Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Kính chào quý vị. Kỳ trước tôi trình bày cho quý vị về những điều quan trọng liên lệ đến Kinh thánh, đó là sự khải thị, sự soi dẫn, sự soi sáng, hôm nay tôi nói tiếp điều liên lệ quan trọng thứ tư, đó là giải nghĩa Kinh thánh.
4- GIẢI NGHĨA
Giải nghĩa là những gì quý vị và tôi cần phải làm để hiểu Lời của Đức Chúa Trời. Mỗi người trong chúng ta có cách giải nghĩa khác nhau, chúng ta cần phải biết cách giải nghĩa đúng đắn để tránh hiểu sai Lời của Đức Chúa Trời.
Có một số quy luật mà chúng ta cần áp dụng khi giải nghĩa Kinh thánh.
1) Trước nhất cần phải xét mục tiêu chung của cả Kinh thánh
Đây là lý do tôi sẽ trình bày cả Kinh thánh cho quý vị. Bởi vì tôi tin rằng quý vị cần hiểu tổng quát trước khi quý vị có thể đạt đến kết luận của bất cứ một giáo lý nào liên hệ đến một câu đặc biệt nào đó của Kinh thánh. Cho nên, rất là cần thiết phải suy xét tất cả những câu liên hệ đến một đề tài. Các phân đoạn Kinh thánh liên hệ giúp cho chúng ta hiểu một từ ngữ, đề tài, hay một giáo lý. Chúng ta không thể xây dựng một giáo lý dựa trên một câu Kinh thánh.
2) Hãy suy xét phân đoạn Kinh thánh được viết, được nói đến ai trong bối cảnh đầu tiên
Chúng ta cố gắng giải nghĩa phân đoạn Kinh thánh gần với ánh sáng của bối cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa… Các biến cố trong Kinh thánh, xảy ra ở một thời điểm nào đó trong lịch sử, chúng có dự phần trong văn hóa của những người sống lúc đó, phần lớn là người Do thái. Trong khi Tân ước liên hệ đến văn hóa của xứ Palestine vào thế kỷ đầu tiên cũng như lịch sử trước và sau đó. Chúng ta sẽ hiểu sai Tân ước nếu ta giải thích nó theo văn hóa chúng ta ngày nay. Thí dụ như sách Tin lành Lu-ca 9:23, Chúa Giê-xu nói rằng, “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta.” Chúng ta nói đến thập tự giá là nói đến những khó khăn, khổ sở, thử thách. Tuy nhiên vào thời Chúa Giê-xu, người vác thập tư giá chính là tử tội đi đến pháp trường, người ấy vác thập tự giá đến chỗ chết. Những người trong thời của Chúa Giê-xu hiểu Ngài nói theo nghĩa đó. Họ biết Ngài nói về sự chết chớ không phải về sự khổ sở. Các phân đoạn khác của các sách Phúc âm, nhất là những đoạn nói về sự chết của Chúa Giê-xu nêu rõ ý nghĩa này.
Chúng ta cũng cần lưu ý đến yếu tố địa lý của câu chuyện. Thí dụ như Lời Chúa nói chuyện với Giô-suê, “Hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh” (Giô-suê 1:2). Khi tôi đến tại vùng đất đó, tôi vượt qua sông Giô-đanh, nhưng tôi không vượt qua đó để ứng nghiệm lời Kinh thánh, rồi nói rằng: cuối cùng tôi đã vâng Lời Chúa vượt qua sông Giô-đanh. Không phải vậy. Khi tôi đọc những câu này thì tôi biết là Lời Chúa nói với Giô-suê, nhưng tôi tin rằng tại đó có một bài học quý báu cho tôi.
Khi đọc đến sách Tin lành Giăng 4:3-4, chúng ta thấy, “Chúa Giê-xu lìa xứ Giu-đê trở về xứ Ga-li-lê. Ngài phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri.” Xứ Sa-ma-ri nằm chính giữa xứ Giu-đê và Ga-li-lê. Trong thời bấy giờ, người Sa-ma-ri bị khinh chê, kỳ thị, ít ai muốn tiếp xúc. Nhưng Chúa Giê-xu không kỳ thị, khinh chê người Sa-ma-ri và Ngài đi qua xứ đó trên đường về quê quán ở Ga-li-lê, nhơn dịp đó Chúa Giê-xu gặp người đàn bà ở bên giếng để múc nước, Chúa dùng cơ hội này nói về nước sự sống và bà đã tiếp nhận.
Nếu quý vị muốn biết thêm về địa lý thì nên xem các bản đồ, và muốn biết thêm về văn hóa thì nên xem thêm sách Thánh Kinh Phong Tục.
Chúng ta cũng cần lưu ý đến chủ đích của tác giả khi viết từng sách, như sứ đồ Giăng nói về chủ đích của ông khi viết sách Tin Lành, “Nhưng những việc này đã chép để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.” (Giăng 20:31). Giăng đã viết về đời sống và việc làm của Chúa Giê-xu để người đọc biết và tin Ngài để được sự cứu rỗi.
Bác sĩ Lu-ca cũng nói mục đích của mình khi viết sách Lu-ca và Công vụ: “Hỡi Thi-ô-phi-lơ quý nhơn, vì có nhiều kẻ dốc lòng chép sử về những sự đã làm nên trong chúng ta, theo như các người chứng kiến từ lúc ban đầu và trở nên người giảng đạo đã truyền lại cho chúng ta. Vậy sau khi đã xét kỹ càng từ đầu mọi sự ấy, tôi cũng tưởng nên theo thứ tự viết mà tỏ ra cho ông, để ông biết những điều mình đọc là chắc chắn.” (Công vụ 1:1-4). Lu-ca nói rõ mục đích của lời viết để cho người đọc biết chắc chắn những việc xảy ra liên lệ đến Chúa Giê-xu và công tác của các sứ đồ.
Mục sư Tiến sĩ Vernon McGee nói: “Tất cả Kinh thánh không phải viết riêng cho tôi, nhưng tất cả Kinh thánh vì tôi.” Đó là nguyên tắc tốt, cần phải giữ trong tâm trí quý vị để giải nghĩa Kinh thánh.
3) Xem xét văn mạch ngay trước và sau phân đoạn Kinh thánh
Hãy xem xét phân đoạn này đang nói gì? Và những phân đoạn Kinh thánh khác nói gì về cùng việc này.
Văn mạch có nhiều hình thức. Thường thì muốn hiểu một chữ phải hiểu nó trong một câu, hay một đoạn văn. Như vậy, câu đó là văn mạch của chữ. Một câu văn đứng một mình có thể là rất tối nghĩa, muốn hiểu câu văn cần phải xem cả đoạn văn chứa câu văn đó, đó là văn mạch của câu. Ví dụ như các ngụ ngôn của Chúa Giê-xu thường kể ra từ một cơ hội đặc biệt nào đó, từ đó Chúa rút ra một chân lý, một bài học, do đó bối cảnh và cách áp dụng của Ngài là văn mạch của câu chuyện Ngài kể.
Như vậy văn mạch giúp soi sáng những chỗ khó hiểu hoặc mâu thuẫn với những sự dạy dỗ trong các đoạn Kinh thánh khác.
Thí dụ nữa trong sách I Cô-rinh-tô 10:23, Phao-lô viết, “Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự điều có ích; mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt.” Câu này có nghĩa gì? Chữ ‘mọi sự đều có phép làm’ có phải là mình được phép làm tất cả mọi điều phải không? Như vậy thì các việc như giết người, gian dâm, ích kỷ, thờ hình tượng… đều có phép làm chăng? Chắc chắn là không có nghĩa như vậy. Bằng cách đọc cả đoạn này chúng ta thấy ý nghĩa của nó rõ hơn, như trong câu 6 bảo chúng ta ‘chớ buông mình vào tình dục xấu,’ câu 7 và 14 truyền lịnh ‘chớ thờ hình tượng,’ câu 8 nói ‘chớ dâm dục.’ Qua văn mạch cho chúng ta thấy có những giới hạn. Cho nên khi viết câu 23, Phao-lô không tự mâu thuẫn với mình và các phần khác trong Kinh thánh. Vì vậy, nếu quý vị không theo văn mạch mà giải nghĩa một câu riêng rẽ sẽ hiểu sai ý nghĩa của Kinh thánh. Trong câu 23 này Phao-lô đưa ra phương pháp đối chiếu, mọi sự có phép làm nhưng không phải mọi sự đều đem đến ích lợi, không phải tất cả đều gây dựng. Ông quan tâm đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và giúp ích cho kẻ khác, như vậy có những hành động được phép làm, nhưng cần phải tránh nếu nó khiến kẻ khác gây vấp phạm và không làm vinh hiển danh Chúa. Đó là điều Phao-lô muốn nói trong văn mạch này.
Có điều tốt mà các tín hữu Cơ đốc thường làm, có thể khiến họ không ý thức được tầm quan trọng của văn mạch. Đó là việc học thuộc lòng từng câu Kinh thánh, dĩ nhiên đó là điều tốt. Chúng ta cần giấu Lời Chúa trong lòng, vì chúng ta không thể học thuộc lòng cả sách hay cả đoạn. Nhưng xin quý vị cần để ý và xem xét ý nghĩa đúng của nó trong văn mạch.
4) Tìm hiểu lời nói nguyên thủy
Ngày nay, hầu hết chúng ta không hiểu được tiếng Do Thái hay Hy Lạp là ngôn ngữ viết Kinh thánh lúc ban đầu. Chúng ta đọc các bản dịch bằng tiếng Việt, hay tiếng Anh v.v.. Các bản dịch này rất hữu ích và gần với nguyên bản ban đầu. Nhưng chúng ta cẩn thận đối với một số người cố gắng dịch Kinh thánh theo khuynh hướng giáo lý của hệ phái mình. Chẳng hạn như nhóm phóng khoáng (tự do) có khuynh hướng dịch theo lối cởi mở, tự do. Nhưng nhóm bảo thủ dịch Kinh thánh theo một chiều hướng đặc biệt của mình. Những người phiên dịch Kinh thánh cố gắng theo sát nguyên bản, là những lời được viết lúc ban đầu. Có những từ ngữ khó có thể phiên dịch, thì nên phiên âm theo nguyên bản như từ: A-ba, báp-tít, báp-tem… Tôi có đề nghị là khi quý vị nghiên cứu Kinh thánh, quý vị nên đọc và đối chiếu nhiều bản dịch khác nhau.
5) Giải nghĩa theo văn thể, văn phạm và văn tự
Chúng ta cần xem xét phân đoạn Kinh thánh thuộc loại văn thể nào, chẳng hạn như: lịch sử, ký thuật, thơ văn, giáo lý, tiên tri…
Để ý đến văn thể rất quan trọng, vì mỗi thể văn có một đặc điểm đòi hỏi lối giải nghĩa thích hợp. Chẳng hạn như chúng ta giải nghĩa những lời tiên tri, chúng ta biết các nhà tiên tri là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, truyền đạt những sứ điệp của Đức Chúa Trời. Các tiên tri nói về hiện tại và tương lai, nhưng phần lớn là nói về tương lai, nên chúng ta phải xem những lời tiên tri theo ý nghĩa đó, tức là lời tiên tri có thể ứng nghiệm cho tương lai gần hay cho tương lai xa.
Khi quan sát một phân đoạn Kinh thánh, chúng ta cần lưu ý đến văn thể thuộc loại nào, những chữ hay nhóm chữ được lập lại nhiều lần, những chữ nối kết hay liên từ, những chữ chỉ thời gian, nơi chốn, những chữ trọng tâm.
Yếu tố văn phạm cũng cần đựơc lưu ý đến khi giải nghĩa Kinh thánh. Quý vị cần biết rõ các thành phần trong ngôn ngữ như: danh từ, động từ đại danh từ, tĩnh từ, trạng từ, giới từ, liên từ, thán từ. Điều quan trọng là biết các thành phần liên hệ với nhau trong câu. Bạn không cần biết hết những điểm tinh tế, nhưng phải biết những điều căn bản. Chẳng hạn như khi gặp động từ thì quý vị nên lưu ý là nó ở thì quá khứ, hiện tại hay tương lai.
Giải nghĩa theo văn tự tức là chúng ta tìm ý nghĩa của chữ viết. Chúng ta cần xem xét văn tự theo nghĩa đen, nghĩa bóng. Nhưng đôi lúc chúng ta gặp khó là vì một chữ có nhiều nghĩa và chúng ta không chắc là nghĩa nào nên hiểu trong câu đó, cho nên chúng ta cần lưu ý đến văn mạch.
Đối với những từ ngữ có nghĩa bóng thì chúng ta phải cẩn thận hơn, chữ có nghĩa bóng là chữ hay nhóm chữ dùng để diễn đạt một điều gì khác hơn là nghĩa đen, hay nghĩa tự nhiên của nó. Chúng ta thường dùng những thành ngữ như vậy, như khi chúng ta nói, ‘Anh ta đâm bị thóc, thọc bị gạo,’ chúng ta không có ý nói đến thóc gạo, mà nói đến sự xúi giục chia rẽ. Khi chúng ta nghe Chúa Giê-xu nói “Ta là Đường đi, Chân lý và sự sống.” Từ ngữ “Chúa Giê-xu là Đường đi” không có nghĩa là Ngài là con đường lộ cho chúng ta bước đi, nhưng Chúa Giê-xu là Đấng dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời. Cho nên hiểu đúng nghĩa bóng của các từ ngữ Kinh thánh là điều rất quan trọng, nhất là các ẩn dụ của Chúa giảng dạy về Nước Thiên đàng.
Một điều cần lưu ý nữa là nghĩa của chữ có thể thay đổi theo thời gian, cho nên chúng ta cần tìm ý nghĩa của chữ khi phân đoạn được viết lúc ban đầu. Một điều đáng chú ý thêm là những từ ngữ dùng theo nghĩa thông thường trong dân chúng hay theo nghĩa trong Kinh thánh. Thí dụ như khi quý vị nghe đến chữ ‘người công bình,’ quý vị hiểu thế nào? Có thể quý vị hiểu ngay là người không thiên vị, người ngay thẳng. Đó là một phần ý nghĩa khi Kinh thánh nói Đức Chúa Trời là Đấng công bình. Nhưng khi nói người tin Chúa Giê-xu là công bình hay công chính trước mặt Đức Chúa Trời thì có ý nghĩa đặc biệt, vì người đó được Chúa tha thứ tội lỗi. Do đo, ý nghĩa thông thường của từ ngữ ‘công bình’ không áp dụng ở đây. Tôi có đề nghị là nếu quý vị muốn tìm hiểu chính xác ý nghĩa các từ ngữ Kinh thánh thì tra cứu thêm trong tự điển Kinh thánh.
Gần đây, tiến sĩ David Cooper có lời phát biểu rất hay là: “Khi một lời nói thông thường của Kinh thánh có ý nghĩa, thì đừng nên tìm thêm nghĩa khác. Cho nên cần phải tìm hiểu các lời này trong ý nghĩa nguyên bản, bình thường của văn tự. Trừ khi các dữ kiện trong văn mạch cần được nghiên cứu trong ánh sáng của những phân đoạn liên hệ, để thấy được lẽ thật căn bản hiển nhiên, được bày tỏ cách rõ ràng.”
Nguyên tắc giải nghĩa sau chót để quý vị suy nghĩ thêm là ‘dùng Kinh thánh để giải nghĩa Kinh thánh.’ Nghĩa là khúc sách này soi rọi cho khúc sách kia. So sánh Kinh thánh với Kinh thánh là căn bản cho việc giải nghĩa Kinh thánh. Những câu rõ nghĩa giúp giải thích những câu tối nghĩa. Những câu nghĩa đen giúp soi sáng cho những câu nghĩa bóng. Lịch sử và giáo huấn của Tân ước vén màn bí mật để hiểu những lời tiên tri của Cựu ước.
Việc so sánh phải cẩn thận, không áp dụng một chiều. Ví dụ có người đọc câu “Ai trong các người không bỏ mọi sự mình có thì không được làm môn đồ ta.” (Lu-ca 14:13), rồi đem so sánh với mệnh lệnh Chúa truyền “Hãy bán hết gia tài phân phát cho kẻ nghèo rồi đến đây mà theo ta.” (Lu-ca 18:22), rồi ông ta đem của cải mình ra cho hết, trong khi ông có vợ và các con. Đến khi hết của cải rồi thì sống nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Như thế người này đã so sánh Kinh thánh một cách sai lệch, vì ý nghĩa trong sự dạy dỗ của câu Kinh thánh này là chúng ta đừng để vật chất ngăn cản chúng ta theo Chúa.
Nếu quý vị theo những nguyên tắc khác mà kết quả của lời giải nghĩa đi ngược hay không hòa hợp với toàn bộ Kinh thánh, quý vị phải xét lại lời giải nghĩa của chính mình. Kinh thánh không tự mâu thuẫn, từ đầu chí cuối là một sự mặc khải, đưa ra một sứ điệp về Đức Chúa Trời.
Chúng ta đã thấy một câu hay một khúc Kinh thánh phải được nghiên cứu trong văn mạch của nó, tức là những câu hay phân đoạn trước và sau nó. Nguyên tắc này hàm ý rằng toàn bộ Kinh thánh là văn mạch tối hậu của khúc sách. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy sứ điệp của Thánh kinh về một đề tài nào đó bằng cách nghiên cứu tất cả các đoạn, sách liên hệ đến nó. Nếu chỉ nghiên cứu một vài đoạn, có lẽ chúng ta không thể hiểu được giáo huấn của Kinh thánh.
Cho nên biết toàn thể Kinh thánh sẽ giúp chúng ta tránh hiểu lầm ý nghĩa của từng câu hay từng phân đoạn. Thí dụ như khi đọc sách Ê-phê-sô 3:14, Phao-lô viết: ‘Vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha.’ Chúng ta vội vàng kết luận rằng vì Phao-lô quì gối cầu nguyện, nên Kinh thánh dạy chúng ta phải quì gối khi cầu nguyện. Kết luận đó không đúng với những câu khác cho thấy rằng, đứng hay sấp mình xuống đều là những tư thế cầu nguyện tốt, vì điều làm đẹp lòng Chúa là thái độ của tấm lòng khi cầu nguyện, chớ không phải tư thế của thân thể.
Các tà giáo dường như có thẩm quyền của Kinh thánh vì những người dạy giáo lý đó dùng một số đoạn Kinh thánh hợp với tà thuyết của họ, tuy nhiên họ lại bỏ qua các đoạn khác. Muốn tránh những tà thuyết sai lầm, hay giải nghĩa sai lầm, chúng ta phải dùng sứ điệp của toàn bộ Kinh thánh để kiểm tra lại những điều mình hiểu có đúng không.
Cho nên chúng ta cần đối chiếu những gì Tân ước dạy với Cựu ước, đối chiếu các sách Thơ tín với các sách Tin lành hay Công vụ v.v.. Chúng ta thấy có sự đồng nhất căn bản giữa Cựu ước và Tân ước là: 1- Cả hai đều đến từ Đức Chúa Trời. 2- Cả hai đều bày tỏ một kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời. 3- Kế hoạch đó tập trung trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngoài ra giữa Cựu ước và Tân ước có sự tương phản như: 1- Thời đại cũ và thời đại mới. 2- Giao ước cũ và giao ước mới.
Muốn hiểu biết toàn bộ Kinh thánh quý vị cần có kế hoạch đọc Kinh thánh đều đặn và liên tục trong một năm chẳng hạn. Rồi sau đó cố gắng ghi nhớ và ghi chú những khúc Kinh thánh liên hệ để đối chiếu với nhau khi cần. Sau khi đọc xuyên qua Kinh thánh rồi, quý vị trở lại học từng sách, tôi sẽ trình bày với quý vị thêm việc đọc và học Kinh thánh trong những kỳ tới.
Quý vị thân mến, khi quý vị áp dụng những nguyên tắc giải nghĩa trên, quý vị cần có tấm lòng khát khao tìm kiếm ý nghĩa Lời Chúa và nhờ Đức Thánh Linh của Chúa hướng dẫn để quý vị hiểu đúng. Điều đó sẽ thúc đẩy quý vị học hỏi lời Chúa cách sốt sắng, nhiệt thành, để quý vị có thể nói như vua Đa-vít khi xưa, “Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy.” (Thi 119:97) Tôi mong ước quý vị sớm có được kinh nghiệm phước hạnh này.
Tôi xin trích lời của vua Sa-lô-môn viết trong sách Châm ngôn 10:10 để quý vị suy gẫm: “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khỏi đầu sự khôn ngoan. Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng.”