Chuyện Đam Rông: Phần 1 – Tin Lành Tại “Vùng Đất Bị Rủa Sả”

7517

Trên hành trình tìm kiếm sự tự do để thờ phượng Chúa, dù được quy hoạch đến định cư tại khu vực mà người bản xứ gọi là “vùng đất bị rủa sả” – nơi mà điều kiện sống quá khắc nghiệt, với bệnh tật và những cái chết không rõ lý do đến nỗi không ai dám ở – nhưng sự hiện diện của cộng đồng H’Mông tin Chúa đã mang đến thôn 5 Rô-men (Đam Rông, Lâm Đồng) một sắc thái hoàn toàn mới, người dân sống mạnh khỏe, năng suất vụ mùa gia tăng, trở nên một minh chứng về quyền năng hiện diện của Đức Chúa Trời.

Bằng cách này hay cách khác, bất luận gặp thời hay không gặp thời thì Phúc Âm của Chúa hàng ngàn năm qua vẫn được truyền ra và tiếp tục lan rộng. Ngay cả ở những bản làng sâu xa với đường đi hiểm trở như vùng Tây Bắc, Chúa vẫn đem Phúc Âm của Ngài đến với nơi đây theo một cách rất đặc biệt, chẳng hạn qua chương trình phát thanh Tin Lành của đài Nguồn Sống.

Kể từ những năm đầu của thập niên 90, từ một vài gia đình người H’Mông biết đến Chúa qua việc nghe đài, Tin Lành đã nhanh chóng lan rộng ra khắp cộng đồng này ở các tỉnh như Hà Giang, Lai Châu… với hằng trăm người tin nhận Chúa tại mỗi bản làng.

Tin Lành đã tạo một tiếng vang trong khu vực, đặc biệt là lúc bấy giờ theo thống kê thì chưa thấy có ai lên truyền giáo cho vùng này. Và dĩ nhiên, đi kèm với tiếng vang đó là quá nhiều sự chú ý lẫn khó khăn, thách thức từ nhiều phía xảy ra đối với các tín hữu non trẻ tại đây. Cuối thập niên 90, những người còn đứng vững phải đối diện với một quyết định hết sức quan trọng, từ bỏ nhà cửa, đất đai đã gắn bó bao đời nay để đi tìm một vùng đất thuận lợi hơn, và để sống cho niềm tin của mình. Và một cuộc di cư lớn của cộng đồng người H’Mông đã diễn ra trong giai đoạn này.

Một trong số họ đã chọn vùng đất 179[i] thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng làm điểm đến. Tất cả ruộng đất, nhà cửa họ bán ở quê chỉ vừa đủ tiền thuê xe đi vào tới đây. Lúc mới đến họ phải căn bạt quanh những bụi tre và mượn mái tre làm mái nhà. Chúa sắm sẵn những củ mài[ii] mọc dọc theo bờ suối để nuôi sống gần 500 người lớn trong suốt giai đoạn đầu mới vào đây.

Không nhà cửa, không đất đai, những người H’Mông mới di cư vào chỉ có một con đường sống là đi làm mướn cho người dân bản địa. Những đồng tiền kiếm được họ chủ yếu dùng để mua gạo nấu ít cháo cho bọn trẻ, vì củ mài quá khó nuốt, chúng không thể ăn được.

Tuy phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, ở những nơi gượng ép lắm mới gọi là nhà, nhưng không lâu sau khi đặt chân tới 179, một căn nhà nguyện “khang trang” đã được dựng nên tại đây vào năm 2001 với vách bằng tranh, phủ bạt, mái được lợp bằng tole. Sở dĩ nói khang trang là vì so với nơi họ đang ở thì ngôi nhà nguyện đó là nơi tốt nhất họ có thể dâng lên cho Chúa.

Nhưng một lần nữa, sự xuất hiện của “nhóm người lạ” tại vùng đất mới này lại tiếp tục nhận được sự thu hút của mọi ánh nhìn. Tuy không bị “trục xuất” (như một số nhóm người khác gặp phải), nhưng cộng đồng người H’Mông tại 179 được quy hoạch đến một nơi mới với tên gọi “vùng đất bị rủa sả”. Địa điểm này hiện nay là Thôn 5 xã Rô-men thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Cái tên “vùng đất bị rủa sả” là do người dân bản xứ đặt, vì họ (người bản xứ) đã nhiều lần thử đến đây sinh sống nhưng đều không thể trụ được vì điều kiện sống quá khắc nghiệt, trời không mưa hoặc thường gặp những chuyện không may, khó lý giải, nhiều trẻ con bị chết do bệnh tật hoặc gặp tai nạn… Vì vậy những người dân bản xứ đã phải dọn đi nơi khác sinh sống, thậm chí mỗi khi có việc phải đi qua khu vực này thì họ đều đi vòng chứ không dám băng ngang qua. Mục đích của việc quy hoạch cộng đồng người H’Mông đến “vùng đất bị rủa sả” này là để họ phải đương đầu với những khó khăn tiềm ẩn và sẽ phải tự quay trở về nơi mình đã ra đi. Thậm chí khi nghe tin người H’Mông sẽ đến sống tại vùng đất này, những người bản xứ đã từng sống tại đó cũng khuyên họ “đừng phạm sai lầm”.

Giữa tình thế tiến thoái lưỡng nan đó, họ đã quyết định tiếp tục ở lại “vùng đất bị rủa sả” này, với niềm tin mãnh liệt vẫn hằng vang vọng bên tai (qua thiết bị radio): “Phàm nơi nào bàn chân các ngươi đạp đến, thì ta ban cho các ngươi” (Giô-suê 1:3).

Quả thật đúng như vậy, kể từ khi các con cái Chúa người H’Mông đến vùng đất này vào năm 2002, thôn 5 xã Rô-men đã được khoát trên mình một sắc thái hoàn toàn mới. Những sự rủa sả cũng “hết thời” trước sự chở che, ban ơn lạ lùng mà Đức Chúa Trời dành cho những con cái yêu dấu của Ngài. Giống như tuyển dân khi xưa, Đức Chúa Trời đã đoái xem những “gánh nặng” mà họ phải chịu và Ngài đã làm ơn cho họ giữa vùng đất cao nguyên này.

Điểm Nhóm Thôn 5 Rô-men

Đức Chúa Trời đã ban phước trên mọi việc tay họ làm. Trên cùng một thửa ruộng nhưng Chúa cho năng suất cao hơn 2-3 lần so với những người trước đây từng trồng. Trên nương rẫy thay vì chỉ trồng các loại cây ngắn ngày cho thu nhập thấp như bắp, mì… thì người H’Mông trồng những cây lâu năm như cà phê, tiêu, sầu riêng… để có thu nhập cao hơn. Sau 17 năm kể từ khi đặt chân đến “vùng đất bị rủa sả”, bởi sự chăm chỉ làm việc trong ơn Chúa ban, giờ đây con cái Chúa người H’Mông hầu như đã “làm chủ” hầu hết các thửa đất ở khu vực này. Mỗi gia đình đều có 2-3 héc-ta cà phê làm vốn, trồng xen canh với cây hồ tiêu và sầu riêng. Từ phận làm thuê khi mới vào, giờ đây mỗi mùa cà phê họ đi thuê người khác thu hoạch cho mình. Cái đói đã bị đẩy lùi hoàn toàn khỏi vùng đất vốn bị “rủa sả” này.

Sân cà phê đang phơi của một tín hữu H’Mông

Chúa cũng gìn giữ, chăm lo sức khỏe của từng người một cách thật diệu kỳ. Đặc biệt là trong suốt những năm qua, người H’Mông vẫn còn thói quen sinh con tại nhà (hoặc dù có muốn đến trạm xá cũng không thể), nhưng Chúa gìn giữ để không có một trường hợp nào phải tử vong. Không theo một quy ước chung, không có những hộp sữa hay thực phẩm bổ sung có thương hiệu…, nhưng từng đứa trẻ một được lớn lên trong sự nâng niu của chính Đấng Sáng Tạo yêu thương.

Và điều đặc biệt nhất đó là họ được vui thỏa trong sự thờ phượng Chúa, nguyên cớ dẫn họ đến với vùng đất vốn đầy những thách thức này. Với hơn 95% dân số trong thôn là tín hữu Tin Lành, Hội Thánh nhóm lại 2 lần mỗi tuần với hơn 800 người, 8 lớp Trường Chúa nhật dành cho các lứa tuổi, những ngôi nhà nguyện “khang trang” lần lượt được xây dựng, ban đầu là ngôi nhà nguyện bằng tre, sau đó là ngôi nhà nguyện bằng gỗ được trau chuốt tỉ mỉ. Khi đến một bản làng của cộng đồng tín hữu người H’Mông thì ngôi nhà khang trang nhất chúng ta nhìn thấy luôn là Nhà Chúa!


Những căn nhà nguyện khang trang ngay giữa núi rừng

Giờ đây những âm thanh vang vọng trên vùng đất Rô-men này không còn là những tiếng rủa sả, nhưng là những bài thánh ca được vang vọng từ những ngôi nhà mộc mạc, từ ngôi nhà nguyện đẹp đẽ bởi những con người với đức tin đơn sơn nhưng kinh nghiệm quá nhiều những việc lớn Chúa làm.

Những tiếng vang về sự cởi mở và ơn phước Chúa ban tại vùng đất mới đã thấu đến tai của những người H’Mông tại vùng Tây Bắc. Không lâu sau đó, vào năm 2003 đã có 9 bản làng khác di cư vào vùng Đam Rông này với hơn 2.500 người. Họ vẫn ở đó cho tới ngày nay, nhưng vì vào sau nên họ phải ở những vùng sâu xa hơn và hiện vẫn còn phải đối diện với quá nhiều những thách thức mà dường như vẫn chưa tìm ra giải pháp…


Mời quý vị đón đọc những điều đó trong phần 2 của ký sự này.

Uỷ ban Y tế – Xã hội Tổng Liên Hội

Ghi chú:

[i] Tiểu khu 179 thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, đây là nơi có đông người H’Mông từ miền Bắc di cư vào.
[ii] Củ mài: Củ mài, Củ chụp hay khoai mài, hoài sơn là một loại lương thực dùng để chống đói trong lúc hạn hán, đói kém và là một loại thuốc Đông y.

Chúng tôi kêu gọi quý tôi con Chúa gần xa cùng đồng công với UB.YT-XH trong các công tác này. Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ với UB.YT-XH:
Số 633 đường Ba Tháng Hai, Phường 8, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028-395-75253
Email: somedco@gmail.com

Thông tin chuyển khoản:
Tên: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN)
STK: 007 100 495 4044
Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh TP.HCM
Nội dung chuyển tiền: UB. YT-XH – Hỗ trợ Đam Rông

Bài trướcCần Thơ: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm & Chấp sự Đầu Năm 2020
Bài tiếp theoChăm Về Lợi Người Khác – 14/1/2020