Bài 114: Nếm Biết Chúa (tiếp theo)

2831

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Trong Thi Thiên 16:6-10, Đa-vít nói rằng:

Tôi may được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành; phải, tôi có được cơ nghiệp đẹp đẽ. Tôi sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va, là Đấng khuyên bảo tôi; ban đêm lòng tôi cũng dạy dỗ tôi. Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi. Bởi cớ ấy lòng tôi vui vẻ, linh hồn tôi nức mừng rỡ; xác tôi cũng sẽ nghỉ yên ổn; vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong Âm phủ, cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát“.

Đa-vít không nói về chính mình. Trong ngày Lễ Ngũ tuần, Phi-e-rơ đã nói rằng “Đa-vít đã chết và ngôi mộ vẫn còn đó.” Ngày nay ngôi mộ của Đa-vít vẫn còn ở xứ Do Thái. Vậy nên, Phi-e-rơ kết luận, “Đa-vít không nói về chính mình nhưng nói về Chúa Giê-xu Christ”. Khi Chúa Giê-xu sống lại từ kẻ chết, Ngài đã làm ứng nghiệm lời tiên tri nầy. Sự ứng nghiệm đó khiến Thi Thiên 16 mang tính chất tiên tri.

Thi Thiên 2 cũng là Thi Thiên tiên tri. Thi Thiên nầy được chép như sau, “Nhơn sao các ngoại bang náo loạn? Và những dân tộc toan mưu chước hư không? Các vua thế gian nổi dậy, Các quan trưởng bàn nghị cùng nhau nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài, mà rằng: Chúng ta hãy bẻ lòi tói của hai Người, Và quăng xa ta xiềng xích của họ. Đấng ngự trên trời sẽ cười, Chúa sẽ nhạo báng chúng nó”. (c.1-4)

Tác giả cho biết rằng một ngày kia, Chúa sẽ đến với cơn thạnh nộ, câu thứ 9 ghi: “Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; Con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm”.

Đây là lời tiên tri về Đấng Mê-si-a. Khi Chúa Giê-xu đến thế giới nầy lần thứ nhất, Ngài bị đánh đập, bị nhổ nước miếng lên mặt, bị đội mão gai trên đầu và bị con người đóng đinh trên thập tự giá. Nhưng khi Chúa đến lần thứ hai thì sự việc không phải như vậy. Ngài sẽ đến với uy quyền đập tan mọi thế lực chống đối Ngài giống như người ta dùng cây gậy sắt để đập vỡ bình gốm.

Các vị sứ đồ thường hỏi Chúa rằng, “Khi nào thì Chúa lập nước của Ngài?” Hay nói cách khác, ý họ muốn hỏi: “Khi nào thì Ngài sẽ đánh tan ách thống trị của La mã? Khi nào thì Ngài quét sạch tội ác?” Họ không hiểu rằng Chúa đến với thế giới nầy hai lần, lần thứ nhất Ngài là Cứu Chúa chịu thống khổ. Nhưng khi đến lần thứ hai Ngài là Vua của các vua và Chúa của các chúa. Lẽ thật nầy dựa vào lời tiên tri trong Thi Thiên 2.

Bây giờ chúng ta bước sang Thi Thiên 46. Theo Phi-e-rơ thì Thi Thiên 46 nói về “Ngày của Chúa.” Nhiều tiên tri gọi đó là “Ngày của Chúa”, đây là điều chỉ về sự hiện đến lần thứ hai của Chúa Giê-xu hay còn gọi là sự tái lâm. Nó bao gồm nhiều biến cố xảy ra trong một khoảng thời gian dài. Giữa vòng các học giả cũng không đồng ý với nhau về các chi tiết. Phi-e-rơ cho biết khi “ngày của Chúa” đến thì mọi thể chất đều bị tiêu tán. Ông nói, “các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi!”

Một Mục sư đã nhờ nhà vật lý giải thích một cách rất đơn giản về phản ứng hạt nhân, thì sau khi suy nghĩ nhà khoa học nói, “Sức nóng của nó thật khủng khiếp đến nỗi làm tan chảy mọi vật. Nếu cho nổ một thiết bị hạt nhân gần một bức tường bằng bê tông dài 100 mét, cao 30 mét, dày 30 mét thì bức tường nầy sẽ bị bốc thành hơi. Bê tông sẽ biến thành khói.” Nghe đến đây Mục sư nói, “Thế ông có tin rằng cách đây gần 2000 năm một người đánh cá thất học đã mô tả y hệt như vậy không?” Rồi Mục sư chỉ cho nhà khoa học xem 2 Phi-e-rơ 3. Mục sư cho biết không phải chỉ một mình Phi-e-rơ nói như vậy nhưng có những tiên tri sống hàng ngàn năm trước Phi-e-rơ cũng có những lời tiên tri tương tự. Tác giả của Thi Thiên 46 là một trong những người nầy.

Khi một tiên tri nói về những việc sẽ xảy ra thì họ dùng thời quá khứ. Vì đối với họ nếu Đức Chúa Trời nói về việc nào đó sẽ xảy ra thì các tiên tri xem như nó đã xảy ra. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa qua Thi Thiên 46:

Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân. Vì vậy, chúng tôi chẳng sợ dầu đất bị biến cải, Núi lay động và bị quăng vào lòng biển; Dầu nước biển ầm ầm sôi bọt, Và các núi rúng động vì cớ sự chuyển dậy của nó. Có một ngọn sông, dòng nước nó làm vui thành Đức Chúa Trời, Là nơi thánh về chỗ ở của Đấng Chí cao. Đức Chúa Trời ở giữa thành ấy; thành ấy sẽ không bị rúng động. Vừa rạng đông Đức Chúa Trời sẽ giúp đỡ nó. Các dân náo loạn, các nước rúng động; Đức Chúa Trời phát tiếng, đất bèn tan chảy” (c.1–6)

Câu Đức Chúa Trời phát tiếng, đất bèn tan chảy được dùng ở thời quá khứ, nói cách khác câu đó được hiểu là Đức Chúa Trời đã phát tiếng, đất bèn tan chảy rồi. Tiếp tục câu thứ 7 và 8 “Đức Giê-hô-va vạn quân ở cùng chúng tôi; Đức Chúa Trời Gia-cốp là nơi nương náu của chúng tôi. Hãy đến nhìn xem các công việc của Đức Giê-hô-va, Sự phá tan Ngài đã làm trên đất là dường nào!”

Câu Sự phá tan Ngài đã làm trên đất là dường nào! cũng được dùng ở thời quá khứ, nói cách khác câu đó được hiểu là Chúa đã làm cho đất trở nên hoang tàn.

Tiếp tục từ câu thứ 9-11 “Ngài dẹp yên giặc cho đến đầu cùng trái đất, Bẻ gảy các cung, chặt các giáo ra từng miếng, Và đốt xe nơi lửa. Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất. Đức Giê-hô-va vạn quân ở cùng chúng tôi; Đức Chúa Trời Gia-cốp, là nơi nương náu của chúng tôi”.

Kinh Thánh cho biết rằng trái đất không phải tồn tại vĩnh viễn, nhưng nó sẽ bị thiêu hủy. Dựa theo Thi Thiên 46 mà nhà truyền giảng Tin Lành Moody đã nói rằng, “Thế giới nầy giống như một chiếc thuyền đang chìm, nhiệm vụ của chúng ta không phải là cứu chiếc thuyền, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là cứu những người ở trong chiếc thuyền đó trước khi nó chìm hẳn dưới lòng biển.”

Phi-e-rơ cho biết mọi sự rồi sẽ bị thiêu đốt, ông thách thức chúng ta như sau: “Nếu biết rằng mọi sự sẽ bị tiêu tan thì chúng ta phải sống thế nào? Có nên miệt mài với vật chất hay lo phát triển con người bên trong là người không bị hư nát, con người đời đời, chăm lo những điều thuộc linh là những điều không bị rúng động, không bị tàn phá?”

Giữa một viễn cảnh là trái đất sẽ bị thiêu hủy thì tác giả đã đề cập đến một tin mừng như sau, “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân” (c.1).

Tác giả dùng minh họa để trình bày tin mừng nầy: “Có một ngọn sông, dòng nước nó làm vui thành Đức Chúa Trời, là nơi thánh về chỗ ở của Đấng Chí cao. Đức Chúa Trời ở giữa thành ấy; thành ấy sẽ không bị rúng động” (c.4-5)

Chúa sẵn sàng giúp đỡ trong những hoàn cảnh khó khăn. Dòng sông ở đây chỉ về gì? Nhiều người tin rằng dòng sông nói về con cái Chúa trong thời Cựu ước và Hội Thánh trong thời Tân Ước. Dòng sông ám chỉ những người thuộc về Chúa chảy xuyên suốt thế giới và đổ về thành của Đức Chúa Trời là thiên đàng. Vì thế con dân Chúa thuộc về một nước đời đời. Chúng ta nên quí trọng những người thuộc về Chúa và dâng chính mình để xây dựng Hội Thánh thật của Chúa Giê-xu. Chúa Jesus nói rằng, “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh ta, các cửa của âm phủ không thắng được hội đó.” Hội Thánh mà Chúa Giê-xu nói ở đây chính là dòng sông chảy khắp thế giới rồi đi vào trong sự hiện diện đời đời của Đức Chúa Trời. Khi đến giữa Thi Thiên thì tác giả mô tả về “Ngày của Chúa” trong thời quá khứ. Đó là một ngày thật kinh hoàng, câu thứ sáu nói rằng, “Các dân náo loạn, các nước rúng động; Đức Chúa Trời phát tiếng, đất bèn tan chảy”.

Giữa một cảnh tượng hãi hùng như vậy thì tác giả tìm được nơi nương dựa, “Đức Giê-hô-va vạn quân ở cùng chúng tôi; Đức Chúa Trời Gia-cốp là nơi nương náu của chúng tôi” (c.7)

Dầu cho mọi sự bị thiêu đốt thì Đức Chúa Trời là nơi ẩn náu cho chúng ta. Câu 8 cho biết, “Hãy đến nhìn xem các công việc của Đức Giê-hô-va, Sự phá tan Ngài đã làm trên đất là dường nào!”

Trong khi tác giả đang đề cập đến những cảnh kinh sợ thì câu 10-11 khuyên rằng, “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất. Đức Giê-hô-va vạn quân ở cùng chúng tôi; Đức Chúa Trời Gia-cốp, là nơi nương náu của chúng tôi”.

Đây là một trong những câu hay nhất của Thi Thiên. Câu 11 chấm dứt với hai chữ Sê-la nhằm nhắc chúng ta dừng lại và suy nghĩ cẩn thận về điều đó.

Khi nói về ngày lớn và kinh hoàng của Chúa thì chúng ta được khuyên rằng, “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời.” Chúng ta đã có kinh nghiệm trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời không? Phần lớn chúng ta đều quá bận rộn đến nỗi không thì giờ yên tịnh để chiêm nghiệm trong sự hiện diện của Chúa. Nhưng Lời Chúa dạy chúng ta là “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Giê-hô-va.” Những gì tác giả nói có thể được diễn tả như sau, “Một ngày kia, mọi sự đều sẽ bị thiêu đốt, núi đồi sẽ bị tung xuống đại dương, biển cả sẽ gầm thét và sủi bọt vì động đất. Khi mọi việc đó xảy ra, chỉ còn có một điều quan trọng đó là: Chúng ta biết Chúa không? Chúng ta có thể nói rằng “Chúa là nơi nương náu và là sức mạnh của tôi” không? Ngài sẵn sàng giúp đỡ tôi trong những giờ phút khó khăn nầy không?

Có rất ít điều trong thế giới nầy còn lại trong cõi đời đời. Đó là lý do vì sao chúng ta có những sách Văn thơ. Những sách nầy đề cập về con người bên trong. Chúng ta có người bên ngoài và người bên trong. Người bên ngoài chịu tàn tạ theo thời gian và cuối cùng là phải chết. Phao-lô nói trong I Cô-rinh-tô 15 về số phận sau cùng của con người bên ngoài. Khi thể xác nầy chết, thật ra chúng ta không chôn vùi nó nhưng chúng ta gieo nó giống như gieo một hạt giống. Chúng ta gieo hạt giống là phần thể xác với niềm tin và hy vọng về sự sống lại. Theo Phao-lô thì một ngày kia Đức Chúa Trời sẽ làm sống lại thể xác đã từng bị chôn vùi trong lòng đất. Ông cho biết thể xác giống như chiếc lều mà chúng ta sống trong đó hay giống như một hạt giống được gieo ra. Con người bên trong mới là đời đời, nó sẽ sống vĩnh viễn với Đức Chúa Trời. Theo những sách Văn thơ và Phao-lô thì hai thực tại lớn nhất trong cuộc sống là Đức Chúa Trời và con người bên trong.

Thi Thiên 46 cũng nói về sự thờ phượng. Thờ phượng là sự liên kết giữa con người bên trong và sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời. “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời.” Chữ “biết” ở đây chỉ về mối tương giao mật thiết. Ví dụ Sáng Thế Ký chép rằng A-đam biết vợ mình và nàng mang thai. Theo văn mạch nó có nghĩa là biết một cách mật thiết bằng kinh nghiệm. Biết Chúa là Đấng thế nào và biết ý muốn của Ngài là gì. Theo Thi Thiên 46 thì Chúa muốn mọi người trên thế giới biết Ngài và biết được ý chỉ của Ngài. Ý chỉ của Ngài được tôn cao giữa vòng dân ngoại và được tôn cao trên đất.

Chúng ta có yên lặng đủ để biết Chúa không? Chúng ta có yên lặng đủ để biết ý muốn của Ngài không? Đức Chúa Trời đang xây dựng Hội Thánh của Ngài. Theo bài giảng của Chúa Giê-xu ở Ma-thi-ơ thì Tin Lành phải được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân rồi sự cuối cùng sẽ đến.

Bài trướcLược sử Hội Thánh Tin Lành Dầu Giây
Bài tiếp theoNhớ Mãi Việc Nhiệm Mầu Của Chúa – 27/11/2019