Ngày 10/2/2017: Được Xưng Công Bình: Qua Luật Pháp? – KHÔNG!

801

Rô-ma 4:13-15

13 Vả, ấy chẳng phải bởi luật pháp mà có lời hứa cho Áp-ra-ham hoặc dòng dõi người lấy thế gian làm gia nghiệp, bèn là bởi sự công bình của đức tin. 14 Vì, nếu bởi luật pháp mà được hưởng gia nghiệp, thì đức tin ra vô ích, lời hứa cũng bỏ rồi, 15 vì luật pháp sanh ra sự giận; song đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp.
 

Câu gốc: “Vì, nếu bởi luật pháp mà được hưởng gia nghiệp, thì đức tin ra vô ích, lời hứa cũng bỏ rồi” (câu 14).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Liên quan đến sự xưng công bình và luật pháp, Sứ đồ Phao-lô đưa ra câu trả lời nào (câu 13-15)? Câu trả lời này giúp bạn xóa bỏ đi những thành kiến nào khi tiếp xúc và làm chứng về Chúa cho những người chưa tin? Riêng bạn, câu trả lời này giúp bạn biết mình cần phải làm gì mỗi khi phạm tội cùng Chúa?

 

Bên cạnh phép cắt bì, Luật Pháp chính là niềm kiêu hãnh của dân Do Thái (Rô-ma 2:17-20). Nhưng tại đây, Sứ đồ Phao-lô một lần nữa đánh đổ niềm kiêu hãnh này. Ông cho biết một người được xưng công bình không bởi luật pháp. Một lần nữa, Sứ đồ Phao-lô viện dẫn ông Áp-ra-ham và cho biết lời hứa mà Đức Chúa Trời ban cho ông Áp-ra-ham không dựa trên luật pháp (câu 13). Cho đến khi ông Áp-ra-ham nhận lời hứa của Đức Chúa Trời, ông vẫn thuộc về một gia đình và dân tộc thờ thần tượng, bản thân ông cũng bày tỏ những hành động sai trật với Chúa và thiếu đức tin. Nhưng trong ân điển, Đức Chúa Trời đã ban cho ông Áp-ra-ham lời hứa, và lời hứa đó có trước khi Chúa ban luật pháp cho ông Môi-se khoảng 430 năm (Ga-la-ti 3:17).

 

Bên cạnh đó, nếu như một người có thể đạt được lời hứa bằng cách thi hành trọn vẹn luật pháp, thì khi đó lời hứa không còn là sự ban cho nữa, và lời hứa đó cũng sẽ bỏ đi vì không ai có thể làm trọn luật pháp, nghĩa là cũng không ai có thể nhận được lời hứa (câu 14). “Nếu lời hứa được làm nên thông qua luật pháp, thì điều mà Đức Chúa Trời ban cho bằng tay phải thì Ngài liền lấy lại bằng tay trái” (Rô-ma, D. Martyn Lloyd-Jones).

 

Hơn thế nữa, Sứ đồ Phao-lô cho biết lời hứa là ân điển, nhưng luật pháp thì chỉ “sanh ra sự giận” (câu 15). Bản chất luật pháp chỉ dùng để chỉ ra tội lỗi, sai phạm mà không có tác dụng giúp người ta đắc thắng tội lỗi đó. Trước khi có luật pháp thì vẫn có tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng luật pháp định nghĩa tội lỗi, và làm cho tội lỗi trở thành “sự phạm luật pháp”. Luật pháp làm cho tội lỗi trở nên cụ thể và rõ ràng hơn. Do đó, không thể nhận được sự xưng công bình qua luật pháp.

 

Nhận biết sự xưng công bình mà chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời không đến từ luật pháp giúp chúng ta xóa bỏ mọi thành kiến về người khác khi làm chứng cho họ. Có nhiều khi chúng ta thành kiến khi gặp những người rất xấu xa, gian ác và cho rằng những người này không thể tin Chúa, không thể được cứu. Nhưng Chúa cứu một người không tùy thuộc vào tình trạng đạo đức của người đó, nhưng vào đức tin mà người đó đặt nơi Chúa Giê-xu.

 

Đối với chính mình, những khi thất bại, phạm tội hãy nhanh chóng chạy ngay đến với Chúa để ăn năn. Nhiều người nghĩ mình phải cố gắng sống tốt hơn thì Chúa mới chấp nhận mình, nhưng Đức Chúa Trời chấp nhận chúng ta vì Chúa Giê-xu đã chết thế cho chúng ta, do đó đừng trì hoãn, nhưng hãy chạy ngay đến với Chúa để nhận sự tha thứ và phục hồi (I Giăng 1:9).

 

“Vả, luật pháp đã xen vào, hầu cho tội lỗi gia thêm; nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa” (Rô-ma 5:20).

 

Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa vì con được cứu không phải nhờ công đức của con mà nhờ ân điển của Ngài. Xin cho con thật sự kinh nghiệm sự cứu rỗi của Chúa để sẵn sàng làm mọi việc lành.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 78:1-31.

 

Bài trướcDưỡng linh – Lời Cầu Nguyện Cho Năm Mới
Bài tiếp theoKhai Giảng Thánh Kinh Căn Bản Dài Hạn Tại Bình Thuận