Ngày 10/6/2016: Tấm Lòng Phục Vụ của Ông Áp-ra-ham

1274

Sáng Thế Ký 18:1-8

“Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa” (Rô-ma 12: 11).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Các hành động của ông Áp-ra-ham trong các câu 2, 6, 7, và 8 cho thấy tinh thần phục vụ của ông Áp-ra-ham như thế nào? Điều gì bạn cần phải sửa đổi hoặc được khích lệ sau khi học được gương phục vụ của ông Áp-ra-ham?

 

Ông Áp-ra-ham không những mạnh mẽ trong đức tin, ông còn làm gương cho chúng ta trong sự phục vụ. Tấm lòng sốt sắng phục vụ của ông Áp-ra-ham thể hiện ở (1) sự nhanh nhẹn, (2) nhiệt tâm, và (3) nhẫn nại trong khi phục vụ.

 

(1) Nhanh nhẹn trong sự phục vụ. Kinh Thánh mô tả một bức tranh rất sống động để diễn tả hành động phục vụ của ông Áp-ra-ham. Vừa thấy ba người khách lạ từ xa, ông Áp-ra-ham “chạy đến” để mời họ vào nhà (câu 2). Ông “lật đật” vào trại và bảo Sa-ra hãy “mau mau” chuẩn bị làm bánh cho khách (câu 6). Chính ông Áp-ra-ham “chạy lại bầy,” bắt một con bò con ngon và bảo đầy tớ “mau mau” nấu dọn (câu 7). Sau khi thức ăn đã nấu xong, ông “dọn ngay” trước mặt ba vị khách này (câu 8). Những từ ngữ “chạy,” “mau mau,” “lật đật”… cho thấy lòng hiếu khách và sốt sắng phục vụ của ông Áp-ra-ham. Ông không làm cách uể oải. Ông không nghĩ đây là một gánh nặng. Ông Áp-ra-ham đã cho thấy một sự phục vụ hết lòng vượt qua cả những ràng buộc tự nhiên của thói quen tiếp khách trong phong tục Đông phương.

 

(2) Nhiệt tâm trong sự phục vụ. Ông Áp-ra-ham bảo bà Sa-ra lấy ba đấu bột lọc để làm bánh. Theo ước lượng, từ ba đấu bột người ta có thể làm được 30 ổ bánh mì lớn, hoặc khoảng 15 ký bánh mì. Thêm vào đó, ông Áp-ra-ham cũng làm thịt một con bò con ngon để đãi khách. Đây là món ăn vượt quá thông lệ bình thường của người du mục khi tiếp khách. Ông không làm “cầm chừng.” Ông không dè xẻn hay tính toán khi phục vụ. Nói tóm lại, ông Áp-ra-ham đã dốc đổ hết tấm lòng của mình để phục vụ.

 

(3) Nhẫn nại trong sự phục vụ. Ông Áp-ra-ham “đứng hầu trước mặt, dưới cội cây” trong khi các vị khách dùng bữa (câu 8). Càng nhanh nhẹn trong sự chuẩn bị thức ăn bao nhiêu, ông Áp-ra-ham lại càng nhẫn nại chờ đợi để phục vụ các vị khách của ông bấy nhiêu. Ông Áp-ra-ham biết lúc nào cần phải nhanh chóng, lúc nào cần phải từ tốn, nhẫn nại khi phục vụ. Mục đích của ông là làm vui lòng người mình phục vụ, chứ không phải làm cho xong việc.

 

Ông Áp-ra-ham phục vụ Chúa. Câu 1 cho biết Đức Giê-hô-va hiện ra cùng ông Áp-ra-ham, nhưng câu 2 chép rằng ông Áp-ra-ham thấy ba người đến trại của ông. Khi ông Áp-ra-ham sấp mình xuống để mời ba vị này, ông lại dùng chữ “lạy Chúa” (số ít). Từ câu 4 trở đi, ông Áp-ra-ham lại dùng chữ “các đấng” (số nhiều) khi nói với ba vị khách. Thánh Augustine cho rằng đây là ba vị thiên sứ. Một số nhà giải kinh khác thì cho rằng một trong ba vị là Chúa Giê-xu. Kinh Thánh dạy chúng ta: “Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết” (Hê-bơ-rơ 13:2). Có phải sự phục vụ của chúng ta sẽ hời hợt hơn khi những người chúng ta phục vụ là nhỏ bé, yếu đuối, bần hàn? Chúa Giê-xu dạy rằng: “Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em Ta, ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy” (Ma-thi-ơ 25:40).

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con phục vụ người khác như phục vụ Chúa với sự hăng hái, hết lòng, và nhẫn nại như ông Áp-ra-ham.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 40.

Bài trướcBài 71: Tiếp Tục Bài Giảng Trên Núi
Bài tiếp theoNgày 11/6/2016: Săn Sóc Người Nhà Mình