Bài 38: Gia-Cốp Cưới Lê-A Và Ra-Chên

3791

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Sáng thế ký 29:1-35

                                                

Trước khi tìm hiểu đến Sáng thế ký đoạn 29 này, hãy xem Kinh Thánh trong sách Ga-la-ti 6:7-8, “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời.”

 

Có thể đề tài cho đoạn Kinh Thánh này là “Gieo gì gặt nấy.” Khởi đầu đoạn này, chúng ta thấy Gia-cốp gặt những gì ông gieo trong những việc xấu mình làm. Phân đoạn Kinh Thánh trong sách Ga-la-ti viết cho những Cơ Đốc nhân đầu tiên, nhưng nó trở thành một luật phổ thông của Đức Chúa Trời cho mọi thời đại. Nó là sự thật trong mọi khía cạnh của đời sống. Chúng ta gieo lúa sẽ gặt lúa, gieo bắp sẽ gặt bắp, gieo đậu sẽ gặt đậu.

 

Có nhiều câu chuyện làm nền tảng cho luật này chạy xuyên suốt Kinh Thánh. Thí dụ như, Pha-ra-ôn giết các con trai sơ sinh của người Do Thái và thời gian sau đó chính con trai ông bị thiên sứ giết. Vua A-háp giết Na-bốt, cho chó liếm máu, đoạt lấy đất vườn nho của ông ta. Đức Chúa Trời dùng tiên tri Ê-li đến nói với vua A-háp rằng, chó liếm máu của Na-bốt cũng sẽ liếm máu của vua, và điều đó được ứng nghiệm. Khi đọc qua Kinh Thánh, chúng ta có thể nhớ là luật “Gieo gì gặt nấy” cũng ứng dụng trong đời sống của vua Đa-vít, vua phạm tội giết người đoạt vợ. Sau đó vua ăn năn, Đức Chúa Trời tha thứ, nhưng vua cũng gặt chính những gì vua đã gieo. Sau này con gái của vua bị hãm hiếp và con trai của vua bị giết. Ngay cả Phao-lô cũng bị luật này, trước đây ông điều khiển dân chúng ném đá Ê-tiên chết, sau này chính Phao-lô bị kéo ra ngoài thành Lít-tra và bị ném đá suýt chết.

 

Đời sống của Gia-cốp là một thí dụ điển hình cho luật “Gieo gì gặt nấy.” Gia-cốp sống rất khôn khéo, và ông tự mãn. Ông sống cách lừa dối. Ông hoàn thành được mục đích của mình. Ông tự hào về sự khôn ngoan. Nhưng ông sẽ gặt những gì ông đã gieo.

Khi chúng ta đến đoạn 29 này, nói đến Gia-cốp rời Bê-tên và tiếp tục hành trình của ông. Thời gian sau đó ông đến Cha-ran.

 

GIA-CỐP ĐẾN CHA-RAN

 

Sáng thế ký 29:1-3, “Đoạn, Gia-cốp lên đường, đi đến xứ của dân Đông phương. Người nhìn xem, thấy một cái giếng trong đồng ruộng, gần đó có ba bầy chiên nằm nghỉ, vì nơi nầy là chốn người ta cho các bầy chiên uống nước. Hòn đá đậy trên miệng giếng rất lớn. Các bầy chiên đều hiệp lại đó, rồi họ lăn hòn đá trên miệng giếng ra, cho các bầy uống nước; đoạn, lăn đá lại chỗ cũ, đậy trên miệng giếng.”

 

Chúng ta thấy nước rất quan trọng, cần thiết trong khắp khu vực đó, nó vẫn còn là điều quan trọng thời nay, bởi vì có nhiều nơi bị thiếu nước. Nước cần được bảo vệ, do đó chỉ có một giờ nhất định trong ngày, hòn đá đậy miệng giếng mới được dời đi để mọi người múc nước cho súc vật uống, và cho con người dùng nữa. Sau đó hòn đá được lăn trở lại đậy miệng giếng.

 

Khi Gia-cốp đến nơi này trước khi người ta gom lại, lăn hòn đá đi khỏi miệng giếng. Gia-cốp phô bày khả năng của mình. Sáng thế ký 29:4-8, “Gia-cốp hỏi mấy tay chăn chiên rằng: Hỡi các anh! Các anh ở đâu đây? Bọn đó đáp rằng: Chúng tôi ở Cha-ran đến. Người hỏi: Các anh có biết La-ban, con trai Na-cô, chăng? Đáp rằng: Chúng tôi biết. Lại hỏi: Người đó được mạnh giỏi chăng? Đáp rằng: Người vẫn được mạnh giỏi, và nầy, Ra-chên, con gái người, đương đi đến cùng bầy chiên kia. Ngươi nói: Nầy, trời hãy còn sớm, chưa phải là giờ nhóm hiệp các súc vật; vậy, các anh hãy cho bầy chiên uống nước, rồi thả đi ăn lại đi. Đáp rằng: Chúng tôi làm như vậy chẳng được; phải đợi các bầy hiệp lại đủ hết rồi, bấy giờ mới lăn hòn đá trên miệng giếng ra, cho bầy uống nước được.”

 

Cuộc đối thoại này rất tự nhiên và chân thật, bọn chăn chiên chẳng phải là kẻ ít nói, còn Gia-cốp là người lớn tuổi hơn những người chăn chiên này, nên những kẻ trẻ tuổi phải chờ đợi cho đến khi Gia-cốp đến nói chuyện với họ. Với sự khôn khéo tốt đẹp, Gia-cốp gọi họ là ‘các anh’ đây là danh từ dùng theo nghĩa rộng rãi hơn cho những người cùng một dân tộc, ấy vì tổ tiên của Gia-cốp cũng phát xuất từ giữa dòng dõi họ, vì hai bên vẫn còn nói cùng một ngôn ngữ. Điều thứ nhất mà chàng phải xác nhận là ông đang ở đâu. Giếng nước ở giữa đồng ruộng không phải là một thị trấn, nhưng khi Gia-cốp biết những người chăn chiên này từ đâu đến, thì biết thị trấn gần nhất là gì. Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của Gia-cốp khi họ trả lời “chúng tôi ở Cha-ran đến.” Dầu không bày tỏ lý lịch với những người hoàn toàn xa lạ, song Gia-cốp có thể biết những điều mình cần biết, trong trường hợp họ quen La-ban mà chàng gọi là con trai Na-cô, chớ chẳng gọi là con trai Bê-tu-ên, không còn nghi ngờ chi nữa, chàng gọi danh ông nội của mẹ mình, vì tổ tiên ông được nhiều người biết đến. Tại đây Gia-cốp tìm hỏi được tin tức của bà con mình là gia đình La-ban cậu của ông. 

 

GIA-CỐP GẶP RA-CHÊN

 

Sáng thế ký 29:9-12, “Vả, đương lúc người còn nói chuyện cùng bọn đó, thì Ra-chên dắt bầy chiên của cha nàng đến, vì nàng vốn là người chăn chiên. Khi vừa thấy Ra-chên, con gái La-ban, cậu mình, thì người liền lại gần lăn hòn đá ra khỏi miệng giếng, cho bầy chiên của La-ban, cậu mình, uống nước. Gia-cốp hôn Ra-chên, cất tiếng lên khóc; rồi nói cho nàng biết rằng mình là bà con với cha nàng, tức con trai của Rê-bê-ca. Nàng bèn chạy về thuật lại cho cha hay.”

 

Ra-chên là người chăn chiên, đó là công việc của phụ nữ đương thời của vùng Đông phương. Có một điều đặc biệt cần nhận xét ở đây, Gia-cốp chú ý đến Ra-chên trước hết, rồi mới chú ý đến bầy chiên của La-ban.

 

Chúng ta không biết ai nói Gia-cốp, cho bầy chiên của La-ban uống nước, có lẽ Gia-cốp tự ý làm. Gia-cốp không theo luật nào, ông chỉ theo ý riêng mình. Ông đặt luật riêng và theo luật của mình, đó là giai đoạn đầu của đời sống Gia-cốp. Ông cần phải học bài học lớn và cậu La-ban sẽ là thầy của Gia-cốp.

 

Vừa khi thấy Ra-chên biết là con của cậu mình, thì Gia-cốp hôn nàng và cất tiếng khóc. Thật khó hiểu điều này, nhưng có lẽ chàng trai này vừa qua một hành trình cô đơn xa nhà. Chúng ta cần để ý nhớ rằng, từ Bê-tên đi lên miền bắc, thuộc về xứ Si-ry, hành trình ấy phải xuyên qua sa mạc rất xa. Gia-cốp có nhiều kinh nghiệm trong hành trình này, và có nhiều xúc động. Khi biết cô gái này là người bà con của mẹ mình.

 

Còn bọn chăn chiên thì bây giờ không còn được đề cập tới nữa, Kinh Thánh chẳng có ghi chép họ còn hiện diện khi Gia-cốp hôn Ra-chên hay không, có thể họ còn ở đó. Dầu vậy thực sự đương thời ấy, giữa những người lạ hay chị em hôn nhau là một lối chào thích ứng, song không còn nghi ngờ chi nữa, Ra-chên bị đặt trước một sự hoàn toàn bất ngờ và cũng ngạc nhiên lắm, vì từ trước tới nay nàng chẳng biết chi về lý lịch của chàng trai mạnh mẽ này. Thể thức tự nhiên hơn là giải thính mình là ai, rồi hôn chào. Với thể thức nầy tỏ ra niềm xúc cảm vui sướng đã tràn ngập trong lòng Gia-cốp. Không ai có thể xác định cảm xúc do vui mừng tỏ tường vì thấy em gái họ, và bao nhiêu do tình yêu chớm nở với nàng Ra-chên, có lẽ lúc đó Gia-cốp khó phân tích chính xác tình cảm thật sự trong lòng mình trong lúc ấy. Niềm xúc cảm mạnh mẽ của Gia-cốp được chứng tỏ bởi cái thực sự rằng sau khi hôn Ra-chên, chàng đã cất lên tiếng khóc. Trước đây cũng như bây giờ, đối với người Đông phương, khóc như vậy cũng chẳng phải là một điều xấu hổ hay kém phần trượng phu. Một người ở trong tâm trạng như Gia-cốp khi đi khỏi gia đình mà nay xum hợp lại với những người bà con thân yêu, làm cho chàng cảm động biết bao.     

 

Lưu ý, Gia-cốp xưng mình là con trai của Rê-bê-ca, em gái của La-ban. Người Do Thái và chúng ta ngày nay cho là anh em họ với nhau có sự khác biệt nhiều, nhưng trong thời của Gia-cốp thì hai người bà con được kể nhau như là anh em. Khi Gia-cốp tỏ bày lý lịch của mình với Ra-chên, thì nàng vội vã chạy về báo tin vui cho cha biết, không như Rê-bê-ca sau khi gặp quản gia của Áp-ra-ham thì về báo tin cho mẹ.

 

GIA-CỐP GẶP LA-BAN

 

Sáng thế ký 29:13-15, “Vừa khi nghe nói Gia-cốp, con trai của em gái mình, thì La-ban chạy đến trước mặt người, ôm choàng lấy mà hôn, rồi mời vào nhà. Gia-cốp thuật lại cho La-ban nghe các việc đã xảy qua. La-ban bèn đáp rằng: Thật vậy, cháu là cốt nhục của cậu; rồi Gia-cốp ở một tháng cùng cậu. Đoạn, La-ban nói cùng Gia-cốp rằng: vì cớ cháu là bà con của cậu, cháu giúp công không cho cậu thôi sao? Tiền công bao nhiêu hãy nói cho cậu biết.”

 

Một tháng trôi qua, điều gì đã xảy ra? Gia-cốp là người siêng năng làm việc, lại rất khỏe mạnh, ông là cháu đến từ xa, đến nhà thăm viếng cậu, được cho chỗ ăn ở miễn phí. Trong thời gian này chắc là Gia-cốp đang để ý đến Ra-chên là con của La-ban, và có thể là cô Ra-chên cũng để ý lại. Thử tưởng tượng, vào một buổi ăn chung, La-ban nói với Gia-cốp, vì cớ cháu là bà con của cậu, cháu giúp công không cho cậu thôi sao? Tiền công bao nhiêu hãy nói cho cậu biết. Cậu La-ban là người khôn ngoan hơn, cậu nói rằng xin cháu đừng làm cho cậu cách không công, để cậu trả công cho cháu. Cậu La-ban đang tìm cách thương lượng với cháu mình.

 

Ông nói tiếp, Sáng thế ký 29:16-17, “Vả, La-ban có hai con gái, con lớn tên là Lê-a; con nhỏ tên là Ra-chên. Mắt Lê-a yếu, còn Ra-chên hình dung đẹp đẽ, vẻ mặt tốt tươi.”

 

La-ban đề cập hai con gái mình với Gia-cốp, đó là Lê-a và Ra-chên. Cậu La-ban để ý biết là Gia-cốp đang thích cô em Ra-chên, bởi vì Ra-chên đẹp hơn và ông đã gặp ngay từ khi còn ở ngoài bờ giếng, còn Lê-a thì mắt yếu, không đẹp bằng. Đôi mắt của người nữ rất là quan trọng, chẳng những bày tỏ nét đẹp nhưng cũng bày tỏ tâm tư của họ. Dĩ nhiên là Gia-cốp yêu Ra-chên hơn.

 

GIA-CỐP PHỤC VỤ ĐỂ CƯỚI RA-CHÊN

 

Sáng thế ký 29:18-21, “Gia-cốp yêu Ra-chên nên nói rằng: Vì nàng Ra-chên, con út cậu, tôi sẽ giúp việc trong bảy năm. La-ban trả lời rằng: Thà cậu gả nó cho cháu hơn là gả cho một người khác; hãy ở với cậu. Vậy, Gia-cốp vì Ra-chên, phải giúp việc trong bảy năm: nhưng bởi yêu nàng, nên coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa.”

 

Chúng ta thấy mắt Gia-cốp mở lớn, khi nghe cậu La-ban đề nghị Gia-cốp làm việc cho cậu mình để cưới Ra-chên, vì cậu La-ban đã có những dự tính về điều này. Gia-cốp làm việc cho La-ban cậu mình bảy năm để cưới Ra-chên, ông chấp nhận sự thương lượng này. Chúng ta thấy, Gia-cốp vì yêu Ra-chên nên cố gắng làm việc cách tậm tâm, dầu là trời mưa hay nắng, dầu nóng hay lạnh ông vẫn không màng, vì tâm tư ông chỉ nghĩ đến Ra-chên mà thôi, cho dầu ông làm việc bảy năm mà tưởng như đôi ba bữa.   

 

GIA-CỐP BỊ GẠT CƯỚI LÊ-A

 

Sáng thế ký 29:21-25, “Kế đó, Gia-cốp nói cùng La-ban rằng: Hạn tôi đã mãn rồi; đâu! xin cậu hãy giao vợ tôi lại đặng tôi đến gần cùng nàng. La-ban bèn mời các người trong xóm, bày một bữa tiệc; đến chiều tối, bắt Lê-a, con gái mình, đưa cho Gia-cốp, rồi chàng đến cùng nàng. La-ban lại cắt con đòi Xinh-ba theo hầu Lê-a, con gái mình. Sáng bữa sau, mới biết là nàng Lê-a, thì Gia-cốp hỏi La-ban rằng: Cậu đã đãi tôi cách chi vậy? Có phải vì Ra-chên mà tôi mới giúp việc cho nhà cậu chăng? Sao cậu lừa-gạt tôi?”

 

Bây giờ chúng ta thấy ý đồ của La-ban được thể hiện với Gia-cốp. Vào buổi lễ cưới trong thời đó, người nữ được trùm khăn cách kín đáo, rất khó thấy. Chàng Gia-cốp không thấy được cô dâu cho đến sáng hôm sau, ông mới biết là cô dâu không phải là Ra-chên, mà là Lê-a. Trong phút đó ông mới biết mình bị lừa. Có thể chính lúc này ông nhớ lại việc ông đã lừa gạt cha mình khi ông giả làm anh Ê-sau, vì cớ đó mà ông rời nhà. Chúng ta thấy Đức Chúa Trời không chấp nhận hành động lường gạt của Gia-cốp. Gia-cốp gặt những gì mà ông đã làm. Gia-cốp giả bộ là anh, trong khi Gia-cốp là em. Bây giờ thì sự việc xảy ra thậm tệ cho Gia-cốp. Đối với Gia-cốp thì việc làm của La-ban là một tội trọng, nhưng hãy chú ý là cách La-ban giải quyết, ông rất là khôn khéo.

 

Sáng thế ký 29:26-30, “La-ban đáp rằng: Phong tục ở đây chẳng phải được gả em út trước, rồi chị cả sau. Hãy ở với đứa nầy trọn một tuần đi, rồi ta sẽ gả luôn đứa kia cho; về đứa kia cháu phải giúp công cho cậu thêm bảy năm nữa. Gia-cốp theo lời, ở cùng Lê-a trọn một tuần, rồi La-ban gả Ra-chên con gái mình, cho chàng, và cắt con đòi Bi-la theo hầu Ra-chên con gái mình. Gia-cốp đi lại cùng Ra-chên, thương yêu nàng hơn Lê-a. Vậy, người ở giúp việc nhà La-ban thêm bảy năm nữa.”

 

La-ban nói với Gia-cốp rằng có một vấn đề trong sự thương lượng, mà ông quên chưa nói rõ. Đó là theo phong tục ở đây thì người chị phải lấy chồng trước rồi mới tới cô em, cho nên cậu La-ban mới thương lượng tiếp với Gia-cốp là thôi hãy ở với cô chị Lê-a và sau đó cậu gả luôn cô em Ra-chên, và Gia-cốp phải tiếp tục làm việc cho cậu mình thêm bảy năm nữa. Cậu La-ban được lợi rất nhiều trong sự sắp đặt này, nhưng rất tội nghiệp cho Gia-cốp, vì ông phải làm việc lâu gấp đôi thời gian dự tính ban đầu. Bảy năm cũng khá lâu, nhưng mười bốn năm thì lâu hơn rất nhiều. 

 

La-ban thấy con rể nhượng bộ bất ngờ với địa vị khó khăn mà mình đẩy Gia-cốp vào, tức là dầu sao Gia-cốp cũng bị mọi người chế nhạo gấp hai trong trường hợp chàng đuổi bỏ Lê-a. Thật La-ban là người gian xảo, đánh kinh sợ.

 

Chúng ta thấy tâm trạng của Gia-cốp rất nặng nề vì đã lừa dối cha và anh, lại nghĩ đến sự sầu khổ mà Lê-a chịu nếu trong trường hợp chàng chối bỏ nàng, nên cố ưng thuận điều kiện của La-ban. Tuần sau đó La-ban gả Ra-chên cho Gia-cốp. Gia-cốp không nên lấy hai vợ, vì ông sẽ gặp nhiều khó khăn sau đó. Đừng nghĩ là vì điều này được ghi lại trong Kinh Thánh nên Đức Chúa Trời chấp nhận nó, Ngài không chấp nhận đâu. Có nhiều việc được ghi chép trong Kinh Thánh, nhưng Chúa không chấp nhận hành động sai ấy. Chẳng hạn, Chúa không chấp nhận việc nói dối của Áp-ra-ham, của Y-sác. Nhưng tất cả những lời ký thuật này đều do nơi sự hà hơi của Đức Chúa Trời, chính Ngài là tác giả của Kinh Thánh, Môi-se theo sự soi dẫn của Chúa mà ghi lại chính xác những gì Đức Chúa Trời muốn nói.

 

Thật sự trong Sáng thế ký 29 này ghi lại Gia-cốp có nhiều vợ, nhưng Đức Chúa Trời không chấp nhận cho việc đa thê. Đức Chúa Trời không chấp nhận cho Gia-cốp có nhiều hơn một vợ. Gia-cốp có rất nhiều khó khăn trong gia đình của ông từ giai đoạn này. Tất cả điều này đến với ông bởi chính những gì ông đã làm. Gia-cốp gặt những gì ông đã gieo.

 

Diễn tiến kế tiếp với hai vợ của Gia-cốp, Sáng thế ký 29:31-35, “Đức Giê-hô-va thấy Lê-a bị ghét, bèn cho nàng sanh sản; còn Ra-chên lại son sẻ. Lê-a thọ thai, sanh một con trai, đặt tên Ru-bên; vì nói rằng: Đức Giê-hô-va đã thấy sự cực khổ tôi; bây giờ chồng sẽ yêu mến tôi. Nàng thọ thai nữa và sanh một con trai, đặt tên Si-mê-ôn; vì nói rằng. Đức Giê-hô-va có nghe biết tôi bị ghét, nên cho thêm đứa này. Nàng thọ thai nữa và sanh một con trai; nàng rằng: Lần nầy chồng sẽ dính díu cùng tôi, vì tôi đã sanh cho người ba con trai; bởi cớ đó, đặt tên là Lê-vi. Nàng thọ thai nữa, sanh một con trai, và nói rằng: Lần nầy tôi ngợi khen Đức Giê-hô-va; vì cớ ấy, đặt tên là Giu-đa. Đoạn, nàng thôi thai nghén.”

 

Lê-a là người đau buồn vì Gia-cốp yêu Ra-chên hơn Lê-a, khi bà sanh Ru-bên thì bà có sự vui mừng trong lòng, vì từ đó Gia-cốp thương yêu bà nhiều hơn. Ru-bên là con đầu lòng của Gia-cốp, nhưng ông không phải là dòng dõi dẫn đến sự sanh ra của Đấng Christ, nhưng người con chót của Lê-a là Giu-đa, bà có thêm hai người con nữa là Si-mê-ôn và Lê-vi. Giu-đa là dòng tộc nhà vua. Vua Đa-vít đến từ dòng dõi này. Ru-bên mất địa vị trưởng nam vì tội lỗi của ông. Còn Lê-vi trở thành dòng tộc thầy tế lễ. Lê-a trở thành mẹ của những con trai quan trọng của Gia-cốp.   

 

Trong phân đoạn này chúng ta thấy giai đoạn đầu tiên khi Gia-cốp rời khỏi nhà vì sợ anh mình báo thù vì tội lường gạt. Nhưng khi Gia-cốp đến nhà La-ban cậu mình, ông bị lừa gạt cách khốn khổ. Gia-cốp đã gieo sự lừa gạt thì nay ông lại gặp. Chúng ta phải tránh điều tai hại này trong đời sống mình.

 

Bài trướcBài thứ 181: Đừng Ganh Tỵ
Bài tiếp theoHội Thánh Gia Định Tổ Chức Khám Bệnh, Phát Thuốc, Tặng Quà Tỉnh Cà Mau