Bài 34: Áp-Ra-Ham Qua Đời, Gia-Cốp Và Ê-Sau Được Sanh Ra

2942

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

Sáng thế ký 25:1-34          

 

Hôm nay chúng ta đến đoạn 25 của sách Sáng thế ký, đây là đoạn giữa của sách. Trong đoạn 25 này ký thuật lại sự qua đời của Áp-ra-ham, sự sanh ra hai anh em Ê-sau và Gia-cốp của ông bà Y-sác và Rê-bê-ca. Đồng thời đoạn này cũng nói đến dòng dõi của Ích-ma-ên. Phần cuối của đoạn đề cập đến quyền trưởng nam. Đây là phân đoạn liên quan đến nhiều vấn đề, và có nhiều điều thích thú cho chúng ta tìm hiểu.

 

ÁP-RA-HAM CƯỚI NÀNG KÊ-TU-RA

 

Sáng thế ký 25:1-6, “Áp-ra-ham cưới một người vợ khác, tên là Kê-tu-ra. Người sanh cho Áp-ra-ham Xim-ram, Giốc-chan, Mê-đan, Ma-đi-an, Dích-bác và Su-ách. Giốc-chan sanh Sê-ba và Đê-đan; con cháu của Đê-đan là họ A-chu-rim, họ Lê-tu-chim và họ Lê-um-mim. Con trai của Ma-đi-an là Ê-pha, Ê-phe, Ha-nóc, A-bi-đa và En-đa. Các người trên đây đều là dòng dõi của Kê-tu-ra. Áp-ra-ham cho Y-sác hết thảy gia tài mình; còn cho các con dòng thứ những tiền của; rồi, khi còn sống, người sai họ qua đông phương mà ở, cách xa con dòng chánh, là Y-sác.”

 

Sau khi Sa-ra qua đời, Áp-ra-ham cưới nàng Kê-tu-ra, ông có gia đình lớn hơn. Có người nêu nghi vấn là sau khi sanh Y-sác thì chắc là Áp-ra-ham không còn khả năng có con nữa. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn còn ban cho ông khả năng có thêm con cái. Chúng ta thấy rằng đó là ấn chứng công việc của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Cho nên chúng ta thấy qua bản ký thuật này Áp-ra-ham có thêm con cái, sau khi Y-sác được sanh ra.

 

Có một điều chúng ta cần lưu ý rằng, có hai trong số sáu con trai Áp-ra-ham do nàng Kê-tu-ra sanh ra sau này cũng trở thành hai quốc gia. Đó là Mê-đan và Ma-đi-an. Con cháu của dòng tộc Ma-đi-an sau này được Kinh Thánh đề cập đến. Chúng ta thấy là sau này Môi-se đi đến xứ Ma-đi-an và cưới vợ ở đó. Xin nhớ, dòng tộc này cũng là con cháu của Áp-ra-ham. Chúng ta thấy dầu Áp-ra-ham có thêm một dòng con nữa từ người vợ Kê-tu-ra, nhưng Chúa vẫn luôn minh xác rằng chỉ có dòng dõi của Y-sác mới được kể là hậu tự của Áp-ra-ham, trong khi con cái từ những con trai khác không được kể vào, họ là những dòng tộc sống du mục trong sa mạc.      

 

ÁP-RA-HAM QUA ĐỜI

 

Sáng thế ký 25:7-11, “Áp-ra-ham hưởng thọ được một trăm bảy mươi lăm tuổi; 8  người tuổi cao tác lớn và đã thỏa về đời mình, tắt hơi, được qui về nơi tổ tông. 9  Hai con trai người, Y-sác và Ích-ma-ên, chôn người trong hang đá Mặc-bê-la tại nơi đồng của Ep-rôn, con trai Sô-ha, người Hê-tít, nằm ngang Mam-rê. Ấy là cái đồng mà lúc trước Áp-ra-ham mua lại của dân họ Hếch; nơi đó họ chôn Áp-ra-ham cùng Sa-ra, vợ người. Sau khi Áp-ra-ham qua đời, Đức Giê-hô-va ban phước cho Y-sác con trai người. Y-sác ở gần bên cái giếng La-chai-Roi.”

 

Khi Áp-ra-ham qua đời có Ích-ma-ên về dự lễ an táng, dầu sao đi nữa thì Áp-ra-ham vẫn là cha của mình. Vì thế, Y-sác và Ích-ma-ên hiệp nhau lo chôn cất Áp-ra-ham. Sau đó Y-sác dời về ở La-chai-roi, nơi mà lần đầu ông gặp Rê-bê-ca.

 

DÒNG DÕI CỦA ÍCH-MA-ÊN

 

Sáng thế ký 25:12-18, “Đây là dòng dõi của Ích-ma-ên, con trai của Áp-ra-ham, do nơi nàng A-ga, người Ê-díp-tô, con đòi của Sa-ra, đã sanh. Và đây là tên các con trai của Ích-ma-ên, sắp thứ tự theo ngày ra đời: Con trưởng nam của Ích-ma-ên là Nê-ba-giốt; kế sau Kê-đa, At-bê-ên, Mi-bô-sam, Mích-ma, Đu-ma, Ma-sa, Ha-đa, Thê-ma, Giê-thu, Na-phích, và Kết-ma. 16  Đó là các con trai của Ích-ma-ên và tên của họ tùy theo làng và nơi đóng trại mà đặt. Ấy là mười hai vị công hầu trong dân tộc của họ. Ích-ma-ên hưởng thọ được một trăm ba mươi bảy tuổi, rồi tắt hơi mà qua đời, được qui về nơi tổ tông. Dòng dõi người ở trước mặt anh em mình, từ Ha-vi-la cho đến Xu-xơ, đối ngang Ê-díp-tô, chạy qua A-si-ri.

 

Chúng ta thấy là Đức Thánh Linh dẫn dắt trong sự ký thuật dòng tộc của Ích-ma-ên và sau đó không đề cập đến nữa, vì dòng tộc của ông bị Đức Chúa Trời khước từ. Sau đó đề cập đến dòng tộc dẫn đến sự sanh ra Đấng Christ, đó là dòng tộc của Y-sác.

 

Ê-SAU VÀ GIA-CỐP ĐƯỢC SANH RA

 

Sáng thế ký 25:19-26, “Đây là dòng dõi của Y-sác, con trai Áp-ra-ham. Áp-ra-ham sanh Y-sác. Vả, khi Y-sác được bốn mươi tuổi, thì cưới Rê-bê-ca, con gái của Bê-tu-ên và em gái của La-ban, đều là dân A-ram, ở tại xứ Pha-đan-A-ram. Y-sác khẩn cầu Đức Giê-hô-va cho vợ mình, vì nàng son sẻ. Đức Giê-hô-va cảm động lời khẩn cầu đó, nên cho Rê-bê-ca thọ thai. Nhưng vì thai đôi làm cho đụng nhau trong bụng, thì nàng nói rằng: Nếu quả thật vậy, cớ sao đều nầy xảy đến làm chi? Đoạn nàng đi hỏi Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va phán rằng: Hai nước hiện ở trong bụng ngươi, và hai thứ dân sẽ do lòng ngươi mà ra; dân nầy mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục đứa nhỏ. Đến ngày nàng phải sanh nở, nầy hai đứa sanh đôi trong bụng nàng ra. Đứa ra trước đỏ hồng, lông cùng mình như một áo tơi lông; đặt tên là Ê-sau. Kế em nó lại ra sau, tay nắm lấy gót Ê-sau; nên đặt tên là Gia-cốp. Khi sanh hai đứa con nầy thì Y-sác đã được sáu mươi tuổi.”

 

Đây là dòng dõi mà chúng ta đi theo: Áp-ra-ham sanh Y-sác và Y-sác sanh Gia-cốp, điều này được ghi trong đoạn thứ nhất của sách Ma-thi-ơ. Những tổ phụ này có nhiều con trai, nhưng dòng dõi của các con trai khác không được đề cập đến trong gia phả, như con cái của Ích-ma-ên, Mê-đan, Ma-đi-an, chỉ thỉnh thoảng mới được nhắc đến. Còn dòng dõi của Y-sác được tiếp tục luôn.  

 

Rê-bê-ca cũng giống như Sa-ra là người son sẻ. Nhưng Y-sác cầu khẩn với Đức Giê-hô-va thì Rê-bê-ca có thai và sanh đôi. Sự tranh chấp của hai con trai này khởi sự trước khi họ được sanh ra. Điều này biểu tượng cho sự tranh chiến trong thế gian hiện nay. Đó là sự tranh chiến giữa sự sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa Thánh Linh và xác thịt. Mỗi con cái Đức Chúa Trời đều biết sự tranh chiến này mà sứ đồ Phao-lô nói trong sách Rô-ma đoạn 7.

 

Bà Rê-bê-ca không hiểu sự tranh chấp mà nó đang xảy ra với bà, bà đến và hỏi Chúa câu hỏi, “Tại sao có điều nầy xảy đến cho tôi?” Chúa báo trước cho bà biết có song thai, và hai đứa con trong bụng sẽ thành hai quốc gia. Đức Chúa Trời công bố trước với bà đứa con lớn sẽ phục dịch đứa nhỏ. Bà Rê-bê-ca và con trai Gia-cốp tin điều này.

 

Tên của Ê-sau có nghĩa là đỏ, bởi vì nó được sanh trước nên được làm anh, nhưng về sau người anh lại phục dịch cho em.

 

Y-sác và Rê-bê-ca lập gia đình 20 năm mới có con. Con lớn là Ê-sau, hay còn gọi là ‘Đỏ.’ Dầu Gia-cốp ra sau nhưng lại nắm gót anh mình, vì muốn làm anh lớn, và Đức Chúa Trời đã báo trước việc đó.

 

Ê-SAU BÁN QUYỀN TRƯỞNG NAM

 

Sáng thế ký 25:27, “Khi hai đứa trai nầy lớn lên, thì Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thường giong ruổi nơi đồng ruộng; còn Gia-cốp là người hiền lành cứ ở lại trại.”

 

Chúng ta thấy sự lớn lên của hai con trai này trong gia đình của họ. Đây là hai anh em sanh đôi nhưng họ rất khác biệt nhau. Họ tranh chiến với nhau trong bụng mẹ, và chúng cũng tiếp tục chống đối lẫn nhau sau khi chào đời. Hai người này rất khác biệt nhau về nhận thức và quan điểm sống. Sự suy nghĩ và thái độ của họ cũng khác biệt nữa. Phải công nhận rằng, lúc đầu khi mới nghe biết thì Ê-sau có nhiều hấp dẫn hơn Gia-cốp. Nhưng chúng ta không thể đoán biết được một người bởi những dấu hiệu bên ngoài. Chúng ta phải nhận xét những gì mà một người có bên trong đời sống của họ. Chúng ta sẽ học biết việc đó trong trường hợp đặc biệt này.

 

Khi hai con trai của Y-sác và Rê-bê-ca lớn lên, Ê-sau trở nên một thợ săn, đi giong ruổi bên ngoài, giống như những người thích thể thao, thích vận động cơ thể. Ê-sau không có sự hiểu biết, không có khả năng và không có ham muốn những điều thuộc linh. Ê-sau chỉ thích những điều thuộc về vật chất. Ông biểu tượng cho con người của xác thịt.

 

Trong khi Gia-cốp là người hiền lành. Cậu ta ở trong nhà với mẹ. Gia-cốp làm tất cả những gì mẹ ông bảo làm. Vì thế Gia-cốp là con trai của mẹ. Trong khi Ê-sau là con của cha.

 

Như trong Sáng thế ký 25:28, “Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp.”

 

Đó là vấn đề khó khăn trong gia đình. Trong hoàn cảnh như thế cho nên họ mới có sự lộn xộn. Khi mà cha theo phe một đứa con này, còn mẹ theo phe của đứa con khác, dẫn tới sự khó khăn xảy ra trong gia đình của Y-sác và Rê-bê-ca.

 

Y-sác thương Ê-sau vì ông thích ăn thịt rừng, bởi vì mỗi khi Ê-sau đi săn đều kiếm thịt đem về cho cha. Y-sác thích lắm, ông yêu mến con trai đi săn. Còn Rê-bê-ca thương Gia-cốp vì cậu ta theo phe của mẹ, thường ngày ở với mẹ.

 

Như đã nói trước đây, khi mới nhìn hay mới nghe biết thì Ê-sau có nhiều đặc điểm thu hút hơn Gia-cốp, có thể là Ê-sau đẹp trai hơn. Cậu trai Gia-cốp mưu mẹo, và cố gắng khôn khéo hơn. Cho nên cậu trai Gia-cốp không ngần ngại làm bất cứ điều gì, ngay cả những điều không đúng. (Đức Chúa Trời sửa phạt ông điều này, trong thời gian sau đó). Có điều chúng ta để ý là Ê-sau có nhiều sự hấp dẫn bên ngoài, nhưng thật bên trong của ông không làm được những gì Chúa muốn nơi ông. Ông chỉ là một người bình thường như mọi người khác trong thế gian, ông chỉ nghĩ đến những việc thuộc về thể chất và sống theo xác thịt.

 

Còn tận bên trong con người của Gia-cốp có lòng mong muốn những điều thuộc linh. Đức Chúa Trời phải tốn nhiều thời gian để cải sửa và cất bỏ những điều không tốt của Gia-cốp để cuối cùng những đức tính thuộc linh của đời sống Gia-cốp được thể hiện. Chúng ta sẽ tìm hiểu về đời sống của Gia-cốp trong suốt phần còn lại của sách Sáng thế ký này. Chúng ta thấy Gia-cốp là người của Đức Chúa Trời, dẫu rằng ông thể hiện điều này rất trễ, vào lúc cuối cuộc đời.

 

Bây giờ chúng ta thấy sự việc xảy ra trong gia đình này liên hệ đến quyền trưởng nam, mà cả cha và mẹ đều thiên vị, làm cho vấn đề thêm khó khăn và đối nghịch, làm cho gia đình của họ không có sự vui vẻ.

 

Sáng thế ký 25:29-32, “Một ngày kia, Gia-cốp đương nấu canh, Ê-sau ở ngoài đồng về lấy làm mệt mỏi lắm; liền nói cùng Gia-cốp rằng: Em hãy cho anh ăn canh gì đỏ đó với, vì anh mệt mỏi lắm. Bởi cớ ấy, người ta gọi Ê-sau là Ê-đôm. Gia-cốp đáp rằng: Nay anh hãy bán quyền trưởng nam cho tôi đi. Ê-sau đáp rằng: Nầy, anh gần thác, quyền trưởng nam để cho anh dùng làm chi?”

 

Sự việc này xảy ra tỏ bày bản tánh của hai người con trai. Ê-sau ở ngoài đồng trở về, ông thường đi ra ngoài, ông mỏi mệt và đói bụng. Nhưng không phải là người sắp chết đói, vì không ai trong gia đình giàu có của Áp-ra-ham chết đói cả, ngay đến các gia nhân, tôi tớ cũng có thức ăn no đủ. Nhưng có thể là ngay giờ phút Ê-sau từ ngoài đồng trở về không có đồ ăn nấu sẵn. Trong khi Gia-cốp đang làm bánh và nấu canh phạn đậu. Gia-cốp là người thường ở trong nhà, và có lẽ là người nấu ăn giỏi.

 

Ê-sau nói cùng Gia-cốp rằng: Em hãy cho anh ăn canh gì đỏ đó với, vì anh mệt mỏi lắm. Bởi cớ ấy, người ta gọi Ê-sau là Ê-đôm. Khi nghe Ê-sau yêu cầu ăn canh phạn đậu đỏ, thì Gia-cốp nắm lấy ngay cơ hội. Gia-cốp là người mưu lược và ông muốn quyền trưởng nam, nên nói cùng Ê-sau rằng: ‘Nay anh bán quyền trưởng nam cho tôi đi.’

 

Xin chúng ta cùng nhau tìm hiểu về giá trị của quyền trưởng nam và ý nghĩa của nó thế nào. Người có quyền trưởng nam sẽ trở thành chủ của gia đình, và thầy tế lễ cho gia đình. Trong gia đình đặc biệt của Y-sác là dòng tộc dẫn đến sự ra đời của Đấng Christ. Ê-sau có nghĩ đến giá trị của những việc này không? Gia-cốp biết là anh Ê-sau không để ý đến quyền trưởng nam, và không cho đó là vai trò quan trọng, và không muốn làm thầy tế lễ cho gia đình. Trong khi Gia-cốp muốn hết những điều này.

 

Trong thời của chúng ta ngày nay có nhiều người không muốn những điều thuộc linh, ngay cả họ không bày tỏ một cảm xúc về các vấn đề thiêng liêng.

 

Đó chính là con người của Ê-sau. Ông không muốn những điều thuộc về thiêng liêng, ông không muốn quyền trưởng nam. Ông không muốn ở trong dòng tộc dẫn đến sự giáng sanh của Đấng Christ.

 

Còn Gia-cốp thấy giá trị quý báu của quyền trưởng nam, và tìm cách để có được. Trong khi Ê-sau sẵn sàng đổi bán. Ê-sau đổi quyền trưởng nam của mình chỉ lấy một tô canh đậu đỏ. Gia-cốp nhận liền.

 

Xin chúng ta nhớ rằng Gia-cốp làm một việc sai. Dầu Đức Chúa Trời đã hứa là người anh sẽ phục dịch người em. Và quyền trưởng nam sẽ đến với Gia-cốp trong thời điểm Chúa sắp đặt, nhưng Gia-cốp không kiên nhẫn chờ đợi, ông tìm cách lấy những gì mà Chúa hứa. Gia-cốp là người khôn khéo, mưu lược. Ông nên chờ đợi Đức Chúa Trời ban cho những gì Ngài hứa. 

 

Gia-cốp hành động trên nền tảng của những gì ông có thể làm cho chính mình. Ông nghĩ là tự ông có thể làm mà không cần chờ đợi sự thực hiện của Đức Chúa Trời. Ông nghĩ rằng mình có thể thực hiện công việc theo khả năng chính mình. Trong giai đoạn đầu ông làm nhiều điều mà thế gian này đo lường nhiều về ông. Cho đến khi Gia-cốp qua nhà của cậu La-ban, tại đó ông học những bài học khó khăn. Nhưng Gia-cốp vẫn là con người hành động khôn khéo, luôn cố gắng đạt những gì ông muốn.

 

Sáng thế ký 25:33-34, “Ê-sau đáp rằng: Nầy, anh gần thác, quyền trưởng nam để cho anh dùng làm chi? Gia-cốp đáp lại rằng: Anh hãy thề trước đi. Người bèn thề; vậy, người bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp.”

 

Chúng ta thấy là Ê-sau khinh quyền trưởng nam, vì ông chỉ nhận một tô canh đậu. Ông bỏ quyền trưởng nam vì nó không có ý nghĩa gì đối với ông. Ông không quan tâm những điều thuộc lin.

 

Mong ước chúng ta đừng giống như Ê-sau, thiếu đi lòng ham mến các sự thiêng liêng.

 

Một trong những dấu hiệu của Cơ Đốc nhân thật là người mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời nhận sự dạy bảo và dẫn dắt.

 

Xin Chúa cho chúng ta ham thích những điều thuộc về trời, như lời sứ đồ Phao-lô nhắc nhở, trong sách Cô-lô-se 3:1-2, “Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.  Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất.”

 

 

Bài trướcBài 34: Ý Nghĩa Các Của Lễ (tt)
Bài tiếp theoBài thứ 107: Chúa Thấu Hiểu