Bài 71: Làm Thế Nào Để Đứng Dậy Sau Khi Thất Bại

2414

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Tám chương đầu của sách 1 Sa-mu-ên nói về gương tốt của chính nhân vật Sa-mu-ên. Từ chương 9 trở đi Kinh thánh nêu lên một lời cảnh cáo nghiêm trọng qua cuộc đời của vua Sau-lơ, vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên. Mở đầu chương 16, Kinh thánh đề cập đến Đa-vít. Ông là vị vua vĩ đại nhất của dân Y-sơ-ra-ên và cũng là gương sáng chói nhất trong Kinh thánh. Nếu so sánh giữa Sau-lơ và Đa-vít thì họ có một điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Sau-lơ là người không vâng lời Chúa, Kinh thánh đã ghi lại hai trường hợp ông bất tuân mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Nhưng điểm mạnh của Đa-vít là ông sống đẹp lòng Chúa và làm mọi điều theo ý Chúa. Bởi vậy cuộc đời của Sau-lơ chỉ về người được xức dầu nhưng rồi lại bất tuân. Hiển nhiên việc này không thể kéo dài lâu được vì theo Kinh thánh điều then chốt để được xức dầu Thánh Linh là sự vâng phục. Chúa Jêsus đã nói với các môn đồ trên phòng cao rằng, “Nếu các ngươi yêu mến ta thì các ngươi sẽ vâng giữ mọi điều răn của ta, ta sẽ nài xin Cha ban cho các ngươi Đức Thánh Linh.” Sứ đồ Giu-đe (người viết sách Giu-đe) liền hỏi:

Lạy Chúa, vì sao Chúa sẽ tỏ mình cho chúng tôi, mà không tỏ mình cho thế gian:

 

Chúa Jêsus trả lời:

Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta

 

Nói cách khác vâng lời là điều kiện trước tiên để kinh nghiệm quyền năng của Thánh Linh giáng trên chúng ta. Sách Công vụ các Sứ đồ chép rằng, “Ngài ban Thánh Linh Ngài cho họ để họ vâng lời Ngài.” Do đó một người dầu được xức dầu nhưng không vâng lời thì không thể tồn tại lâu dài. Đó là lý do Sau-lơ đã không ngồi lâu trên ngôi vua.

 

Ngược lại Đa-vít là một người được xức dầu và sống trong sự vâng phục. Cuộc đời của ông đã đạt đến đỉnh cao trong 2 Sa-mu-ên 7, là nơi đề cập đến vương quốc đời đời của Đa-vít. Đa-vít hết lòng muốn xây một đền thờ cho Đức Chúa Trời. Ông đang sống trong cung điện sang trọng, nhưng lúc bấy giờ Đức Chúa Trời chỉ ở trong căn lều mà thôi, do đó Đa-vít muốn xây một đền thờ nguy nga đồ sộ cho Đức Chúa Trời. Dẫu vậy Chúa bảo tiên tri Na-than nói với Đa-vít rằng Ngài không muốn Đa-vít xây một đền thờ cho Ngài, nhưng chính Ngài sẽ xây cho Đa-vít vương quốc đời đời. Con cháu của Đa-vít sẽ cai trị trên ngôi vua. Dĩ nhiên, Đấng Mê-si là dòng dõi về phần xác của Đa-vít sẽ lập nước đời đời của Ngài. Sách 2 Sa-mu-ên nói về triều đại của Đa-vít.

 

Khi được nghe những lời nầy từ tiên tri Na-than, Đa-vít đã dâng lên lời cầu nguyện rất hay như sau:

Lạy Chúa Giê-hô-va, tôi là ai, họ hàng tôi là gì, mà Chúa đã đem tôi đến nơi nầy?

 

Lạy Chúa Giê-hô-va, điều đó Chúa há còn cho là nhỏ mọn sao, nên Chúa lại nói về nhà của tôi tớ Chúa trong buổi lâu về sau? Lạy Chúa Giê-hô-va, điều nầy há theo cách thường của loài người sao?

Đa-vít còn nói thêm được lời chi nữa? Ôi Chúa Giê-hô-va! Chúa biết kẻ tôi tớ Chúa.

Ấy vì lời Chúa và tùy theo lòng Ngài mà Chúa đã làm những việc lớn nầy, và tỏ cho kẻ tôi tớ Chúa biết.

 

Vậy, bây giờ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ôi! xin hãy làm cho vững chắc đến đời đời những lời Chúa đã phán về kẻ tôi tớ Chúa và về nhà nó, cùng làm y như Chúa đã phán vậy.

 

Đa-vít đã nói cùng một ý với sứ đồ Phao-lô trong Tân ước rằng, không phải bởi những gì chúng ta làm mà Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta. Ngài ban phước cho chúng ta vì ân sủng của Ngài mà thôi.

 

2 Sa-mu-ên 11 bắt đầu một chương mới trong cuộc đời của Đa-vít. Đây là một giai đoạn dài nhất và khó khăn nhất trong cuộc đời của ông. Đây là chỗ mà Đa-vít từ một gương sáng trở nên một gương xấu cảnh cáo mỗi chúng ta. Từ chương 11 đến 18, Đa-vít đã phạm tội tà dâm rồi phạm tội sát nhân, trong suốt một năm ông cố gắng để che giấu. Điều này khiến chúng ta tự hỏi làm sao một người như Đa-vít, một người hết lòng kính mến và vâng phục Chúa lại lâm vào những tội ác như vậy? Kinh thánh đưa ra những lời giải thích và những lý do khiến Đa-vít phạm tội. Trước tiên, Đa-vít cũng chỉ là người. Mặc dầu là người rất tin kính, ông không thể tránh khỏi nguy cơ phạm tội và thất bại trong đời sống thuộc linh. Theo Kinh thánh thì việc bị cám dỗ để phạm tội là điều phổ thông đối với mọi người. Tân ước cho biết là con người chúng ta không bao giờ tránh khỏi nguy cơ phạm tội. Sứ đồ Phao-lô là bậc thánh nhân đã nói trong Rô-ma 7 rằng, “Điều ác cứ dính dấp theo tôi.” Đó là một hiện tượng hay là quy luật thuộc linh. Bởi vậy khả năng phạm tội, sa ngã vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta. Theo 2 Sa-mu-ên 11:1, Đa-vít phạm tội vì ông đã đi ra ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời.

 

Qua năm mới, khi các vua thường ra tranh chiến, Đa-vít sai Giô-áp cùng các tôi tớ mình và cả đạo binh Y-sơ-ra-ên đánh giặc; chúng cướp phá xứ dân Am-môn và vây thành Ráp-ba. Nhưng vua Đa-vít ở lại Giê-ru-sa-lem.

 

Đây là thời điểm mà vua phải cầm quân ra trận mà chiến đấu, thế nhưng Đa-vít ở lại tại Giê-ru-sa-lem. Ông chỉ định những người khác lãnh đạo quân đội. Một khi đi ra ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời, Đa-vít trở nên rất yếu mềm trước những cám dỗ. Sức mạnh và sự bảo vệ chỉ có khi chúng ta ở trong chương trình và ý muốn của Đức Chúa Trời.

 

Điểm đáng lưu ý là Đa-vít phạm tội trong lúc ông đang ở tại đỉnh cao của thành công. Sứ đồ Phao-lô nói rằng, “Tôi biết sống thế nào trong nghèo thiếu, và tôi cũng biết sống thế nào trong dư dật.” Cần có đời sống trưởng thành thuộc linh để biết sống trong nghèo thiếu. Nhưng có lẽ cần sự trưởng thành nhiều hơn để biết sống trong sự thành công, dư dật.

 

Chuck Colson là nhà lãnh đạo Cơ Đốc đã có lần nói với hằng trăm nhân viên của ông như sau. “Xin cầu nguyện cho tôi trong năm đến, biết làm thế nào để hành xử khi mọi sự đang thăng tiến rất tốt đẹp. Lúc còn ở trong tù, tôi đã biết sống trong khó khăn. Khi tôi bắt đầu đời sống mới trong Chúa, một số người đã ngờ vực. Nhưng cho đến giờ phút nầy, nhiều người đã bày tỏ sự ngợi khen, tán thưởng. Báo chí đã ca tụng tôi và cho rằng cả quốc gia này mắc nợ tôi. Trước đây tôi đã không biết làm thế nào để hành xử tốt khi còn giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền. Nhưng giờ đây đứng trước một viễn ảnh đầy tươi sáng trong công trường thuộc linh, xin cầu nguyện để Chúa dạy tôi biết sống thế nào trong sự dư dật hay thành công. Xin cầu nguyện để Chúa giúp tôi khiêm nhường.

 

Có bao giờ bạn nhận thức rằng khi mình ở tại đỉnh cao của sự thành công hoặc giàu có, danh vọng cũng là lúc rất nguy hiểm không? Hãy nhìn lại cuộc đời theo Chúa của mình. Khi nào thì bạn trưởng thành trong đời sống thuộc linh? Phải chăng đó là những lúc mà khó khăn, nghèo khổ vây quanh và bạn không còn sự chọn lựa nào khác hơn là nương dựa và kêu cầu lên Chúa? Phải chăng những lúc thuận buồm xuôi gió, những lúc thăng tiến đi lên là những lúc mà bạn đối diện với nhiều cám dỗ để phạm tội? Đa-vít đã phạm tội khi đã bình định xong quốc gia, khi ông ở trên đỉnh cao của sự thành công. Đó chính là những tháng ngày nguy hiểm cần cảnh giác hơn hết. Trong khi binh sĩ của mình tham chiến tại Ráp-ba thì Đa-vít lại đi dạo trên hành lang và thấy một người đàn bà đẹp đang tắm. Ông sinh lòng ham thích, vì là vua, muốn gì được nấy. Đa-vít đã gọi vào cung và ăn ở với Bát-sê-ba. Tội tà dâm của Đa-vít rất nghiêm trọng. Không có lý do gì để trách cứ Bát-sê-ba trong trường hợp này, đây không phải là điều nàng muốn. Bát-sê-ba tỏ ra rất mực yêu chồng là U-ri. Chồng nàng là một tay dõng sĩ của Đa-vít. U-ri đang tấn công thành Ráp-ba, chiến đấu cho Đa-vít.

 

Chúng ta hẳn đã quen thuộc với câu chuyện này. Khi Đa-vít khám phá rằng Bát-sê-ba đã có thai thì Đa-vít gọi U-ri trở về từ mặt trận. Vua cố gắng dàn xếp để U-ri về nhà và ngủ với Bát-sê-ba, nhưng U-ri là một chiến sĩ trung thành không làm như vậy. Đa-vít còn tìm cách phục rượu để U-ri say mà đi về nhà với vợ nhưng U-ri vẫn từ chối. U-ri khẳng khái nói như sau, “Anh em đồng đội của tôi đang chiến đấu ngoài mặt trận, lẽ nào tôi về nhà mà ngủ với vợ sao.” Khi Đa-vít thấy không sao thuyết phục U-ri, vua liền viết một mật thư và nhờ U-ri trao cho tướng Giô-áp. Điều này chứng tỏ rằng U-ri là người rất được tin cậy. Nội dung của thư đó như sau, “Khi ngươi tấn công thành phố vào ngày mai, hãy đặt U-ri ở hàng đầu rồi rút lui để cho U-ri bị giết chết.” Không lâu sau đó khi mọi việc đã xong xuôi thì tướng Giô-áp sai người về báo cáo cho vua với những lời dặn dò người đó như sau,

 

Khi ngươi đã thuật xong cho vua mọi điều đã xảy ra nơi chiến trận, nếu vua nổi giận nói cùng ngươi rằng: Cớ sao các ngươi đi tới gần quá đặng hãm thành vậy? Các ngươi há chẳng biết rằng người ta ở trên chót vách thành bắn tên xuống sao?

 

Xưa ai giết A-bi-mê-léc, con trai của Giê-rút-bê-sết? Há chẳng phải một người nữ ở trên chót vách thành ném một thớt cối xuống trên người làm cho người chết tại Tê-bết sao? Vì sao các ngươi đến gần vách thành như vậy? thì bấy giờ ngươi sẽ tiếp rằng: U-ri, kẻ tôi tớ vua, người Hê-tít, cũng chết nữa.

 

U-ri đã tử trận, Đa-vít giờ đây không những mang mặc cảm nặng nề vì phạm tội tà dâm mà còn mặc cảm phạm tội sát nhân vì vua đã giết một dõng sĩ tài ba của mình. U-ri đã hết lòng trung thành với Đa-vít như Ru-tơ đã trung thành với Na-ô-mi. Vua đã phản bội lòng trung thành của U-ri, vì vậy Đa-vít sống trong mặc cảm của tà dâm, sát nhân và dối trá. Theo như những gì Kinh thánh ghi chép thì Đa-vít đã cố gắng che đậy tội lỗi trong suốt một năm trường. Đa-vít nghĩ rằng không ai biết ngay cả vị tướng rất tín cẩn là Giô-áp cũng không biết. Nếu học về những thi thiên mà Đa-vít sáng tác nhấn mạnh đến hậu quả của tội lỗi thì chúng ta sẽ nhận thấy thời gian che đậy tội lỗi chính là thời gian buồn thảm trong đời sống của ông. Đa-vít đã viết một nửa Thi thiên hay còn gọi là thánh ca cho dân sự của Đức Chúa Trời. Ông thích hướng dẫn ban nhạc Lê-vi gồm 4000 người sử dụng nhạc khí ông đã chế tạo vào trong sự thờ phượng và ca ngợi Chúa. Nhưng trong Thi thiên 51 là Thi thiên ông đã thú nhận tội lỗi của mình, Đa-vít cho biết trong suốt năm đó ông không rao giảng lời Chúa và không ngợi khen Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể giả định rằng cũng suốt năm đó ông không thể cầu nguyện được. Đó là một năm thật tệ hại cho Đa-vít. Qua Thi thiên 32, ông cho biết suốt năm đó ông tiếp tục giữ yên lặng và nhất quyết không thú nhận tội lỗi. Sức lực của ông hao mòn và khô héo vì tay Chúa đè nặng trên ông. Mặc cảm tội lỗi khiến ông mang bịnh tật vào thân. Thế rồi đến một ngày, Đa-vít nói trong Thi thiên 32 rằng,

Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi; Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; Còn Chúa tha tội ác của tôi.

Sau đó ông cảm nhận phước hạnh của sự tha thứ và nói như sau:

Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình!

 

Rồi ông tiếp,

Bởi cớ ấy phàm người nhơn đức đều cầu nguyện cùng Chúa trong khi có thể gặp Ngài;

 

Nói cách khác Đa-vít cho rằng người nhơn đức hay người tin kính nên cầu nguyện để nhận được phước hạnh của sự tha thứ. Điều đó ngụ ý rằng người tin kính vẫn có thể phạm tội. Đa-vít là một trường hợp điển hình, ông là người rất mực tin kính. Việc ông sa ngã, phạm tội có khiến ông không còn là người tin kính nữa không? Thật ra xét theo một khía cạnh thì sự vĩ đại của Đa-vít được nhấn mạnh bởi cách mà ông đã phản ứng đối với tội lỗi và hậu quả của tội lỗi.

 

Lần đến chúng ta sẽ tiếp tục xem xét những hậu quả khủng khiếp mà Đa-vít đã gặt lấy do tội lỗi gây ra, ngay cả đối với một người tin kính như Đa-vít thì hậu quả đó vẫn hết sức thê thảm. Nhằm chuẩn bị trước, xin bạn vui lòng đọc trong sách 2 Sa-mu-ên 11 cho đến 18 để tránh xa những cám dỗ phạm tội bởi hậu quả kinh hoàng sẽ xảy ra, giống như trường hợp của Đa-vít phải trả một giá rất đắt cho tội tà dâm và sát nhân.

 

 

 

 

Bài trướcLễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Hội Thánh Tin Lành Bu Boong – Đăk Nông
Bài tiếp theoBài 71: Tiếp Tục Bài Giảng Trên Núi