HTTL Đà Nẵng – Cuộc Hành Trình Thế Kỷ (Phần 1)

2673

HTTL ĐÀ NẴNG – CUỘC HÀNH TRÌNH THẾ KỶ

(LƯỢC SỬ 110 NĂM TIN LÀNH ĐẾN ĐÀ NẴNG (1911-2021)

Phần 1

Phần mở đầu

1.    Lược sử hình thành Đà Nẵng

Quảng Nam nguyên là đất Chiêm Thành.

Năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân theo thỏa ước với vua Đại Việt là Trần Nhân Tông, đem dâng hai châu Ô (tức Thuận Châu, nam Quảng Trị, Huế) và châu Rí (tức Hóa Châu, một phần Huế, bắc sông Thu Bồn) làm sính lễ cưới con gái vua Trần Nhân Tông là công chúa Huyền Trân.

Năm 1402, nhà Hồ chia Hóa Châu thành 4 châu nhỏ hơn là Thăng Châu, Hóa Châu, Tư Châu và Nghĩa Châu, đặt An Phủ Sứ cai trị.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập đơn vị hành chánh Thừa Tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Danh xưng Quảng Nam xuất hiện từ đây.

Sang thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, Quảng Nam thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn (từ năm 1570). Hội An được chọn là điểm giao thương duy nhất với thế giới khi đó nên nhiều thương gia nước ngoài hay gọi vùng đất này là “Quảng Nam Quốc”. Đầu thế kỷ XVIII, Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở châu Âu phát triển; những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu có thể ra vào vịnh dễ dàng.

Năm 1806, vua Gia Long chia đất nước thành 23 trấn và 4 doanh thuộc đất kinh kỳ gồm: Trực Lệ-Quảng Đức, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam doanh. Đồn Điện Hải được xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng hiện nay. Năm 1923 (Minh Mạng thứ 4), đồn dời vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao và được xây bằng bằng gạch.[1]

Năm 1831, vua Minh Mạng đổi trấn và doanh thành tỉnh. Quảng Nam chính thức trở thành tỉnh từ năm này. Năm 1835 (Minh Mạng thứ 15), sau khi được đổi tên Đồn Điện Hải ra Thành Điện Hải, Đà Nẵng trở thành hải cảng chính thức và duy nhất thực thi chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn với các nước đến quan hệ qua đường biển. Vua Minh Mạng có dụ: ‘Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán’ thì Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung. Tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển với những ngành sửa chữa tàu thuyền, sơ chế nông lâm hải sản; dịch vụ thương mại cũng phát đạt. Vua Thiệu Trị đặc biệt quan tâm đến việc an ninh cảng biển tại Đà Nẵng và đưa ra những quy định chặt chẽ quản lý người phương Tây đến buôn bán tại đây.

Năm 1888, dưới triều vua Thành Thái, Đà Nẵng bị tách khỏi Quảng Nam để trở thành đất nhượng địa của thực dân Pháp.

Sau Hiệp định Genève, tỉnh Quảng Nam lại chia thành hai tỉnh mới lấy sông Rù Rì (tên gọi khác của sông Ly Ly) làm ranh giới là Quảng Nam ở phía bắc (gồm Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đức Dục, Hiếu Nhơn, Quế Sơn, Hiếu Đức, Thượng Đức) tỉnh lỵ là Hội An, Đà Nẵng là thị xã[2] trực thuộc trung ương và Quảng Tín ở phía nam (gồm Thăng Bình, Tam Kỳ, Lý Tín, Tiên Phước, Hậu Đức, Hiệp Đức) tỉnh lỵ là Tam Kỳ.

Tháng 11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (gồm Quảng Nam và Quảng Tín cũ) tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

2.    Tình hình xã hội

Năm 1908, Toàn quyền Đông Dương tổ chức lại thành phố Đà Nẵng, theo Nghị định này, có một Đốc lý và một Hội đồng thành phố, trong đó, chức Đốc lý do Toàn quyền bổ nhiệm và đặt dưới quyền trực tiếp của Khâm sứ Trung Kỳ.

Từ đầu thế kỷ 20, ở Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện những nhà tư bản người Việt hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là nghề xe kéo phát triển rất nhanh chóng. Đã hình thành các công ty xe kéo như công ty Hào Hưng, Cửu Thạch, Đồng Lợi, làm ăn ngày càng phát đạt, thu hút lực lượng lao động (phu kéo) khá lớn khoảng từ 200-250 người và cạnh tranh với tư bản ngoại quốc.

Hệ thống đường sắt Việt Nam bắt đầu ra đời năm 1881 bằng việc khởi công xây dựng tuyến đường đầu tiên từ Sài Gòn đi Mỹ Tho dài khoảng 70km. Cuối năm 1906, thì đoạn Đà Nẵng – Huế hoàn thành, 2 năm sau đường sắt tiếp tục mở ra đến Đông Hà (Quảng Trị). Mãi cho đến năm 1936, tuyến đường sắt xuyên Bắc Nam mới hoàn thành với chiều dài 2.600km.

Cùng với việc xây dựng đường bộ số 1 dài khoảng 2.000km, các trục đường thuộc địa khác cũng được thực hiện với tổng chiều dài là khoảng trên 6.600km được rải đá. Năm 1913, trục đường này mới chỉ có từng đoạn xe kéo và xe ô tô đi được và cho đến năm 1943 vẫn còn có đoạn chưa hoàn thiện.

Năm 1930, người Pháp đã mở được 15.000km đường bộ, trong đó khoảng 2.000km đường rải nhựa. Riêng hệ thống sân bay thời Pháp đến năm 1945, Việt Nam có 11 sân bay, bao gồm: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Gia Lâm, Cát Bi, Bạch Mai, Đồng Hới, Huế, Nha Trang, Cà Mau, Phan Thiết, Sóc Trăng.

Ở Việt Nam thời đó, giao thông đường thủy đóng vai trò chủ đạo[3], vì thế ngay sau những đợt tấn công quân sự đầu tiên xâm lược Việt Nam, năm 1860, người Pháp tuyên bố mở cửa biển cho tàu buôn Pháp tự do vào Sài Gòn. Từ đó đường thủy ven biển và các kênh rạch ở miền Nam được khai thác.

Năm 1862, người Pháp mở cửa biển Đà Nẵng, Cam Ranh. Cảng Hải Phòng được xây dựng vào năm 1876, cảng Sài Gòn năm 1884. Tiếp theo là các cảng Bến Thủy, Quy Nhơn, Hòn Gai, Cẩm Phả… Trong những năm đầu, đã có tàu buôn của các nước Anh, Trung Quốc, Hà Lan đến buôn bán trao đổi hàng hóa và cạnh tranh với người Pháp.

3.    Tin Lành đến Đà Nẵng

Theo sử liệu từ Việt sử Tân biên, thì có lẽ từ trước cuối thế kỷ thứ 10 (khoảng năm 980), các giáo sĩ phái Cảnh giáo[4] (Nestorian) đã ghé Việt Nam trên đường đến Trung Quốc.[5] Tuy nhiên, họ đã không để lại một kết quả nào đáng kể tại Việt Nam. Trong suốt thế kỷ 16, người Công giáo La Mã đã bắt đầu công cuộc truyền giáo của họ tại Việt Nam và thành công vào thế kỷ 18, thì các lãnh đạo Tin Lành vẫn chưa hề chú ý đến nơi đây. Mãi đến năm 1884, “Hội Truyền giáo giảng Tin Lành ở các nước thuộc địa của Pháp” đã gởi vị Mục sư đầu tiên đến Hải Phòng với mục đích là tổ chức Hội Thánh cho các tín hữu Tin Lành châu Âu. Sau đó, họ mở mang thêm 2 nơi khác là Hà Nội và Sài Gòn vào năm 1902.

những thông tin trong sách Lược sử Tân Biên, tập 4, trang 119 của tác giả Phạm Văn Sơn

 

Tuy nhiên, những sự kiện trên hầu như không có chút ảnh hưởng nào đối với việc truyền giảng Tin Lành cho người Việt Nam. Các giáo sĩ chỉ phục vụ cho quyền lợi của chính quyền thời bấy giờ, và tác động của họ không đủ lớn để người Việt Nam biết đến. Do thời gian công tác không đủ dài nên họ không thể học thông thạo tiếng Việt hoặc làm quen với văn hóa người Việt. Người Việt nói tiếng Pháp cũng không được vào nhà thờ của họ. Một điều đáng ghi nhận ở đây là có một người Việt Nam đã tin Chúa trước năm 1911, Trung sĩ Dương, nhưng không rõ là ông nghe Tin Lành ở Việt Nam hay ở Pháp.[6]

Tuy vậy, Đức Chúa Trời đã có chương trình tốt đẹp của Ngài dành cho dân tộc Việt Nam. Dù tín hữu người Pháp chậm chạp trong việc truyền bá Tin Lành thì trong giai đoạn này, Thánh Thơ Công Hội  (Anh) và Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp (Mỹ) đã trở thành những người đầu tiên đem đạo Chúa đến Việt Nam.[7]

Với tâm tình của người gieo hạt giống đạo trước cánh đồng Việt Nam, Mục sư Tiến sĩ Albert Benjamin Simpson, người sáng lập Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (C&MA), đã viết trong tờ nguyệt san “Word, Work and World”[8] tháng 2/1887, như sau: “The Southeastern peninsula of Asia has been much neglected. The great Kingdom of Anam should be occupied for Christ. Why should it not, along with Thibet, be looked forward to as one of the earliest fields of new aggression by the people of God?” (tạm dịch: “Bán đảo Đông Dương đã bị lãng quên từ lâu. Vương quốc An Nam rộng lớn (nước Việt Nam) phải là nơi ngự trị của Đấng Christ. Tại sao vùng đất này cùng nước Tây Tạng, không phải là cánh đồng truyn giáo tương lai của những người con Chúa?)[9]

Bài viết của MS TS Albert Benjamin Simpson trên nguyệt san “Word, Work and World” tháng 2/1887

Mùa hè năm 1893, Giáo sĩ David Leclacheur đến Sài Gòn. Khi trở về, trong phúc trình gởi cho Mục sư Simpson, có đoạn như sau: “…we think without doubt, that Annam is really open for our missionaries” (tạm dịch: chúng tôi nghĩ chắc chắn rằng An Nam thực sự đã mở cửa cho những nhà truyền giáo chúng tôi.”)[10]

Năm 1897, Giáo sĩ C. H. Reeves của C&MA được phép vào Đông Dương, nhưng chỉ thăm viếng, chứ không được truyền giáo.

Năm 1902, C&MA tiếp tục cử ông bà Giáo sĩ Sylvian Dayan, người Canada gốc Pháp, sang Việt Nam. Dẫu vậy, tình thế vẫn chưa thuận lợi, nên từ Hải Phòng họ phải quay trở lại Trung Hoa. Năm 1905, các giáo sĩ lập cơ sở truyền giáo tại Long Châu – Trung Hoa gần với Lạng Sơn với dự định qua cửa ngõ này sẽ truyền Tin Lành vào Việt Nam. Tuy nhiên, vì sự kiểm soát gắt gao của nhà chức trách Pháp ở vùng biên giới, Tin Lành vẫn chưa thể đến được với dân tộc Việt Nam.

Mục sư Tiến sĩ Albert Benjamin Simpson

Vào khoảng năm 1900, tại chợ Cẩm Sa có cha con ông Yên bán sách đạo Tin Lành: Lộ Gia Phước Âm (Lu-ca), Mã Khả Phước Âm (Mác), Mã Thái Phước Âm (Ma-thi-ơ), Ước Hán Phước Âm (Giăng), Sáng Thế Ký, Tân Ước Toàn Thơ, Sứ Đồ Hành Truyện (Công Vụ Các Sứ Đồ)… Những sách này in một mặt, còn mặt kia để trắng, đóng ghép đôi lại như các sách chữ Hán, người ta mua về lật bề trắng ra viết vào. Vài năm sau, thì mới có sách in cả hai mặt. Chính đời sống ông Yên là một minh chứng cho Tin Lành Cứu rỗi của Chúa Cứu thế Jêsus Christ, trước đây ông là một người cờ bạc, rượu chè, thì nay tánh tình đã thay đổi, siêng năng đi bán sách đạo.[11]

Sách Phúc Âm Mác in năm 1899

Trong khi đó, sau cố gắng không thành trong việc khởi sự công tác phiên dịch Kinh Thánh tại Sài Gòn, Thánh thơ Công hội đã gởi ông Bonnet đến Đà Nẵng (bấy giờ gọi là Tourane) vào năm 1902. Ông đã mua thửa đất của ông Nguyễn Văn Phúc, tọa lạc giữa nhà ga xe lửa trung tâm và kho đạn[12], thiết lập tại đây một cơ sở nhỏ và có ít nhất 3 nhân viên tên là Phạm Đình Ẩm, Phạm Yên[13] và Lô đi bán và phân phát Tân Ước, cũng như các sách lẻ Tin Lành bằng chữ Hán trong tỉnh Quảng Nam, nhưng hiệu quả thì chưa cao cho đến trước năm 1911. Tuy nhiên, Thánh thơ Công hội đã siêng năng theo đuổi mục tiêu của mình và vào giữa thập niên 1920, họ đã trở thành cơ quan lớn nhất tại Việt Nam truyền bá sứ điệp Cơ Đốc bằng những trang sách in.[14]

   (còn tiếp)

 

Vũ Hướng Dương
(tư liệu: “Lược sử 110 năm Tin Lành đến Đà Nẵng” do HTTL Đà Nẵng )

Chú thích:

[1] Đồn (Thành) Điện Hải hiện nay nằm trong khuôn viên Bảo tàng Đà Nẵng.
[2] Đơn vị hành chánh trước năm 1975, trực thuộc trung ương, tương đương với tỉnh.
[3] Khi xem lịch sử của HTTLVN, chúng ta sẽ thấy thời kỳ đầu, việc truyền giáo chủ yếu diễn ra bằng đường thủy.
[4] Xem thêm trong: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A3nh_gi%C3%A1o
[5] Phạm Văn Sơn, Việt sử Tân biên, tập 4, trang 118-119. Xem thêm trong: Đức Khâm mạng Tòa thánh ở Đông Dương, Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, trang 09-10.
[6] Xin đọc thêm trong: https://nguonhyvong.com/thu-vien/tai-lieu-tham-khao/doi-duong-mot-trong-nhung-nguoi-viet-theo-dao-tin-lanh-dau-tien-truoc-1911-xem-tiep-doi-duong-mot-trong-nhung-nguoi-viet-theo-dao-tin-lanh-dau-tien-truoc-1911-httpwww-hoithanhhanoi-comblogkha
[7] Mục sư Lê Hoàng Phu, Lịch sử HTTL VN (1911-1965), Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2010, trang 83-86.
[8] Đến năm 1911, tạp chí này được gọi là The Alliance Weekly, sau đó là Alliance Life, và bây giờ được gọi là a.life. Đây là ấn phẩm chính thức của The Christian and Missionary Alliance ở Hoa Kỳ và Canada.
[9] Vietnam History Synopsis, trang 01.
[10] Christian Alliance, June, p. 372; trích dẫn lại từ History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam – Part 1 – Compiled by John Saw, trang 04-05, phần 2.
[11] Mục sư Trí sự Phan Đình Liệu, Lịch Sử Tin Lành Truyền Đến Việt Nam, trang 6-7. Điều này cho thấy, ông Yên có thể là một trong những người tin Chúa đầu tiên tại Đà Nẵng cũng như Việt Nam.
[12] Kho thuốc súng của triều đình Nhà Nguyễn trước đây, sau cuộc chiến với Pháp đã bị hoang toàn (lúc này chưa có ga xe lửa), hiện nay vẫn còn địa danh Kho Đạn.
[13] Có thể là ông Yên bán sách ở Cẩm Sa nói trên? Hai ông Lô và Ấm cũng đã tin Chúa trong thời gian này. (sđd, trang 09.)
[14] Mục sư Lê Hoàng Phu, Lịch sử HTTL VN (1911-1965), Nhà XB Tôn giáo, 2010, trang 86-87.

Bài trướcThơ: Đêm Năm Xưa
Bài tiếp theoSawv Ruaj Khov Ua Vajtswv Haujlwm – 17/12/2021