Bài 11: Đức Tin Cần Trỗi Hơn Nghi Thức Tôn Giáo

1845

XA-CHA-RI 7:5-6, 9-10

Hãy nói cùng cả dân sự trong đất và cùng các thầy tế lễ mà rằng: Các ngươi kiêng ăn và khóc lóc trong tháng năm tháng bảy đã bảy mươi năm nay, có phải các ngươi vì ta, thật là vì ta, mà giữ lễ kiêng ăn đó chăng? Khi các ngươi uống và ăn, há chẳng phải vì mình mà ăn, vì mình mà uống hay sao? …….

Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Hãy làm điều gì thật công bình, và ai nấy khá lấy sự nhân từ, thương xót đối với anh em mình; chớ ức hiếp đàn bà góa, hoặc kẻ mồ côi, hoặc người trú ngụ, hay là kẻ nghèo khó, và ai nấy chớ mưu một sự dữ nào trong lòng nghịch cùng anh em mình.

70 năm bị lưu đày tại Ba-by-lôn, có lẽ dân sự không còn giữ lời của Đức Chúa Trời và nếp sống cách chuẩn mực của con dân Chúa nữa, dù họ còn giữ những lễ hội và hình thức tôn giáo. Trong đó có Ngày lễ kiêng ăn và khóc lóc trong tháng Năm, và tháng Bảy. Kỳ lễ kiêng ăn tháng Năm nhằm tháng kỉ niệm đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá (II Các Vua 25:8-9).

Có một vài người đến từ Bê-tên để hỏi thầy tế lễ Giê-hô-sua và các tiên tri rằng: “có nên tiếp tục kiêng ăn, khóc lóc trong tháng năm như họ vẫn thường làm hay không” (7:3 BDY). Chúng ta không hiểu rõ lý do vì sao những người này lại đề cập đến vấn đề nên hay không nên giữ những lễ hội kiêng ăn đã thành truyền thống của dân tộc; có lẽ trong bối cảnh mới, khi đã trở về và xây dựng lại đền thờ, thì họ nghĩ nên vui mừng hơn là khóc lóc chăng? Có lẽ họ thấy dường như Chúa đã nhậm lời sau một thời gian 70 năm dài cầu nguyện cho đền thờ, giờ đây nó đã được tại thiết rồi chăng?… Dù vậy, đây là câu hỏi quan trọng, Xa-cha-ri cần có câu trả lời từ chính Chúa.

Đức Chúa Trời đã trả lời cho Xa-cha-ri, một câu trả lời dường như chưa thỏa mãn được trọng tâm câu hỏi của của họ, trong ý nghĩa có nên giữ hay nên bỏ. Nhưng ở đây, Chúa đưa ra những câu hỏi tu từ, khiến dân sự của Chúa có thời gian suy nghĩ về ý nghĩa sâu xa trong các lễ hội mà tổ phụ của họ đã được Chúa hướng dẫn thiết lập.

  1. Suốt 70 năm qua các ngươi kiêng ăn có thật là vì lòng yêu mến Chúa, tin kính Ngài hay chỉ là hình thức tôn giáo hoặc vì vụ lợi cá nhân? (c.6-7)
  2. Khi các ngươi thực hành các nghi lễ, có lấy trọng tâm là “sự nhơn từ, thương xót, và sự công bình của xã hội” mà đối đãi với nhau, và có thực thi cách trọn vẹn chưa? (c.9-10).

Thiết nghĩ quốc gia nào cũng có lễ hội tôn giáo. Ở Việt Nam, một năm có trên 8000 lễ hội, và khoảng 86% trong số đó mang màu sắc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Y-sơ-ra-ên không có nhiều lễ hội, chỉ vỏn vẹn khoảng mươi lễ trong năm, nhưng rõ ràng ý muốn của Đức Chúa Trời trên dân thánh của Ngài là hãy biến những lễ hội tôn giáo thành cơ hội bày tỏ lòng biết ơn Chúa, sự ăn năn tội lỗi, truyền rao danh của Ngài, và hướng đến đời sống yêu thương, công bình của xã hội. Một khi làm được những điều này, thì lễ hội mới thật sự có ý nghĩa, còn không thì đó chỉ là sự lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, và đôi khi tổ chức những lễ hội không đúng đắn tạo cơ hội cho sự thực hành mê tín dị đoan, thúc đẩy sự phạm pháp trong xã hội.

Là con cái của Chúa, lễ hội Cơ Đốc thật có ý nghĩa; đó là cơ hội cho đời sống tâm linh chúng ta được tăng trưởng. Chúng ta cũng nên bắt nắm cơ hội đó để bày tỏ lòng yêu mến Chúa, yêu mến anh em mình trong Hội Thánh, và chia sẻ Tin Lành cứu rỗi của Chúa cho cộng đồng xung quanh chúng ta. Đừng loay hoay với ý tưởng đòi bỏ đi hay thay thế những lễ hội Cơ Đốc, những lễ hội đã ăn sâu vào niềm tin, và trở nên một truyền thống đẹp của Cơ Đốc giáo, nhưng hãy xem những dịp này như là cơ hội để chúng ta thể hiện lòng biết ơn Đức Chúa Trời, bày tỏ tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc với anh chị em mình, và tìm mọi cơ hội để truyền giảng Phúc Âm.

Biên soạn: MS Nguyễn Tấn Lộ

Bài trướcChương Trình Thi Kinh Thánh Giáng Sinh 2021: “17 Ngày Đồng Hành Cùng Thế Giới Mới Tuổi Thơ”
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Giáo Phẩm Tỉnh Phú Yên Tháng 12/2021