Bài 34: Ý Nghĩa Các Của Lễ (tt)

3272

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Trong bài nầy, chúng ta sẽ tìm hiểu thế nào Đức Chúa Trời chỉ thị cho dân sự của Ngài phải cung cấp các nhu cầu cho thầy tế lễ, là những người lãnh đạo thuộc linh. Những chỉ thị nầy là nguyên tắc căn bản của việc cung lương cho các tôi tớ Chúa ngày nay. Lê-vi-ký 7:32-35 khi nói về các của lễ mà dân sự dâng lên , Chúa phán,

 

“Các ngươi cũng sẽ cho thầy tế lễ cái giò hữu về của lễ thù ân đặng làm của lễ giơ lên.  Còn ai trong vòng các con trai A-rôn dâng huyết và mỡ của con sinh tế thù ân, thì sẽ được phần cái giò hữu. Vì trong những của lễ thù ân của dân Y-sơ-ra-ên ta lấy cái o mà họ đưa qua đưa lại trước mặt ta, và cái giò mà họ dâng giơ lên, đặng ban cho thầy tế lễ A-rôn và các con trai người, chiếu theo luật lệ đời đời mà dân Y-sơ-ra-ên phải giữ theo.”

 

 Đây là nguyên tắc căn bản được thiết lập rất sớm trong Kinh thánh về việc cung lương cho những người hầu việc Chúa.

 

Bước qua tiêu đề “tôi tớ Chúa”, chữ rất quan trọng được tìm thấy ở đây là chữ “xức dầu.” Thầy tế lễ là những người được Chúa xức dầu. Công tác của Chúa Thánh linh được diễn tả qua các giới từ đi kèm theo. Giới từ là những chữ được dùng trước danh từ như: trên, dưới hoặc trong… tức Thánh Linh thi hành những phép lạ kỳ diệu TRONG chúng ta. Giới từ TRONG được dùng rất nhiều lần trong Kinh thánh khi đề cập về công tác của Đức Thánh Linh. Nhưng đặc biệt trong sách Công vụ các sứ đồ, Đức Thánh Linh thi hành những việc quyền năng cả thể TRÊN chúng ta. Giới từ TRÊN thường được dùng trong sách Công vụ các sứ đồ. Ví dụ, “Ân sủng TRÊN họ” hoặc “Các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép sau khi Đức Thánh Linh giáng TRÊN các ngươi.” Đây chính là ý nghĩa của việc xức dầu bởi Chúa Thánh linh. Công tác phục vụ Chúa luôn luôn đi đôi với việc được xức dầu. Chúng ta sẽ không thể nào phục vụ Chúa cho đến khi Đức Thánh Linh đến trên chúng ta. Điều gì chứng tỏ rằng, Chúa Thánh Linh đang hành động TRONG chúng ta? Đó chính là “bông trái của Thánh linh”: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục … Nhưng có một điểm chúng ta cần phân biệt về chứng cớ Đức Thánh Linh đang làm việc TRÊN chúng ta, đó là “Ân tứ của Thánh linh.” Tân ước đề cập đến 21 ân tứ như vậy. Đồng thời, Thánh linh cũng hành động giữa vòng chúng ta. Lời Chúa chép rằng, “Nơi nào có hai ba người nhóm nhau lại thì có ta ở giữa”.  Vậy, Đức Thánh Linh hành động trong chúng ta, trên chúng ta và giữa vòng chúng ta.

 

Những giới từ nầy mô tả những khía cạnh khác nhau trong công tác của Đức Thánh Linh. Ngay trong thời Cựu ước, thầy tế lễ thượng phẩm đã kinh nghiệm sự  xức dầu, hay việc Đức Thánh Linh giáng trên họ. Đây không phải là một ý niệm thuộc về Tân ước. Ý niệm nầy đi từ Cựu ước đến Tân ước. Thầy tế lễ là người được xức dầu; và để chứng tỏ điều đó, họ phải bôi huyết trên lỗ tai, trên bàn tay và trên ngón chân . Ý nghĩa hình bóng của điều nầy rất sâu sắc. Việc lỗ tai được bôi huyết có nghĩa gì? Chúa muốn phán với thầy tế lễ rằng, “Ngươi là người thánh. Ngươi sẽ hướng dẫn dân sự nầy trở nên một dân tộc thánh. Do đó, ngươi không thể sống như một người phàm tục. Ngươi đã được xức dầu, ngay cả mọi điều ngươi nghe cũng phải được xức dầu bởi Đức Thánh Linh.” Điều nầy có làm cho chúng ta kinh ngạc không? Ngày nay, chúng ta nghe quá nhiều điều bẩn thỉu. Một người được biệt riêng cho Đức Chúa Trời không nên nghe những điều không được xức dầu bởi Đức Thánh Linh. Thật là một thách thức lớn cho chúng ta. Ngày xưa, họ không đọc nhiều như chúng ta. Phần lớn không thể đọc được. Bởi vậy, việc nghe được nhấn mạnh. Nghe Lời Đức Chúa Trời hoặc nghe bất cứ điều gì được xức dầu.

 

Bàn tay nói đến công việc làm. Mọi việc làm cần được xức dầu. Bàn chân chỉ về sự đi lại. Nơi chốn đi đến cần được xức dầu bởi Đức Chúa Trời. Thật là một biểu tượng rất hay.

 

Trong Tân ước, khi Chúa Giê-xu chữa lành cho người phung, Ngài luôn luôn nói với họ rằng, “Hãy đi trình diện thầy tế lễ .” Tại sao Chúa bảo như vậy? Bởi vì sách Lê vi ký có chỉ thị về vấn đề nầy. Bịnh phung là một căn bịnh ghê tởm thời bấy giờ. Phần lớn bịnh phung đều lây lan, nên người mắc bịnh phung phải bị cách ly. Đời sống họ thật buồn thảm. Ngày nào còn mang bịnh phung, họ phải hô to lên khi có ai đó đến gần, “Ô uế, Ô uế”. Nghe như vậy, người ta sẽ chạy để tránh xa người phung. Thử tưởng tượng nỗi cô đơn buồn thảm mà họ phải gánh chịu là thể nào. Chúa đã chỉ thị cho Môi-se về việc người phung được chữa lành. Việc người phung được chữa lành không phải là phổ thông, nhưng không phải là không có trong thời Cựu ước. Đức Chúa Trời làm được mọi sự. Chúa có quyền năng để chữa lành, và Ngài đã chữa lành trong thời Cựu ước. Na-a-man là một trường hợp điển hình. Trong Tân ước, Đức Chúa Trời chữa lành qua Chúa Giê-xu.

 

Một người được chữa lành bịnh phung, họ không được về ngay với gia đình, bạn hữu và tham gia mọi sinh hoạt nơi thôn làng mình đang sống; nhưng trước hết, họ phải đi trình diện thầy tế lễ . Chương 14 của sách Lê vi ký chép về nghi thức mà thầy tế lễ phải làm để tuyên bố một người được chữa lành khỏi bịnh phung. Sau đó, người lành bệnh được trở về và giao thiệp với mọi người. Nghi thức nầy đòi hỏi các món như sau:

 

“Hai con chim sống và tinh sạch, cây hương nam, dây màu đỏ sặm và chậu sành.”

 

Để tuyên bố người phung được lành họ cần 2 con chim. Thầy tế lễ sẽ giết con chim thứ nhất trên chậu sành đầy nước, mà nước nầy phải được lấy từ dòng suối chảy. Khi giết chim thứ nhất, ông để huyết của chim nhỏ trên chậu nước; sau đó, nhận chìm trong chậu sành. Xong, ông dùng sợi dây buộc mảnh cây hương nam vào con chim thứ nhì, nhúng nó xuống chậu có huyết của con chim thứ nhất. Ông dùng một nhánh cây, nhúng vào trong chậu có huyết mà rảy bảy lần trên người phung.

 

Chúa đã dạy chúng ta ý nghĩa quí báu qua nghi thức nầy. Sau khi thầy tế lễ nhúng con chim thứ hai đã được buộc với mảnh cây hương nam bằng sợi dây màu đỏ sậm vào trong chậu có huyết, ông thả con chim nầy để nó bay đi vào đồng vắng. Điều nầy có ý nghĩa gì không? Đây là một trong những hình bóng rất hay về Tin lành của Chúa Giê-xu Christ được tìm thấy trong Lê vi ký.

 

Trước tiên, những điều nầy có ý nghĩa cho người phung. Nước ngụ ý rằng, người bệnh đã được rửa sạch. Cây hương nam là một loại dùng cùng với chùm Kinh giới trong việc tẩy sạch, ngụ ý người phung đã hoàn toàn được tẩy sạch và chữa lành. Con chim thứ nhì được thả bay tự do; ngụ ý mọi điều ô uế, tội lỗi đã được mang đi xa và người phung không còn phải sống trong cách ly nhưng từ nay được tự do.

 

Bên cạnh ứng dụng dành cho người bị phung, chúng ta còn tìm thấy ứng dụng đối với Tin lành của Chúa Giê-xu Christ. Con chim bị giết trong chậu sành là một hình bóng rất hay về việc Chúa Giê-xu đã hiện thân làm người, và chịu chết trên thập tự giá. Con chim thứ hai được buộc mảnh cây hương nam bằng sợi dây đỏ sậm và nhúng vào trong chậu có nước lẫn máu; rồi sau đó, được thả bay tự do chỉ  về sự mọi điều ô uế đã được mang đi, và người đó được giải phóng hoàn toàn trong Chúa Giê-xu Christ.

 

Theo Tân ước, có hai sự kiện quan trọng của Tin lành đó là sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu Christ. Sự chết của Chúa Giê-xu Christ chỉ là một nửa của Tin lành. Sự phục sinh là phân nửa còn lại. Sự chết của Chúa Giê-xu cho thấy làm thế nào chúng ta được tha thứ. Sự sống lại của Ngài cho thấy làm thế nào chúng ta có mối thông công với Cứu Chúa Phục sinh, được toàn cứu bởi quyền năng chữa lành thiên thượng của Ngài. Hai sự kiện quan trọng của Tin lành được hình bóng qua nghi thức thanh tẩy người phung được lành trong Lê vi ký chương 14.

 

Những chương cuối của sách Lê vi ký ghi lại những bài giảng tuyệt vời của Môi-se. Điều nầy cũng tìm thấy tương tự như trong sách Phục truyền luật lệ ký. Lê vi ký đoạn 26 chép:

 

Nếu các ngươi tuân theo luật pháp ta, gìn giữ các điều răn ta và làm theo, thì ta sẽ giáng mưa thuận-thì, đất sẽ sanh hoa lợi, và cây ngoài đồng sẽ kết bông trái. Mùa đập lúa sẽ lần đến mùa hái nho, mùa hái nho sẽ lần đến mùa gieo mạ; các ngươi sẽ ăn no, ở bình yên trong xứ mình. Ta sẽ giáng sự bình tịnh trong nước, các ngươi ngủ không sợ ai dọa; ta sẽ diệt những loài thú dữ khỏi xứ, gươm giáo chẳng đưa qua xứ các ngươi. Các ngươi đuổi theo quân nghịch, họ sẽ bị gươm sa ngã trước mặt các ngươi. Năm người trong các ngươi sẽ đuổi theo một trăm; một trăm trong các ngươi sẽ đuổi theo một muôn, và quân nghịch sẽ bị gươm sa ngã trước mặt các ngươi. Ta sẽ đi giữa các ngươi, và các ngươi sẽ làm dân ta.

 

Đây là nội dung bài giảng của Môi-se, ông khuyến cáo dân sự vâng giữ lời Chúa và mô tả phước hạnh khi họ tuân thủ lời Ngài. Đồng thời, những lời cảnh cáo cũng thật hết sức nghiêm trọng.

 

Song nếu các ngươi không nghe ta, không làm theo các điều răn nầy, nếu khinh bỉ mạng lịnh ta, và tâm hồn các ngươi nghịch cùng luật pháp ta, đến nỗi không làm theo những điều răn ta, mà bội sự giao ước ta, thì nầy là những điều ta sẽ giáng cho các ngươi: Ta sẽ giáng cho các ngươi sự kinh khủng, bịnh tổn và rét làm hư mòn con mắt và nhọc mệt tâm hồn. Các ngươi gieo mạ luống công, quân thù nghịch sẽ ăn hết. Ta sẽ nổi giận cùng các ngươi; các ngươi sẽ bị quân thù nghịch đánh đập; kẻ nào ghét các ngươi sẽ lấn lướt các ngươi, và các ngươi sẽ chạy trốn không ai đuổi theo. Ta sẽ tản lạc các ngươi trong các dân và rút gươm ra đuổi theo sau các ngươi: xứ các ngươi sẽ hoang vu, thành sẽ vắng vẻ. Còn ai trong các ngươi sống sót lại, ta sẽ làm cho họ nhát gan trong xứ của thù nghịch mình; tiếng lá khua sẽ làm cho họ chạy trốn, khác nào chạy trốn trước lưỡi gươm, té ngã mà không ai đuổi theo.

 

Phần trên bao gồm lời khuyến cáo lẫn tiên tri, vì Đức Chúa Trời nói trước những gì sẽ xảy ra cho dân Y sơ ra ên. Chúng ta sẽ thấy điều nầy khi đến các sách lịch sử trong Cựu ước. Khi họ vâng lời Đức Chúa Trời, Chúa xuống phước cho họ. Ngược lại, khi bất tuân họ bị giáng họa. Khi họ vâng lời Chúa, họ chiến thắng quân thù tại Canaan cách vẻ vang. Nhưng khi không vâng lời, họ bị thảm bại; và cuối cùng, là bị mất nước, bị đày đi làm nô lệ.

 

Khi quan sát sách Lê vi ký, chúng ta thấy có đủ thứ luật cho người Y sơ ra ên vì họ là tuyển dân thánh. Một số điều liên quan đến việc ăn uống. Nếu nghiên cứu về khoa dinh dưỡng, chúng ta càng thấy giá  trị của các điều luật nầy. Bác sĩ MacMillan người viết cuốn sách nhan đề “Không Mang Những Mầm Bịnh” đã nói rằng, nếu Môi-se không nhận sự mặc khải nào từ nơi Chúa thì ông đã đi trước y khoa hằng mấy trăm năm. Ông biết về sự khử trùng; ông biết là không được đụng chạm người bịnh hoặc người chết nếu không kỳ rửa sạch sẽ… Trong sách Xuất Ê díp tô ký, Môi-se viết rằng, dân sự của Đức Chúa Trời sẽ không mang những bịnh tật nầy nếu họ tuân giữ các luật lệ về ăn uống.

 

Sách Lê vi ký cũng cấm ngặt hiện tượng đồng tính luyến ái. Đồng tính luyến ái bị nghiêm cấm trong cả Kinh Thánh. Nó đi ra ngoài kế hoạch của Đức Chúa Trời, vì Chúa muốn người nam và người nữ kết hiệp với nhau để đóng vai trò làm cha làm mẹ, sinh sản con cái. Rồi đến lượt con cái của họ cũng đi theo chu kỳ đó mà sinh ra những thế hệ tiếp theo. Hai người đồng tính luyến ái có thể giải quyết các nhu cầu cho nhau, nhưng không thể xem họ là một gia đình bình thường. Môi-se lên án nặng nề việc đồng tính luyến ái. Cũng trong Lê vi ký, Môi-se lên án phù thủy, ma thuật, bói toán và những điều khác tương tự. Các điều luật nầy là nghiêm nhặt vì dân Y sơ ra ên là một dân thánh. Thánh khiết là trọng tâm của Lê vi ký.

 

 

Bài trướcBài thứ 106: Trong Bàn Tay Chúa
Bài tiếp theoBài 34: Áp-Ra-Ham Qua Đời, Gia-Cốp Và Ê-Sau Được Sanh Ra