Bài 57: Những Việc Phi Thường Được Thực Hiện Bởi Những Người Bình Thường

1647

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Sách Các quan xét cho biết, dân Y-sơ-ra-ên đã trải qua bảy chu kỳ lịch sử. Chu kỳ nầy giống như bề mặt của chiếc đồng hồ gồm 12 số: Vào lúc 12 giờ, dân Y-sơ-ra-ên ở tại thời điểm tôn thờ và phụng sự Đức Chúa Trời. Lúc 1 giờ, họ đi vào con đường bội đạo. Lúc 2 và 3 giờ, trải qua tình trạng phá sản đạo đức và khủng hoảng chính trị. Lúc 4 giờ, Chúa dấy lên một kẻ thù. Lúc 5 giờ là thời điểm chiến tranh và họ bị thảm bại trước kẻ thù. Lúc 6 giờ, họ bị chém giết và bắt làm nô lệ. Sau những khoảng thời gian khác nhau, tại thời điểm 7 giờ, họ kêu cầu cùng Chúa. Lúc 8 giờ, họ ăn năn về tội bội đạo của mình. Lúc 9 giờ, họ kinh nghiệm  về sự phấn hưng. Lúc 10 giờ, họ được Chúa giải cứu. Lúc 11 giờ, các quan xét xuất hiện và đem họ trở về với vị trí đầu tiên là 12 giờ. Họ trở lại đỉnh của chu kỳ, là lúc họ có mối liên hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời, tôn Ngài trên hết, phụng sự Ngài. Điều làm cho chúng ta ngạc nhiên là chỉ sau một thời gian ngắn thì họ lại rơi vào tình trạng bội đạo.

 

Chúng ta cần có cái nhìn bao quát về sách Các quan xét. Sách nầy trải dài một thời gian là 400 năm. Có khi dân sự ở trong mối liên hệ tốt đẹp với Chúa trong thời gian đến 80 năm trước khi họ đi vào con đường bội đạo. Khi xét bài học áp dụng về khía cạnh nầy, chúng ta có thể đặt câu hỏi: “Cơ Đốc Nhân phải trải qua thời gian bao lâu thì mới lâm vào tình trạng bội đạo?” Xét về phương diện cá nhân, giả sử khi trải qua một khủng hoảng trong cuộc sống, chúng ta thường cam kết với Chúa rằng, “con sẽ tôn Ngài trên hết”. Chúng ta trung tín giữ được cam kết nầy bao lâu? Có đến 80 năm không? hay có lẽ 8 ngày, 8 tuần hoặc 8 tháng rồi sau đó, chúng ta quên đi những gì mình đã hứa nguyện với Ngài. Nhiều người lâm vào những cơn bịnh hiểm nghèo, hết lòng kêu cầu Chúa và hứa nguyện sẽ yêu mến và phụng sự Ngài hết lòng. Nhưng, sau khi  được Chúa chữa lành một thời gian ngắn, thì họ không còn nhớ những gì mình đã hứa nguyện cả. 

 

Hãy suy nghĩ điều nầy trên bình diện quốc gia hoặc Hội thánh. Có những Hội thánh tại Âu Mỹ, nơi mà khoảng 40 năm hay 80 năm trước đây, họ giảng Lời Đức Chúa Trời nhưng nay thì không còn như vậy nữa. Nếu chúng ta tìm hiểu về các vị sáng lập ra các giáo phái như Wesley, Luther hay Calvin …; nếu chúng ta xem tiểu sử của họ, xem những bài giảng của họ, xem niềm tin của họ, rồi so sánh với những gì các Hội thánh đó đang giảng vào lúc nầy, chúng ta sẽ thấy có một sự tương phản. Chúng ta gọi đây là gì? Đó chính là tình trạng bội đạo, tình trạng từ bỏ giao ước hay lập trường  mà họ đã hứa nguyện với Chúa. Bao lâu thì điều nầy xảy ra? Nó không đến 80 năm.

 

Sách Các quan xét ghi lại các thời kỳ bội đạo của dân Y-sơ-ra-ên. Sau những khoảng thời gian thanh bình, họ lại bội đạo. Những khoảng thời gian nầy thường khác nhau. Sách Các quan xét cho biết, họ từ bỏ Chúa cả thảy là 7 lần. Khi lần thứ nhất xảy ra, họ bị tấn công bởi người Sy-ri và bị làm nô lệ trong thời gian 8 năm. Đức Chúa Trời đã dấy lên một quan xét tên là Ốt-ni-ên. Ông giải phóng dân Y-sơ-ra-ên và họ hưởng thái bình trong thời gian 40 năm. Sau đó, họ lại bội đạo. Họ bị người Mô-áp dưới triều của vua Éc-lôn xâm chiếm. Dân Y-sơ-ra-ên phải phục dịch vua nầy 18 năm cho đến khi Đức Chúa Trời dấy lên quan xét Ê-hút. Một điều duy nhất đặc biệt nói về ông là ông thuận tay trái. Ê-hút đã giải phóng dân tộc mình và họ được yên ổn trong thời gian 80 năm.

 

Lần bội đạo thứ 3 đưa đến hậu quả là người Ca-na-an đã xâm lăng dưới triều vua Gia-bin. Vị tướng Si-sê-ra của ông có đến 900 xe ngựa bằng sắt. Dân Y-sơ-ra-ên phải phục dịch Gia-bin trong 20 năm. Lần nầy, họ kêu cầu cùng Đức Chúa Trời. Chúa ban cho họ người phụ nữ dũng cảm đứng ra để giải phóng dân tộc tên là Đê-bô-ra. Bà Đê-bô-ra tìm cách thuyết phục Ba-rác tấn công những người Ca-na-an nầy. Ba-rác đường như không đủ bản lĩnh để đương đầu mà cần đến sự lãnh đạo của Đê-bô-ra. Một phụ nữ khác tham gia vào cuộc tấn công người Ca-na-an tên là Jael. Bà đã ám sát tướng Sisera. Những sự kiện nầy cho thấy tình trạng khủng hoảng lãnh đạo trong giai đoạn nầy.

 

Lần bội đạo thứ tư dẫn đến sự thống trị vô cùng hà khắc của người Ma-đi-an. Nhưng may mắn là nó chỉ diễn ra trong 7 năm, dẫu vậy, đây là sự thống trị rất tàn bạo. Người đứng ra giải phóng dân tộc lần nầy là Ghê-đê-ôn. Có lẽ ông là một nhân vật nổi bật nhất trong các vị quan xét.

 

Lần bội đạo thứ năm khiến họ bị càng quét bởi người Am-môn. Họ sống dưới sự cai trị trong thời gian 18 năm. Chúa dấy lên quan xét tên là Giép-thê. Giép-thê chỉ là một đứa con rơi, bị các anh khinh ghét cho đến khi người Am-môn đánh phá họ. Lúc đó, vì cần đến tài thao lược của Giép-thê nên họ trở nên thân thiện, tôn ông làm người lãnh đạo, làm vua của họ. Điều nầy cho thấy, trong thời bình một số người bị bỏ rơi nhưng khi chiến tranh nổi lên thì họ trở nên quan trọng cho những người khác. Giép-thê đã giải phóng Y-sơ-ra-ên ra khỏi tay của người Am-môn.

 

Kết quả lần bội đạo thứ sáu là họ bị thống trị tàn bạo bởi người Phi-li-tin trong thời gian 40 năm. Quan xét  đứng ra giải phóng là Sam-sôn. Khi nghe đến tên Sam-sôn, người ta liên tưởng đến người tình Đalila của ông. Nhưng xét về phương diện lịch sử, Sam-sôn là một quan xét, người giải phóng dân tộc ra khỏi ách cai trị tàn bạo của người Phi-li-tin.

 

Bên cạnh 7 lần bị thống trị bởi ngoại xâm, nhiều người tin rằng, nội chiến cũng có liên quan với việc bội đạo của dân Y-sơ-ra-ên, cho dầu không có thế lực bên ngoài can dự vào. Có 3 lần nội chiến trong thời gian 400 năm nầy. Cuộc nội chiến được mô tả trong Các quan xét đoạn 19 đến đoạn 21 là một trong những biến cố đầy đau thương.

 

Bài học cho chúng ta là gì? Như đã trình bày có những bài học áp dụng cá nhân qua sách Các quan xét. Chúng ta có nguy cơ trải qua chu kỳ của sự bội đạo. Chúng ta cần chấn chỉnh lại đời sống tâm linh. Có thể lắm những biến cố kinh hoàng mà chúng ta đang trải qua là kết quả của việc chúng ta đã bội đạo. Chúng ta đã từng kính yêu Chúa nhưng rồi sau đó lại xa cách Ngài. Đó là lý do  vì sao những gì chúng ta làm không đâu tới đâu cả. Mọi việc sẽ không ổn thỏa cho đến khi chúng ta quay trở về với Chúa để tái xác quyết lòng của chúng ta đối với Ngài.

 

Tuy nhiên, sách Các quan xét cũng cho chúng ta bài học áp dụng trên bình diện quốc gia. Phải chăng nhiều quốc gia đang ở vào giờ thứ tư tức là lúc mà Đức Chúa Trời dấy lên nhiều kẻ thù chung quanh họ. Nếu những quốc gia nầy nhận thức nguy cơ sắp xảy ra, chấn chỉnh đời sống thuộc linh, thì họ sẽ tránh được những biến cố tang thương cho dân tộc của mình. Bằng không, họ phải gặt lấy những hậu quả khủng khiếp như Y-sơ-ra-ên đã trải qua. Đức Chúa Trời đã dấy lên những kẻ thù để nghiền nát Y-sơ-ra-ên 7 lần. Điều nầy cho thấy, Chúa cũng đang dấy lên những thế lực nhằm gây điêu đứng cho các quốc gia đó và đưa họ đến chỗ phải phủ phục Ngài. Bài học tại đây là không cần đợi đến biện pháp sửa phạt nặng nề rồi mới quay trở về  cùng Chúa. Họ có thể quay lại với Chúa trước khi những điều nầy xảy ra. Đó là phần áp dụng rất cấp bách và hệ trọng của sách Các quan xét.

 

Cùng với sự áp dụng về phương diện cá nhân và quốc gia còn có các bài học dưỡng linh về phương diện tiểu sử. Điều nầy được rút ra từ các quan xét. Họ là những người giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị ngoại xâm. Ngay từ những chương đầu của Sáng thế ký, Đức Chúa Trời đã dùng những câu chuyện về các nhân vật như A- đam, Ca-in, A-bên, Nô-ê, Áp-ra-ham, Gia-cốp, Giô-sép để phán dạy cho chúng ta.  Vì muốn chúng ta biết về đức tin, Chúa cho ghi lại cuộc đời của Áp-ra-ham và Ghê-đê-ôn. Có nhiều điều quan trọng Chúa muốn phán với chúng ta nên Ngài dành nhiều chương để nói về các nhân vật đó.

 

Trước tiên, tất cả các quan xét đều có một điểm chung: họ là những người nhỏ bé,  thậm chí là không ra gì theo cái nhìn của người đời. Chúng ta đã nói về điều nầy khi học hỏi về đời sống của Môi-se. Thật là hão huyền để cho rằng, Đức Chúa Trời dùng những con người phi thường để làm những việc phi thường. Điều Kinh thánh khẳng định là thế nầy, “Đức Chúa Trời dùng những người rất bình thường để làm những việc phi thường vì họ sẵn lòng.” Khi nhận thức được điều nầy, chúng ta hiểu rằng, điều quan trọng nhất trong nước của Đức Chúa Trời là sự sẵn lòng. Hết cả những quan xét nầy nhắc chúng ta về điều đó. Họ không có nhiều tài năng phi thường, nhưng điều họ có  là thái độ sẵn sàng. Đó là lý do vì sao Chúa đã dùng họ. Ốt-ni-ên là vị quan xét đầu tiên. Điều duy nhất mà Kinh thánh mô tả ông là cháu của Ca-lép.

 

Có bao giờ bạn được giới thiệu dưới tên của một người khác không? Ví dụ, khi bạn được giới thiệu, “Đây là cháu của ông Nguyễn Văn Hai”. Nói như vậy thì ông Nguyễn Văn Hai mới là người quan trọng, được người khác biết đến. Nhưng bị đặt sau lưng ông Hai, bạn phải dựa vào uy tín và ảnh hưởng của ông Hai. Thế nhưng, đây là cách giới thiệu về Ốt-ni-ên: ông là cháu của Ca-lép, con trai của người em Ca-lép. Một quan xét khác là Ê-hút, ông có tật thuận tay trái. Người ta nói rằng, những người thuận tay trái gặp khó khăn trong việc học hành. Điều khá lý thú là dường như Phi-e-rơ thuận tay trái. Kinh thánh ghi rằng, Phi-e-rơ chém đứt lỗ tai phải của người đầy tớ, phải chăng điều nầy có nghĩa là ông đã dùng gươm với tay trái. Trường hợp của Ê-hút thì được ghi rõ là ông thuận tay trái và đây là chi tiết duy nhất về tiểu sử của ông được ghi lại.

 

Đê-bô-ra chỉ là một phụ nữ. Bà phải hết sức chật vật để thuyết phục Ba-rác cùng tham gia trận chiến với bà. Ghê-đê-ôn là một quan xét nổi bật nhất thì đã thú nhân rằng, “Họ hàng của tôi là nhỏ hơn hết, còn tôi là tầm thường hơn hết trong họ hàng tôi.” Ghê-đê-ôn nhìn thấy mình là kẻ tầm thường nhất trong những kẻ tầm thường. Điều nầy được bày tỏ xuyên suốt sách Các quan xét. Tất cả các quan xét đều là những người nhỏ bé tầm thường theo mắt loài người. Đây là bài học đầu tiên mà chúng ta có thể rút ra được từ các vị quan xét.

 

Bạn có cho rằng mình chỉ là người bình thường hoặc thậm chí là tầm thường không? Bạn có nghĩ rằng Chúa không thể dùng mình vì mình quá nhỏ bé không?  Sách Các quan xét cho biết, Đức Chúa Trời ưa thích việc dùng những người tầm thường để qua họ Ngài làm những việc phi thường.

 

Lần đến, chúng ta sẽ thấy thế nào Đức Chúa Trời dùng những con người nhỏ bé tầm thường để làm việc lớn cho Ngài. Chúng ta sẽ lần lượt học về cuộc đời của từng quan xét để biết rằng, Chúa ưa thích việc dùng những người bình thường như mỗi chúng ta.

 

 

Bài trướcNgày 9/8/2015: Con Đường Theo Chúa
Bài tiếp theoBài 57: Gia Đình Gia-Cốp Xuống Ai-Cập