Sống Với Lòng Can Đảm – Chương V (Phần cuối)

712

Sống Cuộc Đời Tận Hiến

 

Đa-ni-ên đã trải qua gần như trọn đời lưu đày tại Ba-by-lôn. Ông đã phục vụ cho vua Nê-bu-cát-nết-sa, vua Bên-xát-sa, và bây giờ là Đa-ri-us người Mê-đi, người thiết lập chính quyền của mình tại Ba-by-lôn sau cái chết của Bên-xát-sa. Đa-ni-ên được bổ nhiệm làm một trong ba quan thượng thơ của vua trên toàn vương quốc (Đa-ni-ên 6:1-2), và ông sớm nổi trội hơn:

 

Vả, Đa-ni-ên lại trổi hơn hai quan thượng thơ kia và các quan trấn thủ, vì người có linh tánh tốt lành; thì vua định lập người trên cả nước (6:3)

 

Lưu ý câu Kinh Thánh này khẳng định rằng Đa-ni-ên có “linh tánh tốt lành.” Đó là cụm từ mà Thái hậu Amytis dùng để mô tả Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 5:12). Một số người cho rằng sự hiện diện của linh tánh tốt lành này trong đời sống của Đa-ni-ên là sự bày tỏ bản tánh tin kính của ông. Một số khác xem nó liên quan đến những kỹ năng và tài năng của ông để có thể quản lý các vấn đề của đất nước. Và một số khác xem nó là sự tổng hợp tất cả những gì chúng ta đã chứng kiến trong cuộc đời của ông—sự khác biệt, lòng tin cậy, lòng quan tâm và lòng can đảm.

 

Cho dù bản chất đầy đủ của “linh tánh” này là gì, nó cũng là điều then chốt trong việc đưa Đa-ni-ên một lần nữa đến vị trí quan trọng của sự tôn trọng và thẩm quyền. Tuy nhiên, quyền hành và vị trí cao trọng như vậy lúc nào cũng thu hút sự đố kỵ và ghen ghét, và Đa-ni-ên sớm nhận ra mình là mục tiêu cho những tính xấu này.

 
Vấn Đề Của Lòng Ghen Tỵ

Các quan thượng thơ và trấn thủ bèn tìm cớ kiện Đa-ni-ên về việc nước; nhưng họ không thể tìm được một cớ nào, hay một sự xấu nào của người, bởi người là trung thành, trong người chẳng có điều lỗi và cũng chẳng có sự xấu. Vậy những người đó nói rằng: Chúng ta không tìm được một cớ nào mà cáo Đa-ni-ên nầy, nếu chúng ta chẳng tìm trong sự thuộc về luật pháp Đức Chúa Trời nó. Các quan thượng thơ và trấn thủ đó bèn vào chầu vua và tâu rằng:

Hỡi vua Đa-ri-út, chúc vua sống đời đời! Hết thảy các quan thượng thơ trong nước, các quan lãnh binh, các quan trấn thủ, các quan nghị viên và các đại thần đều đồng tình xin vua ra chỉ dụ, lập một cấm lệnh nghiêm nhặt trong ba mươi ngày, hễ ai cầu xin thần nào hay một người nào ngoài vua, thì, hỡi vua, kẻ ấy sẽ phải quăng vào hang sư tử. Bây giờ, hỡi vua, hãy lập điều cấm đó và ký tên vào, hầu cho không đổi thay đi, theo như luật pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, không thể đổi được. Vậy vua Đa-ri-út bèn ký tên lập cấm lệnh đó (6:4-9).

 

Alexander Maclaren, nhà giải kinh tuyệt vời người Xcốt-len vào những năm 1800, đã mô tả vương triều của Đa-ri-út như sau:

 

Vừa hỗn độn vừa ô uế. Sự xa hoa, nhục dục, tham muốn, tư lợi, thần tượng, độc ác, tàn bạo và nhiều điều tương tự trong môi trường xung quanh người đàn ông này. Và giữa những thứ như vậy nảy nở một đóa hoa của đức hạnh, thánh khiết và không tì vết; bởi sự thừa nhận của kẻ thù, và qua đó, không một kẻ kiện cáo nào có thể tìm thấy một dấu hay một vết nhơ nào. Không có hoàn cảnh nào mà trong đó một người phải bị dơ áo xống của mình bởi thế gian. Tuy nhiên, lún sâu trong thứ rác rưởi mà anh ta phải lội qua, nếu Đức Chúa Trời sai anh ta đến đó, và nếu cứ nắm chắc tay Chúa, sự thánh sạch của anh ta sẽ còn trong sạch hơn vì cớ những kẻ bất khiết quanh anh.

 

 

“Kiêu ngạo cơ bản là tranh cạnh… Kiêu ngạo không nhận được niềm vui từ việc đạt được điều gì đó, chỉ vui khi đạt được nhiều hơn người bên cạnh. Chúng ta nói người ta kiêu ngạo vì giàu có, hay thông minh, hay xinh đẹp, nhưng không phải vậy. Người ta kiêu ngạo vì giàu có, thông minh, hay đẹp hơn người khác.— C.S LEWIS

 

Những viên quan ở vị trí thấp hơn phù hợp với triều đình của Đa-ri-út hơn là với nhân cách của Đa-ni-ên, và họ ghét Đa-ni-ên vì giờ đây ông có thẩm quyền cao hơn họ. Kiêu ngạo là tranh cạnh, và đố kỵ là kết quả của lòng kiêu ngạo bị tổn thương. Những con người kiêu ngạo này bị tổn thương bởi sự thăng chức của người đàn ông chính trực này, và họ muốn trừ khử ông.

 

Họ tìm kiếm những bằng cớ để kết tội ông, nhưng họ không thể tìm thấy bất cứ sai lầm nào trong ông. Tại sao? Vì “người là trung thành, trong người chẳng có điều lỗi và cũng chẳng có sự xấu” (6:4). Mặc dầu sống nhiều năm trong một môi trường mà bản chất là một nơi ô uế về đạo đức, Đa-ni-ên vẫn thánh sạch.

 

Tấn công một người có phẩm chất hoàn hảo là điều khó khăn, và những viên quan này biết rõ điều đó.

 

Vậy những người đó nói rằng: Chúng ta không tìm được một cớ nào mà cáo Đa-ni-ên nầy, nếu chúng ta chẳng tìm trong sự thuộc về luật pháp Đức Chúa Trời nó (6:5).

 

Chỉ có một điểm yếu duy nhất của Đa-ni-ên đó là lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Một lời chứng mạnh mẽ biết bao – đặc biệt là từ kẻ thù của ông! Chỉ có một cách duy nhất để những kẻ âm mưu này có thể tấn công đó là tấn công vào mối liên hệ của ông với Đức Chúa Trời.

 

Các viên quan sử dụng một mánh khóe lừa bịp để đạt được điều mình muốn, lợi dụng tính kiêu ngạo của Đa-ri-út. Họ xin vua ra một luật mà sẽ làm cho nó hợp pháp trong vòng ba mươi ngày sau đó không ai được cầu khẩn bất cứ thần hay người nào ngoại trừ chính Đa-ri-út (6:6-8). Vì chính Đa-ri-út đang ở vị trí phụ thuộc đối với vua Si-ru người Ba Tư, đây là sắc lệnh nâng ông lên vị trí của một vị thần và làm tăng cảm giác về quyền lực của ông mà Si-ru đã giới hạn.

 

Và hình phạt cho việc vi phạm sắc lệnh này là gì?

“Hễ ai cầu xin thần nào hay một người nào ngoài vua, thì, hỡi vua, kẻ ấy sẽ phải quăng vào hang sư tử” (6:7)

Lòng ghen tị của những viên quan này không có giới hạn. Họ muốn Đa-ni-ên phải chết.

“Bạn không thể trốn chạy điểm yếu của mình; đôi khi bạn phải chiến đấu hoặc phá hủy nó. Và nếu như vậy, sao không là bây giờ, và bạn đang đứng đâu?”- ROBERT LOUIS STEVENSON

 

 

Đa-ri-út đã ký sắc lệnh, và vì đây là “luật pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ,” nó không thể bị hủy bỏ. Điều này giải thích tại sao họ muốn sắc lệnh này giới hạn trong ba mươi ngày. Sau khi Đa-ni-ên chết, họ có thể trở lại với cuộc sống bình thường.

 

Đa-ri-út dường như là một người tốt. Nhưng cũng giống như tất cả chúng ta, ông cũng có điểm yếu. Trong phút bốc đồng, khi cái tôi của ông được ve vuốt, ông đã thực hiện một quyết định thiếu suy nghĩ và đã phê chuẩn cho luật cấm cầu nguyện của họ.

 
Năng quyền của lời chứng

Đa-ni-ên rất kính sợ Đức Chúa Trời nên vâng phục Ngài là quan trọng hơn vâng theo những luật lệ sai trái. Điều này làm sáng tỏ một nguyên tắc Thánh Kinh về sự vâng phục hay không vâng phục mà trong đó, khi chúng ta buộc phải chọn lựa giữa việc vâng phục luật của Đức Chúa Trời hay luật của con người, thì chúng ta phải chọn vâng phục luật của Đức Chúa Trời. Trong Tân ước, chúng ta thấy nguyên tắc này được thực hiện bởi các sứ đồ khi họ được lệnh phải ngừng rao giảng. Họ nói: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công Vụ 5:29).

 

Khi Đa-ni-ên nghe rằng chỉ dụ đó đã ký tên rồi, thì về nhà mình (những cửa sổ của phòng người thì mở về hướng Giê-ru-sa-lem). Tại đó, cứ một ngày ba lần, người quì gối xuống, cầu nguyện, xưng tạ trước mặt Đức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước (6:10).

 

Đa-ni-ên không tuân theo điều luật phi lý bằng cách cầu nguyện ba lần mỗi ngày, như ông vẫn thường làm trong nhiều năm qua. Đa-ni-ên biết bí quyết của việc sống đời sống thánh khiết giữa một môi trường bất khiết, và ông không muốn thay đổi hay thậm chí thể hiện sự thay đổi để làm thỏa mãn đám đông.

 

Bấy giờ những người đó nhóm lại, thấy Đa-ni-ên đương cầu nguyện nài xin trước mặt Đức Chúa Trời mình (6:11).

Đa-ni-ên đã phá vỡ điều luật của họ vì nó chống lại luật của Đức Chúa Trời – và ông bị bắt. Nhưng nỗi sợ hãi của việc bị bắt không ngăn cản được ông. Đa-ni-ên sẵn sàng chấp nhận những hậu quả của việc vâng phục Đức Chúa Trời.

 

Đây là bài học vô cùng quan trọng cho chúng ta, và nó làm nổi bật hai điều chúng ta cần ghi nhớ: (1) Chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận những hậu quả khi làm điều đúng. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí” (I Phi-e-rơ 3:14). Và (2) Đức Chúa Trời luôn tể trị, thậm chí khi cuộc sống xô đẩy chúng ta một cách bất công như thể quăng vào hang sư tử.

 

Đa-ni-ên bị bắt khi đang cầu nguyện với Chúa, và sẽ phải chịu đau đớn vì cớ sự công bình. Nhưng ông đã được chuẩn bị để làm vinh hiển Đức Chúa Trời.

 
Sự Bình An Của Đức Chúa Trời

Họ bèn đến chầu vua và tâu cùng vua về cấm lệnh của vua rằng: Hỡi vua, vua chẳng từng ký tên vào một cấm lệnh rằng trong ba mươi ngày, hễ ai cầu xin thần nào hay người nào ngoài vua, thì sẽ phải quăng vào hang sư tử đó chăng? Vua trả lời rằng: Sự đó là thật, theo như luật pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, không thể đổi được. Họ bèn đáp lại và tâu vua rằng: Đa-ni-ên, là một trong những con cái phu tù Giu-đa, không có lòng kiêng nể vua chút nào, hỡi vua, dầu đến cấm lệnh vua đã ký tên cũng vậy; song nó cứ một ngày cầu nguyện ba lần (6:12-13).

 

Những người này hẳn nhiên rất quỷ quyệt. Đầu tiên, họ nhắc Đa-ri-út nhớ lại sắc lệnh không thể hủy bỏ được của ông. Sau đó họ quay sang tấn công với một lời cáo buộc pha trộn giữa sự thật và vu cáo. Đa-ni-ên không coi thường nhà vua, nhưng ông không chấp nhận coi thường Đức Chúa Trời của mình.

 

Khi vua nghe những lời đó, thì lấy làm buồn bã lắm; vua định lòng giải cứu Đa-ni-ên, và mãi đến khi mặt trời lặn, cố hết sức tìm thế để giải cứu người. Nhưng các người đó nhóm lại cùng vua và tâu rằng: Hỡi vua, xin biết rằng theo luật pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, hễ là cấm lệnh hay chỉ dụ nào mà vua đã lập định rồi, thì không thể thay đổi được (6:14-15).

 

Phản ứng của Đa-ri-út cho thấy cuối cùng ông đã hiểu được chuyện gì đang xảy ra, vì ông “lấy làm buồn bã lắm.” Ông nhận ra rằng ông đã thi hành một phán quyết tồi tệ. Dường như không phải ông phiền lòng với Đa-ni-ên hay cách cư xử của Đa-ni-ên, nhưng với chính sự kiêu ngạo của ông.

 

Đa-ri-út cố hết sức để giải cứu Đa-ni-ên vì ông không muốn Đa-ni-ên phải gánh chịu những hậu quả của sắc lệnh ngu ngốc. Ông tìm kiếm một lỗ hổng hợp pháp, nhưng không có. Đa-ri-út bị sập bẫy bởi chính sắc lệnh của ông. Không còn lối thoát nào – Đa-ni-ên phải bị xử tử.

 

Bấy giờ vua truyền điệu Đa-ni-ên đến, và phải ném người vào hang sư tử. Vua cất tiếng nói cùng Đa-ni-ên rằng: Đức Chúa Trời ngươi là Đấng ngươi hằng hầu việc, sẽ giải cứu ngươi. Người ta bèn đem đến một hòn đá chận nơi cửa hang, và vua đóng ấn mình cùng ấn các đại thần nữa, hầu cho không có điều gì thay đổi được về Đa-ni-ên (6:16-17).

 

Vì bị phát hiện phạm vào tội liên tục hầu việc Đức Chúa Trời, Đa-ni-ên bị quăng vào hang sư tử. Hình thức trừng phạt đặc biệt này là một cái chết kinh khiếp. Những con sư tử thường xuyên bị bỏ đói, ngược đãi, và bị chọc tức nên chúng sẽ xé xác con người thành từng mảnh.

 

Trong sự tuyệt vọng, Đa-ri-út cố gắng đưa ra một lời an ủi sau cùng dành cho Đa-ni-ên: “Đức Chúa Trời ngươi là Đấng ngươi hằng hầu việc, sẽ giải cứu ngươi.” Thật đáng tiếc, dường như câu nói này không phát xuất từ đức tin, nhưng từ con người theo định mệnh thuyết.

 

Có bao giờ bạn tự hỏi chuyện gì đã xảy ra trong hang sư tử sau khi tảng đá chận miệng hang lại? Donald K. Campell, trong cuốn Daniel: Decoder of Dream (Tạm dịch Đa-ni-ên: Người giải mộng) , đã trích từ cuốn The Prophet-Statesman (Tạm dịch: Chính khách Tiên tri) (, đề nghị rằng khung cảnh có thể diễn ra theo cách sau:

 

Khi các lính canh đóng miệng hang lại và đi về, Đa-ni-ên trượt dần đến đáy hang. Những con sư tử to lớn nhảy xổ ra từ chỗ nằm của chúng đến chỗ ánh sáng chiếu vào, tất cả đột nhiên khựng lại như một chiến mã bị kiềm hãm dây cương bởi một bàn tay mạnh mẽ. Những tiếng gầm rú ban đầu im bặt khi chúng hình thành một đội quân và nhìn chăm vào người đàn ông đứng trong hang của chúng ở vị trí rất dễ để vồ lấy. Một số con thở dài, một số ít rên rỉ, và một số quay lưng trở về chỗ của chúng. Một số khác trong số những con thú dũng mãnh này ngáp dài và nằm xuống sàn, nhưng không một con nào di chuyển tiến tới vị khách của chúng. “Tạ ơn Đức Giê-hô-va” vị tiên tri thở phào. “Ngài đã bịt miệng những con thú dữ tợn này để chúng không làm hại gì được con.”

 

Ông ngồi xuống sàn của hang và tựa lưng vào tường để cho mình cảm giác thoải mái qua đêm. Ngay sau đó, hai con sư tử con di chuyển theo hướng dẫn của ông, không lén lút hay thu mình lấy đà như khi tấn công nhưng lộ rõ sự thân thiện, mỗi con nằm một bên Đa-ni-ên như để giữ ấm và bảo vệ ông trong ngục tối. Chẳng mấy chốc, mẹ của chúng, một con sư tử già, trườn tới và nằm trước tiên tri. Ông vuốt ve nhẹ nhàng trên lưng chúng khi chúng quay đầu và liếm vào tay ông. Vây quanh bởi một con sư tử cái và các con của nó, đầu của ông lão đáng kính dần dần gối trên lưng của một trong hai sư tử con, tất cả ngủ say trong cảnh tĩnh lặng và yên bình tuyệt hảo.

 
Sự bảo vệ của Đức Chúa Trời

Có thể Đa-ni-ên đang ngủ một cách bình an với những con sư tử, nhưng về phần Đa-ri-út, vì lương tâm ray rức, đã trải qua một đêm khác thường.

Sau đó, vua trở về cung mình, và suốt đêm kiêng ăn, cũng không đem bạn nhạc đến trước mặt mình, và vua không ngủ được (6:18).

 

Lo lắng, cảm giác tội lỗi, ăn không ngon, ngủ không được—đó là tất cả những hậu quả từ sự thất bại của Đa-ri-út khi không nhận ra âm mưu của các quan lại trong triều. Cuối cùng, sau một đêm mất ngủ, vua chỗi dậy và đi đến hang sư tử.

 

Khi vua đến gần hang, lấy giọng rầu rĩ mà kêu Đa-ni-ên; vua cất tiếng nói cùng Đa-ni-ên rằng: Hỡi Đa-ni-ên, tôi tớ Đức Chúa Trời hằng sống! Đức Chúa Trời ngươi mà ngươi hằng hầu việc, có thể giải cứu ngươi khỏi sư tử được chăng? Bấy giờ Đa-ni-ên tâu cùng vua rằng: Hỡi vua, chúc vua sống đời đời! Đức Chúa Trời tôi đã sai thiên sứ Ngài, và bịt miệng các sư tử, nên chúng nó không làm hại chi đến tôi, bởi tôi đã được nhận là vô tội trước mặt Ngài. Hỡi vua, đối với vua cũng vậy, tôi chẳng từng làm hại gì. Bấy giờ vua mừng rỡ lắm, và truyền đem Đa-ni-ên lên khỏi hang. Vậy Đa-ni-ên được đem lên khỏi hang, và người ta không thấy một vết tích nào trên người, bởi người đã nhờ cậy Đức Chúa Trời mình (6:20-23).

 

Ngay trong những lời của Đa-ri-út, chúng ta thấy sự tác động sâu sắc của cuộc đời Đa-ni-ên trên con người này: “Đức Chúa Trời ngươi mà ngươi hằng hầu việc, có thể giải cứu ngươi khỏi sư tử được chăng?” Thật ngạc nhiên vì Đa-ri-út nghĩ đến khả năng Đức Chúa Trời bảo vệ Đa-ni-ên khỏi những con sư tử. Và rồi, từ trong bóng tối, Đa-ni-ên đã trả lời một cách điềm tĩnh, chắc chắn rằng Đức Chúa Trời thật sự đã bảo vệ ông.

 

Đa-ni-ên không bị hại gì “bởi người đã nhờ cậy Đức Chúa Trời mình” (6:23). Hê-bơ-rơ 11:33 cũng cho chúng ta biết rằng bởi đức tin của Đa-ni-ên đã “bịt mồm sư tử.” Tất nhiên, như Hê-bơ-rơ 11:35-40 cho biết, không phải ý muốn Đức Chúa Trời luôn luôn phải là giải cứu con cái Ngài. Trong Hội thánh buổi ban đầu, hàng ngàn người tử đạo phải làm mồi cho sư tử và được đưa vào cõi đời đời. Nhưng dầu Đức Chúa Trời có giải cứu hay không ở từng thời điểm cụ thể, quyền năng giải cứu vẫn không bao giờ bị giảm bớt. Ngài luôn luôn có thể.

 
Sức Mạnh Của Sự Ưu Tiên

 

Theo lệnh vua, những kẻ đã kiện Đa-ni-ên ấy cùng con cái và vợ họ đều bị điệu đến quăng vào hang sư tử. Khi họ chưa đến dưới đáy hang, thì những sư tử đã vồ lấy và xé xương hết thảy (6:24).

 

Giống như Ha-man trong sách Ê-xơ-tê bị treo trên chính cây mộc hình của mình, những kẻ kiện cáo Đa-ni-ên bị quăng vào hang sư tử, nơi mà họ phải chịu sự hủy diệt mà họ đã rắp tâm muốn dành cho Đa-ni-ên. Và thậm chí lời tuyên bố đức tin còn mạnh mẽ hơn so với Nê-bu-cát-nết-sa đã từng tuyên bố (4:34-35,37), vua Đa-ri-út viết:

 

Bấy giờ, vua Đa-ri-út viết cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng ở khắp trên đất rằng: Nguyền cho sự bình an các ngươi được thêm lên! Ta ban chiếu chỉ rằng, trong khắp miền nước ta, người ta phải run rẩy kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên; vì Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống và còn đời đời. Nước Ngài không bao giờ bị hủy diệt, và quyền Ngài sẽ còn đến cuối cùng. Ngài cứu rỗi và giải thoát, làm những dấu lạ sự lạ ở trên trời dưới đất, đã cứu Đa-ni-ên khỏi quyền thế sư tử (6:25-27)

 

Về phần Đa-ni-ên, câu chuyện của ông có một kết thúc tốt đẹp:

Đa-ni-ên cứ được thạnh vượng như vậy trong đời vua Đa-ri-út và vua Si-ru là người Phe-rơ-sơ (6:28).

 

Đa-ni-ên là sự biểu hiện của Thi Thiên 1:3: “Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, Sanh bông trái theo thì tiết, Lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.” Đức Chúa Trời thật sự ban phước cho Đa-ni-ên.

 

Tuy nhiên, khi đang ở ngay giữa cuộc sống của mình, Đa-ni-ên không có một ý niệm gì về một kết cuộc như vậy. Ông biết lời hứa và năng quyền của Đức Chúa Trời, nhưng ông không biết được kế hoạch của Ngài. Ông chỉ biết rằng Ngài muốn ông phải sống một cuộc đời vâng phục để tôn vinh Đức Chúa Trời của ông, bất chấp điều kiện hay hoàn cảnh sống như thế nào, bất chấp cám dỗ hay thử thách đến đâu.

 

Đa-ni-ên cũng biết rằng ông không thể sống mà không cầu nguyện. Chúng ta biết Lời Đức Chúa Trời là sữa, thịt, và bánh của sự sống, nhưng cầu nguyện là hơi thở. Bạn có thể sống trong một khoảng thời gian mà không có thức ăn, nhưng bạn sẽ không sống quá vài phút nếu không thở. Sự cầu nguyện cũng quan trọng như thế.

Bạn có để sự cầu nguyện là ưu tiên trong đời sống mình không?

* * *

 

Chúng ta đang sống trong một thế giới như Ba-by-lôn. Chúng ta bị vậy quanh bởi một nền văn hóa luôn thay đổi, đạo đức mơ hồ, vô cùng rắc rối, và ngày càng xấu xa. Tuy nhiên, ngay trong thế giới này chúng ta được kêu gọi làm những Đa-ni-ên của thế hệ chúng ta. Chúng ta cũng có thể bị đổ vào khuôn của nền văn hóa chúng ta, hoặc giống như Đa-ni-ên, chúng ta có thể sử dụng bóng tối như một cơ hội để phản chiếu ánh sáng của Đức Chúa Trời.

 

Đời sống thuận phục của Đa-ni-ên về sự khác biệt, lòng tin cậy, quan tâm, can đảm, tận hiến là gương mẫu và di sản tuyệt vời cho chúng ta noi theo trong cuộc sống mỗi ngày.

 

Quyết định chọn lựa là của bạn. Bạn sẽ phục vụ Đức Chúa Trời như thế nào trong thế hệ của mình hôm nay?

Bài trướcBài thứ 349: Mặc Khải
Bài tiếp theo(24/12) Hơn 14.000 Người Nghe Phúc Âm và Gần 5.000 Người Tiếp Nhận Chúa