Sửa Soạn Cho Chúa Một Dân Sẵn Lòng

2089

Chúng ta chuẩn bị gì cho Giáng sinh? Một buổi họp mặt Giáng sinh trong gia đình hay với bạn bè, một bữa tiệc đơn sơ hay thịnh soạn, những món quà ý nghĩa… Tất cả những điều nầy không có gì sai trái, đáng trách cả. Tuy nhiên, là con dân Chúa chúng ta cần chuẩn bị điều gì quan trọng hơn và có ý nghĩa hơn!

 

Chúng ta đang ở trong mùa Giáng sinh mà truyền thống Cơ Đốc gọi là Mùa vọng (Adventus: Lt. sự đến), tức 4 tuần lễ trước lễ Giáng sinh. Thiết tưởng không gì có ý nghĩa cho bằng dành thì giờ tìm kiếm Chúa, dọn lòng đón Chúa theo tinh thần của Giăng Báp-tít. Vì thế, chúng ta cùng nhau suy ngẫm sứ điệp “Sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng” theo Phúc âm Mác 1:1-8.

 

CHỨC VỤ CỦA GIĂNG BÁP-TÍT: NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA (c.1-3)

 

Giăng là Người tiền hô – dọn đường cho Chúa

Ngày xưa khi vua ngự giá viếng thăm một nơi nào thì có người đi dọn đường hô to: “Hoàng thượng ngự giá!” Ngày nay cũng vậy, có một đoàn cảnh sát mặc lễ phục cởi xe mô-tô đi trước thổi còi, để dọn đường cho quan chức cấp cao khi viếng thăm một nơi nào đó.

 

Giăng Báp-tít được Chúa dùng để làm người người dọn đường cho Chúa. Giăng Báp-tít là một nhân vật đặc biệt gắn liền với sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Cả bốn sách Phúc âm đều ký thuật về chức vụ của ông. Ông được gọi là người dọn đường, tiền hô của Chúa:

 

“Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt ngươi,
Người sẽ dọn đường cho ngươi
Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng:
Hãy dọn đường Chúa,
Ban bằng các nẻo Ngài.”

Sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng: Chuẩn bị tấm lòng để đón Chúa

“Người sẽ làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ; chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” (Lu-ca 1:16-17)  Tác giả Lu-ca đã trích dẫn Ma-la-chi 4:5-6 để mô tả chức vụ của Giăng Báp-tít cũng giống như tiên tri Ê-li, là phục hưng con dân Chúa đang “đi giẹo hai bên” để họ ăn năn “trở lại cùng Chúa”; để đem sự hòa thuận, an vui cho gia đình, và  “sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” Đó là tấm lòng khao khát Chúa, tấm lòng ăn năn tội, tấm lòng vâng phục của đức tin. Thiết nghĩ tình trạng thuộc linh của con dân Chúa ngày hôm nay cũng vậy: sa sút thuộc linh, xa cách Chúa, mối quan hệ gia đình cha con, vợ chồng đổ vỡ, bất hòa…Mùa giáng sinh là thời điểm để phục hưng tâm linh, làm mới lại mối quan hệ bị đổ vỡ từ trong gia đình cho đến Hội Thánh. Hãy cầu xin Chúa phục hưng con dân Chúa trong mùa Giáng sinh nầy.

 

GIĂNG BÁP-TÍT ĐÃ SỬA SOẠN MỘT DÂN SẴN LÒNG ĐÓN CHÚA BẰNG CÁCH NÀO? (c.4-8)

Để sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng, Giăng Báp-tít đã sửa soạn tấm lòng của chính mình và tấm lòng của những người khác, của cả dân tộc ông.

 

Tìm kiếm Chúa

 

“Giăng đã đến trong đồng vắng…” (c.4)

Ngày xưa người ta thường đến đồng vắng để tìm kiếm Chúa, nghe Chúa phán dạy. Môi-se cũng đã vào đồng vắng Ma-đi-an và nghe tiếng Chúa kêu gọi. Ê-li cũng vào đồng vắng, sống bên khe Kê-rít. Phao-lô cũng vào đồng vắng A-ra-bi để nghe Chúa dạy dỗ. Giăng Báp-tít cũng vậy, ông vào đồng vắng xứ Giu-đê, suy ngẫm sách tiên tri Ê-sai để chuẩn bị cho chức vụ mình. Điều này đã trở thành truyền thống tâm linh của Cơ Đốc giáo lâu đời. Giờ tĩnh nguyện, suy ngẫm lời Chúa trong Hội Thánh ngày hôm nay bắt nguồn từ truyền thống Benedictines vào thế kỷ thứ 6 SC của thánh Bê-nê-đít và dần dần trở thành một phương pháp suy ngẫm Kinh Thánh. Cầu nguyện gọi là Lectio Divina (Đọc Lời thánh – Divine reading) với 4 bước: Đọc Lời Chúa, suy ngẫm, cầu nguyện và chiêm ngưỡng Chúa. Mùa Giáng sinh, Mùa vọng là cơ hội để bước vào đồng vắng, tìm kiếm Chúa, suy niệm lời Chúa “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va…” (Thi 46:10). Sống giữa xã hội hiện đại ồn ào, bận rộn, hối hả, thật khó mà nghe được tiếng Chúa phán dạy nếu không biệt riêng thì giờ tương giao với Chúa. Đó là một thách thức lớn đối Cơ Đốc nhân hôm nay.

 

Giảng đạo

 

“Vừa làm vừa giảng phép báp-têm ăn năn cho được tha tội” (c.4)

 

Ăn năn trong Tân ước (Metanoia – Metanoeo) là thay đổi tâm trí, ý định trong lòng, hàm ý sự thay đổi từ bên trong, là đời sống đạo đức. Giăng bắt đầu rao giảng sứ điệp về sự ăn năn và làm báp-têm bằng nước để được tha tội. Vì thế người ta gọi ông là Giăng báp-têm. Giăng rao giảng sứ điệp ăn năn thật mạnh mẽ: “Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn….Cái búa đã kề gốc cây; hễ cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị đốn và chụm.” (Lu-ca 3:8,9). Ông sửa soạn tấm lòng “ban bằng các nẻo Ngài” để người ta tiếp đón Chúa Cứu Thế. Khi Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ, sứ điệp đầu tiên của Ngài cũng nhắc đến sự ăn năn và tin Phúc âm: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin lành” (Mác 1:35).

 

Ăn năn là điều kiện tiên quyết để hưởng Nước Trời. Ăn năn cũng khởi điểm của sự phục hưng đời sống tâm linh. Hãy sửa soạn tấm lòng một cách chân thật trong mùa Giáng sinh bằng sự tra xét mình và thật lòng ăn năn những tội lỗi kín giấu trong đời sống để được Chúa tha thứ và phục hưng. “Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi.” (Giô-ên 2:13). Một tấm lòng ăn năn thật khi rao giảng Phúc âm sẽ khiến lòng của những người nghe dễ ăn năn và tiếp nhận Chúa.

 

“Người giảng dạy rằng: Có Đấng quyền phép hơn Ta đến sau Ta…” (c.7-8)

    

Giăng đã rao giảng về Chúa Cứu Thế là Đấng quyền năng và đưa người ta đến với Ngài. Ông nói “Đấng đến sau Ta quyền phép hơn Ta…Ngài sẽ làm báp-têm bằng Đức Thánh Linh. (c.8) Giăng giới thiệu Chúa Giê-xu là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” (Giăng 1:30). Giăng không đưa người ta đến với ông nhưng đến với Chúa.  Mùa giáng sinh là cơ hội tốt nhất để nói về Chúa Giê-xu cho mọi người. Giảng đạo, rao truyền Tin Lành không phải chỉ là trách nhiệm của Mục sư, Truyền đạo mà Chúa giao cho mỗi Cơ Đốc nhân. Đó là Đại mạng lịnh mà con dân Chúa phải vâng theo. Ước ao Mùa Giáng sinh năm nay là mùa gặt lớn của Hội Thánh chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể rao giảng Tin Lành một cách hiệu quả nếu chúng ta không dành thì giờ tìm kiếm Chúa.

 

Sống đạo  

 

Giăng Báp-tít không chỉ giảng đạo mà còn sống đạo nữa. Sống đạo cũng là cách giảng đạo bằng chính đời sống của mình.

 

– Sống công chính, thánh khiết

 

Giăng Báp-tít không chỉ giảng về sự ăn năn tội, mà chính ông đã ăn năn tội và sống một đời sống thánh khiết, công chính. Mác 6:20 mô tả ông là người công chính và thánh thiện. “Vì Hê-rốt sợ Giăng, biết ông là người công bình và thánh”. Ông đã dám can vua Hê-rốt vì vua đã phạm tội loạn luân khi lấy Hê-rô-đia là em dâu làm vợ, và do đó Giăng Báp-tít bị tù và sau đó bị chém đầu. Giăng Báp-tít đã dám sống công chính, ngay thẳng trước mặt Chúa dù phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Ông đã nêu gương tốt để chúng ta noi theo.

 

Để trở thành người dọn đường cho Chúa, chúng ta cũng phải có một đời sống tốt đẹp, công chính, thánh khiết như Giăng Báp-tít vậy.

 

– Sống thanh bạch, giản dị

 

Giăng Báp-tít mặc áo lông lạc đà, buộc dây lưng da ngang hông, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông ăn thổ sản ở đồng vắng, đơn sơ, đạm bạc. Đó là nếp sống giản dị, thanh bần của một thánh nhân. Ngược lại với lối sống xa hoa, tội lỗi của vua quan dưới triều đại Hê-rốt thời bấy giờ, Giăng Báp-tít đã bước vào đồng vắng, sống đời sống thánh khiết, thanh bạch, giản dị để làm vinh hiển danh Chúa. Các thánh nhân ngày xưa ở Đông phương cũng thường sống thanh bạch, giản dị như vậy “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, xuân tắm hồ sen hạ tắm ao…. Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao”. Thiết tưởng Cơ Đốc nhân cần có lối sống thánh khiết, thanh bạch, giản dị, không xa hoa, cầu kỳ như người không có Chúa. Chúng ta không được lãng phí tiền bạc cho những trang sức đắt tiền không cần thiết mà hãy dành tiền bạc Chúa ban cho để góp phần rao giảng Tin Lành, giúp đỡ người nghèo khó thì hơn. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng khuyên các phụ nữ Cơ Đốc noi gương các thánh nữ trong Kinh Thánh, sống giản dị, thanh bạch, chú trọng vẻ đẹp cao quí bề trong hơn vẻ hào nhoáng bên ngoài “Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt; nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời.” (1 Phi 3:3-4)

 

– Sống khiêm nhường, hạ mình

 

Giăng Báp-tít thể hiện nét đẹp nữa của ông qua thái độ khiêm nhường, hạ mình. Mặc dù được dân chúng quí mến tôn trọng, Giăng không quên ông là tôi tớ của Chúa. Ông rao giảng  “Có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta, ta không đáng cúi xuống mở dây giày cho Ngài.” (c.7), “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (Giăng 3:30). Giăng không chỉ rao giảng về Chúa Giê-xu mà cũng sống khiêm nhường, hạ mình giống như Chúa Giê-xu. Người dọn đường cho Chúa, rao giảng Tin Lành cũng phải có một nếp sống khiêm nhu, tôn cao Chúa như Giăng Báp-tít. Mỗi chúng ta phải coi chừng cái tôi cứng cỏi, kiêu ngạo vốn có sẵn trong mỗi chúng ta. Hãy nhờ ơn Chúa sống khiêm nhường trong cách nói năng, hành xử với mọi người theo luật vàng mà Chúa dạy “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường coi người khác như tôn trọng hơn mình.” (Phi-líp 2:3).

 

Một lần nữa, mùa Giáng sinh lại trở về. Hãy noi gương Giăng Báp-tít, trở nên những người dọn đường cho Chúa; hãy sửa soạn tấm lòng của chính mình và của người khác để đón Chúa. Hãy dành thì giờ yên tịnh tìm kiếm Chúa và suy ngẫm Lời Chúa, giảng đạo, và sống đạo như Giăng Báp-tít để làm vinh hiển danh Chúa. Nếu ngôi sao lạ dẫn đường các đạo sĩ năm xưa đến tôn thờ Chúa Giáng sinh thế nào, thì chúng ta ngày nay cũng hãy trở nên những vì sao sáng giữa thế giới tối tăm tội lỗi để đưa dắt nhiều người đến với Chúa “Anh em sống trong sạch tinh khiết như con cái toàn hảo của Thượng Đế giữa thế giới gian ác băng hoại, đề cao Đạo sống, chiếu rọi như các vì sao sáng giữa bầu trời tối tăm.” [HĐ] (Phi-líp 2:14).

 

 

Trịnh Phan

Giáng sinh 2014 

Bài trướcBài thứ 347: Tầm Nhìn
Bài tiếp theoBài 49: Giô-sép Bị Tù