SỨ GIẢ CỦA CHÚA

3131

Kinh Thánh: Mác 1:1-8

Ai là “Giăng Báp-tít” của ông bà, anh chị? Ai là “sứ giả” của Đức Chúa Trời được gửi đến cho chúng ta? Hay nói cách khác, ai đã là người “dọn đường” cho ông bà, anh chị biết Chúa Cứu Thế Giê-xu và tin nhận Ngài? HTTL Việt Nam cũng gọi một mục sư nào đó là “sứ giả phục hưng”, tức là người giảng dạy Lời Chúa đem lại sự phấn hưng thuộc linh cho con dân Ngài. Ai đã từng là sứ giả phục hưng của ông bà, anh chị?

Giăng Báp-tít được gọi là “sứ giả” của Chúa Cứu Thế Giê-xu, và ông chỉ cho mọi người đến với Ngài. Câu 1 cho biết Chúa Cứu Thế Giê-xu là ai, là “Con Đức Chúa Trời”; còn câu 8 cho biết Ngài sẽ làm gì, “Ngài sẽ làm phép báp-tem… bằng Đức Thánh Linh”.

  1. LỜI TIÊN TRI VỀ SỨ GIẢ (c.1-3)

Mác bắt đầu sách mình bằng cách giới thiệu ngay “Tin Lành”; nhưng đây không có nghĩa là Mác giới thiệu thêm một tin lành trong số nhiều tin tức tốt lành khác, mà thật sự chỉ có một “Tin Lành” thôi và đó là “Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu Christ”. “Tin Lành” nầy dành cho mọi người, nhưng không phải mọi người đều được nghe và hiểu “Tin Lành”, nên đó là lý do Mác viết sách. Trong lịch sử và văn hóa của đế quốc La Mã, chữ “tin lành” tương đối được dùng khá thịnh hành, đặc biệt trong dịp sinh nhựt của hoàng đế Augustus, người được xem như là con của các thần, mang hòa bình đến cho mọi người. Nhưng “tin lành” mà đế quốc La Mã xây dựng từ tiến chiếm các lãnh thổ, xử tử người khác, bắt người khác làm nô lệ… Đang khi đó, khi trả lời thắc mắc cho hai môn đệ của Giăng Báp-tít sai đến, Chúa Cứu Thế Giê-xu phán: “Hãy về báo cho Giăng sự các ngươi đã thấy và đã nghe: kẻ đui được sáng, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, Tin Lành đã rao giảng cho kẻ nghèo” (Lu-ca 7:22); rồi Ngài chịu chết thay cho con người tội lỗi trên cây thập tự, và ba ngày sau sống lại. Đó là “Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu Christ”.

Mặc dầu Mác viết cho những tín đồ người ngoại bang đang sống tại thủ đô La Mã, là những người không quen biết với Kinh Thánh Cựu Ước như người tín dồ Do Thái; nhưng ngay từ đầu sách, Mác lại trích dẫn lời trong Cựu Ước, trong Ê-sai 40:3. Lý do là trong văn hóa Do Thái, Hy Lạp và La Mã, sự trích dẫn “như đã chép” bày tỏ thẩm quyền, mà trong văn hóa Hy Lạp thường được dùng khi tuyên bố một điều luật hay một tuyên ngôn. Trong Cựu Ước, câu “như đã chép” bày tỏ thẩm quyền của Đức Chúa Trời, của Kinh Thánh, của vua, hay của tiên tri cho người đọc hay người nghe.

Đối với người Do Thái lúc bấy giờ sự xuất hiện của Giăng Báp-tít trong đồng vắng quá đột ngột, và chắc chắn sự xuất hiện của Chúa Cứu Thế Giê-xu sau đó cũng quá đột ngột; nhưng khi Mác viết rằng “Như đã chép trong sách tiên tri Ê-sai”, thì sự xuất hiện của Giăng Báp-tít và Chúa Cứu Thế Giê-xu không đột ngột gì cả, mà tiên tri Ê-sai đã cho biết khoảng 700 năm trước. Nói cách khác, sự xuất hiện của Giăng Báp-tít và Chúa Cứu Thế Giê-xu đã nằm trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời.

 Thưa ông bà, anh chị, những “sứ giả” giới thiệu Tin Lành cho chúng ta, hay những “sứ giả phục hưng” không phải tình cờ đến với chúng ta; nhưng đó là chương trình của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời biết nhu cầu tâm linh của chúng ta nên đã sai sứ giả với sứ điệp đến với chúng ta. Như vậy chúng ta nên có thái độ nào đối với “sứ giả” của Đức Chúa Trời? Có lẽ chúng ta nên có thái độ như đại đội trưởng La Mã Cọt-nây đối với sứ đồ Phierơ ghi trong Công vụ 10:3, “Ông đến đây là rất phải. Vậy, bây giờ, thay thảy chúng tôi đang ở trước mặt Đức Chúa Trời, để nghe mọi điều Chúa đã dặn ông nói cho chúng tôi.”

Lời tiên tri ghi: “Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt ngươi, người sẽ dọn đường cho ngươi… Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng: hãy dọn đường Chúa, ban bằng các nẻo Ngài.” Cụm từ “hãy dọn đường Chúa” trong câu 3 có nghĩa là hãy dọn đường của Chúa, chớ không phải hãy dọn đường cho Chúa; vì nếu không hiểu đúng như vậy chúng ta sẽ giải nghĩa sai. Mặc dầu vào thời dân Y-sơ-ra-ên bị nô lệ tại Ba-by-lôn, họ chỉ hiểu lời tiên tri Ê-sai là hãy sửa soạn con đường cho Đức Chúa Trời dẫn các phu tù từ Ba-by-lôn trở về quê hương; nhưng vào thời kỳ Tân Ước ý niệm nầy được hiểu là nói về thời kỳ chung kết. Vì thế, “con đường của Chúa” chính là “con đường sự sống”, và có những cộng đồng vào trong đồng vắng, sống theo “con đường của Chúa” để sửa soạn cho biến cố chung kết. Bây giờ, bất cứ ai đáp ứng lời kêu gọi của Giăng Báp-tít, người đó được kêu gọi sửa soạn “con đường của Chúa”; con đường đó không phải là đời sống đạo đức, nhưng là chịu sự bắt bớ đạo, và chịu chết vì Tin Lành.

Thưa ông bà, anh chị, chúng ta đã đáp ứng lời kêu gọi của một “sứ giả” nào đó của Đức Chúa Trời lâu rồi; nhưng cho phép tôi hỏi, chúng ta có “sửa soạn con đường” của Chúa chưa? hay là chúng ta vẫn muốn đi con đường của mình? Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường” (1 Phi 4:12); tức là nếu chúng ta không đi “con đường của Chúa” thì đó là chuyện khác thường.

Mác không hề có ý giới thiệu Giăng Báp-tít như là một nhân vật độc lập; nhưng là một nhân vật hoàn toàn liên hệ với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Giăng Báp-tít được giới thiệu là sứ giả “dọn đường” cho Chúa Cứu Thế Giê-xu và giới thiệu Ngài cho mọi người. Chúng ta cũng được gọi vào vai trò giống như vậy, nên chúng ta phải cẩn thận, e người khác chỉ nghe và thấy chúng ta mà không nghe và thấy Chúa Cứu Thế của chúng ta.

2. CÔNG VIỆC CỦA SỨ GIẢ (c.4-6)

“Đồng vắng” là hình ảnh quen thuộc đối với dân Do Thái. Đồng vắng là khô cằn, không có thức ăn và nước uống, nơi chỉ có dã thú và sự chết; nhưng đó là nơi dân Do Thái lệ thuộc vào sự thành tín của Đức Chúa Trời trước khi bước vào Đất Hứa. Cũng tại đồng vắng bên kia Đất Hứa, Môi-se bắt dân Do Thái lựa chọn sự sống hoặc sự chết, phước lành hay rủa sả; và bước vào giao ước để trở nên tuyển dân của Đức Chúa Trời (Phục Truyền 29:12; 30:19). Vào thế kỷ đầu tiên, những nhà lãnh đạo Do Thái khởi xướng phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc La Mã đều đưa người ủng hộ mình vào đồng vắng; không phải là chiến lược, nhưng là ảnh hưởng tâm lý về sự giải cứu của Đức Chúa Trời.

Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi Giăng Báp-tít bắt đầu chức vụ trong đồng vắng; nhưng ông không có ý kêu gọi những người theo mình bỏ đời sống thành thị để thành lập một cộng đồng trong đồng vắng. Mác nhấn mạnh ý đồng vắng như là khởi đầu cho một thời đại mới của Đức Chúa Trời.

Thưa ông bà, anh chị, trong ý nghĩa thuộc linh, để làm tươi mới lại đời sống tâm linh của mình, lắm khi chúng ta phải tạm gác qua công việc Hội Thánh, tạm ngưng mọi liên hệ với người khác, để bước vào “đồng vắng”, nơi chúng ta sống riêng với Lời Chúa và sống trong sự giao thông với Ngài. Môi-se cần bốn mươi năm trong đồng vắng Ma-đi-an, và Phao-lô cần ba năm trong đồng vắng A-ra-bi (Ga-la-ti 1:17-18) để bắt đầu cuộc hành trình mới với Đức Chúa Trời. Đương nhiên, chúng ta không thể dành vài năm bước vào “đồng vắng” như Môi-se, như Giăng Báp-tít hay như Phao-lô; nhưng chúng ta có thể bắt chước như Chúa Cứu Thế Giê-xu: “Sáng hôm sau, trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ, và cầu nguyện tại đó” (Mác 1:35).

Giăng Báp-tít không kêu gọi dân chúng ăn năn tội, rồi nhận báp-tem giống như hình bóng cho sự ăn năn tội; nhưng ông giảng về “phép báp-tem ăn năn, cho được tha tội”, nghĩa là kêu gọi dân chúng nhận món quà tha thứ của Đức Chúa Trời, rồi kêu gọi họ ăn năn tội. Nói cách khác, Giăng Báp-tít đề cập đến ân điển của Đức Chúa Trời trước khi kêu gọi dân chúng thay đổi đời sống. Trái lại, các tôn giáo kêu gọi mọi người thay đổi hoàn toàn đời sống trước, lúc ấy mới đắc đạo, là điều con người không thể làm được; và đó không phải là “tin lành”.

Mác đề cập “cả xứ Giu-đê và hết thảy dân sự thành Giê-ru-sa-lem đều đến cùng người, xưng tội mình và chịu người làm phép báp-tem dưới sông Giô-đanh”; nhưng lại không đề cập đến vùng Ga-li-lê, là vùng đất hết sức quan trọng trong chức vụ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Lý do là Mác đang liên hệ biến cố nầy với lịch sử của dân Do Thái. Ngày xưa, dân Do Thái đã có lần rời khỏi đồng vắng, đi qua sông Giô-đanh, và định cư tại vùng Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem; nay họ rời những địa điểm đó, đi qua sông Giô-đanh, tiến vào đồng vắng, ăn năn tội và quay về làm một dân sự mới của Đức Chúa Trời.

Thưa ông bà, anh chị, có những con dân Chúa đã bỏ thì giờ đọc Kinh Thánh và cầu nguyện riêng mỗi ngày nên đời sống thuộc linh của họ sa sút, là những sứ giả của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta cũng phải kêu gọi họ quay trở lại điểm rất căn bản nầy để làm mới lại đời sống thuộc linh của mình.

Trong phần giới thiệu Giăng Báp-tít, Mác không ghi lại bối cảnh của Giăng Báp-tít, mà chỉ ghi chi tiết về cách ăn mặc của ông: “mặc áo lông lạc đà, buộc dây lưng da ngang hông; ăn những châu chấu và mật ong rừng”. Đương nhiên, Mác không có ý cho rằng Giăng Báp-tít là người chống lại nền văn hóa và văn minh lúc bấy giờ; nhưng ông muốn nhấn mạnh một sự sáng tạo mới như đã xảy ra tại vườn Ê-đen. Ngoài ra, Mác cũng muốn trình bày Giăng Báp-tít giống như hình ảnh của tiên tri Ê-li qua cách ăn mặc mà người Do Thái không thể nào lầm lẫn được (II Các Vua 1:8). Sau nầy Mác có ghi lại lời phán của Chúa Cứu Thế Giê-xu liên quan đến vấn đề nầy như sau: “Ngài đáp rằng: Thật Ê-li phải đến trước sửa lại mọi việc. Vậy thì sao có chép về Con người rằng Ngài phải chịu khổ nhiều và bị khinh dể ư? Vả, ta nói cùng các ngươi, Ê-li đã đến rồi, người ta đãi người theo ý muốn mình, y như lời đã chép về việc người vậy.”

Là những sứ giả của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta không được kêu gọi ăn mặc như Giăng Báp-tít; nhưng chúng ta được kêu gọi sống đời sống đạo đức như ông, khiêm nhường như ông, và phục vụ Chúa giống như ông. Rất tiếc, một số người trong chúng ta hành động ngược lại, chúng ta chú tâm đến diện mạo và phục sức của mình, mà hời hợt về đời sống đạo của mình.

3. LỜI CHỨNG CỦA SỨ GIẢ (c.7-8)

Đang khi Ma-thi-ơ và Lu-ca kêu gọi đọc giả chú tâm sứ điệp về sự thay đổi lối sống mà Giăng Báp-tít kêu gọi, Mác lại kêu gọi đọc giả chú tâm đến sứ điệp về “Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta”.  Câu 7 và câu 8 tóm tắt lời chứng trực tiếp đầu tiên hết của Giăng Báp-tít cùng những người đến với ông. Đối với niềm hy vọng của người Do-thái lúc bấy giờ, chính Đức Chúa Trời hoặc sứ giả của Ngài từ trời xuống sẽ mang sự giải cứu cho họ; sứ giả đó có thể là Con Người, hoặc là tiên tri Ê-li. Người Do Thái đến với Giăng Báp-tít không hề mong đợi hình ảnh một người như ông sẽ đến sau ông, nhưng họ mong đợi “Đấng có quyền phép” như tiên tri Ma-la-chi đã tuyên bố: “Nầy ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta; và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong. Nầy Ngài đến, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (3:1). Giăng Báp-tít cho mọi người biết Đấng đến sau ông mặc dầu bề ngoài giống như ông; nhưng thật sự ông “không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài” vì Ngài là “Con Đức Chúa Trời”.

 Ngày xưa và kể cả ngày nay “mở dây giày” là bổn phận của người đầy tớ, đúng ra là công việc của người đầy tớ ngoại bang, chớ người đầy tớ Do Thái được miễn trừ vì đây là công việc thấp hèn nhứt. Giăng Báp-tít nói rằng “ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài”; tức là không xứng đáng được làm công việc thấp hén nhứt cho Ngài, để bày tỏ sự hạ mình và thuận phục hoàn toàn đối với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thưa ông bà, anh chị, nếu Giăng Báp-tít là “sứ giả” của Chúa Cứu Thế Giê-xu, là người mà Ngài nói rằng “trong những người bởi đờn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít” mà còn nói “ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài”, thì chúng ta nên có thái độ nào đối với Chúa Cứu Thế Giê-xu trong sự vâng lời và phục vụ? Tôi tin rằng nếu chúng ta mang tâm tình của Giăng Báp-tít, Hội Thánh sẽ không thiếu người phục vụ.

Lu-ca 7:36-50 ghi lại câu chuyện Chúa Cứu Thế Giê-xu vào nhà của một người để dùng bữa. Đang khi ăn, có một người đàn bà “xấu nết” đứng nơi chân Ngài, khóc, lấy tóc mình mà lau chân Ngài, hôn chân Ngài và xức dầu thơm nơi chân Ngài. Chữ “xấu nết” có thể cho thấy phụ nữ nầy là gái giang hồ hay là người đàn bà ngoại tình. Dường như trước đó khi nghe lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế Giê-xu thì tâm linh của phụ nữ nầy được thức tỉnh, hoặc cảm nhận được sự yêu thương và tha thứ, nên bạo dạn đến để gặp Ngài. Cảm nhận mình không xứng đáng, người đàn bà “xấu nết” chỉ dám đứng nơi chân Chúa Cứu Thế Giê-xu, khóc – vì cảm động hay cũng có thể vì vui mừng – và nước mắt rơi trên bàn chân Ngài. Phụ nữ nầy lại có một hành động hết sức khó xem nữa cho người lúc bấy giờ, là xỏa tóc mình, và dùng tóc để lau chân Chúa Cứu Thế Giê-xu; sau đó hôn chân Ngài và xức dầu thơm vào chân Ngài.

Tuy nhiên, trên một phương diện khác, giống như Giăng Báp-tít, chúng ta thật được vinh dự phục vụ Chúa Cứu Thế Giê-xu. Rất tiếc là một số con dân Chúa không nhận thấy điểm quan trọng nầy, mà tìm đủ cách để trốn tránh công việc Chúa, và cũng không muốn con mình bước vào con đường phục vụ Ngài trọn thời gian. Ít nhứt trong hai lá thư, Phao-lô viết rằng “Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ” (Rô-ma 1:1; Phi-líp 1:1). Một mặt, Phao-lô nhìn nhận mình chỉ là người “nô lệ” của Chúa Cứu Thế Giê-xu; một mặt khác, Phao-lô tình nguyện làm “nô lệ” cho Ngài, và hãnh diện vì được kể là nô lệ của Ngài.

Cụm từ “phép báp-tem… bằng Đức Thánh Linh” cần được giải thích. Báp-tem thường liên hệ đến nước; nhưng Mác đề cập đến báp-tem bằng Đức Thánh Linh để phân biệt chức vụ của Giăng Báp-tít và Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chức vụ của Giăng Báp-tít là sửa soạn mọi người đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu qua lễ báp-tem; còn chức vụ của Chúa Cứu Thế Giê-xu là bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời qua Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời hành động giữa con dân Ngài; nhưng không có nghĩa là Ngài được đổ xuống trên chúng ta như nước. Trái lại, “phép báp-tem… bằng Đức Thánh Linh” có nghĩa là Chúa Cứu Thế Giê-xu thánh hóa chúng ta bằng sự hiện diện của chính Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Phaolô nhấn mạnh ý nghĩa nầy khi viết: “Nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài” (Rô-ma 8:9). Vì thế, phép báp-tem bằng nước của Giăng Báp-tít như là dấu hiệu cho người nhận biết rằng mình đến được ngưỡng cửa Vương Quốc Đức Chúa Trời, nhưng chưa được bước vào, mà phải nhận được phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh. Đó cũng là lý do mà Chúa Cứu Thế Giê-xu phán: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đờn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít, nhưng mà kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người.” (Ma-thi-ơ 11:11).

Khi “giảng phép báp-tem ăn năn tội”, và “cả xứ Giu-đê và hết thảy dân sự thành Giê-ru-sa-lem đều đến cùng người, xưng tội mình và chịu người làm phép báp-tem”, rồi giới thiệu rằng “có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta… Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh, Giăng Báp-tít hoàn tất công tác sứ giả của mình là “dọn đường Chúa, ban bằng các nẻo Ngài.” Chúng ta cũng là những “sứ giả” của Chúa Cứu Thế Giê-xu, và công tác của chúng ta là “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Chúng ta đã bắt đầu công tác nầy chưa? Chúng ta có đang làm công tác nầy không?

Trên một phương diện khác, Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh những sứ giả như những nhà truyền giảng, những mục sư, những giáo sư… Chúng ta cầu nguyện để những sứ giả nầy phục vụ Ngài với sự khiêm nhường và sốt sắng.

Mục Sư Đoàn 
(BTMV 25 – Tháng 09/2011)

Bài trướcChọn Hướng Đi Cho Đời Mình – 2/3/2020
Bài tiếp theoTận Dụng Thời Gian Chúa Ban