Bài 63: Gia Phổ Của Chúa Giê-Xu

7788

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

 

Ma-thi-ơ 1:1-17

                                   

Gia phổ của Chúa Giê-xu mở đầu Tin Lành Ma-thi-ơ và Tân ước là tài liệu rất quan trọng trong Kinh Thánh. Cả Kinh Thánh đều dựa vào sự chính xác của nó. Có ba phần:

1.                  Gia phổ từ Áp-ra-ham đến Đa-Vít, câu 1-6.

2.                  Gia phổ từ Sa-lô-môn đến lưu đày Ba-by-lôn, câu 7-11.

3.                  Gia phổ từ khi bị đày qua Ba-by-lôn đến Giô-Sép, người thợ mộc, câu 12-17

Khi chúng ta tìm hiểu về Sáng thế ký, chúng ta thấy rằng đó là quyển sách nói về nhiều gia đình. Gia phổ rất quan trọng, và chúng ta sẽ bắt đầu phần Tân ước ở đây với gia phổ.

 

Ban đầu nó dường như không thích thú lắm. Khi tặng cho ai quyển Kinh Thánh Tân ước, họ bắt đầu đọc sách Ma-thi-ơ trước nhất, và có thể họ không đọc tiếp nữa. Một mục sư tuyên úy có lần đã kể rằng, trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, ông ta đã phát ra hàng ngàn Kinh Thánh Tân ước cho nhiều người lính. Ông thấy có vài người lính mở Kinh Thánh Tân ước ra đọc chừng một hai phút mở đầu sách Ma-thi-ơ, bắt đầu từ phần gia phổ và kết luận rằng, Kinh Thánh nầy không phải dành cho họ. Không thể nào trách họ! Cho nên khi tặng cho ai Kinh Thánh Tân ước, chúng ta nên đề nghị sách nào nên đọc trước. Một người bình thường sẽ bắt đầu ở bất cứ một trong ba sách nào của các sách Tin Lành, thường là sách Mác, hơn là sách Tin Lành Ma-thi-ơ. Nhưng điều đó không làm giảm sự quan trọng của phần gia phổ nầy.

 

Cả Kinh Thánh Tân ước dựa vào phần chính xác của phần gia phổ, bởi vì nó bao gồm các dữ kiện về Chúa Giê-xu đến từ dòng dõi của Áp-ra-ham và của Đa-Vít. Cả hai rất quan trọng. Dòng dõi của Áp-ra-ham đặt Ngài trong đất nước mình và dòng dõi của Đa-vít đặt Ngài trên ngôi vua, Chúa Giê-xu ở trong dòng dõi hoàng tộc.

 

Gia phổ là điều rất quan trọng cho quốc gia Do Thái, và từ họ có thể tìm ra xem người đó đến từ dòng dõi nào. Thí dụ như, khi người Do Thái trở về lập quốc, chúng ta tìm thấy việc xảy ra trong sách của E-xơ-ra như sau: “Các người ấy tìm gia phổ mình, nhưng chẳng tìm đặng; nên người ta kể họ là ô uế, và họ bị truất khỏi chức tế lễ.” (E-xơ-ra 2:62)  Trong thời kỳ của E-xơ-ra người ta có thể tra xem dòng dõi của người Lê-Vi và loại ra những người mạo nhận.

 

Những bằng chứng về gia phổ nầy đã được chính quyền lưu giữ và dân chúng có thể xin đến xem. Có thể nó được lưu giữ trong đền thờ, bởi vì người Do Thái rất sùng đạo, lúc bấy giờ hội thánh và chánh quyền là một. Gia phổ nầy đã được phổ biến và người ta có thể có một bản sao từ những bản lưu trữ, cho đến khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị hủy phá vào năm 70 Sau Chúa. Những kẻ thù của Chúa Giê-xu có thể đã kiểm lại và chắc rằng họ đã làm điều đó. Đây là điều lý thú và quan trọng bởi vì họ thách thức mọi sự hoạt động của Chúa Giê-xu, chẳng hạn như họ dòm ngó sự dâng hiến của Chúa Giê-xu, nhưng họ không bao giờ thắc mắc về gia phổ của Ngài. Nguyên nhân là họ đã kiểm qua và thấy rằng, nó đã đúng sự thật.

 

Đây là phần quan trọng nhất, bởi vì nó đặt Chúa Giê-xu vào vị thế hết sức đặc biệt. Chúng ta có nhớ Ngài nói rằng “Người chăn chiên vào cửa chính, nhưng kẻ trộm trèo vào chuồng chiên bằng cách khác, là kẻ trộm để đánh cắp chiên đi” (Giăng 10:1-2). Cái chuồng đó chính là đất nước Y-sơ-ra-ên. Ngài không trèo rào vào chuồng chiên ở phía sau, và Ngài cũng không vào bằng cửa hông. Ngài vào trong chuồng bằng cổng chính của chuồng. Ngài được sanh trong dòng dõi của Đa-vít và trong dòng dõi của Áp-ra-ham. Đây là điều mà Ma-thi-ơ muốn trình bày cho chúng ta thấy. Ngài làm trọn tất cả những gì đã được đề cập đến trong Cựu ước. Cho nên kẻ thù của Đấng Cứu Thế không bao giờ có thể thách thức Ngài về gia phổ của Ngài. Họ phải tìm cách khác để thách thức Ngài, và dĩ nhiên, họ đã làm như vậy sau đó.

 

Có một người kể lại rằng: Khi tôi còn là thiếu niên, tôi bắt đầu thích đọc Kinh Thánh, và có lần tôi đi dự đại hội mùa hè là nơi mà Chúa đã nói với lòng tôi. Giáo sư dạy Kinh Thánh của tôi đã làm cảm động lòng tôi, khi ông dạy Lời của Đức Chúa Trời. Vào một buổi sáng ông hỏi, ‘Có bao nhiêu bạn trẻ đọc Kinh Thánh trong năm?’ Ở đó có khoảng hai đến ba trăm thanh thiếu niên, nhưng không có cánh tay nào đưa lên. Ông ấy lập lại câu hỏi đến bốn lần. Cuối cùng, có một thanh niên ngồi ở phía sau rụt rè đưa tay lên và nói, ‘Dạ, em có đọc, nhưng em chỉ đọc những đoạn nào em thích. Em không có đọc phần gia phổ’. Mọi người đều cười ầm lên, và giáo sư dạy Kinh Thánh cũng cười và thú nhận ông ta cũng vậy, ông không có đọc phần gia phổ. Ngay phút đó, tôi cảm nhận được rằng từ lúc Đức Thánh Linh đã dùng rất nhiều mực in để ban cho chúng ta, phải có điều gì quan trọng ở trong đó cho chúng ta.

Vì vậy, chúng ta xin hãy chú ý phần gia phổ trong sách Ma-thi-ơ, bởi vì nó rất quan trọng.

Đây là gia phổ của Chúa Giê-xu thuộc bên phía Giô-sép. Chúng ta sẽ nói về bên phía Ma-ri trong phần sau, khi chúng ta đến sách Lu-ca. 

 

Gia phổ của Chúa Giê xu Christ, con cháu Đa-vít, con cháu của Áp-ra-ham.

Ma-thi-ơ 1:1, “Gia phổ Đức Chúa Jêsus Christ, con cháu Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham.”

 

Đây là gia phổ Đức Chúa Giê-xu Christ. Nó là phần diễn tả độc nhất, và chúng ta sẽ không tìm thấy bất cứ nơi nào trong Tân ước. Nếu đi ngược trở lại trong Cựu ước, ngược lại qua sách Ma-la-chi và Xa-cha-ri, A-ghê và Phục truyền luật lệ ký, Dân số ký, Lê vi ký, Xuất Ê-díp-tô ký vào trong Sáng thế ký, chúng ta hầu như sẽ đi đến kết luận rằng, không có bất cứ nơi nào trong Kinh Thánh ngoại trừ ở trrong Ma-thi-ơ. Rồi đột ngột, đến chương năm của sách Sáng thế ký và thấy ‘Đây là quyển sách về gia phổ của A-đam’ (Sáng thế ký 5:1). Cũng diễn đạt một lần nữa. Có hai quyển sách: sách về dòng dõi của A-đam và sách về dòng dõi của Đấng Cứu Thế Giê-xu.

Làm thế nào chúng ta vào trong gia đình của A-đam? Chúng ta vào bằng sự sanh ra. Chúng ta không cần làm gì cả; thật ra, chúng ta không có điều gì để làm. Nhưng đó là cách mà chúng ta vào trong gia đình của A-đam. Chúng ta vào trong đó bằng sự sanh ra. Nhưng trong A-đam mọi người đều phải chết (Rô-ma 5:12). Sách của A-đam là sách của sự chết.

 

Rồi có quyển sách khác, sách gia phổ của Cứu Chúa Giê-xu. Làm thế nào chúng ta có thể vào gia đình đó, vào trong dòng dõi đó? Chúng ta được vào bằng sự tái sanh, sự sanh mới. Chúa Giê-xu nói chúng ta phải sanh lại để thấy được nước Đức Chúa Trời (Giăng 3:3). Nhờ đó tên chúng ta được ghi vào sách sự sống của Chiên Con, và chúng ta vào đó bằng sự tin cậy Chúa Cứu Thế. Tất cả chúng ta ở trong quyển sách đầu tiên, là sách dòng dõi của A-đam.

 

Ma-thi-ơ nói rằng, Giê-xu là con cháu của Đa-vít, con cháu của Áp-ra-ham. Có phải Ma-thi-ơ không biết rằng Áp-ra-ham đến trước Đa-vít sao? Dĩ nhiên ông ta biết, bởi vì ông ta làm sáng tỏ trong phần gia phổ. Vậy thì tại sao ông ta lại viết như vậy? Ông ta trình bày Chúa Giê-xu như là Đấng Cứu Thế, là vị Vua, là Đấng Chủ Tể nước thiên đàng trên đất. Và điều đến trước nhất, Ngài phải ở trong dòng dõi của Đa-vít trong sự ứng nghiệm các lời tiên tri mà Đức Chúa Trời đã hứa cùng Đa-vít. Ngài là con cháu của Đa-vít.

 

Ngài cũng là con cháu của Áp-ra-ham và điều đó rất là quan trọng, bởi vì Đức Chúa Trời đã nói cùng Áp-ra-ham rằng, “các nước thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng thế ký 22:18).

Và ở trong Ga-la-ti 3:16, Phao-lô đã giải thích “dòng dõi” là, “Vả, các lời hứa đã được phán cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi người. không nói: Và cho các dòng dõi người, như chỉ về nhiều người; nhưng nói: Và cho dòng dõi ngươi, như chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ.”

 

Vì vậy Giê-xu Christ cũng là con cháu của Áp-ra-ham. Ma-thi-ơ 1:2-6, “Áp-ra-ham sanh Y-sác; Y-sác sanh Gia-cốp; Gia-cốp sanh Giu-đa và anh em người. Giu-đa bởi Tha-ma sanh Pha-rê và Xa-ra. Pha-rê sanh Ếch-rôm; Ếch-rôm sanh A-ram; A-ram sanh A-mi-na-đáp; A-mi-na-đáp sanh Na-ách-son; Na-ách-son sanh Sanh-môn. Sanh-môn bởi Ra-háp sanh Bô-ô. Bô-ô bởi Ru-tơ sanh Ô-bết. Ô-bết sanh Gie-sê; Gie-sê sanh vua Đa-vít. Đa-vít bởi vợ của U-ri sanh Sa-lô-môn.”

Hãy nhìn cẩn thận, ở đây gia phổ không những là phần thích thú, nhưng nó rất cảm động nữa. Có tên của bốn người được nổi lên như là bóng đèn điện. Nó có thể làm giựt mình khi tìm tên của những người nầy trong gia phổ của Đấng Christ. Trước nhất là tên của những phụ nữ; thứ nhì, là tên của những người dân ngoại.

 

Theo phong tục thì tên của những phụ nữ không được nêu lên trong gia phổ Do Thái, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta cho nó là không đúng, vì ngày nay chúng ta cũng làm y như vậy trong hôn nhân của chúng ta. Trong hôn nhân, đôi vợ chồng mới cưới dùng họ của người chồng (điều này thường có nơi người Tây phương). Chúng ta không lấy họ của người nữ. Dòng dõi của nàng đã chấm dứt, nhưng của chàng thì vẫn tiếp tục. Đó là lối mà người Tây phương thực hành ngày hôm nay, và đó cũng là lối mà họ thực hành thời đó.

 

Trong thời Chúa Giê xu nó rất bất thường để tìm thấy tên của phụ nữ trong danh sách gia phổ – nhưng ở đây chúng ta có bốn tên. Họ không phải là bốn phụ nữ mà thôi, họ cũng là bốn người ngoại nữa. Đức Chúa Trời đã nói trong Luật pháp rằng, dân sự Ngài không được cưới gả với những dân tộc ngoại bang và vô tín ngưỡng. Ngay cả Áp-ra-ham cũng được Đức Chúa Trời hướng dẫn gởi người về quê hương của mình để cưới vợ cho Y sác. Y-sác cũng làm y như vậy cho con mình là Gia-cốp. Đức Chúa Trời đã sắp xếp để những người thờ chân thần, những người trong dòng dõi dẫn đến sự ra đời của Chúa Giê-xu Christ. Nhưng trong gia phổ của Ngài có tên của bốn phụ nữ ngoại bang, hai người trong họ là người Ca-na-an, một Mô-áp, và người thứ tư là người Hi-tít. Có lẽ sẽ có một câu hỏi chung là làm thế nào họ có thể lọt vào trong gia phổ của Đấng Cứu Chuộc?

 

Tha-ma là người nữ đầu tiên, và bà ta được nêu lên trong câu ba. Câu chuyện về Tha-ma được ghi lại ở trong Sáng thế ký đoạn 38, và bà ta được gọi là Ta-ma. Đó là một chương tệ nhất trong Kinh Thánh. Tha-ma bước vào trong gia phổ, bà là người có tội.

Ra-háp là người kế tiếp được ghi lại trong câu năm. Bà ta không phải là một nhân vật nổi tiếng, trong câu chuyện của bà được chép trong Giô-suê đoạn 2. Nhưng bà đã trở thành người tuyệt vời sau khi bà đã đến và biết về Đấng hằng sống, chân thật. “Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám” (Hê-bơ-rơ 11:31). Bà ta đã bước vào trong gia phổ của Đấng Cứu Thế bằng một lý do hết sức là đơn giản, đó là bà tin. Bà có đức tin. Xin lưu ý sự diễn tiến ở đây. Bà đến với Đức Chúa Trời như là tội nhân, và đưa bàn tay đức tin lên.

 

Ru-tơ là người kế tiếp được ghi lại trong câu 5. Bà là người rất dễ thương, và chúng ta không tìm thấy được điều gì sai ở bà. Nhưng vào thời kỳ của Ru-tơ, Luật thời bấy giờ đã đẩy bà ra ngoài, bởi vì dân Mô-áp hoặc dân A-mô-rít không được bước vào tuyển dân của Chúa (Dân số ký 23:3). Mặc dầu bị ngăn cấm bởi luật lệ, nhưng một ngày kia bà đến đồng ruộng của Bô-ô, ông thấy bà và yêu sau lần gặp gỡ đó. Bô-ô yêu Ru-tơ ngay lần đầu tiên gặp gỡ, và ông đã mở rộng ân điển và đem bà vào, một người dân ngoại vào cộng đồng dân Do Thái. “Ru-tơ bèn sấp mình xuống dưới chơn người, cúi đầu đến đất, mà thưa rằng: Vì duyên cớ nào tôi được ơn trước mặt ông, đến đỗi ông đoái xem tôi, vốn là một người ngoại bang?” (Ru-tơ 2:10)

Chúng ta có thể hỏi một câu hỏi tương tự, về ân điển của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Một lần nữa chúng ta chú ý diễn tiến, chúng ta đến với Đức Chúa Trời như là một tội nhân, và đưa bàn tay đức tin lên, và bởi ân điển diệu kỳ của Chúa, Ngài cứu chúng ta. 

 

Bà Bết-sê-ba, không được gọi chính đích danh, nhưng gọi là vợ của U-ri, tên của bà không được nói đến, không phải vì tội lỗi của bà, mà là tội của Đa-vít. Và chính Đa-vít là người phải báo trả cho tội lỗi của mình. Bà được vào dòng dõi của Đấng Christ, bởi vì Đức Chúa Trời không đẩy con cái của Ngài trở vào tội lỗi, không bỏ người tội lỗi. Khi một con chiên ra khỏi chuồng là chiên lạc, nhưng Đấng chăn chiên đi ra tìm kiếm chiên lạc và đem chiên về chuồng. Đức Chúa Trời đem Đa-vít trở lại, vì thế có cả câu chuyện về sự cứu rỗi trong gia phổ này.

 

Ma-thi-ơ 1:7-11, “Sa-lô-môn sanh Rô-bô-am; Rô-bô-am sanh A-bi-gia; A-bi-gia sanh A-sa; A-sa sanh Giô-sa-phát; Giô-sa-phát sanh Giô-ram; Giô-ram sanh Ô-xia. Ô-xia sanh Giô-tam; Giô-tam sanh A-cha; A-cha sanh Ê-xê-chia.  Ê-xê-chia sanh Ma-na-sê; Ma-na-sê sanh A-môn; A-môn sanh Giô-si-a. Giô-si-a đang khi bị đày qua nước Ba-by-lôn sanh Giê-chô-nia và anh em người.”

 

Bây giờ chúng ta thấy có những điểm lý thú về gia phổ này. Khi chúng ta đối chiếu gia phổ này với gia phổ trong sách Sử ký thứ nhất đoạn 3 chúng ta sẽ tìm thấy rằng trong câu 8, cho biết Ma-thi-ơ bớt đi ba tên A-cha-xia, Giô-ách, và A-ma-xia. Điều này cho thấy rằng gia phổ được trích dẫn, chúng ta nhận xét chắc chắn là có một số con cháu và cá nhân không cần thiết được liệt kê vào gia phổ của Kinh Thánh. 

 

Trong câu 11, chúng ta thấy là Ma-thi-ơ nhảy qua Giê-hô-gia-kim nhưng bao gồm Giê-chô-nia vào. Giê-chô-nia đáng được chú ý, bởi vì Đức Chúa Trời nói rằng không có một người nào trong hậu tự của ông được ngồi trên ngôi. Giê-rê-mi 22:24, 30, “Đức Giê-hô-va phán: Thật như ta hằng sống, dầu Giê-cô-nia, con trai Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, là cái ấn trên tay hữu ta, ta cũng lột ngươi đi. Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hãy ghi người nầy trong những kẻ không có con cái, trong những kẻ cả đời không thạnh vượng; vì con cháu nó sẽ không một người nào thạnh vượng, ngồi ngai Đa-vít và cai trị trong Giu-đa nữa!”

Bởi vì tội lỗi của Giê-chô-nia mà không một người nào trong hậu tự của ông được ngồi trên ngôi vua của Đa-vít. Chúng ta thấy là Giô-sép ở trong dòng dõi này, nhưng Giô-sép không phải là cha ruột của Chúa Giê-xu. Đây là một trong những dữ kiện đáng chú ý trong Kinh Thánh, Ma-thi-ơ cố gắng làm sáng tỏ điều này cho chúng ta. Giô-sép là cha của Chúa Giêxu, đó là theo pháp lý, bởi vì Giô-sép là chồng của Ma-ri, bà sanh ra Chúa Giê-xu. Ngài không đến từ dòng dõi của Giô-sép, hay là hậu tự của Giê-chô-nia. Cả Giô-sép và Ma-ri đều đến từ dòng dõi của Đa-vít, nhưng có hai dòng dõi khác nhau đến từ các con trai của Đa-vít. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về điều này khi chúng ta đến sách Lu-ca. Ma-ri đến từ dòng dõi Đa-vít nhưng qua Na-than, trong khi Giô-sép là dòng dõi nhà vua qua Sa-lô-môn. Vì thế, cả Giô-sép và Ma-ri phải trở về Bết-lê-ham để khai tên vào sổ bộ, bởi vì cả hai đều đến từ dòng dõi Đa-vít. Chúng ta thấy thật là lý thú, say mê và quan trọng cho những gia phổ này, và chúng rất hữu ích cho chúng ta học hỏi, tìm hiểu.

 

Trong phần thứ ba của gia phổ Chúa Giê-xu, Ma-thi-ơ 1:12-16,

“Khi đã bị đày qua nước Ba-by-lôn, thì Giê-chô-nia sanh Sa-la-thi-ên; Sa-la-thi-ên sanh Xô-rô-ba-bên; Xô-rô-ba-bên sanh A-bi-út; A-bi-út sanh Ê-li -a-kim; Ê-li-a-kim sanh A-xô. A-xô sanh Sa-đốc; Sa-đốc sanh A-chim; A-chim sanh Ê-li-út; Ê-li-út sanh Ê-lê-a-xa; Ê-lê-a-xa sanh Ma-than; Ma-than sanh Gia-cốp; Gia-cốp sanh Giô-sép là chồng Ma-ri; Ma-ri là người sanh Đức Chúa Jêsus, gọi là Christ.”

Trong bảng gia phổ kết thúc với câu 16 như sau:

“Gia-cốp sanh Giô-sép là chồng Ma-ri; Ma-ri là người sanh Đức Chúa Jêsus, gọi là Christ.”

Chúng ta thấy mô thức ngưng nghỉ mà nó bắt đầu rất xa, được nói trong câu thứ hai rằng Áp-ra-ham sanh Y-sác. Sau đó tiếp theo một loạt danh sách về những người khác được sanh ra cho đến khi câu 16 nói “Gia-cốp sanh Giô-sép”. Chúng ta cũng có thể nghĩ là nó sẽ nói tiếp tục Giô-sép sanh Chúa Giê-xu, nhưng thật ra không có như vậy. Câu 16 nói là: “Gia-cốp sanh Giô-sép là chồng Ma-ri; Ma-ri là người sanh Đức Chúa Jêsus, gọi là Christ.”

Dĩ nhiên, Ma-thi-ơ muốn nói rõ rằng Giô-sép không phải là cha của Chúa Giê-xu. Dẫu Giô-sép là chồng Ma-ri, nhưng ông không phải là cha của Chúa Giê-xu.

Có điều gì giải thích cho việc này? Trong phần còn lại của đoạn này sẽ cho chúng ta sự giải thích rõ ràng, và sẽ chỉ cho chúng ta thấy sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu ước.

Trong câu 17 giải thích cho chúng ta thêm về gia phổ,“Như vậy, từ Áp-ra-ham cho đến Đa-vít, hết thảy cho mười bốn đời; từ Đa-vít cho đến khi bị đày qua nước Ba-by-lôn, cũng có mười bốn đời; và từ khi bị đày qua nước Ba-by-lôn cho đến Đấng Christ, lại cũng có mười bốn đời.”

Ma-thi-ơ đặt gia phổ vào ba nhóm và cho chúng ta bối cảnh tổng quát về lịch sử Cựu ước. Thời kỳ thứ nhất kéo dài từ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, thời kỳ thứ hai từ Đa-vít đến lúc bị lưu đày sang Ba-by-lôn, thời kỳ thứ ba từ lúc bị lưu đày sang Ba-by-lôn tới khi Chúa Giê-xu giáng sanh.

Có khi nào chúng ta suy nghĩ về gia phổ của mình như thế nào không? Trước hết họ là những ai, và sau đó chúng ta sẽ như thế nào? Câu Kinh Thánh trong sách Xuất Ê-díp-tô ký 20:3-6 nhắc nhở chúng ta:

“Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta.”

Cầu xin Chúa giúp các chúng ta luôn trung tín tôn thờ Đức Chúa Trời để chúng ta và hậu tự mình được phước hạnh.

 

 

Bài trướcBài 63: Ai Là Người Cầu Hôn?
Bài tiếp theoThăm Trung Tâm Điều Dưỡng Người Tâm Thần Quảng Nam Nhân Lễ Giáng Sinh 2015