Bài 57: Gia Đình Gia-Cốp Xuống Ai-Cập

2934

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

Sáng thế ký 46

                                                

Rất có thể Gia-cốp nghĩ rằng, ông ta sẽ đi đến Ai-cập trong thời gian chỉ một vài năm, và ngay sau một chút lưỡng lự, ông bằng lòng lên đường ra đi. Trước đây, Đức Chúa Trời đã phán bảo với Áp-ra-ham nên lánh xa xứ Ai-cập nơi mà Áp-ra-ham đã có một thời gặp nhiều khó khăn rắc rối. Đức Chúa Trời cũng đã phán với Y-sác điều tương tự như vậy. Thế nên Gia-cốp tự nghĩ rằng mình có nên xuống xứ Ai-cập đó hay không? Ông cảm thấy cần phải có thêm một sự khích lệ, động viên từ Đức Chúa Trời, hơn là từ lời mời của con trai ông, của Giô-sép hay thậm chí của Pha-ra-ôn. Ông cảm biết mình cần có thêm một dấu hiệu chỉ dẫn từ Đức Chúa Trời ban ra.

 

GIA-CỐP VÀ GIA ĐÌNH DI CHUYỂN ĐẾN AI-CẬP:

 

Sáng thế ký 46:1, “Y-sơ-ra-ên ra đi, đem theo các tài vật mình. Đến Bê-e-Sê-ba, người bày của lễ dâng cho Đức Chúa Trời của Y-sác, cha mình.”

 

Đây thật là điều hết sức ngạc nhiên: Giô-cốp dâng tế lễ lên cho Đức Chúa Trời của Y-sác, cha ông. Lần đầu tiên, ông đã rời bỏ vùng đất đó để chuyển đến xứ Cha-ran, sau khi đã đến xứ Bê-tên. Lúc ấy ông có tìm kiếm Đức Chúa Trời không? Câu trả lời là “không.” Ông nghĩ rằng ông có thể chạy khỏi Đức Chúa Trời. Ông đã không tìm cầu ý chỉ của Đức Chúa Trời, và cũng không cầu xin sự dẫn dắt của Ngài. Thật có sự tương phản biết bao giữa một thanh niên như Gia-cốp với tôi tớ của Áp-ra-ham! Tôi tớ của Áp-ra-ham chẳng hề bước đi mà không nhìn xem Chúa, nhưng ông Gia-cốp đã không nghĩ rằng ông cần có Chúa hiện diện trong suốt cuộc đời mình. Phải mất một thời gian khá dài để ông học biết rằng chẳng hề có một đường lối riêng nào để đi qua xuyên suốt cuộc đời, ngoại trừ con đường mà Chúa đã vạch ra.

 

Ngày nay, có biết bao Cơ Đốc nhân sống trọn cả một tuần lễ trong công việc của mình mà chẳng hề để ý đến Đức Chúa Trời. Thế rồi, đến ngày Chúa nhật, họ bình thản đi nhà thờ, trông họ có vẻ rất kỉnh kiềng, ngoan đạo và sẵn lòng làm theo ý muốn của Chúa. Họ nghĩ rằng ý muốn của Chúa là cho phép họ ít đi nhà thờ và cũng có thể cho phép họ dạy các lớp Trường Chúa nhật, và khi đến tối Chúa nhật họ sẽ tạm biệt Ngài. Và rồi những ngày còn lại trong tuần thì hình ảnh Chúa bị phai mờ trong tâm trí họ.

 

Trong hầu hết thời gian của cuộc đời mình, Gia-cốp, một con người không nhìn xem Chúa, nhưng khi đến xứ Bê-e-Sê-ba thì ông lại dâng tế lễ lên cho Đức Chúa Trời của cha ông là Y-sác. Lúc bấy giờ Đức Chúa Trời đã lấy làm đẹp ý mà hiện ra với ông.

 

Sáng thế ký 46:2-3, “Trong một sự hiện thấy ban đêm kia, Đức Chúa Trời có phán cùng Y-sơ-ra-ên rằng: Hỡi Gia-cốp, Gia-cốp! Y-sơ-ra-ên đáp rằng: Có tôi đây. Đức Chúa Trời phán: Ta là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của cha ngươi. Hãy xuống Ê-díp-tô, đừng sợ chi, vì tại đó ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn.”

 

Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ khiến cho Gia-cốp trở thành một dân tộc đông đúc ở xứ Ai-cập. Có thể chúng ta đang tự hỏi rằng: Không biết Đức Chúa Trời có thực hiện lời hứa ấy đó của Ngài không? Câu trả lời có thể được tìm thấy trong sách kế tiếp của Kinh Thánh, Xuất Ê-díp-tô ký 1:7, “Con cháu Y-sơ-ra-ên thêm nhiều lạ lùng, nẩy nở ra, và trở nên rất cường thạnh; cả xứ đều đầy dẫy.”

 

Quả thật đã có sự gia tăng dân số nhanh chóng của người Y-sơ-ra-ên tại xứ Ai-cập. Điều gì có thể giải thích cho sự kiện này? Vì Đức Chúa Trời đã thực hiện trọn vẹn lời hứa của Ngài với Gia-cốp: “Ta là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của cha ngươi, đừng sợ chi và hãy xuống xứ Ai-cập, vì tại đó ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn.” Đức Chúa Trời đã làm trọn vẹn lời hứa của Ngài với Gia-cốp.

 

Sáng thế ký 46:4-5, “Chánh ta sẽ xuống đến đó với ngươi, và chánh ta cũng sẽ dẫn ngươi về chẳng sai. Giô-sép sẽ vuốt mắt ngươi nhắm lại. Từ Bê-e-Sê-ba, Gia-cốp khởi đi; các con trai Y-sơ-ra-ên để Gia-cốp, cha mình, cùng các vợ và con mình lên xe cộ của Pha-ra-ôn đã sai đến rước những người đó.”

 

Xin hãy nhớ lại rằng trước đó, Pha-ra-ôn đã gởi các thứ xe cộ từ Ai-cập đến. Họ đặt Gia-cốp lên một trong những xe đó, và thế rồi họ lên đường.

 

Chúng ta cũng đã thấy được rằng cuộc đời cư trú của Gia-cốp có thể được chia thành ba vị trí địa dư: vùng đất Cha-ran, vùng đất Ca-na-an và vùng đất Ai-cập. Những vùng đất này không những chỉ về những vị trí địa dư nhưng còn hàm ý nói đến mức độ thuộc linh. Lúc đầu Gia-cốp chỉ ra đi với một cây gậy. Khi đến Cha-ran, mặc dầu ông là người của Chúa, nhưng lại sống trong xác thịt. Khi rời khỏi Cha-ran, ông lại là con người trốn chạy. Ông trốn chạy khỏi cha vợ mình và lo sợ phải gặp Ê-sau, anh mình. Rồi khi ở trong xứ Ca-na-an, Gia-cốp có trận vật lộn, nhưng lại tranh đấu theo sức riêng của mình mặc dầu ông là con người của Chúa. Bây giờ khi sắp sửa đi đến Ai-cập, ông không còn bước đi theo sức riêng của mình và không còn phải trốn chạy nữa. Lúc này ông bước đi bởi đức tin.

 

Dầu Giô-sép là con người nổi bật trong phần này của Kinh Thánh Sáng thế ký, nhưng chúng ta chân thành ghi nhận những biến cố về con người thuộc linh và đức tin trong cuộc đời Gia-cốp. Gia-cốp đã trở thành một con người mà Đức Chúa Trời muốn, và chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể biến cải ông trở nên con người như thế.

 

Cuộc đời của Gia-cốp tại Cha-ran tiêu biểu cho con cái của Đức Chúa Trời, nhưng sống trong xác thịt. Cuộc đời của Gia-cốp tại xứ Ca-na-an tiêu biểu cho con cái của Đức Chúa Trời nhưng lại cậy vào sức riêng mình. Và cuộc đời của Gia-cốp tại xứ Ai-cập tiêu biểu cho con cái của Đức Chúa Trời bước đi trong đức tin.

 

Điều này cũng giống như nhiều người trong chúng ta ngày nay. Trước kia chúng ta có lần nghe biết Phúc âm là Lời của Đức Chúa Trời, rồi chúng ta quay về với Chúa. Cũng có một giai đoạn trong đời sống, chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể tự dựa trên chính bản thân mình để mà tranh đấu, và điều đó đã trải qua trong nhiều năm tháng. Rồi lại cũng có một thời chúng ta được trưởng thành trong đức tin qua ân điển và trong sự thông biết về Cứu Chúa Giê-xu Christ và rồi bước đi trong đức tin.

 

Sáng thế ký 46:6-7, “Chúng cũng đem theo các súc vật và của cải mình đã gây dựng tại xứ Ca-na-an, mà đi đến xứ Ê-díp-tô. Vậy, Gia-cốp cùng cả nhà người, nào các con trai, nào các cháu trai, nào các con gái, nào các cháu gái, thảy đều xuống xứ Ê-díp-tô.”

 

Vì cơn đói kém đã xảy ra, Gia-cốp phải đưa mọi người, gồm các con cái và cháu chắt của mình cùng tất cả bầy gia súc theo họ di chuyển về xứ Ai-cập, hầu cho tất cả được sống còn qua cơn nguy khốn.

 

Những câu Kinh Thánh tiếp theo trong đoạn này (8-25) cho chúng ta biết về gia phổ của dòng dõi Gia-cốp.

 

“Đây là tên các con trai của Y-sơ-ra-ên, tức là Gia-cốp, đến xứ Ê-díp-tô: Con trưởng nam của Gia-cốp là Ru-bên. Các con trai của Ru-bên là Hê-nóc, Pha-lu, Hết-rôn, và Cạt-mi. Các con trai của Si-mê-ôn là Giê-mu-ên, Gia-min, Ô-hát, Gia-kin, Xô-ha, và Sau-lơ, tức con của người vợ xứ Ca-na-an. Các con trai của Lê-vi là Ghẹt-sôn, Kê-hát, và Mê-ra-ri. Các con trai của Giu-đa là Ê-rơ, O-nan, Sê-la, Phê-rết và Sê-rách. Nhưng Ê-rơ và O-nan đã thác tại xứ Ca-na-an; con của Phê-rết là Hết-rôn, và Ha-mun. Các con trai của Y-sa-ca là Thô-la, Phu-va, Gióp và Sim-rôn. Các con trai của Sa-bu-lôn là Sê-rết, Ê-lôn, và Gia-lê-ên. Vả, các con trai, và một con gái tên là Đi-na, mà Lê-a sanh cho Gia-cốp khi ở tại Pha-đan -A-ram, cùng các cháu đó, hết thảy là ba mươi ba người. Các con trai của Gát là Xi-phi-ôn, Ha-ghi, Su-ni, Et-bôn, Ê-ri, A-rô-đi và A-rê-li. Các con trai của A-se là Dim-na, Dích-và, Dích-vi, và Bê-ri -a, cùng Sê-rách, em gái các người đó. Con của Bê-ri-a là Hê-be, và Manh-ki-ên. Vả, các con của nàng Xinh-ba sanh cho Gia-cốp, cùng các cháu đó, hết thảy là mười sáu người. Nàng là con đòi của của La-ban đã cho theo hầu Lê -a, con gái mình. Các con trai của Ra-chên, vợ Gia-cốp, Giô-sép, và Bên-gia-min. Giô-sép đã có con tại xứ Ê-díp-tô, là Ma-na-se, và Ep-ra-im, mà Ach-nát, con gái của Phô-ti-phê-ra, thầy cả thành On, đã sanh cho người. Các con trai của Bên-gia-min là Bê-la, Bê-kê, Ach-bên, Giê-ra, Na -a-man, Ê-hi, Rô-sơ, Mốp-bim, Hốp-bim, và A-rết. Vả, các con trai của Ra-chên sanh cho Gia-cốp, cùng các cháu đó, hết thảy là mười bốn người. Con trai của Đan là Hu-sim. Các con trai của Nép-ta-li là Giát-sê-ên, Gu-ni, Dít-se, và Si-lem. Vả, các con trai của nàng Bi-la sanh cho Gia-cốp, cùng các cháu đó, hết thảy là bảy người. Nàng là con đòi của La-ban đã cho theo hầu Ra-chên, con gái mình.”

 

Điều này cũng hết sức quan trọng, bởi vì đó chính là dòng dõi dẫn đến nhánh gia phổ của Chúa Giê-xu Christ được đề cập tiếp theo trong Kinh Thánh Tân Ước. Sau khi liệt kê tất cả hậu tự của Gia-cốp, chúng ta đọc thấy câu này:

 

Sáng thế ký 46:26, “Các người đi đến xứ Ê-díp-tô với Gia-cốp, tức là các người do nơi Gia-cốp sanh, nếu không kể các nàng dâu, thì hết thảy là sáu mươi sáu người.”

Tính từ Gia-cốp trở đi, đã có 66 người đi cùng với ông ta từ đất Ca-na-an đến Ai-cập. Dĩ nhiên, Giô-sép và gia đình mình đã ở tại Ai-cập trước đó rồi.

 

Sáng thế ký 46:27, “Con của Giô-sép đã sanh tại Ê-díp-tô được hai. Vậy, các người thuộc về nhà Gia-cốp đi đến Ê-díp-tô, cộng hết thảy là bảy mươi người.”

Câu Kinh Thánh này đã đưa tổng số nhân khẩu của nhà Gia-cốp lên đến 70 linh hồn.

 

Lưu ý rằng mỗi con trai của Gia-cốp đều được liệt kê bằng tên riêng của họ. Hãy hỏi tại sao tên những người này lại được liệt kê rõ ràng trong Kinh Thánh? Phải chăng Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta biết thêm về tính quan trọng càng hơn của thông tin này?

 

Chẳng hề có thông tin nào là quan trọng hơn là về Cứu Chúa Giê-xu Christ của chúng ta, vả chăng đó chỉ là gia phổ dẫn đến Chúa Giê-xu. Chúng ta sẽ tìm thấy thêm một số tên này được liệt kê trong gia phổ, trong đoạn thứ nhất của sách Phúc âm Ma-thi-ơ, là sách ở phần đầu của Kinh Thánh Tân Ước. Lại nữa, chúng ta cũng sẽ tìm thấy một số tên liệt kê trong gia phổ chép trong sách Phúc âm Lu-ca 3. Những liệt kê về các danh sách này trở thành quan trọng chỉ vì lý do đó mà thôi!

 

Cũng có một lý do khác nữa, và lý do này cũng có tính chất rất cá nhân. Có bao giờ bạn nghe về cuốn Sách Sự Sống Của Chiên Con chưa? Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là: Tên của bạn đã được chép trong sách đó chưa?

 

Ngay khi đi vào trong dòng dõi của A-đam (và tất cả chúng ta đều ở trong dòng dõi đó), thế là chúng ta đã đi vào trong dòng dõi của Đấng Christ. Nhưng nếu được chép trong Sách Sự Sống Của Chiên Con, thì chúng ta sẽ đi vào đó bởi sự sanh lại mà được đến bởi sự nhận biết Chúa Giê-xu Christ, là Cứu Chúa riêng của chính đời sống chúng ta. Khi làm điều ấy, thì chúng ta liền trở nên con cái của Đức Chúa Trời.

 

Bây giờ chúng ta hãy tiếp tục đến phần nói về Gia-cốp cùng tất cả gia đình ông di chuyển về xứ Ai-cập.

 

GIA-CỐP VÀ GIÔ-SÉP GẶP LẠI NHAU

 

Ở đây chúng ta chứng kiến một cảnh tượng trùng phùng thật cảm động biết bao!

Sáng thế ký 46:28-29, “Gia-cốp sai Giu-đa đi đến trước đặng xin Giô-sép đưa mình vào bờ cõi Gô-sen. Vậy, họ đều vào xứ Gô-sen.  Giô-sép thắng xe đi lên Gô-sen, đón Y-sơ-ra-ên, cha mình. Người ra mắt cha, ôm choàng lấy người và khóc một hồi lâu.”

Giô-sép ôm chầm lấy cha mình, gục đầu lên vai người và khóc. Lời của Chúa có nói rằng, Giô-sép đã khóc một hồi lâu. Không rõ một hồi lâu là khoảng bao lâu, nhưng nó có ngụ ý nói rằng đó không phải là một cái bắt tay ngắn ngủi chẳng có ý nghĩa bao nhiêu. Cái xúc cảm trong giây phút ấy thật hết sức chân thành. Ôi, cuộc đoàn tụ sao mà cảm động và tuyệt vời biết bao!

 

Sáng thế ký 46:30, “Y-sơ-ra-ên nói cùng Giô-sép rằng: Chớ chi cho cha chết bây giờ đi! vì cha đã thấy được mặt con, và biết con vẫn còn sống.”

 

Niềm vui đến với người cha già Gia-cốp thật hết sức lớn lao! Có thể ông sắp sửa qua đời và chẳng hề chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi này, nhưng thật Đức Chúa Trời đã nâng đỡ cho ông. Chúng ta cũng sẽ thấy rằng ông được Chúa cho phép sống được một số năm nữa tại đất Ai-cập. Y-sơ-ra-ên và Giô-sép đã có nhiều năm sống bên nhau ở đấy. Gia-cốp bây giờ là con cái của Đức Chúa Trời, và sống bởi đức tin, bởi vậy, tên của ông được gọi là “Y-sơ-ra-ên” 

 

Sáng thế ký 46:31-34, “Đoạn Giô-sép nói cùng anh em và người nhà cha mình rằng: Tôi sẽ lên trước tâu cho Pha-ra-ôn hay rằng: Anh em và cả nhà cha tôi, ở xứ Ca-na-an đã đến cùng tôi. Họ vốn làm nghề chăn chiên, nuôi bầy súc vật; có dẫn theo hết bầy chiên, bò và các tài vật của mình. Và khi Pha-ra-ôn truyền gọi anh em mà hỏi rằng: Các ngươi làm nghề chi? Thì hãy tâu rằng: Kẻ tôi tớ chúa cùng tổ phụ chúng tôi vẫn làm nghề nuôi súc vật từ thuở còn nhỏ cho đến giờ. Ấy hầu cho anh em đặng ở lại xứ Gô-sen, vì dân Ê-díp-tô có tánh gớm ghê hết thảy kẻ chăn chiên lắm.”

 

Vào lúc ấy, tại Ai-cập họ đã gặp cùng một khó khăn, rắc rối giống như ngày nay, ấy là người Ai-cập không thích nghề chăn hay người chăn chiên.

Thật khá lý thú để thấy rằng, Lời Chúa đã đề cập khá nhiều về những người chăn chiên. Những người này nuôi và chăn chiên của riêng mình, và ngày nay người ta vẫn còn làm công việc đó tại xứ Do Thái.

 “Người chăn chiên” là hình ảnh được dùng để mô tả về Cứu Chúa của chúng ta. Ngài là “Đấng chăn chiên hiền lành” vì chiên mình mà phó mạng sống mình. Ngài là “Đấng chăn chiên vĩ đại” là Đấng đang canh giữ hết thảy chiên của Ngài trong thời đại ngày nay và là “Đấng chăn chiên trưởng” vẫn còn đang hiện diện giữa chúng ta. Ngài tự gọi mình là “Người Chăn Chiên”

 

Như sách Tin Lành Giăng ghi chép: “Đức Chúa Jêsus lại phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta là cửa của chiên. 8  Hết thảy những kẻ đã đến trước ta đều là quân trộm cướp; nhưng chiên không nghe chúng nó. Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật. Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình. Kẻ chăn thuê chẳng phải là người chăn, và chiên không phải thuộc về nó. Nếu thấy muôn sói đến thì nó bỏ chiên chạy trốn; muôn sói cướp lấy chiên và làm cho tản lạc. Ấy vì nó là kẻ chăn thuê, chẳng lo lắng chi đến chiên. Ta là người chăn chiên hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta, cũng như Cha biết ta và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình. Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng này; ta cùng phải dẫn nó về nữa. Chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi. Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình để được lấy lại. Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh nầy nơi Cha ta.” (Giăng 10:7-18)

 

Những người chăn chiên thời xưa là một thứ gớm ghét đối với người Ai-cập. Giô-sép đã bảo với các anh em mình hãy tâu với Pha-ra-ôn rằng, họ là những người chăn chiên và họ cũng có chăn nuôi bò nữa. Quả thật họ đã có cả  bò lẫn chiên. Sau đó chúng ta thấy rằng Pha-ra-ôn đã đồng ý dành cho họ phần đất của xứ Gô-sen và cũng yêu cầu họ chăn luôn đàn chiên của ông ta, đến nỗi các con cái của nhà Y-sơ-ra-ên đã trở thành những người chăn chiên chuyên nghiệp tại xứ Ai-cập.

 

Thật hết sức tuyệt vời để thấy rằng giờ đây cả nhà Gia-cốp đang sinh sống tại xứ Gô-sen! Đây cũng là xứ sở mà họ sẽ sống trong một thời gian dài. Sau khi Giô-sép mất đi, họ trở thành những người nô lệ tại xứ Ai-cập, nhưng Đức Chúa Trời vẫn ở cùng họ suốt trong thời gian đó. Tại đó, họ sẽ trở thành một dân lớn và rồi Ngài sẽ hướng dẫn họ đi ra khỏi xứ này qua sự lãnh đạo của Môi-se.

 

Không hề có một ký thuật nào của Kinh Thánh ghi lại rằng Đức Chúa Trời đã từng hiện ra cùng Giô-sép. Nhưng chắc hẳn chúng ta thấy được về khải tượng chứng tỏ Chúa có hiện hữu qua đời sống của Giô-sép. Chúng ta nhận thấy điều này hết sức rõ ràng, bởi vì Giô-sép đã đến trước và sửa soạn mọi biện pháp nhằm giúp cho toàn thể nhà Gia-cốp được sống còn tại xứ Ai-cập trong cơn đói kém.

 

Đức Chúa Trời có mục đích tốt lành khi đem gia đình của Gia-cốp xuống Ai-cập, ấy là giúp gia đình trở thành một dân lớn, và tách biệt khỏi ảnh hưởng xấu của xứ Ca-na-an để trở thành tuyển dân thánh của Đức Chúa Trời.                                                                                     

 

 

Bài trướcBài 57: Những Việc Phi Thường Được Thực Hiện Bởi Những Người Bình Thường
Bài tiếp theoLễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Hội Thánh Cù Là – Tỉnh Kiên Giang