Bài 87: Đặc Điểm Của Người Lãnh Đạo Thuộc Linh

5242

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

Theo chương trình của Đức Chúa Trời thì Ngài dùng quyền năng của Ngài, thông qua người thuộc về Ngài để hoàn thành mục đích của Ngài y theo kế hoạch của Ngài. Đây là sứ điệp trọng tâm của hai sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Những sách này nói lên các nguyên tắc cần được áp dụng để công việc Chúa có thể được thực hiện qua chúng ta. Nếu quý vị đang tham gia công việc Chúa, hoặc muốn trở nên người phục sự, hoặc muốn trở thành người qua đó công việc Chúa được thực hiện thì quý vị cần học hỏi hai sách nầy. E-xơ-ra trình bày 12 nguyên tắc cần áp dụng để công việc chúng ta làm được xem là công việc Chúa. Trong phần lược khảo trước đây, chúng ta đã tìm hiểu các nguyên tắc nầy từ sách E-xơ-ra.

Sách Nê-hê-mi cũng đề cập về công việc của Đức Chúa Trời nhưng theo một cách khác. Sách nầy tập trung vào người lãnh đạo, người mà Chúa muốn tìm thấy để qua đó Chúa làm việc qua họ. Nếu quý vị đang suy nghĩ về việc thành lập Hội Thánh, nếu quý vị có ước vọng làm những việc lớn cho Chúa, quý vị cần suy gẫm về 12 nguyên tắc nầy, cầu nguyện để nó trở thành hiện thực trên những việc mà quý vị mong ước được thành tựu.

Chúng ta không thể làm công việc Chúa dựa theo sức người. Chúng ta cần năng lực đến từ Chúa, và chỉ có những người thuộc về Chúa mới có được điều đó. Khi Chúa ngự vào đời sống của một người, Chúa ban năng lực của Đức Thánh Linh trên người đó. Khi Chúa thực hiện những điều nầy thì người đó sẽ là người như thế nào? Đâu là mẫu người lãnh đạo mà Chúa muốn tìm thấy để qua đó công việc của Ngài được thành tựu trên đất. Nê-hê-mi chính là mẫu người đó.

E-xơ-ra và Nê-hê-mi là hai nhà lãnh đạo ưu tú trong Kinh Thánh. Dẫu vậy họ lãnh đạo ở những lãnh vực khác nhau. E-xơ-ra là người lãnh đạo chuyên về các vấn đề thuộc linh. Ông là một học giả, giáo sư. E-xơ-ra là người tận hiến cho Chúa. Trọng tâm chức vụ ông hướng vào việc dạy dỗ dân sự Lời Đức Chúa Trời. Có nhiều cách để lãnh đạo dân sự Chúa. Một Mục sư có thể lãnh đạo hội chúng vì ông được có các ân tứ thuộc linh, hoặc truyền giảng hoặc dạy dỗ. E-xơ-ra là người được ơn và chuyên tâm trong sự dạy dỗ. Đó là cách mà ông đã lãnh đạo dân sự của Đức Chúa Trời. E-xơ-ra cũng lãnh đạo bằng chính đời sống gương mẫu của mình. Khi dân sự cần cuộc phấn hưng tâm linh, ông đã đi ra giữa đường phố dầu trời đang mưa, sấp mình xuống trước trước mặt Chúa, kiêng ăn, cầu nguyện và khóc lóc về tội của dân sự. Lần lượt hết người nầy đến người khác cùng tham dự với ông. Họ khởi đầu một cuộc phục hưng lớn lao. Đây là cách mà E-xơ-ra đã dẫn dắt dân sự đến chỗ phục hưng.

Nê-hê-mi lãnh đạo theo một cách khác. Khi còn là quan tổng trấn, dân sự cần một cuộc phục hưng vì dân Giu-đa đã cưới gả với dân ngoại sau khi hồi hương. Hôn nhân với dân ngoại là điều gây cho Nê-hê-mi lo âu. Kinh Thánh đã ghi lại cách Nê-hê-mi phản ứng như sau,

23 Cũng trong lúc đó, tôi thấy những người Giu-đa lấy đờn bà Ach-đốt, Am-môn, và Mô-áp, làm vợ;

24 con cái của chúng nó nói phần nửa tiếng Ach-đốt, không biết nói tiếng Giu-đa, nhưng nói tùy theo tiếng của dân này hay là dân kia.

25 Tôi quở trách chúng nó, rủa sả chúng nó, đánh đập một vài người trong chúng nó, nhổ tóc chúng nó biểu chúng nó chỉ Đức Chúa Trời thề, mà rằng: Các ngươi sẽ không gả con gái mình cho con trai họ, hay là cưới con gái họ cho con trai mình, hoặc là cưới cho chánh mình các ngươi!

Nê-hê-mi có một phong thái khác trong sự lãnh đạo. Tôi không nghĩ rằng các Mục sư lãnh đạo theo kiểu nầy, nhưng đó lại chính là cách của Nê-hê-mi.

Có thể nói rằng đối với công việc của Đức Chúa Trời thì E-xơ-ra là một kiến trúc sư còn Nê-hê-mi là một thợ xây dựng. Nê-hê-mi là người thực tế, năng động. Ông là người muốn bắt tay vào công việc và nhìn thấy công việc Chúa được thực hiện. Cả hai đều là những mẫu mực tuyệt vời trong sự lãnh đạo mặc dầu họ khác nhau trong cách lãnh đạo.

Đến với sách Nê-hê-mi, chúng ta tìm hiểu các nguyên tắc hay phẩm chất mà Đức Chúa Trời muốn có nơi một người lãnh đạo thuộc linh. Sách Nê-hê-mi có thể được xem là “Những điều khái quát về người lãnh đạo công việc Đức Chúa Trời.”

Thứ nhất, Chúa tìm kiếm một người thật lòng quan tâm đến công việc Chúa. Những người nặng lòng với công việc Chúa thường sẽ được Chúa dùng vào một việc cụ thể nào đó. Một trong những dấu hiệu cho biết Chúa đang làm việc qua quí vị là gánh nặng trong lòng quí vị về một công việc nào đó.

Điểm thứ hai là người lãnh đạo phải nghe được tiếng Chúa về công việc Ngài muốn họ làm. Những người làm những việc vĩ đại cho Đức Chúa Trời là những người đã tìm thấy khải tượng qua Lời của Ngài. Họ nhận được tiếng phán của Chúa về công việc của Chúa qua Lời của Ngài. Điều này được minh họa trong sách Nê-hê-mi. Ông là người mang gánh nặng về công việc Chúa. Khi nghe tin bức tường thành Giê-ru-sa-lem bị hư hỏng và thành phố là một đống đổ nát, thì Kinh Thánh ghi rằng Nê-hê-mi than khóc và không ăn trong nhiều ngày. Chúa đặt Lời của Ngài vào lòng của Nê-hê-mi rằng, “Giê-ru-sa-lem là nơi Ta chọn để ngự, nơi đó đang bị đổ nát.” Ông đã nghe được tiếng Chúa, Ngài muốn Nê-hê-mi xây dựng tường thành Giê-ru-sa-lem.

Điểm thứ ba, người lãnh đạo phải tận tụy, hết lòng với công việc Chúa. Họ có gánh nặng, nghe được tiếng Chúa và tận tụy với công việc Chúa. Nê-hê-mi đã chứng tỏ sự tận tâm đối với công việc Chúa khi còn là quan tửu chánh . Vào thời đó, nếu là một quan tửu chánh quí vị phải nếm rượu trước khi vua uống. Nếu ai đó muốn đầu độc nhà vua thì quan tửu chánh phải là người trúng độc trước. Với chức vụ đó Nê-hê-mi thường xuyên gặp mặt vua. Theo luật của người Mê-di Ba-tư thì quý vị không thể tỏ ra thái độ buồn bực hay tiêu cực trước mặt vua. Nếu tỏ ra buồn bã, quý vị có thể bị giết. Chương hai cho biết ngày kia vua nhìn Nê-hê-mi và hỏi, “Tại sao trông sắc mặt ngươi buồn thảm vậy?” Khi nghe vua hỏi, Nê-hê-mi lấy làm kinh hãi nhưng ông thầm nguyện và trả lời,

“Hoàng đế vạn tuế! Tôi không buồn sao được khi quê cha đất tổ trở nên hoang tàn, cổng thành bị thiêu hủy.”

Nê-hê-mi có thể bị giết vì cớ điều đó. Điều này giải thích vì sao ông kinh hãi. Nhưng Chúa ở cùng với Nê-hê-mi, nên vua hỏi,

“Ngươi muốn xin điều gì?”

Với lời cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, Nê-hê-mi trả lời,

“Nếu bệ hạ vừa ý, và nếu tôi được bệ hạ đoái thương, xin sai tôi về Giu-đa để xây lại thành có mồ mả của tổ tiên tôi.”

Chúng ta biết điều gì xảy ra, nhà vua không những đáp ứng lời cầu xin của Nê-hê-mi mà còn cung cấp mọi điều ông cần. Đức Chúa Trời đã ban phước cho Nê-hê-mi về lòng tận tâm của ông đối với công việc Ngài. Nê-hê-mi mang gánh nặng về công việc Chúa, nghe tiếng phán của Ngài và Chúa cảm động Nê-hê-mi dấn thân cho công việc mà Ngài muốn hoàn tất.

Thứ tư, người lãnh đạo phải có khải tượng cho công việc Chúa. “Nơi nào không có khải tượng, nơi đó con người sống phóng túng.” Người lãnh đạo thuộc linh phải có khải tượng và phải chia sẻ khải tượng nầy với người khác. Nê-hê-mi là mẫu người nầy, khi trở về Giê-ru-sa-lem Nê-hê-mi nói rằng,

“Tôi chẳng tiết lộ với ai chương trình Thượng Đế đặt vào lòng tôi để thực hiện tại Giê-ru-sa-lem”.

Nê-hê-mi có một khải tượng, và sau đó ông nói

Tôi nói với họ những điều mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong lòng tôi.

Nê-hê-mi chia sẻ khải tượng với những người khác. Dân sự bèn tán thành và họ tiến hành việc xây lại bức tường thành Giê-ru-sa-lem. Nê-hê-mi là một người lãnh đạo, người có khải tượng cho công việc Đức Chúa Trời và là người chia sẻ khải tượng nầy cho người khác.

Điểm thứ năm, người lãnh đạo nhận được sự cộng tác của những người khác. Khi người lãnh đạo có khải tượng, nói ra khải tượng thì con dân Chúa sẽ bước theo. Đôi khi một số người lãnh đạo thuộc linh than phiền là con cái Chúa sẽ không ủng hộ họ. Thật ra thì đó là dấu hiệu tiêu cực về khả năng lãnh đạo của họ, vì đặc điểm của người lãnh đạo là có khả năng thúc đẩy người khác làm công việc Chúa. Có người định nghĩa rằng lãnh đạo là người với những người khác bên cạnh mình. Định nghĩa nầy rất đơn giản nhưng cũng rất chính xác.

Điểm thứ sáu là người lãnh đạo thuộc linh sẽ gặp sự chỉ trích, chống đối khi làm công việc Chúa. Nếu quý vị không chấp nhận sự chỉ trích thì không nên làm gì cả. Vì ngay khi quý vị bắt tay vào công việc Chúa thì sự chống đối sẽ xảy ra. Có khi sự phê phán cũng đến từ những người tin kính.

Điểm thứ bảy là người lãnh đạo nhiệt thành cầu nguyện cho công việc Chúa. Trong sách Nê-hê-mi, nhiều lần ông đã cầu nguyện. Nê-hê-mi cầu nguyện khi bị người khác nhạo cười, “Lạy Chúa, xin giúp con vì con bị chế nhạo cười chê.” Hoặc khi đối diện với vua ông dâng lời cầu nguyện ngắn lên Chúa. Ông là người luôn luôn sống trong tinh thần cầu nguyện. Những gì ông làm phù hợp với lời Chúa dạy qua Phao-lô, “Cầu nguyện không thôi.”

Điểm thứ tám người lãnh đạo cùng làm việc với những người chung quanh mình. Trong một trận đá bóng, có cầu thủ là những người tham gia trận đấu và cũng có khán giả là những người xem và cổ vũ cho trận đấu. Người lãnh đạo không phải là khán giả mà là cầu thủ. Họ không đứng ngoài để cổ vũ hoặc thậm chí huấn luyện rồi đứng ngoài. Họ là những người cùng chơi chung trong đội bóng với đồng đội của mình. Người lãnh đạo thuộc linh không phải là người lãnh đạo người khác làm một điều nào đó mà chính họ lại không làm. Chúng ta thấy Nê-hê-mi xuất hiện tại vách thành để cùng làm việc với dân sự.

Điểm thứ chín là người lãnh đạo biết giận một cách công bình đối với những sự chống đối và ngăn trở công việc Chúa. Có sự khác biệt giữa nóng giận theo xác thịt và nóng giận trong công nghĩa. Khi giận những câu hỏi quan trọng cần đặt ra là, quý vị giận ai? Điều gì khiến quý vị giận? Quý vị giận ai hay điều gì là mục tiêu cơn giận của quý vị? Ê-sai nói rằng, “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy.” Quý vị làm gì khi bị một ai đó chặn đứng lại? Quý vị tìm cách leo lên vật cản đó, đào đường hầm để đi qua, đi vòng quanh hay chỉ nằm dài và la hét. Nếu quý vị chỉ nằm dài, la hét, đập tay, múa chân thì đó chỉ là thái độ trẻ con mà thôi. Nếu chúng ta giận dữ vì ai đó ngăn bước tiến của mình, rồi quyết định đi theo ý riêng thì giận trong trường hợp này là tội. Nhưng nếu quý vị làm công việc Chúa và quý vị giận đối với quyền lực của điều ác ngăn trở công việc của Đức Chúa Trời thì đó là sự giận công chính. Khi Chúa Jêsus nhìn thấy những người lãnh đạo tôn giáo đương thời biến đền thờ thành nơi chợ búa và hang trộm cắp thì Ngài đã bày tỏ sự giận công nghĩa. Người lãnh đạo công việc của Đức Chúa Trời có thể trở nên rất giận vì công việc của Chúa bị ngăn trở, chống đối. Nê-hê-mi là mẫu người đó. Lần đến, chúng ta học tiếp mười một đặc điểm của người lãnh đạo chân chính từ đời sống của Nê-hê-mi. Vì ngày nay con người đang ở trong tình trạng phá sản về lãnh đạo do đó những bài học từ cuộc đời của Nê-hê-mi thật cần thiết cho chúng ta.

Quý vị có muốn trở nên một người lãnh đạo thuộc linh không? Xin học về cuộc đời của Nê-hê-mi. Nhưng cho dầu quý vị không muốn lãnh đạo thì chúng ta vẫn học được gương tốt từ đời sống của ông. Nê-hê-mi là người mau mắn trong sự cầu nguyện và nhanh chóng trong sự vâng lời.

 

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của QP NGUYỄN THỊ MAI
Bài tiếp theoHội Đồng Bầu Cử Ban Đại Diện Tin Lành Thành Phố Đà Nẵng