Bài 1: Giới Thiệu Sách Xa-cha-ri

3858

Kinh Thánh: Xa-cha-ri 1:1-3

“Tháng tám năm thứ hai Đa-ri-út, có lời của Đức Giê-hô-va phán cùng đấng tiên tri Xa-cha-ri, con trai Ba-ra-chi, cháu Y-đô, mà rằng: Đức Giê-hô-va đã rất không bằng lòng tổ phụ các ngươi. Vậy ngươi khá nói cùng chúng rằng: Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Hãy trở lại cùng ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.”

Xa-cha-ri trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Đức Giê-hô-va nhớ đến”. Thật vậy, trước khi dân sự bị lưu đày qua Ba-by-lôn, thì Ngài dùng tiên tri Giê-rê-mi để nói tiên tri một cách cụ thể, rõ ràng nhất về khoảng thời gian lưu đày là 70 năm, sau đó, dân sự sẽ được trở về:

“Vả, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Khi bảy mươi năm sẽ mãn cho Ba-by-lôn, ta sẽ thăm viếng các ngươi, sẽ làm trọn lời tốt lành cho các ngươi, khiến các ngươi trở về đất nầy” (Giê-rê-mi 29:10).

Bên cạnh Giê-rê-mi, trước đó khoảng 200 năm, Chúa cũng đã dùng tiên tri Ê-sai nhiều lần nói đến sự trở về của dân sự từ đất Ba-by-lôn. Ê-sai đã nói đích danh rằng Vua Si-ru của Mê-đi Ba Tư sẽ là tôi tớ của Đức Giê-hô-va để đem dân sự trở về:

Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giê-hô-va; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Đức Chúa Trời chúng ta!”(Ê-sai 40:3) ;

phán về Si-ru rằng: Nó là người chăn chiên của ta; nó sẽ làm nên mọi sự ta đẹp lòng; lại cũng phán về Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ được lập lại, và phán về đền thờ rằng: Nền ngươi sẽ lại lập” (Ê-sai 44:28)

Trong bối cảnh dân sự trở về (lần I) dưới thời Xô-rô-ba-bên, Chúa lại tiếp tục dấy lên tiên tri Xa-cha-ri. Ý nghĩa tên của nhà tiên tri “Đức Giê-hô-va nhớ đến” đã thể hiện chính xác những gì đã xảy đến trên tuyển dân, Đức Chúa Trời đã nhớ lại lời hứa của Ngài đã phán với Ê-sai và Giê-rê-mi. Xa-cha-ri viết sách này khoảng năm 520-518 TC, cùng thời với tiên tri A-ghê.

Nếu những sách viết trong bối cảnh Hậu lưu đày như Ê-xơ-tê, Nê-hê-mi, E-xơ-ra, A-ghê, Ma-la-chi, v.v… đơn thuần dùng văn phong tường thuật lịch sử hay có những lời tiên tri cụ thể về đền thờ Giê-ru-sa-lem được tái thiết; thì khi đọc Xa-cha-ri, chúng ta sẽ bắt gặp thể loại văn chương khải thị (Apocalyptic – thể văn chương được thấy trong phần sau của sách Đa-ni-ên hay hầu hết trong Khải Huyền). Chính thể loại văn chương khải thị đòi hỏi chúng ta đọc chậm hơn, suy gẫm, và còn chịu khó tra cứu nữa vì hầu hết Văn chương khải thị dùng nhiều hình ảnh trừu tượng, khó hiểu, để chỉ về tương lai, và có những hình ảnh chỉ về lai thế ở rất xa trong lịch sử hiện tại, liên quan đến công tác cứu chuộc của Chúa Giê-xu và thậm chí đến những ngày sau rốt của lịch sử nhân loại.

Dù sao đi nữa, chúng ta cũng sẽ cố gắng nghiên cứu Xa-cha-ri. Loạt bài học này không hướng đến việc giải nghĩa tường tận mọi nội dung nhưng được biên soạn với hai tiêu chí: gọn gàng và rõ ràng (short and sharp), hy vọng phần nào sẽ cung cấp những chìa khóa cần thiết cho anh chị em, để tất cả chúng ta có cơ sở hiểu được nội dung của sách.

Để có thể nắm bắt được nội dung khi cùng nhau nghiên cứu Lời Chúa trong sách Xa-cha-ri, đây là những điều mà mỗi người cần làm:

  • Cố gắng đừng bỏ cuộc và đừng bỏ bài học mỗi ngày, vì chúng có liên quan nhau.
  • Cố gắng đọc cả sách Xa-cha-ri và phần Kinh Thánh liên quan bài học.
  • Có có thắc mắc, hãy cứ mạnh dạn đặt câu hỏi qua những bình luận bên dưới bài viết.
  • Hãy nhớ đến người viết, lẫn người đọc trong sự cầu thay.

Biên soạn: MS Nguyễn Tấn Lộ

Bài trướcTrà Vinh: Hội Thánh Trà Cú Phát Quà Yêu Thương Cho Tín Hữu Khmer Mùa Dịch
Bài tiếp theoSinh Hoạt Của Các Hội Thánh Tại Cần Thơ Giữa Đại Dịch