Bài 58: Những Việc Phi Thường Được Thực Hiện Bởi Những Người Bình Thường (tt)

1196

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về từng vị quan xét, bắt đầu với quan xét tên là Ốt-ni-ên. Ốt-ni-ên là cháu của Ca-lép. Bên cạnh chi tiết nầy, Kinh thánh ghi về ông như sau:

 

“Thần của Đức Giê-hô-va cảm động người, người đoán xét Y-sơ-ra-ên, và đi ra chiến trận. Đức Giê-hô-va phó vua A-ram, vào tay người, khiến cho người thắng.”

 

Một thành ngữ rất hay được tìm thấy xuyên suốt Kinh thánh đó là “Thần Đức Giê-hô-va cảm động.” Nói cách khác, đó là được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Có một mạng lịnh dành cho chúng ta trong Tân ước, đó là phải đầy dẫy Thánh Linh. Vậy, đầy dẫy Thánh Linh nghĩa là gì? Có người quan niệm rằng, đời sống của chúng ta ví như một cái ly, còn Thánh Linh được ví như chất lỏng. Họ cho rằng, chúng ta có thể bị mất đi hoặc được thêm nhiều Thánh Linh giống như nước trong ly. Đây không phải là những gì mà Kinh thánh muốn nói đến khi phán rằng con cái Chúa phải đầy dẫy Thánh Linh. Đức Thánh Linh là một thân vị. Do đó, chúng ta hoặc là có Đức Thánh Linh hoặc là không có Đức Thánh Linh. Không có trường hợp là có nhiều hay ít Thánh Linh. Vấn đề không phải là chúng ta có Thánh Linh đến mức độ nào nhưng vấn đề là Thánh Linh chiếm hữu chúng ta đến mức độ nào? Đây chính là chỗ khác nhau. Khi Đức Thánh Linh ngự trị trong đời sống thì Chúa chiếm hữu chúng ta như thế nào? nhiều hay ít? Điều nầy tùy thuộc vào việc chúng ta đầu phục và vâng lời Ngài đến mức độ nào. Khi một người càng đầu phục Đức Thánh Linh, thì Ngài càng chiếm hữu và điều khiển người đó nhiều hơn. Phao-lô dạy rằng, đừng say rượu nhưng say Thánh Linh. Một người say rượu thì bị điều khiển bởi rượu, giống như vậy, một người “say” Thánh Linh thì sống dưới ảnh hưởng của Thánh Linh và được điều khiển bởi Thánh Linh. 

 

Ngày nay, chúng ta dùng từ nầy không chính xác. Một số người nói rằng, “ Nếu là Mục sư, Truyền đạo thì luôn luôn được đầy dẫy Thánh Linh?” Thật ra không phải như vậy. Một số người cho rằng, có những người được đầy dẫy Thánh Linh và luôn luôn được đầy dẫy Thánh Linh; còn những người khác thì không đầy dẫy Thánh Linh và không  bao giờ được đầy dẫy Thánh Linh. Kinh thánh cũng không dạy như vậy. Kinh thánh dạy rằng, những Cơ đốc nhân chúng ta hãy đầy dẫy Thánh Linh. Nhưng không có ai luôn luôn được đầy dẫy Thánh Linh. Sách Công vụ ghi rằng, “Phi-e-rơ được đầy dẫy Thánh Linh” giảng vào ngày lễ ngũ tuần. Sau nầy Kinh thánh ghi rằng, “Phi-e-rơ được đầy dẫy Thánh Linh” làm việc nầy, làm việc khác. Giữa những thời điểm nầy có phải lúc nào Phi-e-rơ cũng liên tục được đầy dẫy Thánh Linh không ? Không nhất thiết. Có những lúc Thánh Linh đầy dẫy trên Phi-e-rơ hay điều khiển ông nhưng không phải luôn luôn. Đây chính là ý nghĩa những gì mô tả về Ốt-ni-ên. “Thần Chúa cảm động” là điều duy nhất khiến Ốt-ni-ên trở nên người giải phóng dân tộc. Một lần nữa, chúng ta thấy Đức Chúa Trời ưa thích việc dùng những người bình thường để làm những việc phi thường vì Đức Thánh Linh chiếm hữu họ.

 

Điều nầy cũng đúng với Ê-hút. Ê-hút là người thuận tay trái. Lúc bấy giờ, dân Y-sơ-ra-ên đang bị xâm lăng bởi người Mô-áp dưới thời vua Éc-lôn. Thời đó, quốc gia bị thống trị phải đóng thuế rất nặng. Ê-hút được ủy nhiệm đi đến thủ đô Mô-áp để nộp thuế cho Y-sơ-ra-ên. Đây là điều rất tủi nhục. Ê-hút đi vào cung của Éc-lôn và nộp thuế xong. Kinh thánh cho biết, trước khi thực hiện sứ mạng nầy Ê-hút đã giấu một con dao dài gần 5 tấc vào đùi bên phải vì ông thuận tay trái. Hiển nhiên, mọi người vào cung điện đều phải bị lục soát. Thông thường, họ rà soát trên người nhất là đùi phía bên trái vì phần đông thuận tay phải. Nhưng Ê-hút là người thuận tay trái; bởi vậy, ông giấu cây gươm vào phía đùi bên phải và đã được lọt khỏi phần kiểm soát an ninh. Trên đường rời khỏi cung điện sau khi nộp thuế, ông nói với đồng bạn, “Tôi phải trở lại vì có vài điều mà Đức Chúa Trời muốn tôi làm.” Ông đi thẳng vào gặp vua Éc-lôn là một người rất mập. Đến bên cạnh vua ông nói, “Tôi có một sứ điệp của Đức Chúa Trời cho vua.” Vua nghĩ rằng, Ê-hút sẽ tặng ông quà hay tiền gì đó chăng.” Bởi vậy, ông ra lịnh cho những người khác đều phải đi ra ngoài. Ê-hút tiến đến, dùng cánh tay trái rút gươm đâm chết nhà vua. Sau khi giết chết vua Mô-áp, Ê-hút đã làm một việc phi thường là thực hiện cuộc cách mạng để lật đổ ách thống trị của người Mô-áp. Bên cạnh yếu tố được chiếm hữu bởi Thánh Linh, một yếu tố khác được đề cập đến đó là Ê-hút thuận tay trái. Phải chăng đây là điều duy nhất mà Ê-hút có thể dâng lên cho Chúa. Lời cầu nguyện của Ê-hút là, “Chúa ơi, con có tật thuận tay trái, nhưng nếu Chúa có thể dùng con thì xin dùng ngay tại chỗ khuyết tật nầy.”

 

Chúng ta học được điều gì qua con người Ê-hút nầy? Vấn đề không phải chúng ta tài năng như thế nào? Nhưng vấn đề là chúng ta có dâng hiến những gì chúng ta có cho Chúa không? Khi Môi-se được Chúa kêu gọi thì Ngài đã nói gì với ông? “Môi-se ngươi có gì trong tay?” Môi-se thưa rằng, “Con có cây gậy chăn chiên.” Chúa phán “Hãy ném nó xuống đất.” Chữ ném xuống hay đặt xuống có nghĩa là cống hiến hay tận hiến. Điều Chúa muốn nói rằng, cho dầu Môi-se chỉ có cây gậy chăn chiên nhưng hãy dâng những gì ông có cho Ngài. Bất luận chúng ta có khả năng như thế nào, điều Chúa muốn là chúng ta hãy dâng những điều đó cho Ngài. Chúa sẽ dùng nó như Ngài đã dùng Ê-hút là người thuận tay trái.

 

Một trong những câu chuyện rất lý thú là câu chuyện của Đê-bô-ra. Đê-bô-ra là người có ân tứ thuộc linh và là một nữ tiên tri. Bà ngồi dưới cây chà là và nói tiên tri. Dân Y-sơ-ra-ên khắp mọi nơi kéo về để nghe bà nói về Chúa và sứ điệp của Ngài dành cho họ. Một ngày kia, bà gọi Ba-rác và nói rằng,

 

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã truyền lịnh nầy: Hãy chọn đem theo ngươi một vạn người trong con cháu Nép-ta-li và trong con cháu Sa-bu-lôn, mà đi thẳng đến núi Tha-bô.

Ta sẽ khiến Si-sê-ra, là thống lãnh đạo binh vua Gia-bin, đến cùng người tại khe Ki-sôn, luôn với các xe cộ và cả quân lính của hắn; ta sẽ phó hắn vào tay ngươi.”

 

Dường như, Đê-bô-ra phải hết sức thuyết phục Ba-rác vì ông không sẵn sàng cầm quân một mình. Ông nói với Đê-bô-ra, “Nếu bà đi với tôi, tôi sẽ đi, nhưng nếu bà không đi với tôi, tôi sẽ không đi.” Nhiều người có thể nói là Ba-rác hèn nhát, nhưng phải chăng có một lý do gì đằng sau thái độ do dự đó. Như chúng ta biết, Đê-bô-ra là một tiên tri. Ba-rác nghĩ rằng, nếu Đức Chúa Trời thật sự nói qua bà thì Ngài sẽ làm thành mọi sự. Có lẽ để thử Đê-bô-ra thật tin vào điều mình nói nên ông đề nghị, “Bà hãy cùng đi với chúng tôi.” Đê-bô-ra đồng ý làm điều nầy nhưng bà nói:

 

“Ừ, phải, ta sẽ đi với ngươi, song sự vinh hiển của việc nầy sẽ chẳng về ngươi; vì Đức Giê-hô-va sẽ phó Si-sê-ra vào tay một người nữ.”

 

Và lời tiên tri của bà đã xảy ra. Trước khi ra trận, Ba-rác kêu gọi người Y-sơ-ra-ên tham chiến và có 10,000 người tự nguyện nhập ngũ. Con số nầy đúng như những gì Đê-bô-ra đã nói. Hai bên nghinh chiến tại núi Thabô, tướng Si-sê-ra có đến 900 xe sắt, nhưng Đức Chúa Trời làm cho những xe ngựa sắt nầy trở nên hỗn loạn. Một lần nữa, đây là sự can thiệp cách siêu nhiên. Chúa làm cho quân thù hoảng sợ nên quân Y-sơ-ra-ên ở vào thế thượng phong, tấn công và tiêu diệt đối phương. Si-sê-ra tìm đường trốn thoát. Ông chạy vào khu vực của Hê-be, là người có vợ tên là Gia-ên. Khi bà thấy Si-sê-ra đang trốn chạy mệt nhoài thì bà nói rằng, “Hỡi chúa xin hãy vào nhà tôi.” Nghe theo lời mời ông bước vào và dặn dò: “Nếu có ai tìm tôi, xin nói là tôi đã đi đường khác rồi.” Bà trấn an: “Xin đừng lo về việc đó, ông cứ nằm ngủ vì mệt lắm rồi.” Si-sê-ra nói: “Ta khát lắm.” Bà đưa cho Si-sê-ra một bình sữa. Uống xong, Si-sê-ra liền ngủ say vì quá mệt. Thời cơ đã đến, Gia-ên lấy một cây nọc cắm trại và một cái búa, trong khi Si-sê-ra ngủ thì bà đóng xuyên qua đầu khiến ông chết.

 

Sau chiến thắng nầy, Đê-bô-ra đã cảm tác một bài ca. Lời ca tiếng hát là một phép lạ mà Đức Chúa Trời ban cho con người để chúng ta có thể bày tỏ những điều không thể diễn tả được. Có những lúc chúng ta cần nói lên những điều không thể diễn tả được. Ân tứ nói tiếng lạ dùng cho con cái Chúa trong khi cầu nguyện để bày tỏ những điều không thể bày tỏ được. Tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất và một phương cách khác đó là thông qua âm nhạc. Khi dân sự của Đức Chúa Trời đã vượt qua Biển Đỏ, kinh nghiệm được sự giải cứu lạ lùng thì họ bật lên tiếng hát. Bạn có để ý điều nầy khi chúng ta đọc sách Xuất Ê-díp-tô ký không? Có những lúc con dân của Đức Chúa Trời không thể làm gì khác hơn là cất lên tiếng hát. Âm nhạc cũng rất cần thiết cho con dân Chúa khi họ ở trong sự đau khổ. Việc cuối cùng mà Chúa và môn đệ của Ngài làm trước khi Ngài bước lên thập tự giá là hát những bài thánh ca. Có những lúc con dân Chúa ra mắt để thờ lạy Ngài, và đó chính là lúc họ cần bày tỏ những điều không thể nói ra được. Đó là lý do vì sao lời Chúa dạy rằng, “Hãy ca hát trong lòng khi bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.”

 

Đa-vít nói trong Thi thiên 100 rằng, ra mắt Đức Chúa Trời giống như ra mắt vị vua cao sang. Để ra mắt vua, bạn phải đi qua nhiều cổng và những hành lang dài rồi cuối cùng mới được diện kiến nhà vua. Thi thiên 100 Đa-vít nói như thế nầy: Bạn bắt đầu với cổng của sự cảm tạ. Cổng của sự cảm tạ dẫn đến cổng của sự ngợi khen. Và cuối cùng, cổng để mở ra cho bạn bước vào trong sự hiện diện của Vua là ca hát. Âm nhạc là cánh cửa mở ra cho chúng ta bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

 

Có bài ca rất hay trong sách Các quan xét. Bài ca nầy được gọi là bài ca của Đê-bô-ra trong chương 5. Đây là một trường hợp cho thấy, sau khi chiến thắng thì dân sự của Đức Chúa Trời đã cất tiếng hát để bày tỏ những điều không thể bày tỏ được.

 

Có nhiều bài học ứng dụng được rút ra từ sách Các quan xét. Sứ điệp căn bản của sách Các quan xét là sự bội đạo và những hậu quả nghiêm trọng xảy ra sau đó. Tuy nhiên, khi học về tiểu sử của các quan xét thì bài học quan trọng nhất đó là Đức Chúa Trời dùng những con người nhỏ bé, chẳng ra chi. Chúa ưa thích dùng những người chẳng có gì đặc biệt giống như mỗi chúng ta. Ngài thích dùng những người bình thường để làm những việc phi thường vì họ sẵn lòng. Khi một người được Thần Chúa cảm động như Ốt-ni-ên, khi vui lòng dâng lên cho Chúa những gì mình có ngay khi chỉ là cánh tay trái của mình, thì Ngài sử dụng họ và làm những việc phi thường qua những con người đó.

 

Bài trướcNgày 26/8/2015: Không Thể Nín Lặng!
Bài tiếp theoBài 58: Gia Đình Gia-Cốp Định Cư Tại Ai Cập – Nạn Đói Tiếp Diễn