Bài 159: Sách Mi-chê, VỊ TIÊN TRI XUẤT THÂN TỪ MIỀN SƠN CƯỚC
2 Hỡi hết thảy các dân, hãy nghe! Hỡi đất và mọi vật chứa trên đất, hãy lắng tai! Nguyền xin Chúa Giê-hô-va từ đền thánh Ngài, nguyền xin Chúa làm chứng nghịch cùng các ngươi!
3 Vì nầy, Đức Giê-hô-va ra từ chỗ Ngài, xuống và đạp trên các nơi cao của đất.
4 Các núi sẽ tan chảy dưới Ngài, các trũng sẽ chia xé; như sáp ở trước lửa, như nước chảy xuống dốc.
5 Cả sự đó là vì cớ sự phạm pháp của Gia-cốp, và vì cớ tội lỗi của nhà Y-sơ-ra-ên. Sự phạm pháp của Gia-cốp là gì? Há chẳng phải là Sa-ma-ri sao? Các nơi cao của Giu-đa là gì? Há chẳng phải là Giê-ru-sa-lem sao?
6 Vậy nên ta sẽ khiến Sa-ma-ri nên như một đống đổ nát ngoài đồng, như chỗ trồng nho; và sẽ làm cho những đá của nó lăn xuống trũng, và những nền ra trần trụi.
Phần Kinh Thánh trên là của tiên tri Mi-chê, ông là một trong các vị tiểu tiên tri. Các vị tiểu tiên tri đều là những người có tài rao giảng Lời Chúa. Mi-chê là một trong những người đó.
Sách Mi-chê mở đầu với các chi tiết lịch sử. Ông sống và rao giảng dưới thời của Giô-tham, A-cha, Ê-xê-chia. Nhiều vị tiên tri đã hầu việc Chúa dưới thời vua Ô-xia. Trong những năm cuối của mình thì Ô-xia vì bị bịnh phung nên cùng cai trị với con là Giô-tham. Ê-xê-chia là vị vua tốt. Giô-tham tương đối tốt, nhưng A-cha là vua gian ác. Các chi tiết lịch sử nầy cho biết rằng Mi-chê sống và hành chức khoảng 100 năm trước cuộc lưu đày của người Giu-đa. Đây cũng là thời điểm mà vương quốc phía bắc sụp đổ. Mi-chê là người đồng thời với Ê-sai và Ô-sê.
Vì cớ sự gian ác của A-cha mà tình trạng đạo đức, xã hội, thuộc linh trở nên băng hoại. Mi-chê nhắm thẳng vào thành phần lãnh đạo quốc gia. Ông cùng với Ê-xê-chi-ên, Giê-rê-mi và nhiều tiên tri khác nêu lên trách nhiệm của những người lãnh đạo thuộc linh và chính quyền.
Mi-chê và A-mốt có điểm giống nhau. A-mốt là người chăn chiên hái trái vả, còn Mi-chê được xem là thanh niên lớn lên giữa vùng sơn cước. Dầu xuất thân từ vùng thôn quê, nhưng ông được kêu gọi để giảng cho cả hai thủ đô Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem. Sa-ma-ri là thủ đô của nước Y-sơ-ra-ên phía bắc gồm 10 chi phái. Giê-ru-sa- lem là thủ đô của nước Giu-đa ở phía nam gồm hai chi phái là Giu-đa và Bên-gia-min. Mọi tiên tri ngoại trừ Ô-sê và A-mốt đều hành chức ở vương quốc Giu-đa phía nam. Mi-chê là một trường hợp ngoại lệ, ông hành chức ở cả hai miền. Ông đã giảng những bài giảng đầy ơn tại đó.
Khi học về lịch sử trong Kinh Thánh cũng như lịch sử của Hội Thánh, chúng ta sẽ thấy thật thú vị khi xem cách Đức Chúa Trời làm việc. Những gì Chúa làm đáng kinh ngạc vì cách của Ngài không giống như cách của con người. Trong thời kỳ phấn hưng tại nước Anh, Chúa dùng anh em Wesley và George Whitfield là những người trí thức tốt nghiệp đại học Oxford. Họ đã đem lại cuộc phấn hưng làm thay đổi lịch sử của nước Anh. Những người trí thức nầy giảng cho quảng đại quần chúng, cho người bình dân trong xã hội. Khoảng 100 năm sau đó Chúa xức dầu và đại dụng một người tên là Moody, ông chỉ là người bán giày mà thôi. Chức vụ của Moody đã ảnh hưởng sâu sắc đến nước Mỹ, đem bao nhiêu ngàn người trở về cùng Chúa mặc dầu chữ nghĩa văn phạm của ông rất kém. Khi mới nghe ông nói thì ai cũng có cảm tưởng là ông vừa mới rời khỏi nông trại, thế nhưng chỉ sau khoảng 5 phút, khán giả không còn để ý đến văn phạm của ông nữa. Họ có cảm tưởng là một giọng nói khác chớ không còn của Moody, hay nói cách khác, Thánh Linh xức dầu trên bài giảng của ông. Chức vụ của ông đem lại kết quả thật lớn lao. Moody một người thất học thế nhưng Chúa dùng để giảng cho các sinh viên tại Oxford và Cambridge. Chúng ta nghĩ rằng nếu Wesley giảng cho những người trí thức và Moody giảng cho người bình dân là điều hợp lẽ, nhưng đây không phải là cách của Đức Chúa Trời.
Sứ đồ Phao-lô là một vị sứ đồ duy nhất được giáo dục về thần học. Ông từng là Ra-bi, được học với Ga-ma-li-ên nghĩa là ông hấp thụ kiến thức thần học tốt nhất lúc bấy giờ. Có phải Chúa sai ông đến với các Ra-bi không? Không phải như vậy. Chúa sai ông đến với dân ngoại là người không biết gì về thần học cả. Chúa sai ai đến với các Ra-bi? Những người đánh cá thất học như Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ, Giăng. Họ thậm chí không biết đọc nữa. Những người lãnh đạo giáo quyền và chính quyền lúc bấy giờ kinh ngạc về sự khôn ngoan can đảm lạ thường của Phi-e-rơ và những sứ đồ khác vì họ thừa biết đây là những người thất học. Thế nhưng họ công nhận một sự kiện là những sứ đồ nầy đã từng sống với Chúa Jêsus. Đây là lý do mà họ không sao giải thích được.
Moody đã có một chức vụ rất thành công tại Hoa Kỳ. Khi ông cảm nhận rằng Chúa sai mình đến nước Anh thì nhiều người tiên đoán rằng ông sẽ thất bại tại đó. Theo họ thì “Ông có thể giảng cho những người bình dân ở những miền quê Hoa kỳ, nhưng tại nước Anh chẳng ai thèm nghe ông.” Moody có người nhạc sĩ và ca sĩ tháp tùng tên là Ira Sankey. Những nhà truyền giáo lớn đều có những ca sĩ góp phần trong chương trình truyền giảng của họ. Thường thì Moody đứng dậy và đọc lời Chúa rồi ngồi xuống. Sankey đứng lên hát. Sau đó Moody giảng. Đêm đầu tiên tại nước Anh, Moody đọc khúc Kinh Thánh trong Luca 15. Sankey ngồi tại cây đàn cảm tác ngay và hát bài “Kìa chín mươi chín con chiên” Phần lớn chúng ta đều quen bài nầy. Đây là bài hát nói về người chăn có 100 con, 99 con ở bình an trong chuồng, nhưng có một con đi lạc. Thánh Linh hành động và khi Moody đứng lên giảng thì hàng trăm người bày tỏ lòng ăn năn. Sau đó Moody được mời giảng khắp nước Anh và tại hai đại học nổi tiếng là Oxford và Cambridge. Thật kinh ngạc về cách Chúa dùng người của Ngài. Mi-chê là một trường hợp tương tự, thanh niên lớn lên ở vùng thôn dã được Chúa sai đi giảng tại hai thủ đô Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem.
Chúng ta sẽ cùng nhau học về những bài giảng của chàng thanh niên miền sơn cước cũng là tiên tri của Đức Chúa Trời. Sách của Mi-chê gồm 7 chương, có 3 bài giảng quan trọng. Mặc dầu giảng cho người Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, nhưng bài giảng đầu tiên của Mi-chê là cho mọi người trên thế giới nầy. Mi-chê cho biết Chúa sẽ sửa phạt Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem. Những người nghiên cứu về tiếng Hê-bê-rơ cho biết bài giảng của Mi-chê rất hay rất sắc sảo. Tuy nhiên vì giới hạn của việc dịch thuật nên chúng ta không thể thấu hết được ưu điểm của nó. Khi đến phần trọng tâm của sứ điệp dành cho mọi người thì Mi-chê nói rằng, (Mi-chê 1)
8 Vậy nên ta sẽ khóc lóc và thở than, cởi áo và đi trần truồng. Ta sẽ kêu gào như chó rừng, và rên siếc như chim đà.
9 Vì vết thương của nó không thể chữa được; nó cũng lan ra đến Giu-đa, kịp đến cửa dân ta, tức là đến Giê-ru-sa-lem.
10 Chớ rao tai nạn nầy ra trong Gát! Chớ khóc lóc chi hết! Tại Bết-Lê-Áp-ra, ta lăn-lóc trong bụi đất.
11 Hỡi dân cư Sa-phi-rơ, hãy ở trần truồng, chịu xấu hổ mà qua đi! Dân cư Xa-a-nan không bước ra. Người Bết-Hê-xen khóc than, làm cho các ngươi mất chỗ đứng chơn.
12 Dân cư Ma-rốt lo lắng mà trông đợi phước lành, bởi tai vạ từ Đức Giê-hô-va sai xuống đã tới cửa Giê-ru-sa-lem.
Những người nghiên cứu Hê-bê-rơ cho biết Mi-chê đã dùng lối chơi chữ trong bài giảng của ông. Chẳng hạn chữ Sa-phi-rơ có âm giống như chữ xinh đẹp theo tiếng Hê-bê-rơ, thế nhưng tại đây Mi-chê nói: Hỡi dân cư Sa-phi-rơ, hãy ở trần truồng, chịu xấu hổ mà qua đi! Xa-a-nan nghĩa là đi ra thì ở đây Mi-chê cho biết, ! Dân cư Xa-a-nan không bước ra. Bết-Hê-xen chỉ về nền tảng nhưng tại đây Người Bết-Hê-xen khóc than, làm cho các ngươi mất chỗ đứng chơn. Chắc chắn bài giảng của Mi-chê tạo ấn tượng mạnh trên người nghe.
Tóm lại trong bài giảng đầu tiên dành cho mọi người, Mi-chê cho biết theo ý định của Đức Chúa Trời là Chúa phải được tôn vinh qua dân sự của Ngài. Qua con dân của Chúa mà Đức Chúa Trời bày tỏ cho cả thế giới biết Ngài là Đấng như thế nào. Tại sao Chúa tạo dựng nên loài người chúng ta? Không phải vì Chúa cần có mối liên hệ với con người. Không phải vì Ngài cô đơn. Nhưng theo Kinh Thánh thì Chúa tạo nên con người để qua họ mà phản ánh bản chất của Ngài cho muôn loài thọ tạo. Đó là lý do vì sao Chúa tạo nên con người.
Khi Chúa tuyển chọn người Hê-bê-rơ thì đây là mục đích của Ngài dành cho họ. Theo ý định của Đức Chúa Trời thì người Hê-bê-rơ sẽ là dân tộc phản ánh bản chất của Đức Chúa Trời. Thế nhưng vào thời Mi-chê tình trạng đạo đức và thuộc linh suy đồi. Họ không phản ánh vinh quang của Ngài. Vì thế sứ điệp đầu tiên của Mi-chê dành cho mọi người được tóm tắt thế nầy: Ý muốn của Đức Chúa Trời là dân Y sơ ra ên sẽ phản ánh bản chất của Ngài, nhưng họ đã không sống theo ý Chúa. Dẫu vậy Ngài vẫn hoàn thành mục đích của Ngài qua họ. Mi-chê cho biết Chúa sẽ sửa phạt họ trước sự chứng kiến của các quốc gia khác.
Có một thời mà các em học sinh nghịch ngợm bị thầy cô giáo thi hành kỷ luật trước lớp. Hành động nầy là một gương nhằm cảnh cáo những em khác. Một số quốc gia cũng thi hành án treo cổ trước sự chứng kiến của mọi người nhằm răn đe những người vi phạm luật pháp. Tóm lại những hình phạt được thi hành công khai nhằm cảnh cáo và răn đe người khác.
Trên căn bản thì đây là những gì Mi-chê muốn nói đến trong bài giảng đầu tiên của ông. Mi-chê cho biết Chúa sẽ cho phép người A-si-ry xâm lăng vương quốc phía bắc, người A-si-ry sẽ là con roi Chúa dùng để sửa phạt vương quốc phía bắc của Y-sơ-ra-ên. Cả thế giới sẽ chứng kiến ngọn roi đó giáng xuống, và họ sẽ nhận được sự mặc khải về ý muốn của Đức Chúa Trời cho dân sự của Ngài. Thế giới sẽ biết được là Chúa muốn dân sự của Ngài phải sống cách xứng đáng. Mọi người sẽ hiểu được sứ điệp của Chúa khi họ thấy Chúa dùng người A-si-ry để quét sạch người Y-sơ-ra-ên. Họ sẽ biết là Chúa muốn điều gì nơi tuyển dân của Ngài.
Mi-chê cũng rao giảng sứ điệp nầy cho vương quốc phía nam. Ông cho biết là cuộc xâm lăng của người Ba-by-lôn sẽ đến. Mi-chê cùng với Ê-sai nói trước về việc dân Giu-đa sẽ bị lưu đày tại Ba-by-lôn 100 năm trước khi đế quốc Ba-by-lôn hiện hữu. Mi-chê cũng tham gia với Ê-sai nói trước việc lưu đày đến 150 năm. Mi-chê cho biết là Chúa sẽ dùng người Ba-by-lôn như biện pháp để Ngài quét sạch họ trước sự chứng kiến của thế giới.
Cả sứ điệp của Mi-chê trong bài giảng đầu tiên có thể được tóm tắt như sau: Mục đích của Chúa khi chọn tuyển dân Y-sơ-ra-ên là qua họ mà thế giới biết đến bản chất của Đức Chúa Trời. Tiếc thay họ không làm trọn điều nầy bằng đời sống tin kính và thánh thiện, nên Chúa nói với dân Y -sơ-ra-ên qua Mi-chê rằng, “Dầu tích cực hay tiêu cực, ngươi vẫn phản chiếu Ta là Đấng như thế nào khi ta sửa phạt các ngươi trước sự chứng kiến của mọi quốc gia khác.” Đây là nội dung căn bản của bài giảng nầy. Trong bài giảng đầu tiên nầy Mi-chê đã dùng lối chơi chữ rất độc đáo. Nếu hiểu được tiếng Hê-bê-rơ, chúng ta sẽ thấy tài năng của Mi-chê khi ông công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời.
Giống như các vị tiên tri khác, Mi-chê kết thúc bài giảng của ông với sứ điệp tươi sáng đó là sự hồi hương từ xứ lưu đày Ba-by-lôn và đi xa hơn là sự khôi phục cuối cùng về vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc và Giu-đa phía nam. Dĩ nhiên Mi-chê nói trước rằng việc khôi phục nầy diễn ra vào thời kỳ cuối cùng khi mà người Do Thái được trở về từ xứ lưu đày.
Lần đến chúng ta sẽ tìm hiểu về những lời tiên tri có liên quan đến Chúa Cứu Thế Jesus qua sách tiên tri Mi-chê. Kính mời quí vị đón xem.
Nguồn: Nguồn Đài Xuyên Thế Giới