Bài 71: Tiếp Tục Bài Giảng Trên Núi

1724

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

 

MA-THI-Ơ 6:9-34

 

Trong đoạn 6 của Tin lành Ma-thi-ơ ghi lại bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu, trong đoạn này Chúa Giê-xu ban những lời dạy về mối quan hệ của con cái Đức Chúa Trời với Ngài. Ở phần đầu của đoạn 6 chúng ta tìm hiểu về sự ban cho, Chúa Giê-xu dạy là khi dâng hiến hay giúp đỡ ai chúng cần phải làm cách yên lặng, thành thật và Chúa sẽ ban thuởng cho người dâng hiến với lòng thành.

 

Tiếp đến chúng ta cùng học hỏi và tìm hiểu về sự cầu nguyện. Chúa Giê-xu dạy các môn đệ lời cầu nguyện, hôm nay chúng ta thường gọi là bài cầu nguyện chung, hay bài cầu nguyện mẫu. Chúng ta dùng bài cầu nguyện này và áp dụng trong tất cả mọi hoàn cảnh.

 

Ma-thi-ơ 6:9, “Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh;”

 

Lưu ý rằng Bài Cầu Nguyện này không thể là bài cầu nguyện dành cho Chúa Giê-xu. Bởi vì Ngài không thể cầu nguyện như vậy.

 

Ngài không thể hiệp với chúng ta rồi nói: “Lạy Cha chúng tôi..” bởi lẽ sự liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con là một sự liên hệ thần tính. Mối liên hệ đó là một tình trạng thực hữu, hằng hữu chớ không phải được phát sinh ra, hay được ban cho. Sở dĩ chúng ta đã trở thành con của Đức Chúa Trời chỉ vì thông qua sự tin nhận Đấng Christ.

 

“Lạy Chúa chúng tôi ở trên trời.” Đức Chúa Trời không bị hạn chế tại một nơi nào cả trong vũ trụ này. Ngài hiện diện tại những không gian xa thẳm, trên các khoảng không gian đầy tinh tú, nhưng Ngài chẳng hề xa cách đối với vũ trụ mà chúng ta đang sống. Hơn nữa, Ngài là Đấng Sáng Tạo! Là Đấng đang ngồi trên ngai của vũ trụ này, và đang nắm quyền điều khiển nó.

 

“Danh Cha được tôn thánh” Danh xưng của Đức Chúa Trời để cho Đức Chúa Trời. Thử hỏi bằng phương cách nào mà chúng ta có thể khiến cho danh của Đức Chúa Trời được tôn thánh? Những gì biểu lộ ra trong cuộc sống của chúng ta hằng ngày sẽ làm cho Danh của Đức Chúa Trời được tôn thánh. Như khi tìm hiểu sách Sáng thế ký, chúng ta đều biết rằng khi Áp-ra-ham đi đến xứ Ca-na-an, dân xứ này đi ngang qua lại và để ý thấy rằng họ có một người láng giềng mới, bởi họ nhìn thấy một bàn thờ mà Áp-ra-ham lập nên cho Đức Chúa Trời. Bất cứ nơi nào đi qua, Áp-ra-ham cũng đều lập nên ở đó một bàn thờ cho Đức Chúa Trời. Và khi Áp-ra-ham bắt đầu giao hảo với người Ca-na-an, họ nhận thấy rằng ông ta rất thành thật. Họ cũng nhận thấy rằng mọi điều ông ta nói đều biểu lộ lòng tín cẩn và thành thật. Thế nên, sau cùng họ kết luận rằng Đức Chúa Trời mà Áp-ra-ham đang thờ phượng là một Đức Chúa Trời chí thánh, chính vua A-bi-mê-léc nói với Áp-ra-ham rằng: “Đức Chúa Trời đã phù hộ cho ngươi trong mọi điều ngươi làm!” và dân của dòng họ Hếch cũng nói cùng Áp-ra-ham: “Ông chính là Quân trưởng của Đức Chúa Trời quyền năng đang ở giữa chúng tôi.” Cả cuộc đời của Áp-ra-ham bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Chúa Trời. Chắc chắn danh của Đức Chúa Trời được tôn thánh giữa vòng người Ca-na-an bởi đời sống tốt đẹp của Áp-ra-ham.

 

Ma-thi-ơ 6:10, “Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!”

“Nước Cha được đến” là nước mà Ma-thi-ơ đang đề cập đến, nước mà Đấng Christ sẽ thiết lập trên đất này. Đó là lời khẩn nài đầy giá trị, đầy ý nghĩa cho hết thảy chúng ta nhớ đến mà cầu nguyện.

 

Ma-thi-ơ 6:11, “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày.”

 

Như đã từng trình bày, lời cầu nguyện này là một lời mẫu để chúng ta noi theo, và áp dụng vào những lời cầu nguyện riêng của chúng ta. Bây giờ, hãy lưu ý về lời cầu nguyện này một chút. Đây là một lời cầu nguyện tuyệt vời, nó đơn giản và được phát xuất từ tấm lòng của chúng ta với tất cả sự nhiệt thành. Lời cầu nguyện này nói lên sự lệ thuộc hoàn toàn của chúng ta vào Đức Chúa Trời. Nhu cầu của thân thể chúng ta, sự cần thiết của thể xác chúng ta, tất cả đều được Ngài chu cấp từng ngày. “Xin cho chúng con đồ ăn hằng ngày” cũng giống hệt như người Y-sơ-ra-ên thu nhặt ma-na mỗi ngày, họ không được thu nhặt dư cho ngày hôm sau, họ cũng không được phép thu nhặt ma-na cho tuần kế tiếp. “Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ dùng” lời này chỉ ra cho người ta thấy rằng họ chỉ cần đủ ăn mà thôi, cũng chỉ cho thấy rằng cho dù đó là những nhu cầu thiết yếu nhất của cơ thể được cung cấp bởi Đức Chúa Trời.

 

Ma-thi-ơ 6:12, “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;”

Như đã thấy, đó không phải là lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu, vì Ngài là Đấng vô tội, mà đây chính là lời cầu nguyện của các môn đồ.

“Xin tha tội cho chúng con, cũng như chúng con tha thứ cho kẻ phạm tội nghịch chúng con.”

 

Điều này nói lên tính công bằng, hợp pháp chứ không phải là một ân điển. Cảm ơn Chúa về câu Kinh Thánh nữa trong Ê-phê-sô 4:32 “Hãy ở với nhau một cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho anh em trong Đấng Christ vậy.” Ngày nay Đức Chúa Trời vẫn còn đang tha thứ cho chúng ta, dựa trên căn bản những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta, không dựa trên căn bản về những gì mà chính chúng ta tha thứ. Sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời được tỏ bày trọn vẹn khi Ngài tha thứ cho chúng ta. Nó chẳng liên quan gì với sự cứu rỗi của chúng ta, khi chúng ta đọc: “Xin tha thứ tội cho chúng con như chúng con tha thứ cho kẻ phạm tội cùng chúng con.” Ở đây Ngài nói đến những người đã được cứu chuộc, và đã có được bản tánh của Đức Chúa Trời rồi. Ngài chẳng đợi để các bạn tha thứ trước khi Ngài tha thứ. Đây không là phương pháp mà Ngài dùng để giải quyết vấn đề tội lỗi, nhưng điểm then chốt là Đức Chúa Trời đã phó Con Ngài để chịu chết thế và dựa trên căn bản đó mà Ngài tha thứ chúng ta.

 

Chúa Giê-xu nói thêm trong Ma-thi-ơ 6:14-15, “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.”

 

Ngài nay, có một số Hội thánh mang nặng tính giáo nghi, hình thức, xuyên qua sự dùng từ ngữ khác nhau về ý nghĩa của câu Kinh thánh nêu trên. Có Hội thánh nói: “Xin tha thứ tội lỗi cho chúng con.” Có hai bé gái nói chuyện với nhau về Bài Cầu Nguyện của Chúa theo như sự chỉ dẫn của Hội thánh nơi các em ở. Một cô bé nói: “Hội thánh của chúng tôi có phạm tội” và cô bé kìa nói: “Vâng, còn trong Hội thánh chúng tôi thì mắc nợ.” Rất có thể cả hai cô bé này phản ảnh khá chính xác về hình ảnh của các Hội thánh ngày nay – cả hai đều phạm tội và mắc nợ. Thế thì câu nào là chính xác?  Ở đây vấn đề chẳng có gì là khó khăn cả, bởi vì cả hai từ ngữ này chỉ đề cập đến cùng một sự kiện và đó chính là tội lỗi.

 

Ma-thi-ơ 6:13, “Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác! Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.”

 

“Xin chớ để chúng con bị cám dỗ.” Xin chúng ta đừng nghĩ sai về ý tưởng của Chúa, bởi vì Gia-cơ đã có viết rằng, Đức Chúa Trời chẳng hề cám dỗ ai. Điều này thật rất đúng, Đức Chúa Trời không hề cám dỗ một ai. Ở đây câu nầy cũng có thể dịch là: “Xin chớ để chúng con nơi cám dỗ.” Điều này không những có ý nói rằng, xin giữ chúng con tránh xa khỏi sự cám dỗ, nhưng khi chúng con đang rơi vào trong cảnh đó, thì xin đừng lìa bỏ chúng con, nhưng xin Chúa giúp chúng con thoát khỏi sự cám dỗ.

 

“Xin cứu chúng con khỏi điều ác” sự giải cứu này để tránh xa khỏi kẻ ác, xin cứu chúng con khỏi quyền lực của ma quỷ. Sa-tan ngày nay là một thực hữu rất đáng kinh khiếp. Cả thế giới này đã nhiều lần cố gắng tống khứ hắn đi. Bất cứ người nào phụng sự Đức Chúa Trời đều biết rõ sự thực hữu, đáng kinh khiếp của quỉ Sa-tan. Khi chúng ta làm việc trong một Hội thánh nào đó chúng ta có ý thức về sự hiện diện của Đức Chúa Trời và cũng có ý thức sâu sắc về sự hiện diện của quỉ Sa-tan, nó tiếp tục theo đuổi tấn công, cám dỗ làm cho những người hầu việc Đức Chúa Trời sa ngã, bỏ cuộc. Nhưng chúng ta tiếp theo lời cầu nguyện này: “Xin cứu chúng con khỏi điều ác.”

 

Đây chính là bài cầu nguyện tuyệt diệu cho tân tín hữu mới bắt đầu học cầu nguyện riêng tư. Có một bà cụ, đã không được cứu rỗi mãi cho đến phần cuối cuộc đời bà. Lúc đầu bà chẳng biết cầu nguyện như thể nào nên bà chỉ khởi sự bằng cách lập đi, lập lại Bài Cầu Nguyện của Chúa dạy. Cuối cùng bà hiểu được ý nghĩa và từ đó bà đã có thể cầu nguyện cách riêng tư, bằng những lời phát xuất từ tấm lòng của bà.

 

Một người cha dạy cho con mình học cầu nguyện, ông chỉ khởi sự dạy cho chúng lời đơn sơ này, “Xin cho con một giấc ngủ bình yên.” Thế rồi ngày nọ, cậu bé Quy bỗng thêm vào: “xin Chúa ban phước cho ba, xin Chúa ban phước cho má!” lời này đã khiến cho cha mẹ cảm động, bởi vì con mình đã biết cầu nguyện cách riêng tư.

 

Như vậy, Chúa Giê-xu đã ban cho chúng ta Bài Cầu Nguyện của Chúa như là một bài mẫu, một bài cầu nguyện đầy sáng chói và tuyệt diệu, để từ đó chúng ta có thể bao hàm được trong những lời cầu nguyện riêng tư của mình. Ngài rất muốn chúng ta dùng lời cầu nguyện riêng tư để thưa chuyện với Ngài.

 

Như Chúa Giê-xu đã dạy trong phần đầu Bài Cầu Nguyện của Chúa, lời cầu nguyện không phải được nói ra như là để phô trương. Nó chính là mối giao thông giữa bạn và Đức Chúa Trời. Sự cầu nguyện linh nghiệm và có hiệu lực nhất là khi bạn vào phòng riêng, nơi ấy là chỗ cầu nguyện riêng tư của bạn, sự cầu nguyện được thực hiện giữa từng cá nhân với Đức Chúa Trời.

 

Mong ước mỗi chúng ta đều có thời giờ cầu nguyện tương giao với Chúa mỗi ngày, xin để ra 15 phút vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy, và buổi tối khi ngủ cầu nguyện với Chúa. Tin rằng khi làm được điều đó thì chúng ta sẽ gần gũi với Chúa càng hơn, và sẽ thấy được phước hạnh trong sự tương giao thân mật này.

 

Ý NGHĨA SỰ KIÊNG ĂN

 

Một điều nữa mà Chúa Giê-xu dạy trong Bài giảng Trên Núi, đó là sự kiêng ăn. Ma-thi-ơ 6:16-18, “Khi các ngươi kiêng ăn, chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình; vì họ nhăn mặt, cho mọi người biết họ kiêng ăn. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi. Song khi ngươi kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu, và rửa mặt, hầu cho người ta không xem thấy ngươi đang kiêng ăn, nhưng chỉ Cha ngươi là Đấng ở nơi kín nhiệm xem thấy mà thôi; và Cha ngươi thấy trong chỗ kín nhiệm sẽ thưởng cho ngươi.”

 

Người Pha-ri-si trong thời đó kiêng ăn mỗi ngày hai lần, vào ngày thứ hai và thứ năm (Lu-ca 18:12), và họ làm ra vẻ cho mọi người biết mình đang kiêng ăn, việc làm của họ chỉ có mục đích nhận được lời khen của con người, nhưng họ không có phước hạnh nào từ nơi Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu kết án những người kiêng ăn giả hình, phô trương đạo đức. 

 

Trong ngày hôm nay sự kiêng ăn có giá trị cho những người tin nhận Chúa, nó nên được thực hiện cách riêng tư, kín đáo. Đó là vấn đề giữa cá nhân của linh hồn mình với Đức Chúa Trời.   

 

Đối với người Do-thái, một ngày kiêng ăn khởi sự từ sáng sớm đến khi mặt trời lặn. Chỉ có ngày Đại Lễ chuộc tội thì tất cả mọi người bắt buộc phải kiêng ăn.

 

Kiêng ăn không cần phải được thực hiện cách đúng đắn với động cơ tốt. Chính Chúa Giê-xu cũng đã kiêng ăn (Ma-thi-ơ 4:3) và các tín hữu trong Hội thánh đầu tiên cũng làm như vậy. Kiêng ăn giúp chế ngự lòng thèm muốn của thể xác và giữ những ưu tiên trong đời sống thuộc linh của chúng ta được ngay thẳng. Nhưng đừng bao giờ để sự kiêng ăn trở thành cơ hội bị cám dỗ. Khi kiêng ăn phải có một mục đích rõ ràng như là tập trung tâm trí trong sự cầu nguyện hay học hỏi lời Chúa, để tìm kiếm ý Chúa. Đồng thời sự kiêng ăn chỉ nên thực hiện trong một khoảng thời gian hợp với sức khỏe của mỗi người. Nhiều ngừơi tìm được năng lực và phước hạnh khi kiêng ăn cầu nguyện.

                          

VIỆC KIẾM TIỀN VÀ Ý NGHĨA CỦA SỰ GIÀU CÓ THẬT

 

Tiếp theo, Chúa chúng ta chuyển đến chủ đề tiền bạc. Đây lại là vấn đề mà nhiều người không thích người giảng đạo đề cập đến.

 

Ma-thi-ơ 6:19-21, “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.”

 

Rất nhiều người nghĩ rằng tiền bạc không thể được áp dụng trong đường lối thuộc linh, và khi đề cập đến tiền bạc thì dường như chúng ta đang đề cập đến vấn đề vật chất mà thôi. Tuy nhiên, Chúa chúng ta dạy rằng chúng ta nên chứa của cải mình ở trên trời – Làm sao chúng ta có thể thực hiện điều đó được? Vâng, thay vì đem tiền của mình gởi vào ngân hàng ở Thụy Sĩ, thì hãy gởi nó trên trời bằng cách dâng hiến nó vào công việc Chúa ngay trên đất này – nhưng cũng xin hãy chắc chắn rằng tiền của đó thật sự dâng hiến cho công việc Chúa. Nên xem xét cẩn thận những công việc mà chúng ta sẽ dâng hiến tiền của vào đó, cũng hãy chắc chắn rằng chúng ta sẽ dâng hiến cho công việc mà nó sẽ tích lũy của cải cho mình ở trên trời. Nếu sự dâng hiến được sử dụng vào công cuộc truyền bá Tin lành và rao giảng Lời Chúa, nó là sự đầu tư hợp lẽ ở trên trời, sự gom góp và chất chứa của cải tốt đẹp biết bao!

 

Có lẽ có người có ý kiến rằng: “Nhưng tôi không thích dâng hiến của cải vì lý do đó.” Nhưng đó là lý do mà Chúa cho phép: “Hãy chứa của cải ngươi ở trên trời.” Đó là một động cơ cho việc dâng hiến rất đáng tán dương. Chính Chúa đã đưa ra lý do: “Vì của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng sẽ ở đó.” Nếu chúng ta gom góp của cải để chứa ở trên trời, thì chắc chắn chúng ta sẽ suy nghĩ nhiều hơn về nước thiên đàng. Ngược lại, nếu tiền của gởi ở ngân hàng, ở tủ sắt, hay chôn trong nhà của chúng ta thì tư tưởng của chúng ta cũng sẽ hướng đến đó. Đó là điều nguy hiểm khi tôn trọng tiền bạc nhiều hơn là thờ phượng Đức Chúa Trời.

 

NHỮNG VẤN ĐỀ VẬT CHẤT VÀ MỐI QUAN HỆ CỦA CƠ ĐỐC NHÂN

 

Ma-thi-ơ đoạn 6 được kết luận với lời Chúa Giê-xu dạy đề cập về những vấn đề khác mang tính vật chất.

Ngài bảo chúng ta rằng, đừng nên lưu tâm quá nhiều đến nhu cầu vật chất. Chẳng hạn, Ngài phán câu chuyện tiếp theo:

 

Ma-thi-ơ 6:25-32, “Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt cũng chẳng có thâu trử vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao? Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? Còn về quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào: chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi! Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.”

 

Loài chim không thể gieo giống, không thể gặt và cũng không thể thâu trữ thứ gì vào kho được, nhưng chúng ta có thể làm các điều đó được. Loài chim nhỏ bé kia mà Đức Chúa Trời còn chăm sóc chúng, thì huống chi là chúng ta. “Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao? ”

 

Qua điều này, câu hỏi được nêu ra là: “Tại sao các ngươi phải lo lắng về quần áo?” Hãy hình dung đến thời gian mà người ta phải bỏ ra để mua sắm quần áo thì ắt sẽ rõ. Rồi cũng có thể đến lúc nào đó có người bảo rằng: “Tối nay, tôi không thể đi được đâu, bởi tôi không có bộ com-lê hay quần áo đẹp để mặc!” Vâng, chúng ta hãy xem hoa huệ ở ngoài đồng kia, chúng không làm việc cực nhọc hay kéo chỉ nhưng Đức Chúa Trời vẫn chăm sóc chúng. Dĩ nhiên, Cơ Đốc nhân cũng được quyền ăn mặc đẹp nếu người ấy có thể. Sự ăn mặc cẩu thả, nhếch nhác cũng như bất kỳ hành động bệ rạc, bê bối nào chẳng có thể tôn vinh Đức Chúa Trời được – Chúa nhắc nhở chúng ta hãy nhớ đến vẻ đẹp của loài hoa huệ ấy.

 

Đức Chúa Trời muốn chúng ta ăn mặc đẹp nếu điều kiện cho phép. Một số người trong chúng ta không thể có đủ điều kiện để làm điều này. Chúng ta không quá bận tâm về việc ăn mặc, thế nhưng trong điều kiện nào đó chúng ta có được hãy ăn mặc cho tốt nhất. Tuy nhiên chúng ta đừng quá lo lắng về vật chất của thế gian này, bởi vì vật chất không phải là mục tiêu chính trong đời sống chúng ta.

 

Ma-thi-ơ 6:33-34, “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.”

 

Các bạn thân mến, điều quan trọng trước nhất mà mỗi chúng ta cần tìm kiếm là nước Đức Chúa Trời, tức là sự cứu rỗi cho mỗi đời sống của các bạn, Chúa Giê-xu nói thêm rằng:  “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Hay là có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư?” (Mác 8:36-37)

 

Nếu quá lo lắng chạy theo vật chất của đời này, thì có một lúc nào đó chúng ta có nhiều tiền bạc, của cải mà mình muốn, nhưng nếu mất linh hồn thì tất cả những thứ ấy cũng thành ra vô ích. Nhưng đối với những ai tìm kiếm nước trời trước nhất trong đời sống mình, thì những thứ khác Chúa sẽ ban thêm. Chúa là Cha, là Đấng Tạo Hóa biết chúng ta cần điều gì. 

 

“Chớ lo lắng chi về ngày mai ” có nghĩa là đừng có tư tưởng lo âu, bối rối. Đức Chúa Trời chăm sóc cho loài hoa dại và cho loài chim trời nhỏ bé kia, thì Ngài cũng chăm sóc cho các bạn. Nhưng việc phải suy nghĩ trước nhất ấy là hãy để Chúa ngự trị trong đời sống của chính mình, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời.

 

 

 

Bài trướcBài 71: Làm Thế Nào Để Đứng Dậy Sau Khi Thất Bại
Bài tiếp theoNgày 10/6/2016: Tấm Lòng Phục Vụ của Ông Áp-ra-ham