Ý Nghĩa của Lễ Cưới – 11/8/2018

7708

 

Nhã Ca 3:6-11

   6 Người kia là ai, ở từ đồng vắng đi lên,
Giống như trụ khói, xông một dược và nhũ hương,
Với đủ thứ hương của con buôn?
7 Kìa, kiệu của Sa-lô-môn,
Có sáu mươi dõng sĩ trong bọn dõng sĩ Y-sơ-ra-ên
Vây chung quanh nó;
8 Thảy đều cầm gươm và thạo đánh giặc;
Ai nấy đều có gươm ở nơi đùi mình,
Vì sợ hãi ban đêm.
9 Vua Sa-lô-môn làm cho mình một cái kiệu bằng gỗ Li-ban.
10 Người làm các trụ nó bằng bạc,
Nơi dựa lưng bằng vàng,
Chỗ ngồi bằng vật màu điều,
Còn ở giữa lót bằng ái tình của các con gái Giê-ru-sa-lem.
11 Hỡi các con gái Si-ôn, hãy ra xem vua Sa-lô-môn
Đội mão triều thiên mà mẹ người đã đội trên đầu người
Trong ngày định thân, trong ngày lòng người vui vẻ. 

Câu gốc: “Người kia là ai, ở từ đồng vắng đi lên, giống như trụ khói, xông một dược và nhũ hương, với đủ thứ hương của con buôn?” (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Những hình ảnh nào được dùng để mô tả lễ cưới? Những hình ảnh này cho thấy những đặc tính nào của hôn lễ? Cơ Đốc nhân nhận định thế nào về quan điểm chỉ cần yêu nhau là đủ, lễ cưới chỉ là hình thức và không có giá trị gì?

Chúng ta đang sống trong thời đại dường như có xu hướng chống lại mọi giá trị truyền thống, và một trong số đó là lễ cưới. Nhiều người cho rằng đời sống hôn nhân cần nhất là tình yêu, mọi hình thức hay nghi lễ đều không có giá trị. Phân đoạn Kinh Thánh này vẽ lên hình ảnh của đám rước trong một lễ cưới với mùi nhũ hương, một dược xông lên thơm ngát (câu 6). Nhũ hương là hương liệu dùng trong đền thờ khi các thầy tế lễ cầu nguyện, nên tại đây bày tỏ tính chất thiêng liêng của hôn lễ. Nói cách khác, lễ cưới chính là một buổi thờ phượng Chúa. Lễ cưới không chỉ là một nghi lễ hay hình thức, mà quan trọng hơn là nhận thức của đôi vợ chồng về thẩm quyền của Đức Chúa Trời trên hôn nhân.

Trong Mác 10:1-12, Chúa Giê-xu cũng khẳng định vai trò của Đức Chúa Trời trong hôn nhân và tính chất thiêng liêng, không thể chia lìa của hôn nhân (câu 9). Do đó, hôn nhân được hình thành không chỉ do tình yêu của hai người, mà là do sự tác hợp của Đức Chúa Trời. Lễ cưới được diễn ra trong sự hiện diện của Chúa và Hội Thánh là điều vô cùng quan trọng và có ý nghĩa trong cả đời sống hôn nhân sau này. Một hôn nhân xem trọng sự hiện diện và sự tể trị của Đức Chúa Trời trên gia đình là một hôn nhân bền vững.

Lễ cưới còn nói lên khía cạnh công khai của hôn nhân. Trong hôn lễ, cả cô dâu và chú rể không những công khai mối quan hệ chính thức và hợp pháp của họ, nhưng tại đây họ cũng công khai thừa nhận trách nhiệm của mỗi người với nhau. Chính việc coi thường hoặc không làm lễ cưới tạo nên sự dễ dãi trong việc chia tay của nhiều cặp đôi. Hình ảnh của các dũng sĩ trong câu 7-8, nói lên tính an toàn trong hôn nhân. Hơn bao giờ hết, người phụ nữ kinh nghiệm sự an toàn và sự che chở của người chồng khi họ công khai cử hành lễ cưới. Trong đám cưới này, chú rể đã bày tỏ tình yêu của mình dành cho cô dâu bằng cách đem đến cho nàng những điều tốt đẹp nhất mà chàng có thể (câu 9-11).

Nếu nói rằng hôn nhân cần tình yêu, vậy thì sao chúng ta không bày tỏ tình yêu bằng cách khởi đầu hôn nhân mình bằng một đám cưới mang tính chất thiêng liêng trước Chúa và cũng cho nhau cảm giác được chấp nhận và an toàn? Khởi đầu hôn nhân bằng lễ cưới trang trọng trước Chúa và Hội Thánh là điều vô cùng quan trọng đối với Cơ Đốc nhân.

Lễ cưới quan trọng như thế nào với bạn và con cháu của bạn?

Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài đã thiết lập hôn nhân và cũng là Đấng tác hợp trong hôn nhân. Xin Chúa làm chủ và ban phước cho hôn nhân của con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Phục Truyền Luật Lệ Ký 15.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcĐăk Lăk: Lễ Ra Mắt Điểm Nhóm Buôn Cuah
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Tỉnh Phú Yên Tháng 8/2018