Bài 142: Sách Đa-ni-ên, Cuộc Giằng Co Giữa Người Tin Chúa và Người Không Tin

2298

Khi nghe lịnh hành quyết được công bố, Đa-ni-ên đã can đảm trình bày với viên quan rằng chàng sẽ nói cho vua biết những gì vua đã chiêm bao và giải thích điềm chiêm bao đó. Ba người bạn kinh ngạc hỏi Đa-ni-ên, “Anh có biết vua chiêm bao về điều gì không?” Đa-ni-ên trả lời, “Thật tình thì tôi chẳng biết gì cả, bây giờ chúng ta phải họp nhau để cầu nguyện”. Đa-ni-ên và 3 người bạn cầu nguyện suốt đêm. Trong khi họ cầu nguyện thì Đức Chúa Trời bằng quyền phép siêu nhiên đã mặc khải giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa cho Đa-ni-ên và đồng thời cũng cho ông biết ý nghĩa của điềm chiêm bao đó. Đa-ni-ên được đem đến trình diện nhà vua, vua nói rằng, “Ta biết rằng ngươi có thể nói cho ta biết điềm chiêm bao”. Đa-ni-ên trả lời, “Thưa bệ hạ, tôi không thể làm được điều đó. Không một người nào trên đất nầy có thể làm được, nhưng chỉ có một mình Đức Chúa Trời ở trên trời có thể làm được mà thôi. Ngài là Đức Chúa Trời ngự trị trên trời và Ngài cũng ngự trong con người. Đây là chỗ mà các nhà thông thái của vua đã sai. Đấng ngự trên nơi cao cũng là Đấng đang ngự trong tôi, Ngài đã tỏ cho tôi biết được những gì vua chiêm bao và ý nghĩa của điềm chiêm bao đó. Thưa bệ hạ, đây là nội dung và ý nghĩa điềm chiêm bao của bệ hạ”. Rồi Đa-ni-ên thuật lại và giải thích.

 Nê-bu-cát-nết-sa sấp mặt xuống, từ đó trở đi, ông luôn luôn xem Đa-ni-ên như là người có Thần của Đức Chúa Trời. Bên-xát-xa con của Nê-bu-cát-nết-sa, hoàng hậu trong thời của Bên-xát-xa và ngay cả Đa-ri-út người Mê-đi cũng xem Đa-ni-ên là người mà Thần của Đức Chúa Trời ở trong ông. Đa-ni-ên đã thuyết phục để họ tin rằng việc Đức Chúa Trời ngự trong con người là sự thật.

Đa-ni-ên là một gương sáng và cũng là một thách thức cho quí vị và tôi. Quý vị có tin rằng Thần của Đức Chúa Trời ngự trong quí vị không? Nếu có thì điều nầy có nghĩa gì? Có phải khi Thần của Chúa ngự trong chúng ta thì chúng ta có khả năng để làm những việc lạ lùng không?

Xin cho phép tôi được đặt vài câu hỏi và quí vị sẽ trả lời những câu nầy từ lòng của mình. Câu thứ nhất: Quý vị có tin rằng không có điều gì mà Đức Chúa Trời không làm được chăng? Câu thứ hai: Quý vị có tin rằng trong những hoàn cảnh vô cùng nan giải, nếu có đức tin nơi Chúa thì không có điều gì là không thể được cho quí vị chăng? Câu hỏi thứ ba, Quý vị có tin rằng nếu Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài thì mọi việc đều có thể xảy ra chăng? Và câu hỏi thứ tư: Quý vị có tin là mọi việc đều có thể xảy ra cho những người tin rằng Đức Chúa Trời ở trong họ, Ngài ở với họ và Ngài giúp đỡ họ chăng? Tôi hy vọng rằng những câu trả lời sẽ là “có”, vì Kinh Thánh ủng hộ một lập trường như vậy.

Người đầu tiên đặt câu hỏi về hiện tượng trinh thai không ai khác hơn, chính là thôn nữ Ma-ri. Sau khi được thiên sứ báo tin rằng nàng sẽ sinh một trai thì Ma-ri kinh ngạc hỏi: “Tôi chưa hề biết người nam nào, làm sao điều đó có thể xảy ra được?” Thiên sứ trả lời, “Với Đức Chúa Trời thì không có điều gì là không thể được”. Trong một trường hợp khác, các vị sứ đồ không thể chữa bịnh được cho một em bé trai, họ hỏi Chúa tại sao như vậy, thì Chúa cho biết, “Vì các ngươi không tin, nếu có đức tin giống như hạt cải thì không điều gì là không thể được cho các ngươi”. Trong một trường hợp khác thì Chúa đáp, “Với con người thì không thể được, nhưng với Đức Chúa Trời mọi sự đều có thể được”. Một người đàn ông đem con mình đang bị bịnh đến với Chúa Giê-xu và thưa với Ngài, “Nếu Chúa có thể làm được điều gì đó, xin thương xót và giúp chúng tôi”. Chúa Giê-xu trả lời, “Nếu ngươi tin thì mọi việc đều được cả”.

Có bao giờ quí vị lâm vào nan đề hết sức khó khăn, không thể nào thoát được, không thể nào chịu đựng nổi và không thể nào giải quyết xong? Đa-ni-ên đã lâm vào một tình huống như vậy. Đa-ni-ên không thể nào chạy trốn vì lịnh ban ra là mọi người thông sáng sẽ bị giết, trong đó có Đa-ni-ên và ba bạn của ông. Nê-bu-cát-nết-sa cũng tuyên bố là sẽ phanh thây từng người một, thật là đau đớn không thể chịu đựng nổi. Nê-bu-cát-nết-sa yêu cầu mọi người phải nói và giải thích điềm chiêm bao mà ông đã quên. Một yêu cầu không thể làm được theo lẽ thường tình. Tuy nhiên Đa-ni-ên đã xin được gặp vua Nê-bu-cát-nết-sa, chàng cùng với bạn khẩn thiết cầu xin Chúa làm điều không thể được nầy.

Chính tại những khủng hoảng mà Đa-ni-ên trở nên một gương chói sáng cho chúng ta. Năm phép lạ được ghi trong sách Đa-ni-ên nhằm chứng tỏ rằng có một quyền năng siêu nhiên hiện hữu trong thế giới loài người. Năm phép lạ đó như sau: Thứ nhất: Sự bày tỏ và giải thích điềm chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa; Thứ hai: Ba bạn của Đa-ni-ên được giải cứu ra khỏi lò lửa hực; Thứ ba: Lời tuyên xưng đức tin của Nê-bu-cát-nết-sa; Thứ tư: Bàn tay viết trên tường và Thứ năm: Đa-ni-ên được giải cứu khỏi nanh vuốt sư tử. Qua năm phép lạ nầy mà chúng ta biết Đa-ni-ên là con người như thế nào, ông không những thể hiện đức tin của mình mà còn chứng tỏ thế nào là một đức tin để đương đầu trong một môi trường hết sức khó khăn. Đa-ni-ên đã sống và làm việc dưới quyền lực của người Ba-by-lôn là đế quốc đã xâm lăng quốc gia của ông. Ông phải đương đầu với lối sống đi ngược lại niềm tin và tập quán của mình.

Xét theo một khía cạnh thì Đa-ni-ên không phải là một tiên tri như Ê-sai hay Giê-rê-mi. Đa-ni-ên chỉ là một người bình thường nhưng đã chứng tỏ cho đồng bào mình biết phải sống thế nào tại Ba-by-lôn, nhằm giữ đức tin của họ. Trước tiên Đa-ni-ên tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời cách tuyệt đối. Đó là lý do vì sao ông dám xin được gặp vua khi khủng hoảng xảy ra. Ông đã giải thích rất rõ ràng là ông không thể biết về chiêm bao của vua hay giải thích điềm chiêm bao nầy, chỉ một mình Đức Chúa Trời mới làm được điều đó. Ngài là Đức Chúa Trời ngự trị trong ông, ban cho ông khả năng để làm những điều không thể được. Đa-ni-ên thật sự tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời cách tuyệt đối.

 Đa-ni-ên cũng tin cách tuyệt đối vào quyền năng của sự cầu nguyện. Phép lạ sau cùng là phép lạ xảy ra trong hang sư tử. Đa-ni-ên được giải cứu khỏi hang sư tử chứng tỏ tầm quan trọng của sự cầu nguyện trong đời sống Đa-ni-ên. Nó cũng cho thấy ông là người trong sạch như thế nào. Sau khi nói và giải thích điềm chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa, Đa-ni-ên được cất nhắc lên chức vụ rất cao trong chính quyền Ba-by-lôn. Vì Chúa ở cùng ông nên lần hồi Đa-ni-ên đã được thăng tiến trở nên thủ tướng của Ba-by-lôn. Theo lẽ thường thì những người Ba-by-lôn chính tông sẽ vô cùng ghen tức với Đa-ni-ên nên họ âm mưu giết Đa-ni-ên.

Trước khi đi sâu hơn vào phần nầy, chúng ta cần nắm những điểm mốc thời gian. Qua những vị vua được đề cập trong sáu chương đầu, chúng ta xác định được thời điểm của các diễn biến. Bốn chương đầu xảy ra dưới thời vua Nê-bu-cát-nết-sa. Chương năm xảy ra dưới thời Bên-xát-xa là con của Nê-bu-cát-nết-sa. Chương sáu dưới thời của Đa-ri-út người Mê-đi. Thời gian của ba vị vua nầy kéo dài 70 năm.

Đến chương 6 thì các nhân vật cao cấp trong chính quyền Ba-by-lôn rất ganh tị với Đa-ni-ên và tìm cách giết ông. Họ ráng sức tìm cách buộc tội Đa-ni-ên. Ngày xưa, Chúa Giê-xu có thể dõng dạc tuyên bố với kẻ thù của Ngài rằng, “Ai trong các ngươi có thể buộc tội ta?” Họ chỉ nín thinh, yên lặng. Phần lớn chúng ta không thể nói như vậy giữa vòng những người thân tình biết rõ chúng ta. Và chúng ta cũng không sống đến mức mà kẻ thù không thể buộc tội chúng ta được. Vì đời sống rất thanh liêm, mà ngay cả kẻ thù cũng không thể buộc tội Đa-ni-ên bất cứ điều gì. Chỉ một điều có thể cáo buộc là Đa-ni-ên cầu nguyện mỗi ngày ba lần. Cứ mỗi ngày ba lần, sáng, trưa và tối, Đa-ni-ên đi vào phòng riêng mình, mở cửa hướng về Giê-ru-sa-lem để cầu nguyện với Đức Chúa Trời vì ông tin rằng Đức Chúa Trời ở tại đó. Kẻ thù Đa-ni-ên thật tinh ranh, họ soạn thảo, thông qua và được hoàng đế chuẩn y một luật mới. Luật nầy cho biết hễ ai cầu nguyện với một thần nào ngoại trừ vua thì phải bị ném vào hang sư tử. Điều luật đó không thể thay đổi. Đây là cách duy nhất để họ buộc tội Đa-ni-ên.

Khi điều luật nầy được ban hành thì Đa-ni-ên làm gì? Có phải ông chấm dứt, thôi cầu nguyện không? Không bao giờ, Đa-ni-ên nói rằng, “Các ngươi có quyền suy tính và làm mọi điều các ngươi muốn đối với ta, nhưng ta khẳng định rằng ngày nào còn sống trên đất Ba-by-lôn nầy, ngày đó, ta còn cầu nguyện”. Bởi vậy, Đa-ni-ên cầu nguyện mỗi sáng, mỗi trưa và mỗi tối như ông đã thường làm. Họ liền bắt ông và ném vào hang sư tử. Câu chuyện nầy không những nói về phép lạ được giải cứu khỏi nanh vuốt của sư tử mà còn chứng tỏ rằng Đa-ni-ên tin tuyệt đối vào quyền năng của sự cầu nguyện.

Chúng tôi tưởng rằng Đa-ni-ên cũng tin cách tuyệt đối vào quyền tể trị và mục đích của Đức Chúa Trời khi đem ông qua Ba-by-lôn. Đây là một gương sáng cho chúng ta. Khi còn là thiếu niên, Đa-ni-ên đã tin tuyệt đối vào quyền năng của Đức Chúa Trời, ông tin vào quyền năng của sự cầu nguyện và tin vào chương trình mục đích của Ngài khi đem ông qua Ba-by-lôn. Đó là lý do khiến ông can đảm đương đầu với Nê-bu-cát-nết-sa, chinh phục được thiện cảm của vua, dẫn vua đến chỗ tin Đức Chúa Trời và trở nên người cố vấn cho một nhà lãnh đạo quyền thế nhất trên thế giới lúc bấy giờ.

Bài học dưỡng linh qua đời sống của Đa-ni-ên là gì? Có bao giờ quí vị lâm vào tình huống nan giải, không sao trốn thoát được? Nếu có cách nào để chạy trốn thì quí vị sẽ tìm mọi cách để trốn thoát. Nhưng nó vẫn sờ sờ không sao thoát được. Đôi khi nan đề cũng vượt quá sức chịu đựng thường tình và không có cách giải quyết. Chúng ta học được nơi Đa-ni-ên điều gì? Khi đối diện với một khủng hoảng như vậy, quí vị có tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời cách tuyệt đối không? Quý vị có tin cách tuyệt đối vào quyền năng của sự cầu nguyện không? Quý vị có tin tuyệt đối vào quyền tể trị và chương trình của Đức Chúa Trời trên đời sống của quí vị không? Hay nói cách khác, quí vị có tin rằng Chúa cho phép những thách thức xảy đến với quí vị không? Quý vị có tin cách tuyệt đối không? Nếu có, xin hãy mạnh dạn sống như Đa-ni-ên đã sống. Mạnh dạn có đức tin như Đa-ni-ên đã tin cậy Chúa.

Chúng ta là con cái Chúa đang sống giữa thế gian nầy, chúng ta bị bao vây bởi những người không tin giống như Đa-ni-ên sống giữa người Ba-by-lôn. Lối sống của người đời thường xuyên tấn công áp đảo chúng ta. Nó muốn biến chúng ta từ những người theo Chúa trở nên những người theo đời. Thế gian đang thuyết phục chúng ta tin vào các tiêu chuẩn giá trị và lối sống của họ. Áp lực nầy không bao giờ chấm dứt. Người đời nói với chúng ta rằng, “Đừng sống khác thường, hãy sống như chúng tôi đang sống.” Bài học từ Đa-ni-ên và những người bạn của ông là: Hãy xác định dứt khoát trong lòng là không bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của người đời. Tự nhủ rằng người đời sẽ không thể biến quí vị trở nên người vô tín giống như họ.” Nhưng mạnh hơn hãy ở vào thế công chớ không phải thế thủ: xin chỉ đừng nói rằng, “Các anh không thể biến tôi thành người vô tín.” Nhờ ơn Chúa hãy tuyên bố rằng, “Tôi sẽ biến các anh trở nên người có lòng tin nơi Chúa Giê-xu.” Khi một người tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời cách tuyệt đối, khi họ tin vào quyền năng của sự cầu nguyện cách tuyệt đối, khi họ tin vào quyền tể trị và chương trình Đức Chúa Trời cách tuyệt đối thì đức tin đó không những giữ họ không bị đồng hóa bởi người đời mà nó còn là một đức tin ở thế công hay đức tin chinh phục người khác về cho Chúa. Xin quí độc giả vui lòng đọc những câu chuyện về Đa-ni-ên để thấy gương sáng của ông và sống như Đa-ni-ên đã sống.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcBÀI 2: ĐỨC CHÚA TRỜI LUÔN TỂ TRỊ DẪU TRONG MỘT VIỆC NHỎ
Bài tiếp theoKhoom Qhov Txhia Chaw Saum Ntuj – 2/8/2023