Bài 58: Gia Đình Gia-Cốp Định Cư Tại Ai Cập – Nạn Đói Tiếp Diễn

2180

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI



 

Sáng thế ký 47

                                         

Trong Sáng thế ký 46, chúng ta đã chứng kiến làm thể nào mà cả nhà Gia-cốp đã đến được xứ Ai-cập. Giô-sép là một nhà hoạch định chiến lược đại tài, đã đưa họ vào trong xứ Gô-sen. Quả thật, đây là vùng đất trù phú nhất thời bấy giờ, nhưng vào thời điểm đặc biệt đó, mọi người đang ở chính giữa cơn đói kém, thế nên chẳng có loại đất đai nào là có giá trị đối với chủ nhân của nó cả.


Chúng ta cũng sẽ thấy rằng Sáng thế ký 47 là đoạn tuyệt vời nhất đề cập về cuộc đời Gia-cốp. Khi lần đầu tiên gặp gỡ với Gia-cốp trong Kinh Thánh, lúc ấy ông ta không xuất hiện trong một vị trí sáng chói nào. Thật vậy, mãi cho đến khi ông thực hiện cuộc hành trình về Ai-cập thì chúng ta thật sự mới thấy được rằng ông đã trở thành một con người của đức tin. Hơn bất kỳ đoạn Kinh Thánh nào khác, đoạn này đã tiết lộ rõ rệt về đặc điểm này.


Nạn đói kém đã trở nên khốc liệt hơn khi nó tiến đến phần kết thúc. Mặc dầu nhiều người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nạn đói kém này, nhưng hai xứ Ca-na-an và Ai-cập lại được đề cập đến nhiều ở đây, vì đó là những vùng đất đặc biệt có liên quan đến câu chuyện mà chúng ta cần tìm hiểu.

 

GIÔ-SÉP GIỚI THIỆU CHA VÀ ANH EM MÌNH VỚI PHA-RA-ÔN


Sáng thế ký 47:1, “Giô-sép đến tâu mọi điều đó cho Pha-ra-ôn hay, và nói rằng: Cha và anh em tôi đã ở xứ Ca-na-an đến, có đem theo chiên, bò, cùng các tài vật của mình. Hiện bây giờ đương ở trong xứ Gô-sen.”

 

Giô-sép dự tính sẽ giới thiệu cha và anh em mình với Pha-ra-ôn, Vua Ai-cập. Giô-sép đã đưa họ vào trong xứ Gô-sen trước khi trình xin một nơi kiều ngụ cho họ. Và tại đây chúng ta thấy được chiến lược đó của Giô-sép. Bởi vì nếu như họ đã ở tại đó rồi thì cũng rất hợp lý để Pha-ra-ôn chấp nhận ban cho họ đất nầy. Sau nữa, vì họ đã di chuyển vào đất đó và dẫu sao thì họ cũng đã chuyên chở đồ đạt xuống hết cả rồi!

 

Sáng thế ký 47:2-3, “Người bèn đưa năm người trong bọn anh em mình vào yết kiến Pha-ra-ôn. Pha-ra-ôn hỏi: Các ngươi làm nghề chi? Tâu rằng: Kẻ tôi tớ bệ hạ là kẻ chăn chiên, như tổ phụ chúng tôi khi trước.”

 

Chúng ta cũng biết rằng những gã chăn chiên và chăn bò đã không hòa hiệp với nhau trong thời kỳ đó. Còn người Ai-cập thì chẳng quan tâm gì đến những kẻ chăn chiên và cũng chẳng thèm để ý đến việc chăn chiên nữa. Đây cũng là cơ hội tốt mở ra cho con cái Y-sơ-ra-ên, giúp họ dễ dàng làm một công việc mà người Ai-cập lại không muốn làm.                   

 

Sáng thế ký 47:4-6, “Rồi lại tâu rằng: Ấy đặng kiều ngụ trong xứ mà kẻ tôi tớ bệ hạ đã đến; vì xứ Ca-na-an đói kém lớn lắm, không còn đồng cỏ chi hết cho bầy súc vật ăn. Vậy, xin phép cho kẻ tôi tớ bệ hạ ngụ tại xứ Gô-sen. Pha-ra-ôn phán cùng Giô-sép như vầy: Cha và anh em ngươi đã đến cùng ngươi; vậy, xứ Ê-díp-tô sẵn dành cho ngươi; hãy cho cha và anh em ở chốn nào tốt hơn hết trong xứ; hãy cho ở tại xứ Gô-sen vậy. Và nếu trong các người đó, ngươi biết ai giỏi, hãy đặt họ chăn các bầy súc vật của ta.”

 

Vì việc chăn chiên không được phổ biến đối với người Ai-cập, thế nên Pha-ra-ôn cần có một người nào đó chăm sóc đàn gia súc cho mình.

 

Bấy giờ Giô-sép giới thiệu cha mình cùng Pha-ra-ôn, điều này cũng rất đáng ghi nhận ở đây. Lưu ý rằng lúc này Giô-sép đang đứng trong một vị trí sáng chói nhất của chức vụ mình, một chức vụ mà chúng ta đã từng tìm hiểu và học hỏi.                  

 

Sáng thế ký 47:7-8, “Đoạn, Giô-sép dẫn Gia-cốp, cha mình, đến yết-kiến Pha-ra-ôn. Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn. Pha-ra-ôn hỏi Gia-cốp rằng: Ngươi hưởng thọ được bao nhiêu tuổi?”

 

Chính Gia-cốp lại là người chúc phước cho Pha-ra-ôn. Quả thật ông đang bắt đầu sống xứng đáng với danh xưng của mình, Y-sơ-ra-ên, và bây giờ ông là một chứng nhân của Đức Chúa Trời. Theo lẽ thông thường thì kẻ thấp kém luôn luôn được kẻ cao trọng hơn chúc phước cho, ở đây Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn với tư cách là nhân chứng của Đức Chúa Trời.

 

Đối với quan điểm này chúng ta giả sử rằng nếu Gia-cốp đang sống với bản tánh xác thịt của con người cũ mà nó đã từng chế ngự ông vào lúc ban đầu, thì có lẽ ông đã nói rằng: “À, tâu đức Pha-ra-ôn, tôi năm nay được 130 tuổi, và tôi muốn cho bệ hạ biết rằng tôi đã sống suốt cả cuộc đời đầy thành công mỹ mãn, cũng xin báo cho bệ hạ biết rằng tôi thông minh vượt trội hơn người anh trai của tôi khi tôi còn là một thanh niên trai trẻ và trở nên giàu có hơn cha vợ tôi.” Và cũng có thể ông ta đã khoe khoang về cuộc đời mình: “Tôi có đến 12 con trai…vân vân và vân vân!” Và cứ thế ông tiếp tục huyên thuyên. Nhưng bây giờ thì Gia-cốp lại là một con người khác hẳn. Chúng ta hãy lắng nghe ông nói:

 

Sáng thế ký 47:9, “Gia-cốp tâu rằng: Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu hết thảy là một trăm ba mươi năm; các năm của đời tôi lấy làm ngắn-ngủi và lại nhọc nhằn, chẳng bằng những năm bình sanh của tổ phụ tôi khi người ở phiêu lưu đó.

 

Trước hết chúng ta hãy lưu ý rằng Gia-cốp đã được 130 tuổi khi đến xứ Ai-cập và sống đến 147 tuổi lúc ông qua đời.

 

Có thể hình dung được rằng ông đang ở cận kề cái chết _ một chân trong huyệt mộ, còn chân kia thì ngả nghiêng xiêu xó _ khi đến được Ai-cập. Nhưng nỗi vui mừng vì đã tìm thấy Giô-sép còn sống và được sống với anh ta tại xứ Ai-cập này đã khiến kéo dài cuộc sống của ông thêm 17 năm nữa.

 

Tiếp theo, sự diện kiến với Pha-ra-ôn là một cơ hội tốt để cho ông có thể khoe khoang khoác lác, nhưng con người Gia-cốp bây giờ thì đã thay đổi biết bao. Ông nói rằng, tuổi thọ của ông là 130 và cả cuộc đời của ông thì thật chẳng có gì để khoe khoang cả: “Những năm tháng trải qua cuộc đời tôi thật ngắn ngủi và lắm nỗi gian truân.”  Ông đã không ăn nói gian trá đối với người cha quá cố của mình. Thay vào đó ông nói rằng, tuổi tác của ông không thể nào sánh bằng tuổi thọ của tổ phụ ông. Tôi “có những năm sống của đời chẳng sánh bằng những năm bình sanh của tổ phụ tôi khi người ở phiêu lưu đó.”

 

Đây không phải là một con người đã biến đổi rồi sao? Những lời nói này nghe có vẻ không giống như những lời của một Gia-cốp cũ, phải không? Ông đã dâng đời mình để tôn vinh Đức Chúa Trời và chẳng khoe khoang, khoác lác rằng đã thành tựu lớn lao trong cuộc sống.

 

Sáng thế ký 47:10, “Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn một lần nữa, rồi lui ra khỏi mặt người.”

 

Gia-cốp mới vừa đến nơi xa lạ, thật là một cơ hội tốt biết bao để ông có thể khoe khoang, khoác lác, nhưng ông đã không lợi dụng cơ hội này để làm điều đó. Một người nào khác có lẽ sẽ nói rằng: Pha-ra-ôn quả là một nhà cai trị lẫy lừng, nhưng ta muốn cho ông ta biết rằng ở trên kia nơi xứ Ca-na-an xa tít, ta đã là một con người vĩ đại! Nhưng Gia-cốp đã chẳng khoe khoang, ông nghĩ rằng ông chỉ là một tội nhân, kẻ được cứu rỗi bởi Đức Chúa Trời! Trong thời đại ngày nay, một số Cơ đốc nhân lại khoe khoang quá nhiều. Ở giữa vòng con cái Chúa chúng ta đây, đôi khi chúng ta cũng cố gắng tán dương những người nào đó về những gì mà họ đã làm. Chúng ta bàn tán rằng họ thật vĩ đại biết bao!

 

Vả lại, nếu như tất cả chúng ta nói thật, thì chúng ta sẽ nói rằng chúng ta chỉ là một nhóm tội nhân, và chẳng có gì để mà khoe khoang, ngoại trừ một người đáng được tôn vinh đó là Cứu Chúa tuyệt vời của chúng ta, Đấng nhơn từ và kiên nhẫn, đã từng giáng thế để ở cùng chúng ta qua nhiều năm tháng. Ngài là tất cả mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng cần phải khoe khoang và ca ngợi.

 

Dẫu với bất cứ duyên cớ nào đi nữa thì chúng ta cũng không thể nói rằng chúng ta vượt trổi hơn tổ phụ chúng ta. Một giáo sư thần học viện, có lần đã kể lại rằng ông ta thật lấy làm xấu hổ về người cha của mình. Ông ta thuật lại rằng, khi ông mới vào trường Kinh thánh, cha ông đã đến trường và giảng, bởi vì ông là một người giảng đạo và là một giáo sư về Kinh Thánh. Ông ta rất xấu hổ nếu phải đến nơi mà cha của ông giảng, thế là ông giả vờ cáo bệnh, do đó ông đã không phải đến. Ông nói: “Tôi đã xấu hổ đến nỗi thậm chí không muốn cho ai biết tôi là con của ông ấy nữa!” Ông đã trải qua 4 năm tại trường đại học và rồi đi vào lãnh vực kinh doanh trong một vài năm sau đó. Ông nói thêm: “Tôi đã trải qua một thời gian khốn khó, gian nan, thế nên tôi đã thay đổi cách suy nghĩ về cha tôi. Trước đây tôi nghĩ rằng ông ta thật ngốc nghếch, nhưng nay tôi nhận ra rằng ông đã nâng đỡ gia đình, và cũng là một giáo sư xuất sắc về Kinh Thánh. Sau khi đã trải qua một số thời gian khốn khó trong lãnh vực kinh doanh, tôi trở về nhà và thấy rằng cha tôi đã biến đổi và thăng tiến biết bao! Không một ai từng học được nhiều điều như ba tôi sau những năm ngắn ngủi mà tôi đã xa nhà.” Ông tiến đến kết luận rằng, quả cha mình là con người thông minh hơn những gì mình đã nghĩ về ông ấy trước đây.

 

Đấy chẳng phải là loại câu chuyện giống hệt như câu chuyện của nhiều người trong chúng ta sao? Nhưng ở đây nó không thật giống như câu chuyện của Gia-cốp. Ông ta giữ một vị trí khiêm nhường, bởi vì bây giờ ông lại là một người đã được biến đổi.

 

Sáng thế ký 47:11-13, “Vậy, Giô-sép vâng mạng Pha-ra-ôn, định chỗ ở cho cha và anh em mình, cho họ một sở đất tốt nhứt trong xứ Ê-díp-tô làm sản nghiệp, tại miền Ram-se. Giô-sép, tùy theo số người, cấp lương thực cho cha, anh em và cả nhà cha mình. Vả, sự đói kém lớn lắm, nên trong khắp xứ chẳng còn lương thực nữa; xứ Ê-díp-tô và xứ Ca-na-an đều bị hao mòn vì ách đói kém đó.”

 

Miền đất Ram-se nằm trong xứ Gô-sen. Chỉ có xứ Ai-cập và Ca-na-an được đề cập đến ở đây vì hai lãnh thổ này có liên quan đến câu chuyện đang được đề cập đến. Nếu như Gia-cốp đã cứ ở lại xứ Ca-na-an cùng với gia đình mình, thì có thể họ đã bị diệt vong. Ngũ cốc đã được tồn trữ tại xứ Ai-cập, nhưng đất đai lại chẳng sinh sản thêm ngũ cốc. Hiển nhiên là nạn đói đã lan tràn khắp cả xứ Phi Châu, bởi vì dòng sông Nile không còn chảy tràn bờ, mà dòng sông này lại rất hết sức cần thiết cho việc sản xuất mùa màng của xứ Ai-cập. 

 

Sáng thế ký 47:14, “Giô-sép thâu hết bạc tiền trong xứ Ê-díp-tô và xứ Ca-na-an, tức giá tiền của muôn dân mua lúa; rồi chứa bạc đó vào kho Pha-ra-ôn.”

 

Bây giờ chúng ta sắp đi đến một sự kiện mà ở đó Giô-sép bị chỉ trích. Người ta nói rằng Giô-sép đã lợi dụng sự đói khổ để rồi mua hết đất đai của dân bản xứ. Nói một cách khác, Giô-sép buộc dân chúng cầm cố và rồi mua lại hết đất đai sản nghiệp của họ. Đây là sự chỉ trích thiếu công bằng. Lý do trước tiên, Giô-sép là người đại diện cho Pha-ra-ôn, chẳng có mục đích gì nhắm đến quyền lợi của riêng mình, và cũng chẳng có nỗ lực nào nhằm làm giàu cho chính bản thân Giô-sép. Ông ta không hề bị cong vẹo đi trong bất kỳ ý nghĩa nào từ của cải này. Ông ta đã không hề lợi dụng cơn đói kém để thâu đoạt vì mục đích cá nhân của mình.

 

Dường như cũng có một định luật cung cầu đang áp dụng tại xứ Ai-cập thời ấy. Giô-sép mua đất cho Pha-ra-ôn và ông đã có thể khiến dân chúng sống được bằng cách cung cấp đầy đủ thực phẩm cho họ. Như vậy, Giô-sép cũng đã ở trong các giới hạn được chi phối bởi định luật cung cầu rồi vậy.

 

Sáng thế ký 47:15-20, “Khi bạc tiền trong xứ Ê-díp-tô và xứ Ca-na-an đã hết, thì tất cả dân Ê-díp-tô đều đến cùng Giô-sép mà kêu rằng: Xin cho chúng tôi lương thực; lẽ nào vì cớ hết tiền mà chúng tôi phải chết trước mặt chúa sao? Giô-sép đáp rằng: Nếu hết bạc tiền rồi, hãy giao súc vật các ngươi cho ta, ta sẽ phát lương thực đổi lại. Đoạn, dân chúng bèn dẫn súc vật lại cho Giô-sép; Giô-sép phát lương thực đổi lấy ngựa, bầy chiên, bầy bò, và lừa. Năm đó, người thâu các bầy súc vật của họ mà đổi thế lương thực cho. Mãn năm rồi, năm sau dân chúng lại đến kêu cùng người rằng: tiền bạc sạch trơn, bầy súc vật đã giao cho chúa; bây giờ chỉ sẵn dành cho chúa bổn thân và đất ruộng. Lẽ nào chúng tôi và đất ruộng phải hao mòn trước mặt chúa sao? Hãy mua đổi lấy lương thực chúng tôi và đất ruộng luôn đi. Vậy, chúng tôi cùng đất ruộng sẽ làm tôi mọi cho Pha-ra-ôn. Hãy cho giống chi đặng gieo, hầu cho chúng tôi sống khỏi chết, và đất không phải bỏ hoang. Giô-sép bèn mua hết thảy ruộng đất trong xứ Ê-díp-tô cho Pha-ra-ôn; vì sự đói kém thúc giục nên mọi người Ê-díp-tô đều đem bán ruộng mình; vậy, ruộng đất đều thuộc về Pha-ra-ôn. Còn dân chúng, từ đầu nầy đến đầu kia, người đều dời về ở trong các thành.”

 

Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, cơn đói kém xảy ra đã lên đến mức kinh hoàng và khốc liệt.

 

Đã có một cuộc di dân lớn lao vào trong các khu vực nội thành nhằm mục đích để mọi người được ở gần trung tâm cung cấp thực phẩm, nơi mà thóc lúa đã được tồn trữ. Hãy nhớ rằng Giô-sép trước đó đã chọn những trung tâm này vào rất sớm lúc ban đầu. Bây giờ ông đưa mọi người đến nơi cận kề với những chỗ cung cấp thực phẩm đó.

 

Sáng thế ký 47:23-26, “Giô-sép nói cùng dân chúng rằng: Nầy, ta đã mua các ngươi và ruộng đất cho Pha-ra-ôn; đây, hột giống cho các ngươi đặng gieo mạ trong ruộng đó. Đến mùa gặt, phải nộp cho Pha-ra-ôn một phần năm, còn bốn phần kia để cho các ngươi làm giống gieo mạ, dùng lương thực cho mình, cho người nhà cùng cho các con nhỏ mình. Dân chúng nói rằng: Chúa đã cứu mạng chúng tôi! Cầu xin cho chúng tôi được nhờ ơn trước mặt chúa, thì sẽ làm tôi mọi cho Pha-ra-ôn. Về việc đó, Giô-sép bèn định một luật, cho đến ngày nay hãy còn, buộc đất Ê-díp-tô phải nộp thuế cho Pha-ra-ôn một phần năm hoa lợi mình. Chỉ đất ruộng của những thầy cả chẳng thuộc về Pha-ra-ôn.

 

Giô-sép lại biết rằng cơn đói sắp kết thúc vào năm kế đó, vậy nên ông bảo với mọi người hãy bắt đầu gieo giống.


GIÔ-SÉP THỀ HỨA SẼ CHÔN GIA-CỐP TẠI XỨ CA-NA-AN

 

Sáng thế ký 47:27-31, “Vậy, Y-sơ-ra-ên trú ngụ tại miền Gô-sen thuộc về xứ Ê-díp-tô, gây được cơ nghiệp tại đó, sanh sản và thêm lên bội phần. Gia-cốp kiều ngụ trong xứ Ê-díp-tô được mười bảy năm, hưởng thọ được một trăm bốn mươi bảy tuổi. Khi ngày gần chết, Y-sơ-ra-ên gọi Giô-sép, con trai mình, mà nói rằng: Nếu cha được nhờ ơn trước mặt con, xin hãy để tay trên đùi cha cậy hết lòng nhơn từ và thành thực ở cùng cha, xin con đừng chôn cha tại đất Ê-díp-tô. Khi cha an-giấc cùng tổ phụ rồi, hãy đem cha ra khỏi Ê-díp-tô; chôn chung cùng mồ mả của người. Giô-sép thưa rằng: Con sẽ làm y theo lời cha dặn. Giô-sép nói: Con hãy thề đi. Giô-sép bèn thề. Đoạn, Y-sơ-ra-ên quì lạy nơi đầu giường mình.”

 

Có một vài yếu tố khiến cho Gia-cốp yêu cầu được chôn tại xứ Ca-na-an. Trước hết bấy giờ ông đã được 147 tuổi rồi, thế nên ông báo trước rằng ông sẽ qua đời tại xứ Ai-cập này, đối với ông ta điều đó là khá rõ ràng. Yếu tố tiếp theo, ông ngại rằng Giô-sép, con mình, đã thành công trong việc thâu tóm tất cả đất đai sản nghiệp cho Pha-ra-ôn, điều đó có thể khiến cho cả gia đình ông cảm thấy được thuận lợi để tiếp tục sinh sống tại Ai-cập mà chẳng muốn quay về Ca-na-an nữa. Vả lại tuổi tác đã cao cũng chắc chắn bảo cho biết rằng ông sẽ qua đời tại xứ Ai-cập này.

 

Qua yêu cầu này cũng cho chúng ta nhận biết rằng đó cũng là một chứng cớ về lòng trung thành của Gia-cốp đối với giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập cùng các tổ phụ của ông. Chúng ta cần ghi nhận điều này, bởi vì nó được đề cập nhiều lần xuyên suốt qua Thánh Kinh. Niềm hy vọng của Cựu Ước là niềm hy vọng thuộc về đất. Áp-ra-ham tin rằng ông sẽ được sống lại từ cõi chết trong phần đất đó, thế nên ông muốn được chôn tại xứ Ca-na-an. Y-sác cũng tin giống như vậy. Bây giờ Gia-cốp cũng lại biểu lộ cùng một lòng tin đó.      

  

Niềm hy vọng trong Cựu Ước được đặt trong vương quốc của Đấng Christ mà nó sẽ được thiết lập trên đất này. Khi điều nầy xảy ra, thì niềm hy vọng lớn lao đó của Y-sơ-ra-ên sẽ được thành tựu và những người ấy sẽ sống lại để ở trong vương quốc của Ngài. Thời kỳ 1000 năm đầu tiên sẽ là thời kỳ thử thách và kế sau thời kỳ đó sẽ là vương quốc vĩnh hằng kéo dài mãi đến đời đời. Đó cũng chính là lý do tại sao Gia-cốp không muốn được chôn tại Ai-cập. Nếu không có niềm tin và nguồn hy vọng vào lời hứa của Đức Chúa Trời, thì sẽ có điều gì khác biệt xảy ra nơi ông ta đã được chôn?

 

Đối với tín hữu ngày nay thì chẳng có sự khác biệt gì về nơi nào chúng ta được chôn cả! Vào thời kỳ hội thánh được cất lên, dẫu bất kỳ chúng ta ở nơi đâu thì chúng ta sẽ được sống lại và thân thể chúng ta sẽ được hòa nhập lại với linh hồn nếu như chúng ta đã chết trước khi thời kỳ hội thánh được cất lên. Nếu lúc đó mà chúng ta vẫn còn đang sống thì thân thể sẽ được biến hóa và được cất lên gặp Chúa tại trên không trung. Thế thì, sẽ chẳng hề có sự khác biệt nào nếu như chúng ta được chôn tại Ai-cập, tại Ca-na-an, hay Trung hoa, tại Việt Nam, hay tại Úc Đại Lợi… Người nào “sống trong Đấng Christ ” và “chết trong đấng Christ ” thì dầu ở bất kỳ nơi nào đi nữa cũng đều được cất lên. Thế nên vấn đề chúng ta chết ở đâu, sống ở đâu thì chẳng có gì khác biệt. Hy vọng của chúng ta thuộc về trời.

 

Niềm hy vọng của thời Cựu Ước là niềm hy vọng trên đất này, Gia-cốp muốn được đưa xác ông về chôn tại Ca-na-an là bằng cớ về niềm tin của ông trong sự phục sinh. Ông hy vọng sẽ sống lại từ cõi chết từ nơi Đất Hứa. Và quả thật, bây giờ Gia-cốp là con người của đức tin vậy.

 

Như vậy, trong Sáng thế ký 47, Giô-sép đã lo lắng chu toàn bổn phận với cha mẹ anh em của ông, đồng thời Giô-sép cũng làm tốt bổn phận của mình với dân chúng và đất nuớc Ai-cập. Còn Gia-cốp đã tăng trưởng trong đức tin vào Đức Chúa Trời trong giai đoạn cuối cuộc đời.

 


 

Bài trướcBài 58: Những Việc Phi Thường Được Thực Hiện Bởi Những Người Bình Thường (tt)
Bài tiếp theoNgày 27/8/2015: Kiêng Ăn Thật