Bài 63: Ai Là Người Cầu Hôn?

1763

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Câu chuyện tình trong sách Ru-tơ xảy ra nhằm vào thời các quan xét cai trị, đó là một giai đoạn thuộc linh đen tối trong lịch sử của người Hê-bơ-rơ. Sách Ru-tơ được gọi là “Mối tình của sự cứu chuộc”, vì nó là một minh họa tuyệt đẹp về sự cứu chuộc Chúa dành cho chúng ta. Sự cứu chuộc được lồng trong bối cảnh của một câu chuyện tình. Sách Xuất Ê-díp-tô ký hình bóng về việc chúng ta được giải phóng ra khỏi ách thống trị hà khắc của tội lỗi. Sách Dân số ký nói về tình trạng của những người đã được cứu nhưng không chiếm hữu một đời sống thuộc linh sung mãn phước hạnh. Sách Giô-suê hình bóng về mục đích của sự cứu chuộc đó là sở hữu vùng đất hứa thuộc linh.

 

          Sách Ru-tơ mô tả sự cứu chuộc qua một câu chuyện tình. Câu chuyện này bắt đầu bằng cách đề cập về một gia đình đã chọn hướng đi sai lạc, giống như đứa con trai hoang đàng đã quyết định lìa nhà cha để đi đến một phương xa. Nạn đói xảy ra tại Bết-lê-hem, nên Ê-li-mê-léc cùng vợ là Na-ô-mi và hai con trai đã di tản đến Mô-áp. Mô-áp được xem là phương xa, nhiều nỗi thống khổ đã chồng chất lên họ trong những tháng ngày tại đó. Câu chuyện tập trung vào Na-ô-mi. Bà đóng vai giống như đứa con trai hoang đàng trong Tân ước. Chồng và hai con của bà qua đời, để lại hai nàng dâu tên là Ọt-ba và Ru-tơ. Ru-tơ là nhân vật chính trong câu chuyện tình nầy.

 

          Sau khi chồng chết, Ọt-ba quay trở lại với người Mô-áp, nhưng Ru-tơ hứa nguyện tuyệt đối trung thành với mẹ chồng là Na-ô-mi. Có lẽ Ru-tơ có lòng tin vào Đức Chúa Trời qua hôn nhân của nàng với Mạc-lôn là người chồng đã quá cố. Hai mẹ con lên đường trở về Bết-lê-hem. Tại đây, Na-ô-mi là hình ảnh của đứa con đi hoang trở về nhà Cha giống như đứa con trai đã quay về với cha nó. Khi bà trở về thì ân sủng của Đức Chúa Trời cũng đang đón chờ bà. Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu và ân điển của Ngài cho Na-ô-mi qua nhiều cách.

 

          Trường hợp Ru-tơ, nàng dâu người Mô-áp là hình bóng cho những người không thuộc về tuyển dân của Đức Chúa Trời. Ngài đã bày tỏ tình yêu và ân sủng cho nàng qua sự cứu chuộc. Những gì đã xảy ra cho Ru-tơ và Na-ô-mi là một bức tranh rất đẹp về sự cứu chuộc Chúa dành cho chúng ta. Trong chương hai, nàng đi ra ngoài đồng để mót lúa. Luật của Chúa trong sách Lê-vi ký 19:9-10 dạy rằng, khi thu hoạch mùa màng thì dân Y-sơ-ra-ên không được nhặt những gì rơi rớt còn sót lại, cũng như phải chừa lại 4 góc cạnh của cánh đồng. Mọi điều này được dành lại cho những người nghèo và khách ngoại bang như Ru-tơ. Ru-tơ biết điều đó nên khi đến Bết-lê-hem nàng không chần chờ mà đi mót lúa ngay.

 

          Luật về người thân, chuộc sản nghiệp nói lên một sự dạy dỗ quan trọng trong sách Ru-tơ. Gia đình chồng của Ru-tơ có một người bà con rất  giàu  tên là Bô-ô. Chương 2:3 cho biết nàng đi mót lúa nhằm cánh đồng của Bô-ô, là người bà con của Ê-li-mê-léc hay ông gia của nàng. Bạn có cho rằng đây chỉ là việc trùng hợp ngẫu nhiên không? Ma-thi-ơ chương 1 cho biết, Bô-ô và Ru-tơ là những người ở trong gia phả đã sinh ra Chúa Jêsus. Nếu Đức Chúa Trời biết hôn nhân của hai người này sẽ mở đường cho sự ra đời của Đấng Mê-si-a, thì liệu Ngài chỉ để cho sự việc xảy ra cách tình cờ không? Hiển nhiên, điều này được Chúa hoạch định trước. Ru-tơ chỉ đi mót lúa tại cánh đồng của Bô-ô. Câu thứ tư cho biết, Bô-ô đến từ Bết-lê-hem và nói với các thợ gặt rằng,

          Nguyện Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi!

Họ đáp,

     Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho ông!

Có mối liên hệ tốt giữa chủ và thợ tại đây. Thật là quý báu nếu chúng ta bắt đầu một ngày làm việc với lời chúc rằng, “Chúa ở cùng và ban phước cho anh chị.”

 

Câu 5, Bô-ô nói cùng đầy tớ coi sóc các con gặt rằng: Người gái trẻ này là con của ai?

Thực ra câu này cho biết, Bô-ô phải lòng với Ru-tơ khi nhìn thấy nàng đang mót lúa. Ru-tơ nghĩa là xinh đẹp, yêu đời. Hiển nhiên nàng rất đẹp, một nét đẹp làm sửng sốt người khác. Bô-ô đã yêu nàng ngay lần gặp gỡ đầu tiên, nên ông hỏi thăm về Ru-tơ. Người ta nói cặn kẽ mọi điều về nàng, thế nào nàng đã thành hôn với một người Hê-bơ-rơ tại Mô-áp nay đã qua đời, thế nào nàng đã hứa nguyện tuyệt đối trung thành với  mẹ chồng nàng. Một sự kiện quan trọng không thể bỏ qua được là nàng đã tin vào Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên qua cuộc hôn nhân đó.

 

Câu 8-9, Bô-ô nói cùng Ru-tơ rằng: Hỡi con gái ta, hãy nghe, chớ đi mót trong ruộng khác và cũng đừng xa khỏi chỗ này. Hãy ở cùng các tớ gái ta; Xem người ta gặt trong ruộng ở nơi nào, thì hãy đi theo đó. Ta đã cấm các đầy tớ ta đụng đến nàng. Nếu có khát, hãy đi uống nước nơi bình của chúng sẽ múc cho.

 

Bô-ô đã gởi một tín hiệu hết sức rõ ràng là ông rất quý mến nàng. Ru-tơ đáp lại bằng cách: Sấp mình xuống dưới chơn người, cúi đầu đến đất, mà thưa rằng: Vì duyên cớ nào tôi được ơn trước mặt ông, đến đỗi ông đoái xem tôi, vốn là một người ngoại bang?

 

Một lần nữa ý nghĩa của chữ ân sủng được bày tỏ tại đây. Ân sủng nghĩa là ơn phước của Đức Chúa Trời dành cho kẻ không xứng đáng. Ru-tơ muốn nói với Bô-ô rằng, “Tôi không phải là người phụ nữ Hê-bơ-rơ, tôi không phải là một trong những đầy tớ gái của ông. Tại sao ông lại làm ơn cho tôi như vậy?” Bô-ô cho biết ông đã tìm hiểu kỹ càng về nàng rồi, câu 11 ông nói: Người ta có thuật cho ta nghe mọi điều nàng đã làm cho mẹ chồng nàng, từ khi chồng nàng chết, và cách nào nàng đã lìa cha mẹ, xứ sở sanh của nàng, đặng đi đến một dân tộc mà nàng không biết trước. Nguyện Đức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn.

 

Bạn thấy đó, Ru-tơ đã trở nên một thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời và Bô-ô biết điều đó.

Khi Bô-ô bày tỏ ý định làm ơn cho nàng thì Ru-tơ trả lời, “Xin tôi được ơn trước mặt ông.”  Nói cách khác, Ru-tơ thưa rằng, “Dạ vâng, tôi xin nhận điều đó.” Thế rồi trong bữa ăn, Bô-ô nói với Ru-tơ: Hãy lại gần, ăn bánh này và nhúng miếng nàng trong giấm.

 

Như vậy, ngay trong ngày đầu tiên đi mót lúa, nàng dùng bữa trưa với Bô-ô. Kinh thánh ghi rằng nàng ăn cho đến no nê.

 

Trong thời buổi kinh tế khó khăn tại Mỹ, một bài hát được ưa chuộng, có lời như thế nầy, “Nếu anh chỉ có một đồng mà thôi, anh sẽ dùng hết để mua kẹo cho em vì anh yêu em thật nhiều, quan tâm đến em thật nhiều.” Khi yêu một người nào đó thì điều mà bạn muốn làm là cho người đó thật nhiều. Rõ ràng Bô-ô đang yêu, và chỉ muốn ban tặng cho Ru-tơ. Khi Bô-ô dùng trưa xong với nàng, ông căn dặn những thợ gặt mà nói rằng:

Hãy để cho nàng mót, dẫu ở giữa các bó lúa, chớ làm xấu hổ nàng.

Cũng hãy rút vài gié trong bó lúa, bỏ rớt cho nàng lượm lấy, và chớ trách móc nàng chút nào.

 

Ông bảo những thợ gặt hãy cố tình làm rớt các gié lúa để Ru-tơ nhặt lấy. Luật của Môi-se ghi rằng, “Nếu vì vô ý mà các ngươi làm rớt thì đừng nhặt lấy, hãy để đó.” Nhưng Bô-ô thì bảo họ, “Hãy cố tình làm rớt khi các ngươi thấy nàng phía sau.” Điều này chứng tỏ rằng, Bô-ô thật sự yêu mến Ru-tơ.

 

Khi về nhà, Ru-tơ mang theo một giạ lúa thật nhiều. Bà Na-ô-mi hỏi nàng, “Con mót lúa ở đâu ngày hôm nay?” Ru-tơ rất ngây thơ trả lời, “Tại cánh đồng của Bô-ô.” Na-ô-mi vui mừng nói: Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết! Tiếp rằng: Người đó là bà con của chúng ta, vốn là trong những kẻ có quyền chuộc sản nghiệp ta lại

 

Điều bà muốn nói là, “Ru-tơ, con có biết rằng mình sẽ được ấm no, vì Bô-ô là người bà con với cha của con và cũng rất giàu có.” Có lẽ Na-ô-mi giải thích cho Ru-tơ biết về luật chuộc sản nghiệp được trình bày trong Phục truyền luật lệ ký chương 25, nghĩa là Ru-tơ có quyền hỏi bà con của người quá cố thành hôn với mình. Bà tiếp rằng, “Con đừng đi mót lúa ở một nơi nào khác, hãy trở lại chỗ đó” Câu cuối của chương hai chép rằng: Vậy, nàng ở cùng các tớ gái của Bô-ô, đặng mót cho đến hết mùa gặt lúa mạch và mùa gặt lúa mì; nàng ở nhà của bà gia mình.

 

Điều này xem ra có vẻ hơi lạ vì nó kéo dài suốt sáu tháng, từ ngày này qua ngày khác nàng đi đến những cánh đồng của Bô-ô. Chúng ta giả định rằng, họ dùng bữa trưa chung với nhau. Có lẽ ông cũng năng lui tới nhà nàng, Bô-ô làm tất cả những gì mình có thể làm để bày tỏ rằng ông yêu nàng. Ru-tơ trung tín làm việc hằng ngày nhưng vẫn ở với mẹ chồng.

 

Chúng ta có thể tưởng tượng là Na-ô-mi dường như mất kiên nhẫn. Bắt đầu chương thứ ba, Na-ô-mi nói với nàng rằng, Hỡi con gái ta, mẹ phải lo cho con một chỗ an thân, làm cho con được phước hạnh.

 

Bạn hiểu “lo một chỗ an thân” nghĩa là gì phải không? Bà muốn nói đến một người chồng. Người bà nhắm đến không ai khác hơn là Bô-ô, người bà con có quyền chuộc sản nghiệp. Na-ô-mi nói: Chính đêm nay, người phải đi sảy lúa mạch nơi sân đạp lúa người.Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo, rồi đi xuống sân đạp lúa.

 

Thường thì họ có tiệc tùng thịnh soạn sau khi sảy lúa, nên bà đề nghị với Ru-tơ: Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo, rồi đi xuống sân đạp lúa; nhưng trước khi người chưa ăn uống xong, con chớ làm cho người nhận biết mình. Khi người nằm ngủ, hãy để ý xem người nằm nơi nào; rồi đi dở mềm dưới chơn người và nằm xuống; chính người sẽ nói điều gì con phải làm.

 

Đây là một hình thức cầu hôn, theo văn hóa phong tục đương thời thì Bô-ô không thể cầu hôn với Ru-tơ nhưng Ru-tơ cầu hôn với Bô-ô. Có lẽ nhiều người trong vòng bà con của chồng và ông gia quá cố của nàng muốn được thành hôn với nàng. Nhưng luật đương thời, người đàn bà góa như Ru-tơ phải đến với một trong những người đó và nói rằng, “Tôi muốn anh làm người chuộc sản nghiệp cho tôi.”

 

Những gì nàng làm ở chương 3 hoàn toàn đúng đắn. Đó là một lời cầu hôn. Khi đọc chương ba thì chúng ta biết rằng, không có gì xảy ra ngoại trừ lời cầu hôn của Ru-tơ. Không có gì sai trật khi Ru-tơ đi đến với Bô-ô.

 

Kinh thánh cho biết, trong đêm tối đó Ru-tơ đã đến và rón rén nằm dưới chơn của Bô-ô. Thực sự, Bô-ô kinh sợ khi phát hiện có một người đàn bà lạ mặt. Ông hỏi, “Ngươi là ai?” và nàng trả lời, Tôi là Ru-tơ, kẻ tớ gái ông; xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông, vì ông có quyền chuộc sản nghiệp tôi.

 

Đây là một lời cầu hôn. Nhưng Bô-ô nói, Hỡi con gái ta, nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho con! Việc nhơn từ con làm lần sau này, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận nghèo hay giàu.

 

Rõ ràng Bô-ô là người lớn tuổi, ông nói, Vậy bây giờ, hỡi con gái ta, chớ sợ chi: ta sẽ làm cho nàng mọi điều nàng sẽ nói; vì cả dân sự trong thành ta đều biết rằng nàng là một người đờn bà hiền đức.

 

Bô-ô giải thích thêm, Bây giờ, điều đó quả thật, ta có quyền chuộc sản nghiệp nàng lại; song có một người khác bà con gần hơn ta. Nếu người kia muốn chuộc sản nghiệp nàng lại, thì người buộc phải làm.

 

Đây là một chi tiết rất hay. Bô-ô nói với Ru-tơ rằng, “Hãy đi về nhà của mẹ chồng nàng và chờ xem diễn tiến thế nào.” Chúng ta sẽ thấy Bô-ô có lý do chính đáng để đưa ra lời khuyên như vậy cho Ru-tơ. Vâng lời, Ru-tơ đi về nhà với Na-ô-mi.

 

Bài trướcThiên Đàng Tốt Đẹp Bội Phần (Chương 2)
Bài tiếp theoBài 63: Gia Phổ Của Chúa Giê-Xu