Bài 49: Giô-sép Bị Tù

3491

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới


 


 

 

Sáng thế ký 39                                                                         

 

Thưa quý vị hôm nay chúng ta trở lại tiếp tục câu chuyện của Giô-sép, sau khi tạm nghỉ vì có đoạn 38 xen vào, Sáng thế ký 38 là một trong những đoạn nói điều rất tệ trong Kinh Thánh, đó là việc làm tội lỗi của Giu-đa.

 

Chúng ta sẽ tìm thấy Giô-sép rất khác biệt với Giu-đa. Chúng ta có thể nhận thấy rằng Giô-sép và Bên-gia-min được nhiều sự dạy dỗ, hướng dẫn và được quan tâm cách riêng biệt nhiều hơn mười con trai khác của Gia-cốp. Đây có thể là hai con trai mà Gia-cốp thương mến nhiều hơn hết.

 

Bởi sự ganh ghét và ác cảm của các anh Giô-sép nên họ bán Giô-sép làm nô lệ và Giô-sép bị mang đi qua xứ Ai-cập.

 

Bị bán làm nô lệ ở xứ người là một viễn cảnh rất u ám cho chàng trai 17 tuổi. Không có điều gì đem lại cho chàng Giô-sép sự khích lệ, an ủi. Giô-sép dường như là một người bất hạnh, kém may mắn. Khi mới đến Ai-cập thì lúc đầu được suôn sẻ, nhưng sau đó sự khó khăn xảy ra cho Giô-sép. Dĩ nhiên, mọi việc xảy ra đều có mục đích, ngay cả những việc khó khăn xảy ra cho Giô-sép, chàng nhận biết điều này.

 

Không có một người nào trong Cực ước mà trong đời sống của họ thấy được mục đích rõ ràng của Đức Chúa Trời hơn Giô-sép. Bàn tay của Đức Chúa Trời luôn ở trên Giô-sép là bằng chứng về sự hướng dẫn của Chúa, nhưng Giô-sép là một trong những tổ phụ mà Đức Chúa Trời không hiện ra trực tiếp với ông, theo như ký thuật của Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã hiện ra với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, nhưng không hiện ra với Giô-sép. Nhưng sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong đời sống của ông thì rõ ràng hơn bất cứ người nào khác. Giô-sép là một người gương mẫu trong Cựu ước, như sách Rô-ma 8:28 chép như sau: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.”

 

Ngay cả nhiều khi sự việc xảy ra dường như không thuận tiện cho Giô-sép, hoàn cảnh rất đen tối, nhìn thấy toàn là những điều kinh hãi, nhưng mỗi biến cố này là những bước đem lại kết quả trong mục đích của Đức Chúa Trời trên đời sống của Giô-sép.

 

Trong đời sống của chúng ta, chúng ta cần nhận thức rằng: “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.” (Hê-bơ-rơ 12:6)

 

Nếu chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, và trong ý muốn của Đức Chúa Trời chúng ta cần tin tưởng mạnh mẽ rằng, không có sự gì xảy ra nếu Đức Chúa Trời không cho phép. Đức Chúa Trời làm mọi điều tốt lành cho những kẻ yêu mến Ngài. Ngay cả những việc rủi ro, việc đau thương hay đau khổ cũng đều đem đến sự tốt lành và làm vinh hiển danh Ngài.

 

Có một hàng rào cho mỗi con cái Đức Chúa Trời, và không gì có thể xuyên qua được, nếu Đức Chúa Trời không cho phép. Chúng ta nhớ việc Sa-tan muốn thử thách ông Gióp, nó đến nói với Đức Chúa Trời như sau: “Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công việc của tay người và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất.” (Gióp 1:10)

 

Sa-tan xin phép Đức Chúa Trời để hạ hàng rào đó xuống, và nếu Sa-tan được phép của Đức Chúa Trời để thử chúng ta thì mọi việc xảy ra đều do mục đích tốt lành của Ngài, đem đến lợi ích cho chúng ta.

 

Có nhiều khía cạnh trong đời sống của Giô-sép đem đến sự khích lệ cho mỗi con cái của Đức Chúa Trời. Ngày nay Đức Chúa Trời không hiện ra để hướng dẫn cách trực tiếp cho mỗi con cái của Ngài giống như một số tiên tri giả công bố, dầu Đức Chúa Trời không còn hiện ra cách trực tiếp, nhưng Ngài vẫn luôn hướng dẫn con cái của Ngài cách trực tiếp như chúng ta thấy trong trường hợp của Giô-sép.

 

Bây giờ chúng ta tiếp tục theo dõi những gì xảy ra với chàng trai trẻ Giô-sép.

 

CAI QUẢN TÀI SẢN CỦA PHÔ-TI-PHA

 

Sáng thế ký 39:1-6, “Vả, Giô-sép bị đem qua xứ Ê-díp-tô, thì Phô-ti-pha, người bổn xứ, làm quan thị vệ của Pha-ra-ôn, mua chàng nơi tay dân Ích-ma-ên đã dẫn đến. Giô-sép ở trong nhà chủ mình, là người Ê-díp-tô, được Đức Giê-hô-va phù hộ, nên thạnh lợi luôn. Chủ thấy Đức Giê-hô-va phù hộ chàng và xui cho mọi việc chi chàng lãnh làm nơi tay đều được thạnh vượng. Vậy, Giô-sép được ơn trước mặt chủ mình; chủ cắt chàng hầu việc, đặt cai quản cửa nhà, và phó của cải mình cho chàng hết. Từ khi người đặt Giô-sép cai quản cửa nhà cùng hết thảy của cải mình rồi, thì Đức Giê-hô-va vì Giô-sép ban phước cho nhà người; sự ban phước của Đức Giê-hô-va bủa khắp mọi vật của người làm chủ, hoặc trong nhà, hoặc ngoài đồng. Người giao hết của cải mình cho Giô-sép coi sóc, chẳng lo đến việc nào nữa, trừ ra các phần vật thực của mình ăn mà thôi. Vả, Giô-sép hình dung đẹp đẽ, mặt mày tốt tươi.”

 

Giô-sép là chàng thanh niên trẻ khỏe, mới 17 tuổi, nên rất được chú ý mua làm nô lệ. Chúng ta cũng biết là việc bán người làm nô lệ trong thời xa xưa là việc rất bình thường. Giô-sép được bán cho Phô-ti-pha quan thị vệ của Pha-ra-ôn, Pha-ra-ôn tức là vua xứ Ai-cập. Quan thị vệ Phô-ti-pha giữ chức vụ quan trọng, ông có binh sĩ để bảo vệ nhà vua trong triều đình.          

 

Ngay sau khi Giô-sép vào nhà Phô-ti-pha, quan thị vệ của Pha-ra-ôn thì phước hạnh đến với nhà này, vì Đức Chúa Trời là Đấng đang ở với Giô-sép.

 

Trong điểm này đời sống Giô-sép có sự vươn lên tột bực. Có thể chúng ta nói thêm rằng, sau đó họ sẽ sống vui vẻ, nhưng không có như vậy. Sự thật của câu chuyện không phải thế. Mỗi con cái của Đức Chúa Trời đều đối diện với cám dỗ, khó khăn, rắc rối trong thế gian này. Đó là những gì đã xảy ra cho Giô-sép.   

 

Hãy suy nghĩ đến điều này, Giô-sép là người phục vụ chủ cách tận tâm nên ông chủ Phô-ti-pha giao cho ông cai quản hết mọi tài sản trong gia đình. Phô-ti-pha tin tưởng Giô-sép đến nỗi không cần phải kiểm tra lại những gì mà ông đảm trách, vì chủ rất mực tin cậy chàng Giô-sép. Chỉ có một việc mà Phô-ti-pha lo lắng là làm cho Pha-ra-ôn vui lòng và hoàn thành công tác của một quan thị vệ là bảo vệ nhà vua. Ông để cho Giô-sép quán xuyến mọi công việc riêng của gia đình.

 

VỢ PHÔ-TI-PHA CÁM DỖ GIÔ-SÉP

 

Sáng thế ký 39:7-9, “Sau các việc nầy, vợ chủ đưa mắt cùng Giô-sép, mà nói rằng: Hãy lại nằm cùng ta. Chàng từ chối và đáp rằng: Chủ đã giao nơi tay tôi mọi vật của người, và nầy, chủ chẳng lo biết đến việc chi trong nhà nữa; trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cũng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?”

 

Phô-ti-pha giao cho Giô-sép cai quản hết thảy mọi điều trong nhà. Trong khi Giô-sép bận rộn thì bà vợ của Phô-ti-pha cũng bận rộn nữa. Bà bận rộn lập kế hoạch. Xin hãy nhớ, bấy giờ Giô-sép là một thanh niên rất trẻ, đẹp trai. Rất có thể quan thị vệ Phô-ti-pha là người lớn tuổi và có vợ trẻ, vì trong phong tục thời ấy thường hay như vậy. Bà vợ trẻ này để ý đến Giô-sép và muốn Giô-sép nằm ngủ với bà.

 

Bây giờ chúng ta chú ý, chàng trai trẻ Giô-sép đang phục vụ Đức Chúa Trời trong tất cả những việc mà ông làm trong đời sống mình. Trong khi sống ở Ai-cập là một xứ thờ đầy dẫy hình tượng, giống như tại Ba-by-lôn vậy. Trong xứ thờ hình tượng đó, Giô-sép vẫn giữ lời làm chứng cho Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, đồng thời bày tỏ một tiêu chuẩn đạo đức cao. Khi bà Phô-ti-pha quyến dụ Giô-sép, chàng nói với bà: “Chủ đã giao nơi tay tôi mọi vật của người, và nầy, chủ chẳng lo biết đến việc chi trong nhà nữa; trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cũng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi.”

 

Chúng ta hãy để ý đến nhận thức cao của Giô-sép về hôn nhân. Ông biết tôn trọng đến hạnh phúc gia đình của chủ mình. Chúng ta thấy Đức Chúa Trời ban hôn nhân cho con người, khi một người khinh thường lời tuyên hứa trong hôn nhân thì người ấy không còn kính trọng Đức Chúa Trời. Khi một người bẻ gãy lời giao ước của mình trong hôn nhân, thì sẽ bẻ gãy lời thề nguyện khác trước mặt Đức Chúa Trời.

 

Tại đây Giô-sép cố gắng sống cách chân thật trước mặt Đức Chúa Trời. Ông có sự hiểu biết cao về Đức Chúa Trời, bởi vì Giô-sép cố gắng phục vụ Đức Chúa Trời hằng sống.       

 

Sáng thế ký 39:10, “Thường ngày người dỗ dành mặc dầu, thì Giô-sép chẳng khứng nghe lời dụ dỗ nằm cùng hay là ở cùng người chút nào.”

 

Quan thị vệ Phô-ti-pha của Pha-ra-ôn có lẽ thường xuyên vắng nhà, vì công việc của ông làm cho vua. Bà Phô-ti-pha không những cám dỗ Giô-sép một hai lần mà cám dỗ Giô-sép nhiều lần. Sự cám dỗ này xảy ra cách thường xuyên nhưng Giô-sép không khuất phục. Chúng ta có thể tưởng tượng nó giống như một nồi nước nung nấu cao độ chống lại Giô-sép. Và bà sẽ tìm cách trả thù Giô-sép.

 

Sáng thế ký 39:11-14, “Một ngày kia, Giô-sép vào nhà đặng làm công việc; vả, chẳng có người nhà nào ở đó, thì người bèn nắm áo chàng mà rằng: Hãy nằm cùng ta! Nhưng chàng liền tuột áo để lại trong tay người mà chạy trốn ra ngoài. Khi người thấy áo còn lại nơi tay mình, và chàng đã chạy trốn ra ngoài như vậy,  bèn gọi người nhà mà nói rằng: Bay coi! Họ khéo đem vào nhà một thằng Hê-bơ-rơ để chọc ghẹo ta. Nó lại gần toan nằm cùng ta, nhưng ta la lớn lên.”

 

Sự việc trong đời sống giữa ông bà Phô-ti-pha không có sự vui vẻ tốt đẹp với nhau, hãy chú ý đến cách bà nói về ông. Bà nói là ông mua về một người nô lệ Do Thái để chọc ghẹo bà. Rất có thể bà Phô-ti-pha có lần phạm tội như vậy trước đây. Thật là tội nghiệp cho ông Phô-ti-pha. Có lẽ ông đang tìm cách chống lại điều này, ông có sự nghi ngờ lâu nay về bà vợ của mình.

Bây giờ chúng ta thấy cách hành động của bà Phô-ti-pha, để che đậy việc làm của bà.

 

Sáng thế ký 39:15-16, “Vừa khi nó nghe ta cất tiếng la, thì tuột áo lại bên ta, chạy trốn ra ngoài. Người bèn để áo của Giô-sép bên mình đợi khi chủ về nhà.”

 

Chàng thiếu niên Giô-sép tại xứ Ai-cập bị đặt trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ông bị bà chủ Phô-ti-pha đổ tội Giô-sép trước mặt mọi người. Vì chồng bà đi vắng nên bà dựng nên câu chuyện này chờ khi ông Phô-ti-pha trở về để thuật lại.

 

Sáng thế ký 39:17-19, “Bà Phô-ti-pha… học lại cùng chủ y như lời trước, rằng: Thằng nô lệ Hê-bơ-rơ mà ông khéo đem về nhà đã đến gần đặng chọc ghẹo tôi; nhưng khi tôi cất tiếng la lên, nó tuột áo lại bên tôi, rồi chạy trốn ra ngoài. Vừa khi chủ của Giô-sép nghe lời vợ nói rằng: Đó, kẻ nô lệ ông làm điều như vậy, thì nổi giận phừng phừng.”

 

Về mặt bên ngoài hình như ông Phô-ti-pha tin vào câu chuyện này, ông rất là tức giận trong giây phút đó. Nhưng Phô-ti-pha là quan thị vệ của vua, và ông phải là một người rất sáng suốt để nhận biết vấn đề cách thận trọng, vì chắc chắn là ông không phải là một người chồng khờ dại. Phô-ti-pha phải nhận biết vợ của ông thuộc loại người thế nào, cho nên ông chỉ giải quyết cách đơn giản là nhốt Giô-sép vào tù và quên đi hết mọi chuyện. Chúng ta biết rằng với cương vị của người chủ có toàn quyền trên người nô lệ của mình, nếu ông nghĩ là Giô-sép thật đã làm điều sai phạm với vợ ông thì ông có quyền giết Giô-sép ngay mà không ai nói được gì cả. Thật tội nghiệp cho Phô-ti-pha khi cưới bà vợ này.

 

Có lẽ bà đã phạm tội bất trung với chồng nhiều lần trước đây, và Giô-sép chỉ là một trong những người mà bà nhắm vào, nhưng vì không đạt được ý nguyện nên bà quay lại đổ tội cho Giô-sép.

 

GIÔ-SÉP BỊ TÙ  

 

Sáng thế ký 39:20, “Phô-ti-pha… bèn bắt chàng đem bỏ vào tù, là nơi cầm các kẻ phạm tội của vua. Vậy, chàng ở tù tại đó.

 

Chàng thanh niên Giô-sép gặp nhiều điều bất hạnh, phải không? Tại nhà chàng được cha thương yêu, may cho chàng chiếc áo có nhiều màu sắc, sau đó bị các anh mình lột áo và bị thảy xuống hố. Sau đó những người anh này đem bán chàng cho mấy người lái buôn và họ đem Giô-sép sang Ai-cập bán làm nô lệ, khi chàng mới là một thiếu niên 17 tuổi. Có lẽ khi đến đó, trong những đêm đầu tiên chàng khóc rất nhiều vì nhớ nhà, nhớ cha mình.

 

Bây giờ đang khi ở trong cương vị mới, với khả năng của một người trẻ, làm việc tận tâm cho chủ, được tín nhiệm giao cho cai quản cả tài sản. Sau đó vợ của Phô-ti-pha, chủ của Giô-sép cám dỗ chàng phạm tội. Với ý thức cao về đạo đức ngăn chặn Giô-sép phạm tội, và kết quả là ông bị tống giam vào tù. Tội nghiệp cho chàng Giô-sép trong hoàn cảnh này.

 

Chúng ta nên nhớ rằng, dầu Giô-sép được đặt vào vị trí của người quản gia cho cả nhà của Phô-ti-pha, nhưng ông vẫn là một người nô lệ, vợ chủ giống như nữ hoàng, lời của bà nói ra được nhiều người lắng nghe, và dĩ nhiên là người ta chấp nhận lời của bà chủ. Tội nghiệp cho Giô-sép không được mở miệng nói một lời nào. Chàng bị tuyên án là người có tội, và không được nói bất cứ lời biện hộ nào. Ông lập tức bị bỏ vào tù, đây là tù giam các tội phạm của vua.

 

Sáng thế ký 39:21-23, “Đức Giê-hô-va phù hộ Giô-sép và tỏ lòng nhân từ cùng chàng, làm cho được ơn trước mặt chủ ngục. Chủ ngục giao hết các kẻ tù trong tay Giô-sép, chẳng việc chi làm qua khỏi được chàng. Chủ ngục chẳng soát lại những việc đã ở nơi tay Giô-sép, vì có Đức Giê-hô-va phù hộ chàng, xui cho việc chi chàng làm cũng được thạnh vượng.”

 

Dĩ nhiên bàn tay của Đức Chúa Trời đang ở trên đời sống của chàng thanh niên này, dầu rằng có nhiều khó khăn đang xảy ra nhằm hãm hại Giô-sép. Bây giờ Giô-sép đang ở tù, thông thường khi một người ở tù thì rất là thất vọng và buồn chán, nhất là khi bị tù vì bị vu cáo. Nhưng điều đáng chú ý mà chúng ta thấy, Chúa đang ở cùng Giô-sép. Dầu là Chúa không hiện ra với Giô-sép như Ngài đã hiện ra cùng với các tổ phụ của ông, nhưng Chúa tỏ bày sự nhân từ cùng Giô-sép.    

 

Trước tiên Chúa khiến cho Giô-sép được ơn trước mặt chủ ngục, ông thích Giô-sép, và tin cậy Giô-sép, vì Giô-sép là một thanh niên trẻ có nhiều năng lực được sự chú ý của chủ ngục, và điểm quan tâm đặc biệt hơn hết là Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép. Ngài đang hướng dẫn chàng. Trải qua tất cả mọi việc xảy ra đang hướng tới để hoàn tất mục tiêu mà Đức Chúa Trời dự định cho đời sống của chàng trai trẻ này.

 

Giô-sép nhận biết những điều này, làm cho chàng có tinh thần lạc quan. Trong mọi hoàn cảnh xảy ra vẫn không làm cho ngã quỵ, chàng sống vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Có nhiều người đang sống và để hoàn cảnh trái ngang phủ trùm trên đời sống mình, nhưng Giô-sép sống vượt trên mọi hoàn cảnh. Chúa đang ở cùng chàng, và Giô-sép nhận biết bàn tay của Đức Chúa Trời trên đời sống chàng, vì thế Giô-sép không nản lòng.

 

Nản lòng là một vũ khí lợi hại của Sa-tan, từ sự nản lòng dẫn đến thối chí. Chàng Giô-sép hình như khắc phục mọi hoàn cảnh của mình. Điều này nhắc nhở chúng ta phân đoạn Kinh Thánh trong sách Hê-bơ-rơ 12:11, “Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy.”

 

Thật vậy, những rèn tập của Chúa sanh những bông trái công bình và bình an trên đời sống của người trai trẻ Giô-sép.

 

Sa-tan thường nói, mỗi người đều có một cái giá để trả và sẽ rơi vào sự cám dỗ. Nhưng có nhiều người mà Sa-tan không có lấy giá nào mua chuộc hay cám dỗ được, Giô-sép là một trong những người đó. Còn nhiều người khác đã thắng sự cám dỗ của Sa-tan như Gióp, Phao-lô… Sa-tan có ý coi thường con người khi con người lọt vào sự cám dỗ của nó, nhưng còn rất nhiều người mà Sa-tan không thể dùng bất cứ giá nào để thắng được.

 

Trong ý chỉ và sự cho phép của Chúa mà Giô-sép bị ở tù. Nhưng đó cũng là một cơ hội tốt cho Giô-sép trong tù. Chúng ta sẽ thấy những điều xảy ra cho Giô-sép trong phân đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

 

Có nhiều người vì sống cho danh Chúa mà bị nhiều khốn khổ, bị hãm hại và bị bắt bớ. Cầu xin Chúa thêm ơn sức cho mỗi chúng ta, chịu đựng và vươn lên trong mọi hoàn cảnh, tin chắc rằng nếu chúng ta trung tín với Chúa, Ngài sẽ làm những điều tốt lành trên chúng ta.

  

 

 

Bài trướcSửa Soạn Cho Chúa Một Dân Sẵn Lòng
Bài tiếp theoBài 49: Sở Hữu Các Phước Hạnh Thuộc Linh (tt)