Bài giảng của Mi-chê nhắm đến những người lãnh đạo về chính trị cũng như tôn giáo: họ là các quan trưởng, các thầy tế lễ hay các nhà tiên tri. Đối với Mi-chê thì đây là 3 thành phần lãnh đạo được Chúa thiết lập. Trước tiên thầy tế lễ lãnh đạo về phương diện thuộc linh. Nhiệm vụ chính của thầy tế lễ là đại diện cho dân sự của Đức Chúa Trời, dạy dỗ họ Lời Ngài, trả lời các thắc mắc, nêu gương sáng bằng cách thực hành những gì mình dạy.
Tiên tri lãnh đạo về phương diện đạo đức. Vai trò của tiên tri là khích lệ các thầy tế lễ dạy Lời Chúa và khích lệ dân chúng tuân giữ Lời Ngài. Điều nầy được thấy rõ ràng khi các thầy tế lễ suy đồi và dân sự sống phóng túng. Vì thế Mi-chê cho rằng các tiên tri cũng chịu trách nhiệm về tình trạng băng hoại đạo đức của quốc gia.
Thành phần lãnh đạo thứ ba đó là các bậc cầm quyền, họ là những người chịu trách nhiệm thực thi luật của Đức Chúa Trời đã được công bố bởi thầy tế lễ hay tiên tri.
Sứ đồ Phao-lô nói trong Rô-ma 13 rằng các bậc cầm quyền là những người phục vụ Đức Chúa Trời. Có đến 3 lần Phao-lô nhắc đến ý nầy. Lời Chúa dạy chúng ta phải vâng phục những người cầm quyền vì không phải họ thi hành luật pháp cách vô cớ. Nếu ai đó vi phạm luật pháp thì họ sẽ sử dụng đến quyền hành để trừng trị. Gươm mà Phao-lô nói ở đây có thể là chiếc còng, phạt vạ, nhà tù, hoặc bị tử hình…, nó chỉ về biện pháp đối với những kẻ phạm luật.
Kinh Thánh rất quan tâm đến các nhà lãnh đạo chính trị và xem quyền hành của họ đến từ Đức Chúa Trời. Mi-chê trình bày ba thành phần trong giới lãnh đạo. Thầy tế lễ là giới lãnh đạo thuộc linh, họ dạy Lời Chúa, thay mặt cho dân sự mà cầu thay với Đức Chúa Trời, họ phải nêu gương sáng trong việc áp dụng Lời Đức Chúa Trời vào cuộc sống. Tiên tri là người rao giảng Lời Chúa, khuyến khích mọi người tuân giữ những gì thầy tế lễ đã dạy. Thành phần thứ ba là các bậc cầm quyền, họ thực thi những gì được thầy tế lễ và tiên tri của Đức Chúa Trời giảng dạy.
Xin chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa trong Mi-chê 3
1 Vậy nên ta nói rằng: Các trưởng của Gia-cốp và các ngươi là kẻ cai trị nhà Y-sơ-ra-ên, hãy nghe! Há chẳng phải các ngươi nên biết sự công nghĩa sao?
2 Vả, các ngươi ghét điều lành, ưa điều dữ; lột da của những kẻ nầy và róc thịt trên xương chúng nó.
3 Các ngươi ăn thịt của dân ta, lột lấy da và bẻ lấy xương, xé ra từng mảnh như sắm cho nồi, như là thịt ở trong chảo.
4 Bấy giờ chúng nó sẽ kêu cùng Đức Giê-hô-va, nhưng Ngài không trả lời. Phải, Ngài sẽ giấu mặt khỏi chúng nó trong lúc ấy theo như những việc dữ chúng đã làm.
5 Nầy là lời Đức Giê-hô-va phán ra về các kẻ tiên tri làm lầm lạc dân ta, là kẻ cắn bằng răng mình, và rao rằng: Bình an! và nếu ai không cho vật gì vào miệng chúng nó thì sửa soạn sự chiến tranh nghịch cùng nó.
6 Vì cớ đó, ban đêm sẽ ở trên các ngươi mà không có sự hiện thấy; các ngươi sẽ ở trong tối tăm mà không nói tiên tri; mặt trời sẽ lặn trên các tiên tri đó, và ban ngày sẽ tối đi chung quanh họ.
7 Những kẻ tiên kiến sẽ phải xấu hổ, và những kẻ tiên tri sẽ bị nhuốc nha. Hết thảy đều che môi lại, vì chẳng được lời đáp nào của Đức Chúa Trời.
8 Nhưng ta, ta được đầy dẫy sức mạnh, sự xét đoán, và lòng bạo dạn, bởi Thần của Đức Giê-hô-va, để rao ra cho Gia-cốp về sự phạm pháp nó, cho Y-sơ-ra-ên về tội lỗi nó.
9 Hỡi các trưởng của nhà Gia-cốp, và các ngươi là kẻ cai trị nhà Y-sơ-ra-ên, hãy nghe điều nầy, các ngươi gớm sự chánh trực, và làm bại hoại sự bằng phẳng.
10 Các người lấy huyết xây thành Si-ôn, và lấy sự gian ác xây thành Giê-ru-sa-lem.
11 Các quan trưởng xét đoán vì của hối lộ, các thầy tế lễ dạy dỗ vì tiền công, còn các kẻ tiên tri nói tiên tri vì bạc; rồi chúng nó nương cậy Đức Giê-hô-va mà rằng: Đức Giê-hô-va há chẳng ở giữa chúng ta sao? Tai vạ sẽ chẳng đến trên chúng ta!
12 Vậy nên, vì cớ các ngươi, Si-ôn sẽ bị cày như ruộng; Giê-ru-sa-lem sẽ trở nên đống đổ nát, và núi của nhà sẽ trở nên như nơi cao trong rừng!
Mi-chê đã thẳng thắn quở trách những người cầm quyền lúc bấy giờ vì họ nhận của hối lộ mà làm thiên lệch công lý. Đây là điều rất phổ thông trong nhiều hệ thống chính quyền. Nếu nộp một hồ sơ cho một công việc nào đó mà không có phong bì đi kèm thì rất khó và rất lâu mới được chấp thuận. Rất nhiều nơi trên thế giới hệ thống chính quyền đã trở nên suy đồi, biển thủ công quỉ, hối lộ… Mi-chê cáo buộc những người cầm quyền vì tội nầy. Mi-chê nói rằng, “Họ xét xử vì phần thưởng.” Họ nhận tiền một cách lén lút.
Sau đó Mi-chê quở trách những người lãnh đạo thuộc linh. Họ đã giảng đạo vì tiền. Nói cách khác họ không phải được Đức Chúa Trời kêu gọi để làm thầy tế lễ họ chỉ làm việc nầy như một nghề nghiệp chuyên môn. Mi-chê cho biết thầy tế lễ không phải là một nghề để kiếm sống như những nghề khác. Thầy tế lễ là những người đã được tuyển chọn từ chi phái Lê-vi. Theo Hê-bê-rơ 5 thì thầy tế lễ phải được Đức Chúa Trời kêu gọi.
Có vị Mục sư từng quản nhiệm một hội thánh lớn nói rằng, “Cho dầu quí vị trả lương cho tôi 500.000 đô-la, tôi cũng không nhận công việc nầy, nhưng vì Đức Chúa Trời đã kêu gọi nên tôi sẽ hầu việc Ngài tại đây mà không đòi hỏi gì cả.” Đây là thái độ của một người được Chúa kêu gọi. Nếu là người tin kính, họ sẽ không nghĩ về việc phải có một mức lương tương xứng với những gì họ làm vì Chúa đã kêu gọi họ vào thiên chức đó. Phần của các tín hữu trong Hội Thánh thì nên đáp ứng những nhu cầu cho tôi tớ Chúa để họ được thảnh thơi dành hết tâm lực chăm lo phục vụ Hội Thánh Đức Chúa Trời. Một người được Chúa kêu gọi sẽ không nghĩ về lợi lộc, người đó sẽ không so sánh mức lương của mình với những người làm nghề khác. Một khi thầy tế lễ trở nên bội đạo thì họ hành chức vì tiền và chức vụ trở thành một nghề nghiệp chuyên môn. Mi-chê giận về tình trạng thế tục hóa xảy ra trong giới thầy tế lễ .
Mi-chê cũng quở trách các tiên tri là những người nói những sự hiện thấy vì tiền. Đây là những lời cáo buộc rất nặng dành cho các tiên tri. Với những người cầm quyền thì Mi-chê tố cáo họ nhận của hối lộ cách lén lút. Với thầy tế lễ ông tố cáo họ hành chức như một nghề nghiệp chuyên môn, họ đã làm mọi việc cách trôi chảy nhưng với một động cơ sai trật. Tuy nhiên đến phiên các tiên tri thì Mi-chê đã quở trách nặng hơn nhiều. Ông không nói họ nói tiên tri vì tiền nhưng ông cáo buộc rằng họ đã dựng lên điều nầy điều kia để nói tiên tri vì tiền. Các tiên tri giống như những thầy phù thủy, ma thuật. Gieremi cũng buộc tội tương tự như vậy, “Hãy để cho những tiên tri chiêm bao nói những điềm chiêm bao của mình, hãy để những tiên tri giảng Lời Chúa, công bố Lời Ngài.” Mi-chê và Giê-rê-mi rất bất bình vì một số các tiên tri đã nói tiên tri theo ý họ, xuất phát từ những điềm tiên tri của riêng họ.
Thử tượng tượng bầy chiên của Đức Chúa Trời đến nhà Chúa để thờ phượng, họ khao khát và trông mong được bồi bổ tâm linh bằng Lời Chúa, nhưng đáng buồn là họ không được nuôi dưỡng phần tâm linh gì cả. Đây là mối băn khoăn của Mi-chê.
Thầy tế lễ dạy đạo vì tiền, các tiên tri cũng nói tiên tri vì tiền nên dân sự của Chúa không nghe được Lời Đức Chúa Trời. Những người cầm quyền cũng vì đó mà sa đọa. Ê-sai và Mi-chê là những người sống đồng thời, họ có những điểm tương đồng với nhau trong sự giảng dạy. Cả hai đều quan tâm đến chánh quyền. Ê-sai nhấn mạnh đến Ngôi của Đức Chúa Trời và việc Ngài cai trị thế giới nầy. Cả Kinh Thánh đều cho biết rằng Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị tuyệt đối. Nê-bu-cát-nết-sa hoàng đế của Ba-by-lôn được cho biết rằng ông sẽ bị hạ xuống như một loài thú cho đến khi nhận biết Đấng rất cao cai trị trên thế giới loài người và Ngài muốn cho ai tùy ý. Đây là điều mà Chúa muốn cho vị hoàng đế của đế quốc Ba-by-lôn phải nhận thức. Ê-sai hiểu điều đó, Ê-sai biết rằng Đức Chúa Trời ban quyền cai trị cho những người Ngài chọn.
Mi-chê cùng chia sẻ tư tưởng nầy. Những người lãnh đạo chính quyền phải hành sử đúng trong mối tương quan với Đức Chúa Trời, nếu họ suy thoái về mặt đạo đức thì chương trình của Đức Chúa Trời cho chính quyền đó cũng bị sụp đổ.
Khi học về bài giảng thứ nhì của Mi-chê, chúng ta sẽ thấy điều mà Mi-chê muốn lên tiếng đó là: một khi các viên chức chính quyền hối lộ, dân chúng sẽ mất tin tưởng. Một khi thầy tế lễ dạy đạo vì tiền thì dân chúng trở nên bội đạo. Dân chúng không còn ý niệm gì về lãnh vực thuộc linh và đời sống tâm linh của họ sẽ chết dần chết mòn. Tình trạng nầy được Ô-sê nói như sau, “Thầy tế lễ thế nào thì dân chúng thế ấy.” Nếu một tiên tri không rao giảng Lời Đức Chúa Trời và khích lệ mọi người sống theo Lời Chúa thì dân chúng sẽ suy thoái đạo đức và chính quyền sẽ tan rã.
Trọng tâm của bài giảng thứ hai nhắm vào giới lãnh đạo chính quyền. Mi-chê nói về hệ thống chính quyền được Chúa lập nên. Khi thật sự hiểu bài giảng thứ hai của Mi-chê, chúng ta sẽ quan tâm đến các vấn đề của chính quyền. Một số tín hữu nói rằng, “Tôi không muốn nghĩ đến chính trị, tôi muốn dẹp nó qua một bên.” Dường như những người nầy cho rằng Cơ đốc nhân không nên bận tâm đến chính trị và công việc điều hành quốc gia. Mi-chê không chấp nhận thái độ đó, ông cho biết Đức Chúa Trời thiết lập hệ thống chính quyền và Ngài làm việc qua chính quyền đó. Theo Mi-chê không những Chúa quan tâm đến thành phần lãnh đạo thuộc linh và đạo đức như những thầy tế lễ và các tiên tri mà Chúa còn quan tâm đến những người làm việc trong guồng máy chính quyền nhất là trong trường hợp họ không hành xử đúng như điều họ phải hành sử.
Mọi chi tiết mà Mi-chê đề cập liên quan đến chính quyền chuẩn bị cho lời tiên tri về Đấng Mê-si trong Mi-chê 5:2. Nếu Đa-ni-ên là tiên tri nói chính xác về thời điểm Đấng Mê-si sẽ ra đời , thì Mi-chê là tiên tri duy nhất cho biết Ngài sẽ sinh ra tại đâu.
1 Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.
2 Vậy nên Ngài sẽ phó chúng nó cho đến lúc người đờn bà phải sanh đẻ đã sanh đẻ, và kẻ sót lại của anh em Ngài sẽ trở về với con cái Y-sơ-ra-ên.
3 Ngài sẽ đứng vững, và sẽ cậy sức mạnh của Đức Giê-hô-va với oai vọng của danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình mà chăn bầy của mình; và chúng nó sẽ ở yên, vì nay Ngài sẽ làm lớn cho đến các đầu cùng đất.
Khi vua Hê-rốt hỏi những người lãnh đạo tôn giáo đương thời rằng “Đấng Mê-si, vua dân Giu-đa phải sanh tại đâu?” thì họ đã trích dẫn Mi-chê 5:2 và cho biết, “Tâu vua tại Bết-lê-hem.”
Mi-chê nói một ít về sự bất tuân của dân sự Đức Chúa Trời trong bài giảng đầu tiên. Ông cho biết Đức Chúa Trời sẽ sửa phạt họ cách công khai để tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài không chấp nhận thái độ không vâng lời của họ. Mi-chê quở trách nặng hơn đối với những người cầm quyền vì cớ tình trạng biến chất của họ.
Trong bài giảng thứ nhì, Mi-chê nói trước rằng Ba-by-lôn sẽ đến và tấn công người Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên ông trấn an họ rằng sau khi Chúa sửa phạt họ thì Ngài sẽ khôi phục họ. Một phần khác trong bài giảng thứ hai đó là lời tiên tri về Đấng Mê-si. Mi-chê cho biết rằng Đấng Christ sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem. Đây là hy vọng của người Do Thái nói riêng và cũng là hy vọng của mọi người trên thế giới nói chung. Một phần của lời tiên tri nầy đã được ứng nghiệm trong quá khứ nhưng phần còn lại sẽ được ứng nghiệm trong tương lai.
Kính thưa quí thính giả, dầu cho những khó khăn đang vây quanh quí vị, dầu cho Chúa đang sửa phạt quí vị thì Ngài vẫn yêu quí vị và có một mục đích cho đời sống của quí vị. Xin hãy đến với Chúa, Ngài sẽ dẫn dắt mọi bước đường tương lai của quí vị và ban cho quí vị hy vọng thật.
Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới