Bài 140: Sách Ê-xê-chi-ên, Những Điều Huyền Nhiệm

2067

Trũng hài cốt khô

Trong những chương trình vừa qua, chúng tôi đã giới thiệu với quí thính giả về các tiên tri như Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên. Mục đích khi lược khảo những phần Kinh Thánh nầy không phải chỉ để nắm những nét khái quát, nhưng cũng giúp quí vị học cách áp dụng Lời Chúa vào đời sống hằng ngày. Bài trước nói về việc Ê-xê-chi-ên giảng cho đống xương khô, kết quả là phép lạ đã xảy ra, nó được kết hợp lại có xương, thịt và trở nên sống động. Từ đây, hai điều được áp dụng cho những người hầu việc Chúa là cầu nguyện và rao giảng Lời Đức Chúa Trời.

Ê-xê-chi-ên đã nhiều lần lặp đi lặp lại rằng, “Tay Chúa đặt trên ta và sai phái ta, Thánh Linh Chúa ngự trên ta đặng ban quyền năng cho ta”. Ê-xê-chi-ên biết rằng Đức Chúa Trời đã chỉ định ông rao giảng. Ông tin rằng Thánh Linh của Ngài ở cùng ông, nâng ông lên, xức dầu cho ông và trang bị mọi điều ông cần nhằm đem lại một chức vụ kết quả. Có hai điều quan trọng trong công tác cứu những người bị hư mất. Sự cầu nguyện và Lời Đức Chúa Trời có quyền năng cứu họ ra khỏi tội và khiến họ trở nên một thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời. Chúng ta nhìn thấy sự kết hợp năng động giữa Lời Chúa và sự cầu nguyện trong việc Chúa truyền lịnh cho Ê-xê-chi-ên rằng, “Hãy nói tiên tri cho những xương khô. Hãy nói tiên tri với gió hay với Thánh Linh”. Nói cách khác là Ê-xê-chi-ên công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời với quyền năng của Chúa Thánh Linh. Quyền năng Chúa Thánh Linh đến qua sự cầu nguyện.

Quí vị không cần phải trở nên Mục sư, Truyền đạo mới có thể công bố Tin Lành cho người khác. Để chia sẻ Tin Lành cho một người nào đó, quí vị cần tin rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ xức dầu khi quí vị chia sẻ về Lời Chúa cho họ. Nhiều người nói ví von rằng, người giảng Tin Lành là người ăn mày nói với người ăn mày khác nơi nào tìm được bánh. Nếu quí vị là một trong những người chia sẻ Lời Chúa cho người khác, quí vị cần hiểu thấu tầm quan trọng trong mối liên kết giữa cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa.

Trong những chương đầu của sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta được biết rằng các môn đồ sống chung với nhau thành một cộng đoàn rất lớn. Họ gom góp tài sản, chia sẻ với nhau và cùng ăn uống chung. Các vị sứ đồ phải lo việc ăn uống cho tín hữu, điều nầy khiến họ không tập trung cho chức vụ giảng dạy và chăn bầy, nên các sứ đồ đã đưa ra một quyết định rất quan trọng. Hội Thánh chọn những người chấp sự và các sứ đồ nói rằng, “Anh em lo việc bàn tiệc, còn chúng tôi chuyên lo cầu nguyện và giảng dạy Lời Chúa”. Chúa ban phước cách lạ lùng khi các vị sứ đồ biệt riêng chức vụ cho công tác cầu nguyện và giảng dạy. Sự kết hợp đó cũng được tìm thấy qua chức vụ của Ê-xê-chi-ên. Nếu chỉ rao giảng Lời Chúa, cung cấp kiến thức về Kinh Thánh thì không có gì xảy ra cho người nghe. Nhưng nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi cầu nguyện thì việc giảng dạy sẽ đem lại kết quả.

Sứ đồ Phao-lô cho biết khi ông đến thành Cô-rinh-tô, ông chỉ đơn giản công bố về sự thật về Chúa Giê-xu: Ngài đã chết thay cho tội lỗi của mọi người, Ngài đã sống lại từ kẻ chết để xưng công bình cho mọi người tin Ngài. Thế nhưng tại A-then thì khác, Phao-lô cố gắng dùng khôn ngoan, triết học để trình bày Tin Lành. Ông trích dẫn lời của các nhà thơ và của các triết gia nhưng chẳng có điều gì xảy ra. Thế rồi khi đến với Cô-rinh-tô thì ông nói với họ rằng,

1 Hỡi anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Đức Chúa Trời. 2 Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự. 3 Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm. 4 Li nói và s ging ca tôi chng phi bng bài din thuyết khéo léo ca s khôn ngoan, nhưng ti s t ra Thánh Linh và quyn phép; 5 hu cho anh em ch lp đức tin mình trên s khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời. (I Cô-rinh-tô 2)

Một số người khi nghe Tin Lành thì cho rằng đây chỉ là những điều nhảm nhí, và không có điều gì xảy ra trên đời sống của họ cả. Nhưng với người tin thì Tin Lành của Chúa Giê-xu trở thành quyền năng thay đổi đời sống của họ.

Đây là những gì mà Ê-xê-chi-ên đã học 600 năm trước khi Phao-lô giảng Tin Lành tại Cô-rinh-tô. Ê-xê-chi-ên biết rằng khi quí vị công bố Tin Lành thì quí vị đang giảng với đống xương khô. Có lẽ quí vị cảm nhận rằng không có điều gì xảy ra, nhưng Chúa vẫn phán rằng hãy chia sẻ Tin Lành. Khi chia sẻ Tin Lành, quí vị cần được Thánh Linh xức dầu, khi đó xương khô sẽ trở nên sống động.

Bài trước chúng ta đã nói về bài học dưỡng linh qua lời giảng và chức vụ của Ê-xê-chi-ên. Bên cạnh đó chúng ta học được về thái độ thuận phục và kết quả. Ê-xê-chi-ên cho biết, “Khải tượng của Chúa đưa ta đến chỗ đầu phục, và Lời của Ngài giúp ta thi hành xong trách nhiệm.”

Ê-xê-chi-ên đã thấy khải tượng khi nhận sự kêu gọi của Chúa. Điều này được mô tả trong ba chương đầu. Những chương nầy có thể được xem là kinh nghiệm gặp Chúa của Ê-xê-chi-ên. Ê-sai cũng giống như vậy, ông đã nhận được sự kêu gọi và ủy nhiệm của Chúa qua kinh nghiệm tại đền thờ. Khi Chúa hỏi rằng, “Ai sẽ đi cho ta?” thì Ê-sai trả lời, “Có tôi đây, xin hãy sai tôi”. Sau đó Chúa đã sai phái Ê-sai. Đây cũng là kinh nghiệm gặp Chúa của Ê-xê-chi-ên.

Tất cả những vị tiên tri và những người được Chúa trọng dụng đều có kinh nghiệm gặp Chúa và được Chúa sai đi. Những người đã đến với Chúa và gặp Chúa cũng là những người sẵn sàng để ra đi cho Chúa. Sở dĩ họ đã ra đi và kết quả vì họ đã gặp Chúa cách mật thiết. Nhiều người ngày nay không kết quả khi họ ra đi vì họ không bao giờ đến với Chúa. Họ chỉ quan tâm đến việc đi ra mà không quan tâm đến việc gặp Chúa trước. Những người như Môi-se chẳng hạn, đã có kinh nghiệm gặp Chúa và ở riêng với Chúa trong suốt 80 năm, sau đó 40 năm còn lại là những năm tháng đi ra và chính thức làm việc của ông. Đó là lý do khiến chức vụ của ông đầy kết quả. Bốn mươi năm làm việc được theo sau 80 năm gặp Chúa.

Vào phần cuối của bài giảng về trũng hài cốt khô, Ê-xê-chi-ên cho biết khải tượng đến với ông nhằm kêu gọi ông vào con đường dấn thân. Chúa ban cho ông khải tượng và Ê-xê-chi-ên đã cống hiến đời mình nhằm thực hiện khải tượng đó.

Trong chương đầu của sách Ê-xê-chi-ên, ông đã thấy khải tượng về chiếc bánh xe. Đây là kinh nghiệm gặp Chúa của Ê-xê-chi-ên. Trong kinh nghiệm thuộc linh, các chi tiết thường khác nhau rất nhiều, nhưng kết quả luôn luôn giống nhau, đó là những người gặp Chúa sẽ ra đi với Chúa và cho Chúa. Ê-xê-chi-ên đã có một khải tượng về Đức Chúa Trời trong chương 1. Sa-lô-môn nói rằng, “Nơi đâu không có khải tượng, dân sự bèn phóng túng” (Châm Ngôn 29:18 BTTHĐ). Vào thời của Ê-xê-chi-ên, người Giu-đa đã mất khải tượng về Đức Chúa Trời. Lúc đó, họ không có Giê-ru-sa-lem, họ không có Lời Đức Chúa Trời, họ không có đền thờ, họ không có sự thờ phượng. Do đó, những người lãnh đạo thuộc linh trong giai đoạn nầy cần có khải tượng về Đức Chúa Trời.

Chúa ban cho Ê-xê-chi-ên khải tượng theo bốn cách khác nhau. Trước tiên Ê-xê-chi-ên cho biết “Lời Chúa đến với ông và tay Chúa ở cùng ông.” Ông đã trải qua kinh nghiệm độc đáo vì trong những chương mở đầu ông cho biết trời mở ra và ông thấy vinh quang của Đức Chúa Trời.” Những khải tượng của Ê-xê-chi-ên thật khó giải thích. Chẳng hạn chi tiết về bánh xe và các vật sống giống như sư tử, bò, người và chim ưng.

Khải tượng nầy được lặp lại trong Khải Huyền. Khải tượng nầy giúp cho dân sự của Đức Chúa Trời không bị hư mất. Đây là khải tượng mà Đức Chúa Trời đã ban cho tiên tri Ê-xê-chi-ên để ông có thể phục vụ Ngài trong một giai đoạn hết sức khó khăn. Quý vị hiểu những chi tiết về các bánh xe, những con mắt hoặc vòng bánh xe, các vật sống có nghĩa gì? Đây là những gì mà Ê-xê-chi-ên đã nhìn thấy trong khải tượng về vinh quang của Đức Chúa Trời.

Nhiều học giả tin rằng đây là một khải tượng về sự toàn tri của Đức Chúa Trời. Con mắt trong vành xe biểu tượng cho sự thông biết tuyệt đối của Ngài.

Ê-xê-chi-ên là một tiên tri chân chính và vĩ đại vì những gì ông nói trước đã được ứng nghiệm. Bài giảng của ông về trũng hài cốt khô là một bài giảng vĩ đại. Mọi điều ông nói về những xương khô đã trở nên sự thật. Đức Chúa Trời đã đem dân sự của Ngài là người Giu-đa từ xứ lưu đày trở về Giê-ru-sa-lem.

Bài học áp dụng về biến cố lưu đày và được hồi hương đó là nếu quí vị đang bị trói buộc về phương diện thuộc linh, nếu quí vị là những người không được tự do, quí vị nên cầu xin Chúa giải cứu quí vị ra khỏi tình trạng bị cầm buộc. Nếu quí vị phạm tội và đang chịu sự sửa phạt của Đức Chúa Trời, nếu quí vị ở trong hoàn cảnh giống như những người bị lưu đày tại Ba-by-lôn, thì xin nhớ lời của Giê-rê-mi: “Đức Chúa Trời không hề thôi yêu quí vị.” Ngài sửa phạt quí vị, nhưng sau quá trình nhào nặn, Chúa sẽ làm cho quí vị trở thành một chiếc bình mới, Ngài sẽ khôi phục quí vị…. Đó là trọng tâm trong phần giảng dạy của Ê-xê-chi-ên, Ê-sai, Giê-rê-mi và những tiên tri lớn khác. Họ luôn luôn nhấn mạnh đến cảnh lưu đày như là biện pháp sửa phạt của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên họ cũng giảng về việc hồi hương sau những ngày lưu đày đó.

Hình ảnh cây nho được các tiên tri như Môi-se, Ô-sê, Ê-sai, Giê-rê-mi và Đa-vít sử dụng. Chúng ta thấy Ê-xê-chi-ên cũng có bài giảng về cây nho trong chương 15. Chúa Giê-xu phán trong Giăng 15 rằng, “Ta là cây nho và các ngươi là nhánh.” Đây không phải là lần đầu tiên môn đồ Chúa được nghe nói về hình ảnh cây nho. Trước đó nhiều vị tiên tri đã dùng hình ảnh nầy trong sứ điệp của họ. Khi dùng cây nho để làm minh họa cho bài giảng, trên căn bản họ nói hai điều: Không có Chúa thì chúng ta không làm gì được, và không có chúng ta thì Chúa sẽ không làm gì cả. Đức Chúa Trời muốn chúng ta được kết quả. Ê-xê-chi-ên giảng rằng nếu không sinh ra một trái nào thì chúng ta trở nên hoàn toàn vô ích. Ê-xê-chi-ên giảng rằng cây nho không sinh trái chẳng dùng được chi thậm chí đốt cháy cũng không xong vì mục đích của cây nho là để sinh trái. Sứ điệp Ê-xê-chi-ên công bố qua hình ảnh cây nho là một trong những bài giảng hay của ông.

Khi đọc qua sách Ê-xê-chi-ên và quen thuộc với những bài giảng của ông, chúng ta sẽ cảm nhận được đây là sứ điệp giá trị được công bố bởi một tiên tri chân chính của Đức Chúa Trời. Ê-xê-chi-ên cũng đề cập về những biến cố trong ngày sau rốt, những việc mà nếu Chúa không bày tỏ qua ông thì chúng ta sẽ không sao hiểu biết được. Khi đọc những sách tiên tri nói chung và sách của tiên tri Ê-xê-chi-ên nói riêng, cầu xin Chúa Thánh Linh mở mắt, mở lòng để chúng ta áp dụng những bài học dưỡng linh vào đời sống mình từ các bài giảng đầy ơn của những vị tiên tri trong Kinh Thánh.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcThơ: Lựa Chọn
Bài tiếp theoBến Tre: Ngày Hội Thiếu Nhi Tin Lành 2023.