PHƯỚC LÀNH CỦA SỰ BAN CHO

853

PHƯỚC LÀNH CỦA SỰ BAN CHO

Đức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” Công Vụ 20:35b).

Bài giảng sáng hôm ấy của nhà tôi là “Sự ban cho”. Buổi trưa, con trai tôi, Thiên Ân, đang trong tuổi nhi đồng, hỏi bố rằng: “Nhận lãnh có phước, mà ban cho có phước hơn hả bố? Vậy con nhận cái gì ai cho, thì có phước và khi con cho bạn điều con có, thì có phước hơn? Như vậy con không còn gì cả hả bố?” Bố giải thích: ”Khi con chia sẻ điều gì mình có cho người có nhu cầu, người đó sẽ biết ơn con và như vậy ảnh hưởng đó còn mãi trong người đó,… mà trước hết Chúa sẽ ghi nhận điều con đã ban cho vì tấm lòng rộng rãi của con!” Một câu chuyện nho nhỏ của con trai tôi thắc mắc lại đem đến cho tôi một sự dạy dỗ rất lớn trong đời sống của mình.

Vào những ngày qua, cả nước ta đều theo dõi cơn bão Yagi có sức gió mạnh khủng khiếp, được gọi là siêu bão, nó gây ra nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Bắc, nặng nhất là tỉnh Quảng Ninh, nơi trực tiếp hứng chịu những trận cuồng phong từ biển Đông. Sau bão là  những cơn mưa đổ xuống và lũ ống, lũ quét. Nhà cửa, tài sản, hoa màu và cả hàng trăm sanh mạng bị cuốn trôi, bị vùi lấp, trong đó cả con dân Chúa. Quá thương tâm!

Bài học về phước lành của sự ban cho đã nhắc nhở tôi, chính Chúa phán rằng: ”Ban cho thì có phước hơn nhận lãnh”, và Chúa khích lệ con cái Chúa “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt. Vậy, đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức tin”(Ga-la-ti 6:9-10). Vậy nguồn phước lành đến từ đâu?

  1. Nguồn gốc của phước lành:

Trước khi Phao-lô rời Hội Thánh Ê-phê-sô, ông nhắc lại chính lời Đức Chúa Trời phán dạy các tín hữu phải chịu khó làm việc để nuôi mình, và cũng để chia sẻ, giúp đỡ cho người khác, là những người yếu đuối, không có khả năng lao động.

Trong Ma-thi-ơ 25:34-40, Chúa nhắc nhở các môn đồ về việc làm điều thiện. Kinh Thánh chép: “Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa?” Chúa phán trong câu 40, ”Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy”. Vậy nên, khi chúng ta làm việc thiện lành cho ai đó, chính là chúng ta làm cho Chúa. Ngày nay, và nhất trong thời điểm thiên tai bão lụt vừa qua, có rất nhiều người đang đói khát, đang mất mát nhiều thứ như của cải vật chất, công việc nuôi sống, nhà cửa để an cư… Đây chính là dịp tiện, đây là cơ hội để chúng ta làm việc lành cho Chúa. Phước lành của sự ban cho không đến từ con người, nhưng đến từ chính lời phán dạy của Đức Chúa Giê-xu.

2. Nguyên tắc của phước lành:

Muốn nhận phước thì phải ban cho. Cơ Đốc nhân phải sống với triết lý của người Sa-ma-ri nhân lành, câu chuyện được chép  trong sách Lu-ca 10:25-37, là người biết chia sẻ, giúp đỡ tận tâm người có nhu cầu, giúp đỡ họ đến nơi đến chốn chứ không nửa vời.

Có nhiều người nói: tôi không có thì lấy gì mà cho? Chúa dạy chúng ta cho những gì chúng ta có, nguyên tắc này chính Phi-e-rơ và Giăng áp dụng cho người què ở Cửa Đẹp, khi hai ông vào đền thờ cầu nguyện (Công Vụ 3:1-11). Phi-e-rơ nói “Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi!” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:6). Sau đó, người què được chữa lành bởi quyền năng của Chúa. Vậy, điều chúng ta đang có là tiền bạc, là của cải vật chất và điều tất cả Cơ Đốc nhân đều đang có là Tin Lành cứu rỗi, hãy chia sẻ cho những người đang cần. Vì nguyên tắc sống của Cơ Đốc nhân là ban cho để nhận được phước!

Cách ban cho của Cơ Đốc nhân khác với người đời, cho tay phải nhưng không cho tay trái biết, không có nghĩa là giấu diếm, mà có nghĩa là không phô trương, không nhằm mục đích để người ta khen hoặc nhận phần thưởng của đời này, vì khi nhận phần thưởng đời này thì không thể nhận phần thưởng trên thiên đàng! Chúng ta làm việc lành bằng tất cả sự cảm thông, trân trọng vì muốn san sẻ tình yêu thương của Chúa ban cho mình, chứ không đòi hỏi điều kiện.

Chúa cũng không muốn con dân Chúa ban cho mà chắt bóp, tính toán thiệt hơn. Mác 12:41-44, ghi lại câu chuyện về bà goá dâng tiền, số tiền bà dâng có giá trị rất nhỏ nhưng đó là tất cả những gì bà có. Chúa đã đánh giá bà dâng nhiều hơn những người khác đã dâng, vì họ dâng của họ dư.

Một người nhận vào nhiều mà không ban cho rời rộng, thì trái với định luật của Chúa. Một giếng nước nếu không múc nước thường xuyên, sẽ luôn là nước đọng, nước tù. Nhưng nếu cứ múc thường xuyên, thì sẽ là một giếng nước trong, sạch. Như sông Giô-đanh chảy qua vùng đất Ga-li-lê, tạo nên một môi trường xanh tốt. Nhưng khi nó bị giữ lại ở Biển Chết thì lại trở nên một môi trường chết, không sinh vật nào có thể sống được tại Biển Chết! Đó là quy luật Chúa dạy chúng ta về sự ban cho!

Chúa luôn muốn chúng ta ban cho cách vui lòng, nghĩa là không phàn nàn hay ép uổng (II Cô-rinh-tô 9:6-9). Nếu làm điều thiện hay điều lành mà không vui lòng, không tự nguyện, thì việc làm này hoàn toàn không có giá trị, và Chúa cũng không vui lòng.

3. Kết quả của phước lành

Quy luật của cuộc sống là có gieo và có gặt, hễ gieo ít thì gặt ít, ngược lại gieo nhiều thì gặt nhiều (II Cô-rinh-tô 9:6). Một lời hứa từ Đức Chúa Trời trong Châm Ngôn 19:17, ”Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho người”. Từ “vay mượn” cho chúng ta một suy nghĩ về lãi suất ngân hàng. Chắc chắn sẽ gặt lại nhiều hơn những gì chúng ta cho Chúa vay mượn.

Lời Chúa trong có chép “Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu ngày ngươi sẽ tìm nó lại”, nghĩa là những gì mình cho đi có ngày mình sẽ nhận lại (Truyền Đạo 11:1). Có khi sự dâng hiến được báo đáp ngay liền từ Chúa, chúng ta nhớ câu chuyện về người đàn bà goá tại Sa-rép-ta (I Các Vua 17:1-24). Bà vâng lời Tiên tri Ê-li, làm cái bánh nhỏ, là phần ăn cuối cùng của bà để dâng cho tôi tớ Chúa. Tiên tri Ê-li đã nhân danh Chúa làm phép lạ khiến bột không hết trong vò và dầu không hết trong bình. Chúng ta nhớ lại câu chuyện Chúa hoá bánh từ 5 cái bánh và 2 con cá của bé trai dâng. Nếu em giữ phần ăn cho riêng mình thì chính em không thể chiêm ngưỡng phép lạ Chúa ban, và cũng không có cơ hội để làm điều thiện cho hơn 5 ngàn người ăn. Thật thoả vui vì mọi người đều no đủ và chính em cũng được ăn no (Mác 6:30-44). Tác giả Elick Hêli của tác phẩm “Cội rễ“ có một câu nói rất ý nghĩa “nếu mày nắm bàn tay lại, mày sẽ không nhận được từ người khác, vì chính mày không mở bàn tay để ban cho”. Một người giàu trước khi qua đời anh nói: “Những gì tôi tiêu xài đã hết, những gì tôi mua sắm sẽ để lại cho người khác sử dụng, nhưng những gì tôi ban cho người khác bây giờ mới thật là còn lại cho tôi, nơi tôi sẽ đi đến là thiên đàng”.

 Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, nghĩa là hãy chia sẻ những gì mình có, đó là làm trọn luật pháp Chúa. Đó là luật yêu thương mà mọi Cơ đốc nhân phải luôn ghi nhớ để sống làm theo ý muốn Chúa. Vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng hiến cách vui lòng.

Đầy tớ gái,

Bài trướcSiêng Năng Làm Việc – 19/9/2024
Bài tiếp theoLus Ntuas Tas Siab – 20/9/2024