NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI
MA-THI-Ơ 19
Chúa Giê-xu đến xứ Giu-đê; công bố tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về hôn nhân và nguyên cớ duy nhất cho phép ly dị; chúc phước các con trẻ; gặp người trẻ tuổi giàu có; và lập các Sứ đồ vào vị trí của họ trong nước Đức Chúa Trời đang đến.
Tiếp tục diễn tiến trong Ma-thi-ơ, chúng ta hướng sự chú ý của mình đến địa lý của sách Tin Lành này. Một lần nữa, Chúa Giê-xu đến xứ Giu-đê khi Ngài trên đường đến thành Giê-ru-sa-lem lần chót, trước khi Ngài chịu đóng đinh trên thập giá. Điều này tỏ ra ý hướng xác định rất rõ ràng những gì Ngài làm và nói.
CHÚA GIÊ-XU TRỞ LẠI XỨ GIU-ĐÊ
Ma-thi-ơ 19:1 Đức Chúa Giê-xu phán lời ấy xong rồi, thì từ xứ Ga-li-lê mà đi đến bờ cõi xứ Giu-đê, bên kia sông Giô-danh.
‘Đức Chúa Giê-xu phán lời ấy xong rồi.’ Những lời gì vậy? Những lời chúng ta đã suy gẫm, tìm hiểu trong các đoạn 16, 17 và 18. Sau khi châm dứt những điều Ngài muốn giảng trong xứ Ga-li-lê, Ngài di chuyển về phía nam và đến ranh giới xứ Giu-đê, phía dưới Giô-đanh, thuộc vùng Đông ngạn sông Giô-đanh. Chương trình di chuyển này được sắp theo vị trí địa dư. Từ phía trên thành Sê-sa-rê Phi-líp, Ngài đã phán là Ngài đang trên đường đến thành Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Rồi Ngài đi xuống vùng Ga-li-lê và ở lại đó trong khu vực xung quanh biển Ga-li-lê. Thành Ca-bê-na-um là trung tâm hoạt động của Ngài. Từ đó, Ngài đến xứ Ga-đa-ra. Bây giờ Ngài đang ở ranh giới xứ Giu-đê.
Ma-thi-ơ 19:2 Có nhiều đoàn dân đông theo Ngài, và Ngài chữa lành các kẻ bịnh ở đó.
Tôi muốn đặt hai chữ chung với nhau và nhấn mạnh những điều đã từng được nhấn mạnh vài lần trước đây: chữ ‘đoàn dân đông’ và chữ ‘được chữa lành.’ Không phải chỉ có một vài người được chữa lành. Có nhiều đoàn dân đông được chữa lành. Càng đọc tôi càng thêm có ấn tượng về điều này. Đó là điều Chúa của chúng ta đã làm, nếu bất cứ ai muốn được chữa lành, họ có thể được chữa lành. Nhiều người trong đoàn dân đông đã được chữa lành! Con người không thể nào được quyền năng chữa bịnh cho ai, vì thế nếu có ai đứng lên nói rằng “Tôi có quyền năng chữa bịnh” xin các bạn hãy cẩn thận với họ.
HÔN NHÂN VÀ LY DỊ
Lúc này những người lãnh đạo tôn giáo đến với Ngài, với một câu hỏi về sự ly dị. Chúa của chúng ta xác định lại ý nghĩa tốt lành của Đức Chúa Trời về hôn nhân và nguyên cớ cho phép ly dị.
Ma-thi-ơ 19:3 Người Pha-ri-si bèn đến gần để thử Ngài, mà rằng: Không cứ vì cớ gì người ta có phép để vợ mình chăng?
Những người Pha-ri-si đến để gài bẫy hay để thử thách Ngài. Họ đang tìm cách đặt Ngài vào vị thế chống nghịch lại hệ thống luật pháp Môi-se. Họ đưa lên một vấn đề rất khó khăn với ngày xưa cũng như với ngày nay. Người ta Không cứ vì cớ gì người ta có phép để vợ mình chăng? Đây cũng là một vấn đề khó khăn không kém cho những cơ đốc nhân trong thời đại của chúng ta.
Xin để tôi đi trở lui lại để nhắc cho các bạn là Đức Chúa Trời đã ban cho loài người nhiều điều để làm ích lợi cho đời sống gia đình. Ngài đã ban cho hôn nhân để bảo vệ gia đình. Hôn nhân là điều Đức Chúa Trời ban cho để trở thành một nguồn phước cho loài người, cho cả người được cứu lẫn người chưa được cứu. Một thí dụ khác là án phạt kẻ giết người mà Đức Chúa Trời dùng cho sự bảo vệ đất nước, cho sự bảo vệ mọi công dân. Đức Chúa Trời cũng ban cho luật về ngày Sa-bát để bảo vệ mỗi cá nhân, để cho mỗi người có được một ngày nghỉ ngơi. Đức Chúa Trời đã ban cho những luật pháp này để bảo vệ cá nhân, gia đình, và đất nước. Chúa đã ban cho những luật chung cho cả loài người. Sau này, Ngài làm những luật đó riêng biệt cho tuyển dân của Ngài.
Bây giờ chúng ta trở lại với câu hỏi về hôn nhân. Dĩ nhiên trong bối cảnh thu hẹp hơn, bối cảnh của đất nước Y-sơ-ra-ên. Chúng ta xem xét nó trong cái nhìn của một cơ đốc nhân thời nay: Không cứ vì cớ gì người ta có phép để vợ mình chăng?
Ma-thi-ơ 19:3 Ngài trả lời rằng: Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ,
Chúa Giê-xu dẫn họ trở lại bối cảnh thời kỳ đầu tiên, trở lại với ý nghĩa của Đức Chúa Trời về hôn nhân.
Luật pháp Môi-se cho phép ly dị căn cứ trên những cơ bản rộng rãi: ‘Khi một người nam cưới vợ, nếu nàng chẳng được ơn trước mặt người, bởi người thấy nơi nàng một sự xấu hổ nào, thì người được viết một tờ ly dị, trao vào tay nàng, và đuổi nàng ra khỏi nhà mình’ (Phục-truyền 24.1)
Theo như Luật Pháp Môi-se qui định, ly dị không tệ hại như là kết hôn với một người ngoại bang. Thí dụ: nếu con gái của thầy tế lễ kết hôn với người ngoại bang, cô sẽ bị đuổi ra khỏi dân sự Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, theo thời gian, Luật Pháp Môi-se bị làm trở nên vô nghĩa. Việc cho phép ly dị được dựa trên những lý cớ không ra gì chẳng hạn như lỡ làm cháy khét ổ bánh. Kết quả là có rất nhiều sự bàn thảo về việc cho phép ly dị trong thời của Chúa.
Ma-thi-ơ 19:5-6 Và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!
Đây là dự định ban đầu Đức Chúa Trời lập nên cho người nam và người nữ trước khi tội lỗi xâm nhập vào gia đình của nhân loại. Ly dị không phải là điều nằm trong ý định của Chúa thuở ban đầu sáng thế. Tại sao vậy? Vì tội lỗi không phải là điều nằm trong chương trình của Chúa thuở ban đầu sáng thế, và ly dị luôn là một hậu quả của tội lỗi. Cho dù các bạn có nói gì đi nữa, thật đã có sự hiện diện của tội lỗi trong mối liên hệ để gây nên sự ly dị. Thế nên Chúa Giê-xu ta đem họ trở lại với ý định của Chúa thuở ban đầu sáng thế.
Ma-thi-ơ 19:7 Họ lại hỏi Ngài rằng: Vậy chớ sao Môi-se đã dạy lập tờ để đặng để vợ đi?
Các bạn nên đọc lại Phục-truyền-Luật-lệ-Ký 24:1-4 để thấy bối cảnh cho câu hỏi của họ. Tại sao Môi-se đã cho phép ly dị?
Ma-thi-ơ 19:8 Ngài phán rằng: Vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môi-se cho phép để vợ; nhưng, lúc ban đầu không có như vậy đâu.
Tại sao Môi-se đã cho phép ly dị? Bởi vì lòng cứng cỏi của họ. Như các bạn thấy, hôn nhân được ban cho loài người, và nó là điều đáng yêu nhất, ngọt ngào nhất trong những mối liên hệ tình cảm của con người. Không có gì có thể sánh với hôn nhân được. Và thực sự, hôn nhân là biểu tượng cho mối liên hệ giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Vì vậy, chỉ có những người tin kính Chúa mới có thể dựng nên mối liên hệ cao trọng và thánh khiết này. Nhưng khi họ làm hư hoại hôn nhân, sự cay đắng và lòng cứng cỏi nhập vào, thì hôn nhân đó trở nên một mối sĩ nhục sâu đậm. Rồi nó chỉ còn là một hôn nhân buồn chán. Các bạn thân mến, khi các bạn xây dựng hôn nhân theo ý chỉ của Đức Chúa Trời thì nó trở nên thiên đàng, nhưng khi hôn nhân các bạn xây dựng trong nền tảng sai lầm, tội lỗi thì sẽ trở nên địa ngục. Không có nơi thứ ba nào nữa. Khi hôn nhân được xây dựng không đúng chỗ, sự khó khăn bắt đầu xảy đến. Ngay cả những cơ đốc nhân cũng thấy nền tảng hôn nhân đang bị lung lay.
Bởi vì sự cứng lòng của con người, Đức Chúa Trời cho phép ly dị. Đức Chúa Trời thương xót chúng ta. Ngài thật là Đấng thương xót. Nhưng ý chỉ của Ngài không bao giờ cho ly dị. Tôi biết là chúng ta đang sống trong một nền văn hóa rất buông thả trong việc này. Có nhiều người ly dị đang nghe hay đọc lời này. Tôi phải nhắc lại nguyên nhân của sự ly dị là do tội lỗi. Nhưng, tất cả chúng ta là những tội nhân. Vì Chúa có thể tha thứ những kẻ giết người, Ngài cũng có thể tha thứ những người ly dị. Nhưng chúng ta phải nhận biết rằng nguồn gốc của sự ly dị là do tội lỗi.
Đến đây, Chúa của chúng ta cho biết một điều mới nữa:
Ma-thi-ơ 19:9 Vả, ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm; và hễ ai cưới người bị để, thì phạm tội ngoại tình.
Ngoại tình phá hủy mối liên hệ hôn nhân và sanh ra nguyên cớ cho sự ly dị. Có người nói với tôi: ‘Đồng ý, nhưng đây là một người đàn bà Tin lành lấy phải một người ghiền rượu!’ Hay một cơ đốc nhân tốt lấy một người đàn bà không tin kính. Làm sao đây với những trường hợp như vậy? Vâng, những người tin kính Chúa có thể ly thân dựa trên những nguyên cớ khác, mà điều được nói đến trong I Cô-rinh-tô 7. (chúng ta sẽ tìm hiểu thêm việc này khi đến sách Cô-rinh-tô). Nhưng ly dị chỉ được cho phép dựa trên một nguyên cớ duy nhất là sự ngoại tình.
Ly dị được cho phép với mục đích để cho người phối ngẫu vô tội có thể tái hôn. Điều luật này chỉ áp dụng cho những người tin Chúa (Cơ-đốc-nhân). Đức Chúa Trời không đặt luật này cho những người không tin Chúa, nhưng ban họ trong sứ điệp của thập giá. Đức Chúa Trời muốn những người chưa tin Chúa đến với Đấng Christ. Vì người không tin Chúa sẽ bị hư mất cho dầu họ đã kết hôn, ly dị, hay là độc thân, dầu gia cảnh thế nào thì chẳng có gì khác biệt, cho đến khi họ tin nhận Đấng Christ. Điều quan trọng cần ghi nhớ là với những người tin Chúa, Ngài đặt ra có một nguyên tắc cho phép ly dị là vì ngoại tình.
Bây giờ giả sử một cơ đốc nhân có người phối ngẫu đã ly dị vì một nguyên cớ khác. Phải làm sao đây với người phối ngẫu vô tội? Nếu đã có sự ngoại tình ở đây, và trong hầu hết mọi trường hợp, đó là điều đã xảy ra, người phối ngẫu vô tội được phép tái hôn. Tôi tin rằng đó là giải pháp toàn bộ cho trường hợp đặc biệt này. Bây giờ có thêm một điều quan trọng khác nữa:
Ma-thi-ơ 19:10 Môn đồ thưa rằng: nếu phận người nam phải xử với vợ mình như vậy thì thà không cưới vợ là hơn.
Các môn đồ nói rằng: ‘Như vậy thì thà ở độc thân còn tốt hơn.’ Đúng là các bạn sẽ tránh được rất nhiều chuyện khó khăn. Không có vấn đề gì phải đặt ra nữa.
Ma-thi-ơ 19:11 Ngài đáp rằng: Chẳng phải mọi người đều có thể lãnh được lời nầy, chỉ người sẵn có ban cho như vậy mà thôi.
Điều này thật là quan trọng đặc biệt trong thời của chúng ta. Trong câu kế tiếp, Chúa đặt ra một nguyên tắc rất quan trọng. Ngay cả thời hiện nay, Giáo Hội Công giáo La Mã đang phải vật lộn với vấn đề này.
Ma-thi-ơ 19:12 Vì có người hoạn từ trong lòng mẹ; có người hoạn vì tay người ta, và có người tự mình làm nên hoạn vì cớ nước thiên đàng. Người nào lãnh nổi lời ấy thì hãy lãnh lấy.
‘Có người hoạn từ trong lòng mẹ.’ Có những người nam và những người nữ không cần phải kết hôn. Họ có thể sống một mình dễ dàng. Nhiều năm trước đây một bà độc thân nói: ‘Tôi không cần phải kết hôn. Tôi có cái lò nấu khói bay lên, con chó biết sủa, con sáo biết nói chuyện. Tôi không cần một người nam xung quanh tôi làm chi.’ Điều đó thật hợp lý cho bà ta, và cho một số người khác, nhưng điều đó không phải là cho tất cả mọi người.
‘Và có người hoạn vì tay người ta.’ Một số Hội Thánh, hay tôn giáo ra luật là có những người trong những vị trí nào đó không thể kết hôn. Họ không có quyền làm như vậy.
‘Và có người tự mình làm nên hoạn vì cớ nước thiên đàng.’ Tôi biết một phụ nữ hầu việc Chúa trong công tác truyền giáo. Trước khi cô ấy ra đi, tôi nói chuyện với cô. Tôi bảo: ‘Nhớ nhé, cô không có những cơ hội lập gia đình ở xứ xa đâu.’ Cô nói: ‘Tôi đã suy nghĩ kỹ, và tôi sẳn sàng hy sinh điều đó.’ Cô ấy đã làm một cách tình nguyện.
Có người nói rằng: ‘Ông có nghĩ là người giảng dạy Lời Chúa không nên lập gia đình không? Hay ông có nghĩ là tu sĩ nên lập gia đình? Tôi nói với các bạn, Chúa có đặt ra một nguyên tắc. Ngài nói điều đó là tùy theo mỗi cá nhân. Mỗi người chúng ta phải làm quyết định cho chính mình. Chúng ta suy gẫm tiếp đến một điều thật kỳ diệu nữa…
CHÚA GIÊ-XU TIẾP NHẬN CÁC CON TRẺ
Ma-thi-ơ 19:13-15 Khi ấy, người ta đem các con trẻ đến, đặng Ngài đặt tay trên mình và cầu nguyện cho chúng nó; môn đồ quở trách những người đem đến. Song Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy. Ngài bèn đặt tay trên chúng nó, rồi từ đó mà đi.
Phân đoạn Kinh Thánh này là nền tảng cho sự cứu rỗi của các con trẻ chết trong lứa tuổi sơ sinh. Sự kiện chắc chắn là không con trẻ nào từ chối Chúa Giê-xu, nếu Ngài được giới thiệu cho con trẻ qua một lớp Kinh Thánh căn bản. Đây là lý do tại sao chúng ta cần đem sứ điệp Tin Lành đến cho các con trẻ. Có người sẽ nói, ‘Khoan đã. Như vậy là tất cả mọi người sẽ được cứu, nếu chúng ta giảng Kinh Thánh khi họ còn là con trẻ.’ Không, điều này không đúng, vì phải chờ họ đến tuổi hiểu biết. Những lý do khiến phải cố gắng đem sứ điệp tin lành đến với lòng của các con trẻ là để khi chúng đến tuổi biết trách nhiệm, chúng sẽ có quyết định tin nhận Đấng Christ. Điều rất quan trọng là phải luôn theo dõi sự nhận biết của chúng. Đừng ỷ vào sự kiện là con nhỏ của bạn đã làm quyết định tin nhận đó khi nó 2, 3, 4, 5, 6, 7 hay 8 tuổi. Con gái của tôi đã làm quyết định tin nhận khi cháu lên 7 tuổi. Từ đó trở đi, tôi thường hỏi cháu nhiều lần là cháu có thật tin cậy Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của mình không. Một ngày kia, cháu nói: ‘Ba ơi, tại sao ba cứ hỏi con câu hỏi đó hoài vậy?’ Tôi bảo cháu là tôi chỉ muốn biết chắc. Thực sự là quyết định tin nhận Chúa sẽ được bày tỏ vào lứa tuổi biết trách nhiệm. Các bạn có thể nói với tôi: ‘Tuổi ấy là tuổi nào vậy?’ Tôi không xác định rõ được. Tôi chỉ biết đem sứ điệp Tin Lành đến với con cái của chúng ta rất là quan trọng. Thay vì để đến lúc phải đứng ngoài đường và tranh luận với chúng, hãy đem sứ điệp đến với chúng và theo dõi sự nhận biết của chúng, khi chúng đến tuổi biết trách nhiệm. Hãy làm mọi điều có thể làm được trong năng lực của mình để đem trẻ em đến sự tin cậy Chúa.
Thật đáng chú ý là Chúa của chúng ta, sau khi đã nói về vấn đề ly dị, Ngài lập tức nói đến vấn đề con trẻ. Điều quan trọng đáng nói về ly dị ảnh hưởng đến con cái. Có lần kia, một phụ nữ đến với tôi nói là cô muốn ly dị vì cô không còn yêu người chồng nữa. Cô nói: ‘Tất cả những gì ông ấy đã làm khiến tôi không còn yêu ông ấy nữa. Tôi có nghe mục sư nói là khi không có tình yêu thì không còn mối liên hệ hôn nhân. Cho nên tôi muốn ly dị.’ Đúng là khi không có tình yêu thì không có mối liên hệ hôn nhân. Và điều đó thật là bi thảm. Nhưng đó không phải là nguyên cớ để ly dị. Tôi chia sẻ thêm với cô ta: ‘Cô nói là cô không còn yêu chồng cô nữa, nhưng cô có yêu các con không?’ Cô ta trả lời: ‘Dĩ nhiên có chứ. Nhưng chuyện đó có liên can gì với chuyện này không?’ Tôi bảo cô ta chuyện đó liên hệ mật thiết với chuyện này. ‘Cô còn yêu thương con cái bao lâu thì cô nên ở với chồng bấy lâu.’
Các bạn thân mến, sự kiện xảy ra là Chúa của chúng ta đã phán: ‘Hãy để con trẻ đến cùng ta.’ Thế nên mỗi cặp vợ chồng, đặc biệt những cặp vợ chồng là cơ đốc nhân, phải làm mọi cách để cùng giữ gìn hôn nhân, hầu cho chồng vợ cùng nhau gây dựng con cái mình. Tỷ lệ rất cao những trẻ em và thanh thiếu niên gặp những rắc rối pháp luật đến từ những gia đình tan vỡ. Các bạn sẽ kinh ngạc khi biết ra con số những trẻ em từ bỏ Chúa vì cớ cha mẹ chúng ly dị. Thật quan trọng khi Chúa Giê-xu đã gắn liền chủ đề ly dị với quan tâm yêu thương của Ngài dành cho các con trẻ.
NGƯỜI TRAI TRẺ GIÀU CÓ
Ma-thi-ơ 19:16-17
Nầy, có một người đến hỏi Ngài rằng: Theo thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời? Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi, đó là Đức Chúa Trời, Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn.
Hãy để ý cách người trai trẻ này đến với Chúa Giê-xu. Anh xưng Ngài là Đấng Nhân Lành. Anh có sẳn lòng nhìn biết Ngài là Nhân Lành, và chắc là những kẻ thù của Chúa Giê-xu không sẵn lòng đến mức đó.
‘Sao ngươi gọi ta là Đấng Nhân Lành?’ Tôi chắc là các bạn có thể thấy điều Chúa của chúng ta muốn. Khi Ngài nói: ‘Chỉ có một Đấng lành mà thôi, đó là Đức Chúa Trời,’ thật sự là Ngài đang nói: ‘Nếu ngươi nhận biết ta là Đấng Nhân Lành, đó là bởi vì ta chính là Đức Chúa Trời.’ Ngài đang dẫn đưa suy nghĩ của anh ta, để anh ta có thể tin nhận Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời. Sau đó, Chúa Giê-xu làm sáng lên trong quảng đời của người trai trẻ này những điều răn, mà một người phải vâng giữ trong mối liên hệ giữa con người với con người:
Ma-thi-ơ 19:18-20 Người hỏi: Những điều răn gì? Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Những điều răn nầy: Đừng giết người; đừng phạm tội tà dâm; đừng ăn trộm cắp; đừng làm chứng dối; Hãy thảo kính cha mẹ; và: Hãy yêu kẻ lân cận như mình. Người trẻ đó thưa rằng: Tôi đã giữ đủ các điều nầy; còn thiếu chi cho tôi nữa?
Chàng trai trẻ này có thể nói rằng chàng đã giữ những điều răn này, dầu vậy chàng vẫn nhận ra điều còn thiếu trong đời sống của mình. Những điều răn mà Chúa của chúng ta ban cho chàng bao gồm phần sau của 10 điều răn là phần về mối liên hệ giữa con người với con người. Phần đầu của 10 điều răn là về mối liên hệ giữa con người với Đức Chúa Trời. Chúa của chúng ta đã không dùng phần đó, vì Ngài đang hướng dẫn chàng trai trẻ này từ chỗ chàng đang suy nghĩ. Tuy nhiên, giờ đây Chúa hướng dẫn suy nghĩ của chàng đến mối liên hệ giữa chàng với Đức Chúa Trời.
Ma-thi-ơ 19:21 Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta.
‘Nếu ngươi muốn được trọn vẹn’ có nghĩa là được hoàn toàn. Tiếp theo Chúa Giê-xu muốn dẫn chàng đến chỗ thấy rằng, chàng không giữ những điều răn đầu tiên về mối liên hệ giữa con người với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đang trên đường lên thập tự giá. Nếu người trai trẻ này theo Chúa Giê-xu, thì anh ta theo đến nơi chân thập tự giá. Dĩ nhiên, có một điều đang ngăn cản chàng đi theo Chúa. Sự giàu có của chàng trai trẻ là cớ ngăn trở. Đối với các bạn và tôi đó có thể là một cái gì khác hơn…
Ma-thi-ơ 19:22 Nhưng khi người trẻ nghe xong lời nầy, thì đi, bộ buồn bực; vì chàng có của cải nhiều lắm.
Đó là tiền bạc của chàng đã giữ chàng lìa ra khỏi Chúa Giê-xu Christ. Trong thời của chúng ta, có những thứ giữ chúng ta lìa ra khỏi Chúa Giê-xu Christ. Sự giàu có chỉ là một thứ và có nhiều thứ khác nữa, Chẳng hạn như địa vị quyền thế của đời này, danh vọng trong xã hội. Ngày nay có những điều gì đang phân rẽ các bạn với Đấng Christ? Có những thứ gì trong cuộc sống đang phân rẽ các bạn ra khỏi Ngài? Đối với chàng trai trẻ này đó là giàu có.
Ma-thi-ơ 19:23 Đức Chúa Giê-xu bèn phán cùng môn đồ rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, người giàu vào nước thiên đàng là khó lắm.
Điều này vẫn là thực tế trong thời của chúng ta. Không có nhiều kẻ giàu có, không có nhiều người sang trọng, không có nhiều người lừng danh trở thành cơ đốc nhân.
Ma-thi-ơ 19:24 Ta lại nói cùng các ngươi, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời.
Có một số người theo cách giải thích kỳ cục là cổng ở thành Giê-ru-sa-lem có cái cửa nhỏ gọi là ‘Lỗ Kim’ để cho lạc đà quì xuống chui qua đó, và vì vậy đó là Chúa nói rằng một người phải trở nên khiêm nhường mới vào được nước thiên đàng. Kiểu giải thích này đánh mất điều Chúa dạy. Chúa của chúng ta đang nói về một con lạc đà thật và một cái kim thật. Các bạn thân mến, cho tôi hỏi các bạn một câu hỏi đơn giản này. Có thể nào một con lạc đà thật đi qua được một lỗ kim thật không? Tôi nghĩ là các bạn biết câu trả lời. Làm sao có chuyện đó được! Nhưng có thể nào Chúa đặt con lạc đà đi qua lỗ kim không? Đó không phải là công việc làm của Chúa. Nhưng Ngài có thể làm điều đó được. Và chỉ có Chúa mới có thể tái tạo, đổi mới một người. Đó là điều Chúa của chúng ta nói ở đây. Thật dễ cho một con lạc đà đi qua lỗ kim hơn là cho một người giàu có vào nước Đức Chúa Trời. Người đó sẽ không bao giờ vào nước Đức Chúa Trời vì cớ sự giàu có của mình.
Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng họ sẽ được cứu bởi vì họ là người giàu có, nhơn đức, học thức hay bởi những gì họ có. Các bạn thật sự được cứu khi các bạn nhận biết mình là tội nhân, một kẻ ăn mày trong cái nhìn của Chúa, không có gì dâng lên Ngài để nhận sự cứu rỗi của mình. Bao lâu mà một người cảm thấy rằng mình có thể làm một điều gì đó để trả giá cho Chúa về sự cứu rỗi của mình, người đó không thể được cứu, giống như con lạc đà không thể đi xuyên qua lỗ kim.
Ma-thi-ơ 19:25 Môn đồ nghe lời ấy, thì lấy làm lạ lắm mà nói rằng: Vậy thì ai được rỗi?
Xin hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giê-xu
Ma-thi-ơ 19:26 Đức Chúa Giê-xu ngó môn đồ mà phán rằng: Điều đó loài người không thể làm được, song Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được.
Đây là lời giải thích. Với tất cả mọi người, bất kể bạn là ai, bạn là ứng viên cho sự cứu rỗi, nếu bạn nhìn nhận rằng mình chẳng có gì để dâng cho Chúa, nhưng chỉ đến với Ngài như một kẻ ăn xin với hai bàn tay trắng. Khi bạn đến với Ngài như vậy, Ngài có thể cứu rỗi bạn. Vì Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được cả.
CHÚA GIÊ-XU BAN THƯỞNG CÁC SỨ ĐỒ
Ma-thi-ơ 19:27 Phi-e-rơ bèn thưa rằng: Nầy chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo thầy; vậy thì chúng tôi sẽ được chi?
Thật dễ cho chúng ta nghĩ là Si-môn Phi-e-rơ đang biểu lộ tính rất ích kỷ ở đây. Chúa của chúng ta có quở trách ông ta không?
Ma-thi-ơ 19:28 Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đến kỳ muôn vật đổi mới, là khi Con người sẽ ngự trên ngôi vinh hiển của Ngài, thì các ngươi là kẻ đã theo ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi, mà xét đoán mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên.
Chúa của chúng ta đã không quở trách ông. Thay vào đó, Ngài nói cho ông biết rằng ông có một phần thưởng rất lớn. Cũng giống như vậy, tôi tin là ngày nay, chúng ta, những cơ đốc nhân nên làm việc để nhận phần thưởng
Ma-thi-ơ 19:29 Hễ ai vì danh ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, nhà cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời. Song có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu.
Có phần thưởng cho những người được cứu là những kẻ cung hiến vì danh Chúa Giê-xu. Vào một ngày nào đó, nhiều người là những thánh đồ vô danh mà thế giới không hề nghe, sẽ được ban cho vị trí ở đầu trong sự hiện diện của Ngài. Vào ngày đó, tôi tin là nhiều người lãnh đạo cơ đốc nhân nổi tiếng, đã nhận được những điều khen thưởng rất lớn trong đời này sẽ bị quên lãng, trong khi nhiều thánh đồ vô danh của Đức Chúa Trời sẽ được ban thưởng. Thật là một hình ảnh vinh hiển lạ lùng mà điều này bày tỏ cho chúng ta.
Các bạn thân mến, tôi nhắc lạ câu Kinh Thánh mà Chúa Giê-xu nói trong Ma-thi-ơ 16:26 Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?
Qua điều Chúa Giê-xu giảng, tôi mong rằng các bạn suy nghĩ những gì mà bạn đang theo, và mong ước đạt được trong đời sống hiện nay. Linh hồn các bạn quý giá hơn mọi sự, Tôi mời gọi các bạn hãy tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, để tội lỗi các bạn được tha thứ và linh hồn các bạn được cứu.