Ra-háp: Làm Thế Nào Chọn Chúa Trong Nền Văn Hóa Của Bạn.

2935

Hãy tưởng tượng bạn đang trên đường đi chợ, lúc đến gần ngã tư thì đèn hiệu thay đổi. Khi còn cách ngã tư khoảng 30 m thì đèn hiệu chuyển sang màu vàng.  Bạn sẽ quyết định thế nào trong giây phút ấy?

 

Bạn sẽ rồ ga vọt mạnh qua chăng, có thể đèn còn vàng nhưng cũng có thể đã chuyển sang màu đỏ?  Hay là bạn sẽ đạp thắng và không muốn mạo hiểm?

 

Quyết định mà bạn chọn trong giây phút đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố.  Thứ nhất, thời biểu của bạn sẽ có ảnh hưởng trên quyết định của bạn.  Bạn bị trễ giờ hay là có cả buổi sáng cho việc chợ búa?

 

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định của bạn là cách bạn suy nghĩ về việc tuân thủ luật pháp trong mọi lúc.  Một số người trong chúng ta thấy đó là điều thú vị, hấp dẫn/bắt buộc.  Một số khác, đi dọc bên lề luật pháp là một thử thách đầy hứng khởi.

 

Yếu tố thứ ba là cảm xúc của bạn khi nhận một giấy phạt, phải giải thích với gia đình mình hoặc là phải để thời gian nói chuyện với người cảnh sát.

 

Dĩ nhiên, cá tính của bạn sẽ ảnh hưởng đến quyết định của bạn.  Nếu thuộc loại A là những người không thể đứng chờ đèn đỏ, có thể bạn sẽ đạp ga hết cỡ và vọt băng qua khỏi ngã tư.

 

Một khi chọn làm như vậy, bạn có thể sẽ có nhiều sự chọn lựa khác chờ đợi mình.  Giả sử bạn đã chọn xong các món hàng và đang xếp hàng chờ trả tiền.  Cô thâu ngân đưa nhầm cho bạn một tờ một trăm ngàn đồng thay vì năm chục ngàn đồng.  Bạn sẽ quyết định thế nào trong khoảng khắc ngắn ngủi ấy?  Liệu bạn sẽ chỉ cho cô ấy thấy sự nhầm lẫn hay là bạn sẽ bỏ tờ một trăm ngàn đồng ấy vào túi mình và giữ im lặng?

 

Lần nữa, quyết định của bạn trong tích tắc tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.  Bạn có thể nhớ lại đã bao nhiêu lần mua hàng ở tiệm đó và rau củ đã hư thối ở bên trong: xà lách thì ố vàng, dưa gang thì nhạt nhẽo, còn táo thì bở rẹt.  Hoặc có thể lần vừa rồi, bạn đã phải bỏ phô mai mua ở đó đi vì đã có vị chua. Trong tích tắc, bạn có thể quyết định rằng mình chỉ tự bồi thường cho chính mình về những lần mà cửa tiệm đó đã gian lận qua việc bán hàng kém phẩm chất.

 

Điều bạn suy nghĩ về cửa tiệm và điều bạn tin về sự trung thực và công bằng sẽ quyết định điều bạn sẽ làm khi phải có sự chọn lựa trong tích tắc về tờ bạc thối lộn ở quầy tính tiền.

 

Đây không phải là nan đề mới mẻ.  Con người đã phải đối diện với những sự chọn lựa như vầy mấy ngàn năm qua.  Kể từ lúc Êva quyết định chọn miếng trái cây trong vườn Êđen khi xưa, người ta đã phải có những quyết định nhanh chóng trong cuộc đời.  Những quyết định ấy thường thường dựa vào niềm tin căn bản của chúng ta về chính mình, về xã hội chúng ta, và về vũ trụ.  Có Chúa không?  Nếu có, Ngài có ảnh hưởng thế nào trên điều tôi chọn làm?  Điều tôi tin nơi Ngài có ảnh hưởng thế nào trên những quyết định của tôi mỗi ngày?

 

Khi mở ra sách Giô-suê đoạn 2, chúng ta thấy một phụ nữ đã có một quyết định trong tích tắc, và hành động này đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời bà.  Tên bà là Raháp.  Bà hành nghề xưa nhất trên trái đất, mại dâm.  Bà đã có những quyết định lớn về giá trị của thân thể mình và giá trị linh hồn mình.  Trong Giô-suê đoạn 2, chúng ta gặp bà khi bà phải đối diện một quyết định khác.

 

Để hiểu được quyết định ấy, chúng ta cần lui lại 40 năm và dựng lại bối cảnh cho quyết định nhanh chóng của Raháp.  Dân của Chúa, mười hai chi phái của Isơraên bị cầm làm nô lệ ở xứ Aicập.  Dùng sự lãnh đạo của gia đình nổi tiếng gồm bộ ba Môise, Arôn, và Miriam, Đức Chúa Trời giải cứu dân Ngài.  Vì cớ vô tín nên những người Isoraên này không được vào Đất Hứa mà phải đi lang thang trong đồng vắng Sinai bốn mươi năm.  Trong thời gian ấy, trọn thế hệ đó chết hết, giờ đây bối cảnh mở ra với mười hai chi phái đang đóng trại ở phía đông sông Giôđanh.  Họ sẵn sàng để bắt đầu chinh phục xứ Ca-na-an dưới sự lãnh đạo của vị tướng mới, Giôsuê.

 

Thành phố đầu tiên họ phải chiếm là Giêricô, Thành phố Cây Cọ.  Nó kiểm soát một thung lũng xanh tươi màu mỡ.  Chúa hứa cho dân Ngài miền đất đượm sữa và mật ong, và thành phố đầu tiên trên đường tiến quân của họ có đủ mọi yếu tố đã mô tả.

 

Thung lũng này thật phì nhiêu và có nhiều nước, mùa màng dư dật và cây trái phong phú.  Đây là thành kiên cố nhất trong những thành mạnh của Ca-na-an.  Những bức tường cao sáu mét, dường như không thể phá thủng.  Các nhà khảo cổ học cho chúng tôi biết rằng thật ra có hai lớp tường với khoảng cách rộng như căn phòng ở giữa chúng.

 

Nếu quân thù có thể bóc gỡ được bức tường thứ nhất, chúng sẽ bị mắc kẹt ở chỗ này và trở nên mục tiêu dễ dàng cho những người giữ thành.  Giê-ri-cô được bảo vệ rất kỹ càng.

 

Trên phần hổng giữa hai bức tường là những căn nhà xây trên những cây đà chắc chắn cách khoảng đều nhau quanh thành.  Raháp sống ở một trong những căn nhà này.

 

Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ sách Giôsuê 2:1 như vầy:

 

Giôsuê, con trai của Nun, từ Sitim mật sai hai người do thám mà rằng: Hãy đi do thám xứ, nhứt là Giê-ri-cô.  Vậy, hai người ấy đi đến nhà của một kỵ nữ tên là Raháp, và ngụ tại đó.

 

Bối cảnh: người Isơraên chuẩn bị về chiến trận, do thám, vấn đề trung thành và yêu nước.  Hai người do thám đã đến thành Giê-ri-cô.  Họ có thể ở đâu?  Làm thế nào để biết được điều cần biết?  Có nơi nào tốt hơn là một nhà thổ?  Khách buôn bán từ xa thường thường hỏi thăm đường đến những nơi như vậy.  Chúng ta không cần ngạc nhiên trước sự kiện hai thám tử Do thái đến nhà của Raháp trên vách thành.

 

Tuy nhiên, hai thám tử này có vượt qua được sự nghi ngờ chăng?  Hãy đọc Giôsuê 2:8-13 để thấy điều Raháp nói với họ

 

Trước khi hai người do thám chưa nằm ngủ, nàng leo lên mái nhà, mà nói rằng: Tôi biết rằng Đức Giêhôva đã ban cho các ông xứ này, sự kinh khủng vì cớ các ông đã bắt lấy chúng tôi, và cả dân của xứ đều sờn lòng trước mặt các ông.  Vì chúng tôi có hay khi các ông ra khỏi xứ Êdíptô, thì Đức Giêhôva đã khiến nước Biển Đỏ bày khô trước mặt các ông, và đều các ông đã làm cho Si-hôn và Óc, hai vua dân A-mô-rít, ở bên kia sông Giôđanh, mà các ông đã diệt đi.  Chúng tôi có hay điều đó, lòng bèn tan ra, chẳng ai trong chúng tôi còn can đảm trước mặt các ông nữa; vì Giêhôva Đức Chúa Trời các ông là Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia, và ở dưới đất thấp này.  Vậy bây giờ, vì tôi đã làm nhơn cho hai ông, thì hai ông cũng phải làm nhơn lại cho nhà cha tôi; hãy chỉ Đức Giêhôva mà thề cùng tôi, và cho một dấu quả quyết rằng các ông sẽ để cha mẹ, anh em, chị em tôi, và hết thảy người bà con của họ đều còn sống, cùng cứu chúng tôi khỏi chết.

 

Niềm tin cơ bản nào đã khiến Raháp quyết định dấu các thám tử và phản bội lại thành phố của mình?  Raháp quyết định đánh cược sự sống còn và tương lai của mình vào Đức Chúa Trời của Isơraên.  Bà đã chịu thuyết phục, như khi nói với hai thám tử rằng Đức Chúa Trời của họ là “Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia, và ở dưới đất thấp này”.

 

Và, đây cũng là cách duy nhất mà bạn và tôi có thể đối đầu với nền văn hóa của chúng ta hoặc đi ngược lại các trào lưu xã hội quanh ta.  Chúng ta tìm được sự can đảm để làm điều đó khi chúng ta chịu phục rằng “Đức Chúa Trời [của các ông] là Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia, và ở dưới đất thấp này”.

 

Bạn có thật sự tin rằng Đức Chúa Trời tể trị không những ở trên các từng trời cao mà ngay cả nơi đất thấp này chăng?  Tôi có thật sự tin rằng “các ngày tôi nằm trong tay Chúa”, và rằng Chúa thật nắm cả thế giới này trong bàn tay Ngài chăng?  Tôi có thể tin chắc rằng bàn tay Ngài là bàn tay tốt lành và Ngài khiến sự công bình và điều tốt lành cuối cùng sẽ thắng hơn [điều ác] chăng?  Khi nhìn vào thế giới chung quanh, chúng ta thấy sự bất công thắng thế.  Chúng ta thấy ngưòi tốt thua còn kẻ xấu lại thắng.  Chúng ta thấy một người bạn thân đang phải đối diện với cuộc hôn nhân tan vỡ, chẳng phải vì chị ấy là một người vợ tệ hại nhưng bởi vì chồng chị ấy đắm say bùa ngải của một người phụ nữ khác.  Chúng ta thấy một người chồng ngay thẳng bị mất việc trong khi đó, một đồng nghiệp gian xảo lại được cất nhắc.  Dường như Đức Chúa Trời chẳng tể trị nơi đất thấp này.  Làm thế nào để tin rằng Ngài còn tể trị cả trên trời cao kia?  Có thật Đức Chúa Trời đang chăn giữ các con của Ngài chăng?  Câu trả lời tùy thuộc vào điều bạn biết về Đức Chúa Trời.

 

Raháp biết về Đức Chúa Trời đủ để tin rằng Ngài sẽ dùng quyền năng lớn lạ của mình mà làm lợi ích cho con cái Ngài.  Bà sẵn sàng đánh cược sự sống mình vào điều đó.  Bà biết bức tường thành quanh Giê-ri-cô dầy cỡ nào.  Bà sống ở đó mà.  Bà biết binh lính Giê-ri-cô hung dữ cỡ nào.  Là nghề mãi dâm, bà hẳn đã phải nghe đầy tai những điều chúng khoe khoang, khoác lác về sức mạnh và sự tài giỏi của chúng khi chúng đến thăm viếng bà.  Bà có thể thấy thành Giê-ri-cô ở vị thế bất khả chiến bại đối với bất kỳ kẻ nào muốn xâm nhập.  Dù vậy, bà tin chắc rằng Đức Chúa Trời của Isơraên sẽ chiến thắng và người Isơraên đứng về phía Đức Chúa Trời.  Bà tin tưởng điều này mãnh liệt đến nỗi dám đánh cược mạng sống của mình trên thực tế đó.  Raháp dám đứng một mình chống ngược lại nền văn hóa của bà bởi vì bà có một lòng tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời.

 

Chúng ta học biết vài điều quan trọng về đức tin của Raháp khi lật qua phần Tân Ước của Kinh Thánh.  Thật ngạc nhiên khi chúng ta thấy rằng người kỵ nữ này đã nêu một tấm gương nổi bật về đức tin.  Hãy xem Hêbơrơ 11:31 “Bởi đức tin, kỵ nữ Raháp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám.”

 

Ngay tại tượng đài nơi ca ngợi các anh hùng đức tin, chúng ta chỉ thấy có hai phụ nữ: Sara, vợ của Áp-ra-ham, và kỵ nữ Raháp.  Thật đáng kính nể!  Tuy nhiên, tác giả lá thơ này cho người Hê-bơ-rơ không là người duy nhất đề cập đến gương đức tin của Raháp.  Cũng hãy xem sách Giacơ 2:25  “Đồng một thể ấy, kỵ nữ Raháp tiếp rước các sứ giả và khiến họ noi đường khác mà đi, người há chẳng phải cậy việc làm mà được xưng công bình sao?  Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy.”

 

Đức tin của Raháp không chỉ đưa đến một lời tuyên xưng mạnh mẽ về Đức Chúa Trời của Isơraên: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ông là Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia, và ở dưới đất thấp này.” Lời tuyên xưng ấy còn đưa đến một hành động mạnh mẽ cho dân sự của Chúa.  Có người nói rằng: “đức tin là một bước chuyển động, không chỉ là lời nói”.

 

Điều gì bày tỏ ra đức tin của Ráp?  Theo tác giả sách Hê-bơ-rơ, chính sự kiện bà tiếp đón các thám tử đã bày tỏ đức tin của mình.  Giacơ cũng viết về cùng sự kiện ấy: “kỵ nữ Raháp tiếp rước các sứ giả và khiến họ noi đường khác mà đi” – khỏi sự lục soát của binh lính Giê-ri-cô.  Đức tin của Raháp đã đi đến hành động của bà.   Quyết định hành động của bà lớn lên từ niềm tin của mình.

 

Hệ quả của việc này ra sao?  Khi đánh cược cuộc đời mình vào thực tế và công việc của Đức Chúa Trời của Isơraên, Raháp chọn lựa kỹ càng chưa?  Nếu tham gia trường Chúa nhật từ nhỏ, bạn hẳn biết rành rọt câu chuyện này.

 

Sau khi xí gạt binh lính Giê-ri-cô để chúng truy tìm theo đường khác, Raháp đã có cơ hội chuyện trò với hai thám tử trên mái nhà mình dưới bầu trời đầy sao.  Bà xưng nhận đức tin nơi Đức Chúa Trời của Isơraên.  Và, bà còn làm thêm một điều nữa.  Vì đã cứu mạng sống của các thám tử, bà xin cho mạng sống của cha mẹ, anh chị em mình được an toàn khi Đức Chúa Trời giao thành Giê-ri-cô cho những người chiếm thành.

 

“Mạng chúng ta sẽ đền cho mạng nàng!”  các sứ giả cam kết với bà như vậy qua hai điều kiện: không được rò rỉ thông tin về sứ mạng của họ với chính quyền Giê-ri-cô, và bà phải cột một sợi dây đỏ nơi cửa sổ nhà bà trên tường thành.  Chỉ những ai ở trong nhà ấy vào thời gian thành bị chiếm mới được sống sót.  Mọi người khác sẽ bị tiêu diệt.

 

Họ đều thỏa thuận về những điều kiện ấy.  Bà dòng họ xuống khỏi tường thành bằng sợi thừng chắc chắn và bảo họ hãy trốn ở trong núi cho đến chừng đội quân truy lùng trở về thành Giê-ri-cô trắng tay.  Bà cột sợi dây đỏ lên cửa sổ.  Và chờ đợi …

 

Sách Giôsuê đoạn 3, 4, và 5 kể lại chuyện một dân tộc thật đông người vượt qua con sông cuồng nộ và về những điều xảy ra khi họ dựng trại không xa thành Giê-ri-cô bao nhiêu.  Trong khi đó, Raháp tiếp tục chờ đợi.  Câu chuyện của chúng ta tiếp tục trong Giô-suê 6:1

 

“Vả, Giê-ri-cô đã đóng cửa mình cách nghiêm nhặt trước mặt dân Isơraên, không người nào vào ra. Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê rằng: Kìa ta đã phó Giê-ri-cô, vua, và các chiến sĩ mạnh bạo của nó vào tay ngươi.”

 

Và, đồng thời, Chúa cũng đã ban cho Giô-suê một kế hoạch tấn công thật lạ lùng chưa từng thấy.  Ông phải tổ chức một cuộc diễu hành.  Dẫn đầu là một số quân lính; kế đó, là bảy thầy tế lễ cầm kèn làm từ sừng dê đực.  Sau đó là các thầy tế lễ khiêng Hòm Giao Ước, rồi nhiều binh lính đi tiếp theo.  Suốt đường đi quanh thành, các thầy tế lễ phải thổi kèn nhưng những người Isơraên xếp hàng đi trong cuộc diễu hành thì phải yên lặng.  Khi cuộc diễu hành chấm dứt, mọi người trở về trại quân Isơraên để nghỉ qua đêm.  Mọi người tụ họp và đi diễu hành ngày thứ nhất.  Rồi ngày thứ hai. Ngày thứ ba. Ngày thứ tư.  Ngày thứ năm. Rồi ngày thứ sáu.

 

Nếu là một người dân thành Giê-ri-cô đứng trên tường thành nhìn xuống đoàn người diễu hành phía dưới mỗi ngày, bạn sẽ nghĩ gì?  Ngày nọ qua ngày kia?  Bạn sẽ chẳng bắt đầu thắc mắc rằng Đức Chúa Trời nào mà lại ra lệnh như vậy cho những người này? 

 

Hoặc, việc quan sát cuộc diễu hành lại chẳng làm bạn hơi căng thẳng và tự hỏi rồi tới chuyện gì đây…?

 

Vào ngày thứ bảy, cuộc diễu hành diễn ra như thường lệ. Dân Isơraên quan sát những người lính trang bị vũ khí, các thầy tế lễ mang theo kèn, và những thầy tế lễ khác khiêng Hòm Giao Ước, xếp thành hàng ngũ như những ngày trước.  Mọi người yên lặng.  Họ phải giữ yên lặng mà.  Nhưng tôi cho rằng dù không có mệnh lệnh của Giô-suê nhiều người cũng sẽ rất yên lặng.  Đây là một cuộc thử nghiệm rất lớn.  Đức Chúa Trời sẽ thực hiện điều gì đó cho họ chăng hay là rốt cuộc họ sẽ trông giống như một đám người ngốc nghếch cả tuần lễ nay rồi?

 

Vòng quanh thành một lần, hai lần, ba lần, bốn lần, năm lần, sáu lần, bảy lần.  Thình lình Giô-suê ra hiệu lệnh.  Tiếng kèn trỗi lên.  Tiếng người hô lớn.  CÁC BỨC TUỜNG THÀNH ĐỔ SẬP XUỐNG.  Những bức tường khổng lồ – dầy 6 mét – đổ sập vào trong thành.  Đội quân Isơraên trang bị vũ khí bấy giờ có thể chạy ào lên đống gạch đổ nát và tiếp cận binh lính Giê-ri-cô.  Thành Giê-ri-cô hoàn toàn bị tiêu diệt.

 

Hoặc, gần như hoàn toàn.  Vẫn còn sót lạì một căn nhà đứng trên một vách thành.  Từ cửa sổ nhà ấy, một sợi dây đỏ đong đưa.  Nhiều người chen chúc trong căn nhà ấy, quan sát mọi điều diễn ra trong kinh ngạc.

 

Giô-suê cho gọi hai thám tử và giao cho họ một mạng lệnh tốt lành: Hãy đến nhà Raháp, đem mọi người ra và bảo đảm an toàn cho họ.  Đọc Giô-suê 6:23, chúng ta thấy: “Vậy, hai người trai trẻ đã đi do thám xứ, bèn vào biểu Ra-háp, cha mẹ nàng, anh em, và mọi vật chi thuộc về nàng đi ra; hai người đem hết thảy gia quyến nàng ra, và để ở ngoài trại quân Isơraên.”

 

An toàn!  Raháp đã đánh cược mạng sống mình vào Đức Chúa Trời của Isơraên.  Đức Chúa Trời đã đáp lại Raháp và hết thảy những ai xúm xít với nàng trong căn nhà trên vách thành Giê-ri-cô.

 

Còn nữa.  Trong sách Giô-suê 6:25, tác giả cho thấy rằng Raháp sống giữa vòng dân Isơraên cho đến ngày sách Giô-suê được viết.  Bà trở nên một với dân của Đức Chúa   Trời.  Sự kiện bà từng là gái mại dâm nay chẳng còn quan trọng nữa. Bởi đức tin, bà đã gia nhập vào cộng đồng của Đức Chúa Trời.

 

Một trong những sự kiện nổi bật về mối tương quan giữa Chúa Jêsus và phụ nữ trong bốn sách Tin lành là Ngài thường cúi xuống và nâng đỡ lên “những người phụ nữ lỡ lầm/sa ngã”.  Hãy nhớ lại người phụ nữ với bình dầu thơm trong sách Luca 7 và người đàn bà tà dâm trong Giăng 8.  Chúng ta thấy Chúa Jêsus cứ bày tỏ lòng thương xót đối với những người nữ vi phạm luật lệ và sống cuộc đời mà những người “đáng kính” đã coi thường họ.

 

Raháp nhắc chúng ta rằng việc gia nhập vào gia đình Đức Chúa Trời chẳng liên hệ gì với sự tốt lành của chúng ta cả.  Mọi sự là bởi ân điển Đức Chúa Trời.  Qua người kỵ nữ, Đức Chúa Trời dạy chúng ta rằng chúng ta được cứu nhờ ân điển, chẳng bởi sự tốt lành của mình.

 

Tuy nhiên, câu chuyện của chúng ta vẫn chưa chấm dứt.  Hãy lật ra sách Mathiơ đoạn 1 – sách gia phả nhàm chán, khô khan – và hãy xem câu 5: “Sanh-môn bởi Raháp sanh Bô-ô”.

 

Raháp là mẹ của Bô-ô à?  Vậy bà là cụ cố tổ của Đavít, vị vua nổi tiếng nhất của Isơraên.  Đáng kinh ngạc hơn nữa là bà là tổ tiên trong gia phả của Jêsus, Chúa vinh hiển, Đức Chúa Trời và Người, Cứu Chúa của toàn nhân loại.

 

Raháp, người kỵ nữ.  Bạn chẳng nghĩ rằng Đức Chúa Trời có thể lựa chọn cẩn thận hơn một chút về dòng dõi của Con Ngài chứ.  Đối với con người, dòng dõi là điều rất quan trọng chẳng lẽ Đức Chức Trời không quan tâm và chọn lọc một dòng dõi trong sạch hơn cho Đấng Cứu Thế sao?  Rõ ràng Ngài muốn chúng ta học thêm vài điều khác khi quan sát cuộc đời Raháp.

 

Raháp tượng trưng cho bằng chứng về những điều khả thi trong mỗi con người chúng ta.  Đức Chúa Trời nhìn thấy nơi bà tiềm năng của một đức tin sống động.  Bất kể quá khứ của bà, Ngài nhìn thấy điều bà sẽ có khả năng trở nên.

 

Đối với chúng ta cũng vậy.  Quá khứ của chúng ta là điều không đáng nói.  Chỉ tương lai của chúng ta mới đáng kể đối với Chúa mà thôi.  Đức tin có thể nảy nở trong bất cứ môi trường nào.  Hoa hồng có thể nở trên đống phân bón.  ĐIều nằm phía sau chúng ta không quan trọng bằng điều nằm phía trước chúng ta.  Những quyết định của chúng ta trong quá khứ đã đưa chúng ta đến đây hôm nay.  Những sự lựa chọn của chúng ta hôm nay, ngày mai, tuần sau, sẽ quyết định số phận chúng ta.

 

Một vài sự lựa chọn ấy sẽ là những quyết định trong nháy mắt.  Chúng sẽ tỏ lộ con người bề trong của chúng ta, điều chúng ta tin về chính mình, về thế giới của chúng ta, và về Đức Chúa Trời.  Những chọn lựa này sẽ quyết định các bước hành động của chúng ta.

 

Raháp nghe về Đức Chúa Trời của Isơraên.  Bà đáp lại điều mình nghe bằng đức tin.  Bà thực hiện sự chọn lựa trong tích tắc đi cùng Đức Chúa Trời bằng cách cứu hai thám tử.  Đức tin của bà đã đem lại sự sống cho bà giữa vòng sự hủy diệt.  Đức tin ấy đã đem lại sự cứu rỗi cho cả gia đình bà.  Đức tin ấy dành cho bà một địa vị giữa vòng dân Isơraên và cuộc hôn nhân với Sanh-môn, người mà truyền thuyết cho rằng ấy là một trong hai thám tử.  Đức tin ấy cũng dành cho bà một địa vị trong hàng gia phả của vị vua nổi tiếng nhất của Isơraên là Đavít cũng như một địa vị trong hàng gia phả của Cứu Chúa chúng ta, Jêsus Christ.

 

Quá khứ của bà là điều không đáng kể.  Điều bà đã trở nên qua đức tin sống động mới là chuyện đáng nói.

 

Khi phải thực hiện sự chọn lựa trong tích tắc, chúng ta dựa vào nguồn trợ lực nào?  Các quyết định của bạn phát sinh từ đức tin nơi một Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ, thương xót hằng chăm xót bạn luôn chăng?  Các hành động của bạn có bày tỏ đức tin mình khi bạn cùng đi với Đức Chúa Trời và cùng dân của Ngài chăng?  Hãy nhìn gương Raháp.  Hãy xem gương đức tin sống động của người kỵ nữ này cho dân Isơraên và cho chúng ta ngày nay.

 

—————————————————————————————

 

CÂU HỎI THẢO LUẬN NHÓM HOẶC SUY GẪM CÁ NHÂN

 

Hãy mô tả vài thời điểm mà bạn phải đối đầu với sự chọn lựa.
Những yếu tố nào đưa đến quyết định mà bạn đã chọn lựa?
Khi nhìn lại những quyết định ấy, đó là những quyết định tốt hay xấu?  Tại sao?
Sự quyết định của bạn ảnh hưởng ra sao đến định hướng của cuộc đời bạn?

 

 

Dịch từ “A Woman God Can Use” – Alice Mathews

Lessons from Old Testament Women Help You Make Today’s Choices

 

Bài trướcXây Dựng Nhà Sinh Hoạt Tạm Tại HTTL Tiên Lãnh, Quảng Nam.
Bài tiếp theoUBCDGD: Giới Thiệu Sách Mới.