Dưỡng linh – Lời Cầu Nguyện Cho Năm Mới

3323

Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta thường dành nhiều thì giờ để cầu nguyện cho năm mới, cho những vấn đề cá nhân, gia đình và Hội Thánh. Đó là việc làm đúng đắn và đem lại nhiều phước hạnh. Nhưng chúng ta cầu nguyện gì cho năm mới? Ước ao điều gì cho năm mới? Lời cầu nguyện nào đẹp lòng Chúa và được Chúa nhậm? Có những lời cầu nguyện dâng lên nhưng dường như đụng phải trần nhà và rơi xuống vì thiếu đức tin và không đẹp lòng Chúa! Vậy thì lời cầu nguyện thế nào là theo ý Chúa và đẹp lòng Chúa?

Cảm ơn Chúa, trong Kinh Thánh có nhiều tấm gương cầu nguyện và những lời cầu nguyện được ghi lại để chúng ta học theo và được phước, trong đó có lời cầu nguyện của vua Đa-vít được ghi lại trong Thi Thiên 51 mà chúng ta rất yêu thích. Lời cầu nguyện đó xuất phát từ tấm lòng chân thành, ăn năn, tan vỡ, đầy đau thương thống hối và thật “Chúa không khinh dễ đâu.” Thiết nghĩ đây cũng là lời cầu nguyện mà chúng ta có thể dâng lên Chúa cho một năm mới Đinh Dậu – 2017 này.

BA ĐIỀU CẦU NGUYỆN CHO NĂM MỚI

Phục hưng: Xin Chúa phục hưng đời sống đạo đức và tâm linh

“Đức Chúa Trời ôi! Hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch,
Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” (Thi Thiên 51:10).

Chúng ta đều biết, Thi Thiên 51 được Chúa Thánh Linh cảm thúc vua Đa-vít viết ra trong bối cảnh sau khi ông sa sút, yếu đuối và phạm tội trọng là tà dâm và giết người (II Sa-mu-ên 11,12). Chúng ta không hiểu tại sao một con người kính sợ Chúa, vâng phục ý Chúa, yêu mến Chúa, được Chúa khen là tôi tớ vừa lòng Ngài như Đa-vít lại có những hành động tội lỗi và gian ác như vậy? Phải chăng những ngày sung sướng, được Chúa hậu đãi trong cung vua lại là những ngày làm cho đời sống tâm linh và đạo đức sa sút, khiến ông thất bại đau đớn trước sự tấn công của ma quỉ và xác thịt? Kinh Thánh chép “Qua năm mới, khi các vua thường ra tranh chiến… nhưng vua Đa-vít ở lại Giê-ru-sa-lem.” và rồi “Một buổi chiều kia, Đa-vít dạo chơi trên nóc đền vua, bèn thấy một người nữ đương tắm; người nữ ấy rất là lịch sự” (II Sa-mu-ên 11:1-2). Đa-vít đã không ngã chết nơi chiến trường cam go, khốc liệt mà lại ngã quỵ trong một buổi chiều đẹp trời êm ả trong tay một người phụ nữ! Đó là bài học đắt giá cho vua Đa-vít và cũng để lại một tấm gương cảnh báo nghiêm khắt cho tất cả tôi con Chúa!

Trong tình cảnh ấy, điều cần yếu trước tiên và quan trọng đối với Đa-vít là cầu xin Chúa “làm mới lại trong con một tâm linh ngay thẳng” và “dựng nên trong con một lòng trong sạch” nghĩa là phục hưng đời sống tâm linh của ông. Vua Đa-vít cảm thấy qua những hành động tội lỗi, gian ác, xảo quyệt mà ông đã làm, ông đã mất đi sự công chính, ngay thẳng vốn có, nhất là mất đi tấm lòng trong sạch, thánh khiết của một người thánh. Nói đến lòng trong sạch là nói đến động cơ sâu xa trong lòng người của mọi hành động trong con người, có thể người ta không biết nhưng Chúa biết, vì Ngài nhìn thấy tận trong lòng. Chính vì thế mà trong Bài giảng Trên núi, Chúa Giê-xu đã dạy “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:8).

Và trong tình trạng tâm linh và đạo đức sa sút như thế, Đa-vít cũng cảm thấy mất sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình và điều này khiến ông hoảng sợ. Vì thế, ông cầu nguyện tiếp: “Xin chớ từ bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, Cũng đừng cất khỏi tôi Thánh Linh Chúa” (Thi Thiên 51:11).

Vì cớ tội lỗi, Đa-vít sợ nhất là mất sự hiện diện của Chúa, mất sự xức dầu đặc biệt của Thần Đức Chúa Trời để phục vụ Ngài với tư cách là một vị vua. Ông sợ bị Thần Linh của Chúa từ bỏ ông như Ngài đã từ bỏ Sau-lơ.

Phấn hưng hay phục hưng đời sống tâm linh, đạo đức là điều quan trọng và cần thiết, vì thế, trong những ngày đầu năm mới, con dân Chúa phải tha thiết cầu xin với Chúa điều này. Phấn hưng là gì? Theo nhà thần học nổi tiếng J. I. Packer, đó là “sự thăm viếng mạnh mẽ của Đức Chúa Trời trên con dân Chúa, đụng chạm tấm lòng của họ và làm sâu đậm thêm công việc của ân điển Ngài trong đời sống họ.” Stephen Olford thì định nghĩa phấn hưng là “Hành động tể trị của Đức Chúa Trời để phục hồi sự sa sút tâm linh của con dân Chúa, đem họ đến sự ăn năn, đức tin và vâng phục Chúa.”

Mục sư D.Martin Lloyd Jones là tác giả nổi tiếng thuộc Hội Phúc âm Liên hiệp của chúng ta đã từng cảnh báo trong quyển sách Phục hưng của ông rằng, hãy coi chừng “có chánh giáo nhưng khiếm khuyết” “Có chánh giáo nhưng chết cứng”. Ông đã viết một cách chân thành và thẳng thắn rằng “Chúng ta cũng phải tự xét và tự hỏi: khi đến nhà thờ, tôi có cảm biết sự hiện diện của ĐỨC CHÚA TRỜI không? Tôi có cảm thấy ĐỨC THÁNH LINH đang vận hành và cho tôi đụng đến quyền năng tối thượng của Ngài chưa? Tôi có bao giờ nghĩ rằng các Cơ Đốc nhân tập họp với nhau là để gặp mặt ĐỨC CHÚA TRỜI, để thờ phượng Ngài, để đứng trước sự hiện diện vinh quang thánh khiết của Ngài, và để lắng nghe tiếng phán trực tiếp của Ngài với tôi không? Nếu chúng ta chỉ có tinh thần mãn nguyện vì có giáo lý thuần túy, có tín lý đúng đắn mà không có sức sống và quyền năng của THÁNH LINH để thờ phượng ĐỨC CHÚA TRỜI theo đúng tiêu chuẩn của Chúa, thì chúng ta đang ở trong một tình trạng rất nguy hiểm.” (Phục hưng, tr. 71).

Cầu xin Chúa thăm viếng phục hưng đời sống sa sút thuộc linh của cá nhân, gia đình và Hội Thánh trong năm mới này.

Phục hồi: Xin Chúa phục hồi niềm vui cứu rỗi (c.12)

“Xin hãy ban lại cho tôi sự vui vẻ về sự cứu rỗi của Chúa,
Dùng thần linh sẵn lòng mà nâng đỡ tôi.” (lấy tinh thần khoan dung mà nâng đỡ con – TTHĐ)

Điều cầu xin thứ hai mà vua Đa-vít dâng lên Chúa là sự phục hồi “Xin hãy ban lại cho tôi”. Ban lại là phục hồi (restore) những gì đã mất. Đa-vít cảm thấy tâm linh sa sút và mất đi niềm vui cứu rỗi và ông cầu xin Chúa ban lại, phục hồi phước hạnh thuộc linh đó và nâng đỡ ông lên để ông có thể tiếp tục phục vụ Chúa.

Thật vậy, điều phước hạnh đầu tiên của người tin Chúa là được Chúa tha tội, ban ơn cứu rỗi và người nào được cứu thật sự cũng kinh nghiệm điều đó, “ngày vui hơn hết, ngày tôi tin Chúa.” (TC 210) Nhưng rồi sau một thời gian, trải qua nhiều thử thách, khó khăn, thất bại thuộc linh, và phạm tội, con dân Chúa dần dần mất đi niềm vui cứu rỗi; cuộc đời trở nên u buồn, chán nản, tuyệt vọng. Chính tội lỗi trong đời sống, sự sa sút thuộc linh làm cho chúng ta mất phước, mất ơn, mất quyền, mất niềm vui cứu rỗi.

Cho nên, năm mới đến, cầu nguyện Chúa phục hồi những gì đã mất do tội lỗi chúng ta: Phục hồi lòng yêu mến Chúa, tinh thần hăng hái, sốt sắng phục vụ Chúa, chứng đạo, cầu nguyện, đọc Lời Chúa trong mỗi chúng ta. Xin Chúa cứu chúng ta khỏi bệnh ngã lòng, thất vọng. Xin Chúa cũng phục hồi mối quan hệ bị đổ vỡ trong Hội Thánh giữa anh chị em tín hữu, cũng như trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em để chúng ta có thể sống yêu thương, hiệp một, hòa thuận với nhau trong năm mới.

 Phục vụ: Xin Chúa cho con phục vụ Chúa được kết quả và Hội Thánh phát triển (c.13)

“Bấy giờ tôi sẽ dạy đường lối Chúa cho kẻ vi phạm, Và kẻ có tội sẽ trở về cùng Chúa.”

Sau khi cầu nguyện cho sự phục hưng tâm linh và sự phục hồi những gì đã mất, bây giờ, vua Đa-vít cầu nguyện cho sự phục vụ Chúa của mình. Đa-vít tin rằng khi Chúa đã phục hưng và phục hồi cho ông rồi, thì ông sẽ hăng hái mạnh dạn phục vụ Chúa, dạy dỗ đường lối Chúa cho kẻ vi phạm, khiến họ ăn năn quay về với Ngài. Đa-vít vốn là người tin kính yêu Chúa và yêu mến Luật pháp Chúa, Lời Chúa. Ông đã từng kinh nghiệm Lời Chúa “ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong” và biết Luật pháp Chúa “quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng” (Thi Thiên 19:10). Vì thế, ông tin rằng khi Chúa thăm viếng ông, phục hưng đời sống tâm linh của ông, ông sẽ giảng dạy Lời Chúa và phục vụ Chúa hiệu quả hơn.

Một khi chúng ta ăn năn, thay đổi thì Chúa sẽ khiến người khác cũng ăn năn, thay đổi. Sự phục vụ Chúa của chúng ta sẽ kết quả tốt đẹp hơn khi đời sống của chúng ta được đẹp lòng Chúa. Chắc chắn, khi đời sống tâm linh chúng ta được phục hưng và phục hồi thì tự nhiên sự phục vụ Chúa của chúng ta cũng hiệu quả hơn và Hội Thánh sẽ phát triển hơn.

TAN VỠ: CHÌA KHÓA CỦA SỰ PHẤN HƯNG (c.17)

“Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương:
Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.”

Nhưng làm sao để có được sự phục hưng, phục hồi và phục vụ Chúa hiệu quả đây? Cảm ơn Chúa, Lời Chúa cũng chỉ cho chúng ta bí quyết: đó là ăn năn, tan vỡ bản ngã và tội lỗi trong đời sống. Con đường dẫn đến sự phấn hưng là con đường Gô-gô-tha, con đường ăn năn, tan vỡ bản ngã kiêu ngạo, cứng cỏi của chúng ta. Đây là con đường không dễ dàng chút nào nhưng không có con đường nào khác, đúng như Joy Hession, tác giả quyển Con đường Gô-gô-tha, đã viết: “Tan vỡ là khởi đầu sự phục hưng. Đó là điều đau thương, là điều nhục nhã, nhưng đó cũng là con đường duy nhất. “Đó không phải TÔI, nhưng Đấng CHRIST”, “Tôi không sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi”, mẫu tự “T” phải được uốn thành mẫu tự “C”. Chúa Giê-xu không thể sống trong chúng ta một cách đầy trọn và không thể bày tỏ chính mình Ngài qua chúng ta cho đến khi bản ngã kiêu ngạo trong chúng ta tan vỡ.” (Con đường Gô-gô-tha, tr.14). Thật vậy, con đường Gô-gô-tha, ăn năn, tan vỡ là con đường dẫn đến sự phấn hưng cho cá nhân, gia đình, và Hội Thánh.

Cảm ơn Chúa một năm cũ đã qua và một năm mới 2017 đã đến với chúng ta. Cầu xin Chúa ban cho lòng của mỗi chúng ta là tôi con Chúa cũng khao khát như vua Đa-vít, được Chúa thăm viếng Phục hưng, Phục hồi để Phục vụ Chúa được hiệu quả bội phần hơn hầu cho Hội Thánh Chúa, vương quốc Ngài sẽ được phát triển, mở rộng trong năm mới này, làm cho Danh Chúa được vinh hiển. A-men!

Xuân Đinh Dậu – 2017

Trịnh Phan

Bài trướcHiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo Tỉnh Quảng Nam Tháng 02/2017
Bài tiếp theoNgày 10/2/2017: Được Xưng Công Bình: Qua Luật Pháp? – KHÔNG!