ca 21:10-11) thì đã sửa soạn những gì khi mà những dấu hiệu ấy đã và đang xảy ra cách tỏ tường? Hãy chú tâm nghe Lời Chúa nhắc nhở: “Con khá sửa soạn mà gặp Đức Chúa Trời con.” (A-mốt 4:12).

 

Hội Thánh có quá nhiều nhu cầu, chúng ta có sẵn sàng sống ban cho và dâng hiến rời rộng để “chứa của cải trên trời” không? Lời Chúa ai cũng có trong tay, chúng ta có dành ưu tiên suy ngẫm Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời mỗi ngày để biết ý chỉ của Ngài không? Nghe Lời Chúa mỗi ngày, mỗi tuần, chúng ta có sẵn sàng sống theo lời dạy của Chúa để làm vinh hiển Danh Đấng chuẩn bị trở lại tiếp rước chúng ta không?… Hay là chúng ta đang ưu tiên đầu tư cho đời này để rồi đến ngày ấy, đấm ngực thở than và nuối tiếc muộn màng?

 

Mùa Hát Xướng thật sự chỉ dành cho những ai biết sửa soạn để gặp Đức Chúa Trời mà thôi. Xin hãy ngẫm suy…

 

 

Nguyễn Lê


Bài trướcHiệp Nguyện Đầu Năm Tại Hội Thánh Kế Sách, Sóc Trăng.
Bài tiếp theoBài thứ 17: Không Tập Trung Tư Tưởng