Bài 14: Chuyện Ca-in và A-bên

6763


Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới


 

Sáng Thế Ký 3-4

 

Chúng ta tiếp tục tìm hiểu trong Sáng thế ký đoạn 3 nói việc con người sa ngã và Đức Chúa Trời có lời dự ngôn về Đấng Cứu Thế trong Sáng thế ký 3:15, “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.”            

                              

          Sáng thế ký 3:16, “Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi.”

 

          Đây là sự đoán phạt cho người nữ, bà sẽ bị đau đớn khi sanh con. Đây cũng là điều lưu ý, vì mọi điều đem đến sự vui mừng trong đời sống và tiếp tục trong gia đình đều trải qua sự đau buồn.

 

          Sáng thế ký 3:17-19, “Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.”

 

          Đây là sự đoán phạt cho người nam. Bây giờ sự chết đến với con người. Sự chết là gì? Sự chết của cơ thể là phân ly của con người, đó là linh hồn lìa khỏi thân thể. Như sách Truyền đạo nói: “và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền đạo 12:7)

 

          Con người phải trả lời với Chúa, dẫu là người đó được cứu hay hư mất. Người ấy sẽ phải trả lời với Chúa. A-đam không chết về thể xác trong ngày ăn trái cấm. Ông không chết cho đến hơn 900 năm sau đó. Nhưng A-đam chết thuộc linh ngay phút ông không vâng lời, ông bị phân cách với Đức Chúa Trời. Chết là sự phân cách. Khi Phao-lô viết thư cho Hội Thánh Ê-phê-sô nói rằng, họ đã chết trong tội lỗi, ông không có ý nói rằng họ chết về thể xác, nhưng chết thuộc linh, vì bị phân cách với Đức Chúa Trời. Như trong ẩn dụ lạ lùng về người con hoang đàng, Chúa Giê-xu nói về đứa con trai rời bỏ nhà cha mình. Khi nó trở về, Cha nó nói với người anh: “Vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được. Đoạn, họ khởi sự vui mừng” (Lu-ca 15:24). Đứa con này kể như đã chết, khi nó lìa khỏi nhà cha, không phải chết về thể xác. Phân cách với Đức Chúa Trời kể như chết. Chúa Giê-xu nói với Ma-thê:  Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.” (Giăng 11:25)

 

          Do đó ý nghĩa sự chết thuộc linh là phân cách với Đức Chúa Trời. Con người chết thuộc linh ngay lúc ăn trái cấm. Đây là lý do con người chạy xa Chúa. Và đây cũng là lý do người nam lấy lá cây vả đóng khố che thân.

 

 

          GIÁO LÝ SỰ CỨU RỖI

 

          Sáng thế ký 3:20, “A-đam gọi vợ là Ê-va, vì là mẹ của cả loài người.”

 

          Điều này không có nghĩa là Ca-in và A-bên được sanh ra trong vườn Ê-đen, nhưng chắc chắn rằng họ được sanh ra, sau khi A-đam và Ê-va sa ngã.

 

          Sáng thế ký 3:21, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho.”   

 

          Khi muốn có da của con thú thì một con thú ấy phải bị giết. Đây là căn nguyên của tế lễ và Chúa muốn chỉ cho con người hiểu. Đức Chúa Trời không chấp nhận chiếc khố bằng lá vả của ông bà, và làm cho ông bà bộ đồ da thú, khi A-đam và Ê-va rời khỏi vườn Ê-đen, và họ nhìn lại của lễ đổ huyết. Khi họ nhìn lại, và thấy chính xác những gì mà Chúa bảo Môi-se đặt nắp thi ân trong Nơi Chí Thánh, hai chê-ru-bim nhìn xuống của lễ đổ huyết, đó là phương cách đến với Đức Chúa Trời.

 

          Có bốn bài học lớn, mà chúng ta thấy từ lá cây vả và việc Đức Chúa Trời mặc áo da thú cho ông bà A-đam.      

 

1-    Con người phải che đậy đầy đủ khi đến cùng Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể đến với Đức Chúa Trời, khi cậy vào công việc nhơn đức. Các bạn đến với Chúa trong tình trạng hiện tại của mình, đó là con người tội lỗi.

2-    Quần áo cây vả không được Chúa chấp nhận, vì do con người tự làm.

3-    Chúa ban cho chúng ta quần áo để che thân.

4-    Sự che phủ thân thể được thực hiện qua sự chết của Chúa Giê-xu.

 

          Con người cần chuẩn bị chính mình, khi đối diện với sự phán xét của Đức Chúa Trời. Điều quan trọng trong những ngày này, chúng ta phải có vị trí đúng để đến trước mặt Chúa.

 

          Sáng thế ký 3:22-23, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay khiến cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng.  Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen đặng cày cấy đất, là nơi có người ra.”

 

          Tất cả những gì chúng ta có thể nói trong lúc này là cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài không để con người tiếp tục sống muôn đời trong tội lỗi. Đó là một phước hạnh.

 

          Sáng thế ký 3:24, “Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bim với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống.”

 

          Điều này không có nghĩa là con đường dẫn đến cây sự sống bị chận lại. Sự cứu rỗi phải qua của lễ chuộc tội, qua con sinh tế mà Đức Chúa Trời đã cung cấp. Chúng ta bước vào trong thế gian tội lỗi, con người bị cám dỗ nghe theo Sa-tan. Nếu làm theo Lời của Chúa sẽ giúp chúng ta thắng hơn sự cám dỗ của tội lỗi.  

 

          Trong sách Sáng thế ký đoạn 3 chúng ta thấy cội rễ của tội lỗi, và trong đoạn 4 này chúng ta thấy kết quả của tội lỗi. Tội lỗi tệ hại như thế nào? Qua đoạn 4 chúng ta thấy con người không chỉ nhiễm chất độc, nhưng bởi vì họ đã ăn trái cây biết điều thiện và điều ác. Qua đoạn này tỏ bày cho chúng ta biết những gì xảy ra cho con người. Bởi sự không tin và không vâng lời đã dẫn con người đi xa Đức Chúa Trời, vì tội lỗi con người đã phạm, nó dẫn chính mình và những thế hệ kế tiếp đến sự đoán phạt, bởi cớ chúng ta mang cùng một bản tánh tội lỗi. Chúng ta mang cùng bản tánh của ông cha mình, A-đam là tổ tiên đã truyền lại chúng ta tất cả bản tánh xấu đó, cộng thêm với biết bao điều mà chúng ta sai phạm trong chính đời sống mình. Tất cả những điều này đựơc tỏ bày qua hai người con của ông bà A-đam và Ê-va. Họ còn có nhiều con khác nữa, nhưng chúng ta chỉ đề cập đến hai người con của ông bà trong giai đoạn này.

 

 

          CA-IN VÀ A-BÊN ĐƯỢC SANH RA

 

          Sáng thế ký 4:1, “A-đam ăn ở với Ê-va, là vợ mình; người thọ thai sanh Ca-in và nói rằng: Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi mới sanh được một người.”

 

          Lúc này A-đam và Ê-va có thể không đoán trước được sự tranh chiến kéo dài rất lâu. Khi sanh Ca-in, có thể Ê-va nói rằng: ‘Chúa đã ban cho tôi người chồng, Chúa nói rằng dòng dõi người nữ sẽ giày đạp đầu con rắn, và Ca-in chắc là người mà Chúa nói đến.’ Nhưng Ca-in không phải là người mà Chúa đề cập đến, ông là kẻ giết người, ông không phải là người cứu chuộc. Phải có thời gian rất lâu trước khi Đấng Cứu Chuộc đến. Ít nhất là sáu ngàn năm sau hay lâu hơn nữa. Có sự tranh chiến này kéo dài giữa dòng dõi người nữ và con rắn.

 

          Sáng thế ký 4:2-3, “Ê-va lại sanh em Ca-in, là A-bên; A-bên làm nghề chăn chiên, còn Ca-in thì nghề làm ruộng. Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va.”

 

          Ca-in và A-bên đem của lễ dâng cho Chúa đến nơi thờ phượng. Họ đã nhận được sự tỏ bày của Chúa để dâng của lễ. Chúng ta nghe thêm sách Hê-bơ-rơ 11:4 viết rằng: “Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy; lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói.”

 

          A-bên dâng của lễ bằng cách nào? Bằng đức tin. Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe Lời của Chúa (Rô-ma 10:17). Đức Chúa Trời đã ban lời Ngài về việc dâng của lễ, cho nên chàng A-bên mới có đức tin đến với Chúa. Còn Ca-in không dâng của lễ với đức tin. Ca-in dùng thổ sản dâng cho Chúa. Không có gì sai lầm khi dâng trái cây, xin đừng nghĩ rằng Ca-in dâng trái cây dư thừa, nhưng có thể là Ca-in đã dâng trái cây tốt và ngon cho Chúa.

 

          Sáng thế ký 4:4-5, “A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người; nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người; cho nên Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt.”

 

          Vài người có thể nói rằng: ‘Tôi không thấy điều gì sai trong việc làm của Ca-in.’ Trong thơ của Giu-đe câu thứ 11 viết như vầy: “Khốn nạn thay cho chúng nó, vì đã theo đường của Ca-in.”

 

          Con đường của Ca-in là gì? Khi Ca-in đem lễ vật dâng cho Đức Chúa Trời, ông không đến với đức tin. Ông đến với ý riêng, của lễ mà Ca-in mang đến dâng cho Chúa với bản tánh xấu. Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy dâng của lễ có sự đổ huyết, mà nó hướng về Đấng Cứu Chuộc sẽ đến với thế gian. Hãy đến với niềm tin căn bản này, đừng đến với công việc làm của chính mình.

 

          Của lễ của Ca-in bị Đức Chúa Trời khước từ, bởi vì ông bị phân cách với Đức Chúa Trời. Ông cho rằng mọi hành động đều có thể chấp nhận được. Đây là những gì mà người theo chủ trương phóng khoáng, tự do ngày nay đang thực hiện. Ngày nay không phải mọi chuyện đều được chấp nhận cả đâu. Chúng ta được sanh ra không phải là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta cần được Chúa tái sanh để trở thành con cái Đức Chúa Trời. Con người bị ngăn cách với Đức Chúa Trời. Ca-in không nhìn nhận điều đó, và nhiều người ngày hôm nay đang hành động như thế.

 

          Một điều nữa cho thấy của lễ của Ca-in bị khước từ, vì ông cố gắng dùng việc làm dâng lên cho Chúa. Ca-in nghĩ là mình có thể làm được mọi điều. Kinh Thánh nói là: “Chúng ta…không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh.” (Tít 3:5)

          Sự khác biệt giữa Ca-in và A-bên không phải khác biệt về cá tính, nhưng khác biệt về của lễ mà họ dâng. Hai anh em này có cùng một lý lịch, cùng cha mẹ, cùng môi trường sinh sống. Họ không có sự khác biệt gì. Chỉ khác nhau trong cách dâng của lễ.

 

          Của lễ làm nên sự khác biệt trong con người ngày hôm nay. Không có Cơ Đốc nhân nào có cương vị tốt hơn người khác. Điều làm cho một người trở thành Cơ Đốc nhân là nhìn nhận mình là tội nhân, và người ấy cần một của lễ, cần một sinh tế, cần một người chết thay cho tội lỗi của mình. Phao-lô nói về Đấng Christ “là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia.” (Rô-ma 3:25)

 

          Vì thế Phao-lô nói thêm: “Bởi họ không nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công bình của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 10:3)

 

          Đó là hình ảnh của nhiều người ngày hôm nay. Họ cố gắng qua tôn giáo, qua việc gia nhập vào nhà thờ và tham gia công tác, qua việc ép xác khổ tu… họ cố gắng làm nhiều điều để được Đức Chúa Trời chấp thuận. Chúng ta không cần phải trở nên trọn vẹn mới có thể đến với Đức Chúa Trời. Chắc chắn chúng ta không thể tự cố gắng để trở nên trọn vẹn được. Chúng ta chỉ có được sự công bình, vô tội nhờ sự ban cho qua Đấng Christ. Trong sách Rô-ma 4:25 viết: “Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta.”

 

          Chúa Giê-xu sống lại cho sự công chính, và Ngài là Đấng thế vào chỗ của chúng ta. Trong II Cô-rinh-tô 5:21 chép: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”

 

          Phao-lô viết tiếp trong Phi-líp 3:8-9: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin.”

 

          Sự công bình, hay công chính của Ca-in là sự công bình riêng. Còn sự công bình của A-bên là bởi đức tin trong của lễ dâng, hướng về sự chết thay của Đấng Christ.

 

          Chúng ta thấy Ca-in và A-bên đến thờ phượng Đức Chúa Trời chung với nhau. Có thể hai anh em này hình dạng giống nhau, vì là con cùng một cha mẹ. Nhưng hai người có sự khác biệt nhiều, không hẳn là khác biệt về tánh tình, họ khác nhau trong cách đến tôn thờ Đức Chúa Trời. Vì A-bên dâng của lễ với đức tin, trong khi Ca-in dâng của lễ không theo ý chỉ của Đức Chúa Trời gì cả.

 

 

          ĐỨC CHÚA TRỜI CHO CA-IN CƠ HỘI THỨ HAI

 

          Sáng thế ký 4:6-7, “Đức Giê-hô-va phán hỏi Ca-in rằng: Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó.”

 

          Tại sao Ca-in giận? Ông giận khi giết em mình. Phía sau của những mưu định giết người là sự giận dữ. Chúa chúng ta nói, khi chúng ta giận anh em mình vô cớ thì chúng ta là kẻ giết người. Phía sau của sự giận dữ là ích kỷ, và phía sau của ích kỷ là kiêu ngạo. Thánh Gia-cơ nói về điều nàynhư sau: “Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết.” (Gia-cơ 1:15)

 

          Sự giận dữ của Ca-in đưa đến giết người, nhưng phía sau đó là sự ganh tị và lòng kiêu ngạo. Cách mà Đức Chúa Trời đối xử với Ca-in là như vầy: Chúa hỏi Ca-in, “Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao?”      

 

          Có nghĩa là nếu Ca-in làm điều tốt thì sao lại giận, nếu ngươi dâng của lễ cách phải lẽ thì lẽ nào Chúa không nhận. Thường là người con lớn trong nhà tự hào về mình, cho mình là người giỏi nhất. Bây giờ chàng Ca-in mất đi vị trí đó. Đức Chúa Trời nói với Ca-in, nếu Ca-in làm tốt thì không mất cương vị này. Làm điều tốt, tức là dâng cho Chúa của lễ được Ngài chấp nhận như của lễ của A-bên, và nhận biết mình là một tội nhân. Nhưng Ca-in không có như vậy, Chàng chỉ là một người giận dữ.

 

          “Tội lỗi chờ trước cửa” có người giải nghĩa câu này là “có của lễ chuộc tội để trước cửa”. Có thể nói rằng có một con chiên nhỏ được giết trước cửa. Điều này cũng có lý lắm, bởi vì đó là điều đúng. Nhưng đó không phải là một của lễ chuộc tội. Vì cho đến lúc này và thời gian sau đó tiếp tục cho tới thời kỳ của Môi-se, Lời của Chúa chưa đề cập đến của lễ chuộc tội. Chúng ta tìm thấy sự hướng dẫn về của lễ chuộc tội trong sách Lê-vi ký. Trong phần đầu của sách nói về năm của lễ, và một là của lễ chuộc tội. Do đó của lễ chuộc tội chưa có thực hành cho đến khi luật pháp được ban hành. Đó cũng là điều Phao-lô nói trong Rô-ma 3:20: “Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi.”

 

          Ông Gióp một người có trước thời Môi-se, dâng của lễ thiêu. Đó không phải là phương cách của lễ chuộc tội. Nếu chúng ta tra xem Kinh Thánh sẽ thấy đó là điều đúng.

 

          Dĩ nhiên, Ca-in không thấy điểm tệ hại của việc ông ta đã làm. Khi Chúa nói với ông “tội lỗi rình đợi trước cửa.” Chúa đang nói đến tội đó, giống như con sư tử nép mình trước cửa nhà chờ đợi giây phút Ca-in bước ra. Vì lý do đó Ca-in cần một của lễ, mà của lễ này được chấp nhận cho sự tha thứ, hướng về Đấng Christ. Trong I Giăng 3:12, “Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình.”

 

          “Nếu như chúng ta không làm lành thì tội lỗi rình đợi trước cửa.” Làm lành tức là dâng cho Chúa một của lễ thiêu, giống như A-bên đã làm. Chúng ta đều biết là Áp-ra-ham, tổ phụ của dân Do-thái và con cháu của ông đã dâng của lễ thiêu cho đến khi luật pháp Môi-se được ban hành. Vì thế chúng ta thấy là Đức Chúa Trời vẫn tìm cách để bảo vệ Ca-in.

 

 

          CA-IN GIẾT A-BÊN

 

          Sáng thế ký 4:8-9, “Ca-in thuật lại cùng A-bên là em mình. Vả, khi hai người đương ở ngoài đồng, thì Ca-in xông đến A-bên là em mình, và giết đi.  Đức Giê-hô-va hỏi Ca-in rằng: A-bên, em ngươi, ở đâu? Thưa rằng: Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao?”

 

          Đây là câu trả lời hết sức trơ trẽn, Ca-in không đếm xỉa gì đến em mình hay là Đức Chúa Trời. Ông cố gắng che đậy công việc làm của mình. Nhưng Kinh Thánh nói rằng: “Vậy, các ngươi đừng sợ; vì chẳng có việc gì giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết.” (Ma-thi-ơ 10:26)     

 

          Không ai có thể giấu bất cứ một tội lỗi bí mật nào. Tốt hơn là hãy tìm cách giải quyết vấn đề tội lỗi của mình, bởi vì sẽ có một ngày, chúng ta phải đối diện những tội lỗi này trước mặt Đức Chúa Trời. Chúa đã biết tất cả những tội lỗi của mỗi chúng ta, và chúng ta cần phải nói với Ngài những điều đó. Chàng Ca-in cố gắng nói mình là người vô tội, “Tôi là người giữ em tôi sao?” Thật là một câu trả lời rất trơ trẽn.

 

          Sáng thế ký 4:10, “Đức Giê-hô-va hỏi: Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta.”

 

            Tác giả sách Hê-bơ-rơ nói điều này trong 12:24: “ gần Đức Chúa Giê-xu, là Đấng trung bảo của giao ước mới, và gần huyết rưới ra, huyết đó nói tốt hơn huyết của A-bên vậy.”

 

          Huyết của A-bên nói lên tội giết người, nhưng huyết báu của Chúa Giê-xu nói đến sự cứu chuộc, sự cứu rỗi.  

 

          Sáng thế ký 4:11-12, “Bây giờ, ngươi sẽ bị đất rủa sả, là đất đã hả miệng chịu hút máu của em ngươi bởi chính tay ngươi làm đổ ra.  Khi ngươi trồng tỉa, đất chẳng sanh hoa lợi cho ngươi nữa; ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh, trên mặt đất.”

 

          Trong thời của chúng ta có sự rủa sả của đất, bởi vì tội lỗi của con người là nguyên nhân gây nên mất sự sanh sản màu mỡ tốt của đất. Có nhiều vùng trên thế giới hiện nay, người ta đang chết đói. Dẫu rằng có nhiều kỹ thuật khoa học phát triển của con người, cố gắng làm cho đất đai mầu mỡ trở lại. Nhưng điều chắc chắn là đất bị rủa sả bởi tiếng kêu gào về huyết vô tội của người bị giết bởi người anh mình.      

 

          Sáng thế ký 4:13, “Ca-in thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Sự hình phạt tôi nặng quá mang không nổi.”

 

          Nếu tội lỗi của Ca-in lớn quá mà ông không thể mang được, tại sao ông không quay tới Chúa và xưng nhận tội lỗi mình, để nài xin sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Tội lỗi quá lớn cho Ca-in không thể mang, nhưng Đức Chúa Trời sẽ ban sự cứu chuộc nếu ông biết quay về với Ngài.

 

          Sáng thế ký 4:14, “Nầy, ngày nay, Chúa đã đuổi tôi ra khỏi đất nầy, tôi sẽ lánh mặt Chúa, sẽ đi lưu lạc trốn tránh trên đất; rồi, xảy có ai gặp tôi, họ sẽ giết đi.”

 

          Ca-in nói rằng ông sẽ lánh khỏi mặt Chúa, và đó chính là những gì đã xảy ra. Nhưng chúng ta chú ý sự bảo vệ của Đức Chúa Trời, điều này thật lạ lùng, Ngài vẫn còn cho một kẻ phạm tội giết người có chỗ vun thân.

 

          Sáng thế ký 4:15, “Đức Giê-hô-va phán rằng: Bởi cớ ấy, nếu ai giết Ca-in, thì sẽ bị báo thù bảy lần. Đức Giê-hô-va bèn đánh đấu trên mình Ca-in, hầu cho ai gặp Ca-in thì chẳng giết.”

 

          Chúng ta không biết dấu đánh trên mình của Ca-in là dấu gì, có nhiều suy đoán về dấu này, nhưng không cần phải bàn nhiều về dấu đó. Nhưng chúng ta lưu ý đến điểm Đức Chúa Trời bảo vệ Ca-in. Trong thời đó không luật pháp. Ca-in là người phạm tội, đừng nghĩ rằng bởi vì không có luật nên ông ta được kể là vô tội. Tội lỗi lớn hơn của Ca-in là không dâng một của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời. Công việc làm của Ca-in là ác trong những gì ông dâng cho Chúa. Ông thể hiện sự hung ác của mình khi giết người em.

 

 

Bài trướcBài 14: Em Ngươi Ở Đâu?
Bài tiếp theoĐại Hội Chi Hội Buôn Êa Nao A-B (TP. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đăk Lăk).