Bài 14: Em Ngươi Ở Đâu?

1438

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Martin Luther nói rằng, các tội lỗi thường đi chung với nhau. Các nhà tâm lý cho biết rằng, hai tội thường đi chung với nhau như anh em sinh đôi, đó là giận dữ và chán nản. Người giận dữ luôn luôn là người chán nản. Ca-in là người rất giận dữ và cũng là người rất chán nản. Đức Chúa Trời đã đến và hỏi Ca-in những câu hỏi nầy, “Tại sao ngươi giận? Tại sao ngươi gắt gỏng? Em của ngươi ở đâu? Ngươi đã làm điều chi vậy?”

 

“Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó”

 

Câu chuyện nầy dạy chúng ta điều gì? Tôi tin rằng, bài học dạy chúng ta một điều quí giá khi chúng ta trả lời câu hỏi “Tôi có phải là người hay giận dữ không? Tôi có phải là người hay gắt gỏng không?” Khi giận dữ, hãy tự hỏi mình câu nầy: Tại sao tôi giận? Nguyên nhân của sự giận dữ là gì? Cơn giận này thật sự đang nhắm vào ai? Thường khi nạn nhân của sự giận dữ lại không phải là mục tiêu của cơn giận, như trong trường hợp của A-bên chẳng hạn. A-bên không làm gì nên tội. A-bên không khiêu khích Ca-in. Thậm chí Sáng thế ký đoạn 4:5 cũng không hề nói rằng, Ca-in giận A-bên. A-bên là một nạn nhân vô tình khi Ca-in tìm cách trút đổ cơn phẫn nộ của mình.

 

Một nhà tâm lý Cơ đốc tổ chức buổi hội thảo cho quí bà. Có một phụ nữ nói với ông rằng, “Mấy đứa con của tôi làm cho tôi hết sức giận!” Nhà tâm lý hỏi, “Vậy thì mấy cháu bao nhiêu tuổi?” Bà trả lời, “3 tuổi và 5 tuổi.” Ông liền nói, “Bà đã gán một trách nhiệm quá sức nặng nề cho những em bé còn trong tuổi mẫu giáo.” Bà hỏi “Trách nhiệm gì vậy?” Ông trả lời, “Thì chính là trách nhiệm về cảm xúc của bà. Bà vui buồn hay giận dữ đều tùy thuộc vào chúng nó.” Ông nói tiếp, “Hãy để tôi hỏi bà điều nầy, những đứa con của bà khiến bà giận dữ hay giúp bà nguôi cơn giận dữ?” Đến đây, bà nhận thức rằng, không phải chúng khiến bà giận mà đã giúp bà nguôi cơn giận. Sư thật, bà giận người chồng song không trút cơn lôi đình trên ông được; do đó, những đứa con nhỏ lại trở thành nạn nhân. Nguyên nhân và mục tiêu cơn giận của quí vị là gì?

 

Tôi tin rằng, Đức Chúa Trời đặt các câu hỏi đó nhằm giúp Ca-in hay chính quí vị tìm câu trả lời. Sự giận dữ là cội rễ của mọi xung đột. Kinh thánh ghi lại rằng, trong khi hai anh em ở ngoài đồng, Ca-in đã tấn công và giết chết em là A-bên. Chúa đã hỏi Ca-in, “Em của ngươi ở đâu?” Hãy lưu ý, trong Sáng thế ký chương 3, Chúa hỏi Adam, “Ngươi đang ở đâu?”, nhưng chương 4 thì câu hỏi là “Em ngươi đang ở đâu?” Tôi tin Đức Chúa Trời muốn nói với Ca-in rằng: Em ngươi chẳng có điều gì sai trật cả. Nó là người lương thiện, người tốt. Tại sao ngươi nổi giận và giết A-bên? Động lực gì khiến ngươi làm như vậy? Câu thứ 7 là chìa khóa cho cả câu chuyện vì nó là giải pháp cho sự xung đột. Sự giận dữ có động lực của nó. Vấn đề không chỉ là phân tích sự giận dữ để hiểu nguyên nhân nào khiến quí vị giận dữ; điều quí vị cần chính là giải pháp cho cơn giận dữ. Và giải pháp là thế nầy: Nếu làm điều đúng, quí vị sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận, sẽ được chính mình chấp nhận và sẽ không rơi vào tình trạng tấn công người khác.

 

Chúa Giê-xu cũng nói tương tự trong Phúc âm Mathiơ rằng:

 

  Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét.

 

  Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy.

 

  Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?

 

  Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình?

 

 Hỡi kẻ giả hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.

 

Chúa muốn nêu lên vấn đề như thế nầy: Tại sao các ngươi thích đoán xét? Tại sao các ngươi giả hình? Tại sao các ngươi cứ đi loanh quanh để vạch lá tìm sâu? Thật là buồn cười vì công việc của ngươi là lấy cái dằm trong mắt anh em mình; trong khi đó, cây đà vẫn ở trong mắt ngươi.

 

Ngài đặt hai câu hỏi. Thứ nhất, “Tại sao ngươi giả hình?” và rồi câu tiếp, “Làm thể nào ngươi làm được việc với cây đà trong mắt mình?” Giải pháp của Ngài là: Hãy lấy cây đà ra khỏi mắt ngươi. Hãy giãi quyết nan đề của ngươi trước; sau đó, mới thấy rõ mà giúp anh em ngươi. Chúa không phán rằng, không được đoán xét. Nhưng Ngài dạy rằng, trước khi đoán xét người khác, hãy đoán xét chính mình. Hãy giải quyết nan đề của mình trước. Như vậy, ngươi sẽ không còn là đạo đức giả nữa. Điều nầy giống như Đức Chúa Trời nói với Ca-in trong Sáng thế ký chương 4. Nếu làm điều đúng, ngươi sẽ là người được chấp nhận. Đây chính là cốt lõi của vấn đề.

 

Ca-in muốn trút sự phẫn nộ cuả mình. Sự thật thì anh giận ai? Có lẽ anh giận chính mình. Anh đã không được chấp nhận; và do đó, trở nên giận dữ. Ca-in có hai sự chọn lựa: Hoặc là làm điều đúng, hoặc là trút cơn giận lên người khác. Anh đã chọn điều thứ hai bằng cách tấn công và giết A-bên. Ca-in có sự lựa chọn nầy và chúng ta cũng như vậy. Đức Chúa Trời chỉ ra cho Ca-in thấy rằng: Hãy lấy cây đà khỏi mắt ngươi, hãy chấp nhận chính mình để rồi ngươi không đoán xét hay khe khắt nữa.

 

Có hai vị bác sĩ tâm thần mở văn phòng tại cùng tòa nhà cao tầng. Họ cùng đón chung một chuyến xe điện ngầm, lên chung chiếc thang máy. Một người thì rời thang máy ở tầng thứ 6, người kia thì đi thẳng đến tầng 10. Việc nầy cứ xảy ra hết ngày nầy sang ngày khác cho đến môt sáng nọ, cả hai đang ở trong thang máy, đến lầu thứ 6, trước khi  bước ra theo thường lệ, vị bác sĩ quay lại và nhổ nước miếng vào người kia. Vị bác sĩ nầy không nói môt lời, chỉ chùi sạch rồi tiếp tục lên đến lầu 10. Sáng mai, sự việc lại xảy ra y hệt như vậy. Cứ như vậy cho đến hôm thứ 4, người điều khiển thang máy nói với vị bác sĩ bị sỉ nhục rằng, “Sao ông không có phản ứng  gì cả vậy?” Vị bác sĩ trả lời, “Vấn đề ở nơi người kia. Anh ấy có nan đề và ổng đã nhổ lên người khác.”

 

Câu chuyện nầy dạy gì về sự xung đột? Nếu quí vị đúng và quí vị chấp nhận chính mình, quí vị vẫn vững như bàn thạch khi ai đó phỉ nhổ quí vị. Quí vị chỉ cần nói, “Anh ơi, hãy xem lại chính mình, anh đang có nan đề và cần được giúp đỡ.” 

 

Thay vì tìm cách tấn công người khác, quí vị cần nhìn vào chính mình và giải quyết những nan đề bên trong của mình. Nhưng quí vị hay phản ứng theo cách ngược lại,  khi đời sống hôn nhân bị truc trăc, người chồng thường có khuynh hướng đổ lỗi cho người vợ. Làm như vậy là chạy trốn, không đối diện với sự thật và không giải quyết được vấn đề. Do đó, hãy bước đi cách ngay thẳng trước mặt Chúa và an tâm. Quí vị sẽ không phải sống trong sự khắt khe, phê phán hay trút cơn giận dữ lên người khác.

 

Tôi không biết quí vị phải đối phó với sự xung đột, tranh chấp ở mức độ nào, song kinh nghiệm trong vấn đề nầy sẽ giúp quí vị khám phá rằng, chương 4 của sách Sáng thế ký luận giải cách tuyệt vời về vấn đề nầy: một lần nữa sự xung đột chính là hậu quả của sự sa ngã. Tội lỗi đã đi vào trong thế giới loài người. Hậu quả là con người không thể sống với nhau trong hòa thuận; hơn thế nữa, con người có khuynh hướng chống đối và tranh chiến với nhau.

 

Sách Sáng Thế ký ghi lại một số hậu quả của sự sa ngã. Ví dụ, cuối chương 4 có sự liên lạc với Đức Chúa Trời. Điều nầy được thực hiện bởi con người qua sự cầu nguyện. Lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến sự cầu nguyện trong Sáng Thế ký 4:26. Trước đó, mọi cuộc đối thoại đều do Đức Chúa Trời thực hiện. Nó đi theo chiều từ Đức Chúa Trời đến với con người. Nhưng đến chương 4, con người bắt đầu kêu cầu đến danh Chúa. Việc nầy được ghi chép lại để giúp chúng ta hiểu về sự cầu nguyện.

 

Sáng thế ký chương 5 và 10 trình bày tính chất liên tục về mặt sử học. Nhằm mục đích giúp chúng ta hiểu được bối cảnh lịch sử của chương trình cứu chuộc cũng như sự ra đời của Chúa Cứu Thế, Đức Chúa Trời cung cấp cho chúng ta sự liên tục về mặt sử học. Đó là lý do vì sao quí vị tìm thấy các bản gia phả trong Thánh kinh. Sáng thế ký chương 6 đến chương 9 nói về cơn đại hồng thủy, mô tả bản chất của con người cũng như bản chất của Đức Chúa Trời. Hậu quả của sự sa ngã là con người trở nên hoàn toàn suy đồi. Càng xa cách Đức Chúa Trời, con người càng lâm vào tình trạng suy đồi về phương diện đạo đức. Kinh thánh mô tả rằng:

 

Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác.

 

Đó chính là bản chất của con người. Bản chất của con người là hướng về điều ác và làm điều ác.

 

Những chương nầy cũng nói về bản chất của Đức Chúa Trời. Những câu hỏi sau giúp chúng ta trong sự tìm hiểu về bản chất của Ngài. Trước tiên, phải chăng Đức Chúa Trời là một thân vị? Ngài có cảm xúc không? Chúng ta tin rằng, Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương; hiển nhiên, chúng ta đều thích điều đó, nó khiến chúng ta cảm thấy an tâm và dễ chịu. Tuy nhiên, bên cạnh bản chất yêu thương, Chúa còn có thuộc tính nào khác nữa không? Nếu Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, Ngài có thể nổi giận không?


Có một người cha đầy nhân hậu. Anh rất mức yêu thương cô con gái mới lên 7 tuổi. Cháu bị cưỡng hiếp và giết chết bởi kẻ sát nhân. Khi kẻ sát nhân bị giải giao đến đồn cảnh sát, các nhân viên cảnh sát phải cố gắng kiềm anh không tóm lấy kẻ sát nhân. Bởi vì anh là người cha yêu thương nhân hậu, anh bày tỏ sự giận dữ với kẻ sát nhân đã giết chết con gái mình.

 

Chúng ta học về bản chất của Đức Chúa Trời qua câu chuyện nước lụt. Đức Chúa Trời yêu thương con người. Khi Ngài nhìn xuống, Chúa thấy tội lỗi và quyền lực của điều ác đang hủy diệt đối tượng yêu thương của Ngài, phá hỏng chương trình vĩ đại của Ngài cho con người. Chúa bày tỏ cơn thạnh nộ. Cơn thạnh nộ của Ngài chính là phản ứng của một Đức Chúa Trời yêu thương đối với điều đã hủy diệt đối tượng mà Ngài yêu. Đây chính là sứ điệp của cơn đại hồng thủy trong Sáng thế ký chương 6 đến chương 9. Khi học qua sách Sáng thế ký, hãy xem những việc đã xảy ra trong quá khứ và tìm hiểu ý nghĩa của nó cho hiện tại.

 

 

Bài trướcBài thứ 104: Bí Quyết Của Sức Mạnh
Bài tiếp theoBài 14: Chuyện Ca-in và A-bên