HTTL ĐÀ NẴNG – CUỘC HÀNH TRÌNH THẾ KỶ – (Phần 6)

1684

HTTL ĐÀ NẴNG – CUỘC HÀNH TRÌNH THẾ KỶ

(LƯỢC SỬ 110 NĂM TIN LÀNH ĐẾN ĐÀ NẴNG (1911-2021)

Phần 6

4.          Giai đoạn 1955-1975 (tiếp)

Từ 1960 – 1964, Mục sư Lê Đình Tố được mời về Chủ tọa Hội Thánh Đà Nẵng lần thứ hai. Ông bà cùng Hội Thánh đã mở thêm Hội Thánh An Hải và mở lại Hội Thánh tại Hải Châu. Cả hai hội thánh này đã xây được nhà thờ, tư thất và trường học khang trang, có Mục sư chủ tọa hội thánh và nền tài chính khá vững vàng. Ngoài ra, Hội Thánh cũng được phép giảng Tin Lành tại Trung tâm Cải huấn, bệnh viện Duy Tân và được mở chiến dịch giảng Tin Lành tại huyện Hòa Vang, cùng nhiều nơi khác, nên có thêm nhiều người tin Chúa.  Hội Thánh đã xin được đất để xây nhà thờ tại Cẩm Lệ (Hòa Vang).

Lễ Cung hiến nhà thờ Tin Lành An Hải, năm 1964

Chiến dịch Tin Lành được phát động Đà Nẵng từ đêm 09-18/03/1964, mỗi đêm có hai ba trăm người đến nghe giảng. Sau 10g đêm có 15 người trở lại tin Chúa. Chính quyền chấp thuận cấp cho Hội Thánh 5 lô đất tại xã An Hải (thuộc khu Đông Giang, Đà Nẵng) để xây cất nhà thờ nhánh. Hội Thánh đã cử hành đặt viên đá góc nhà thờ vào lúc 4g chiều ngày 01/04/1964, đồng thời khai mạc chiến dịch Tin Lành tại đây. Đến dự buổi lễ, ngoài các Mục sư, Truyền đạo, ở các Hội Thánh lân cận, còn có quý vị Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ban Trị sự Địa hạt Bắc Trung phần, các sĩ quan Việt Mỹ, ông Đại diện Đại tá Thị trưởng Đà Nẵng, các cấp Quân Dân Chính, quý Giáo sĩ và một số đông con cái Chúa.[1] Nhà thờ An Hải được cung hiến cho Chúa ngày 31/05/1964.[2]

Đến tháng 9/1964, Mục sư Lê Đình Tố chuyển đến Hội Thánh Huế, Mục sư Nguyễn Lĩnh được Hội Thánh mời về làm Chủ tọa, nhưng chỉ 2 tháng sau, Mục sư Nguyễn Lĩnh lại tham gia Đoàn Tuyên úy Tin Lành.

Từ tháng 11/1964 đến tháng 03/1965, Mục sư Nguyễn Xuân Vọng là Chủ nhiệm Địa hạt Bắc Trung phần kiêm Chủ tọa Hội Thánh.

Cụ Nguyễn Hữu Thành, thân sinh Mục sư Nguyễn Hữu Khanh và Mục sư Nguyễn Hữu Phiên đã về nước Chúa ngày 18/02/1965, hưởng thọ 90 tuổi. Cụ là một bông trái đầu tiên của Hội Thánh Chúa tại Đà Nẵng, rất sốt sắng trong sự thờ phượng hầu việc Chúa, dự phần đắc lực trong công việc Hội Thánh, vừa làm chức viên Ban Trị sự, vừa làm Trưởng ban Trường Chúa nhật, vừa là nhân sự của Ban Chứng đạo.[3]

Trường Thánh Kinh Tiểu học Đà Nẵng khai giảng vào lúc 20g ngày 20/07/1965, dầu tình thế rất khó khăn, song có 60 thanh niên nam nữ đến nhập học. Trong suốt một tháng, các khóa sinh đi thực tập Cá nhân chứng đạo đã phát được 1.000 sách, 300 người nghe Tin Lành, có 14 người cầu nguyện tin Chúa, 4 người hứa dâng mình cho Chúa đi học Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang. Ban Giáo sư nhà trường: Hiệu trưởng Mục sư Nguyễn Xuân Ba, Giáo sư: Giáo sĩ O. N. Steinkamp, Giáo sĩ H. L. Josephsen, Mục sư Mã Phúc Minh, Truyền đạo Nguyễn Hoài Đức, bà Giáo sĩ O. N. Steinkamp, bà Mục sư Nguyễn Xuân Ba.[4]

Từ năm 1965 đến 1974, Mục sư Mã Phước Minh được mời về làm Chủ tọa Hội Thánh[5].

Năm 1967, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam phát động chương trình Truyền đạo Sâu Rộng. Hội Thánh Đà Nẵng đã nhiệt thành hưởng ứng.

Ngày 27/04/1967, Hội Thánh Tin Lành Đà Nẵng đã quyết định lấy một phần Chi phái Bết-lê-hem với khoảng 10 gia đình con cái Chúa để mở mang phía tây thị xã Đà Nẵng, thành lập Hội Thánh Tin Lành Tân An và mời Truyền đạo Lê Cao Quý vừa tốt nghiệp Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang về làm phụ tá Mục sư Chủ tọa Hội Thánh Đà Nẵng để lo mở mang Hội Thánh và kiêm Hiệu trưởng Trường Tư thục Tin Lành. Ngày 01/01/1968, Hội Thánh dựng một nhà nguyện tạm tại đây. Đến ngày18/05/1968, đã diễn ra lễ Đặt Viên đá đầu tiên xây cất nhà thờ Tân An.

Ban Trị sự Tổng Liên Hội và C&MA đã đồng ý dùng khu trường Kinh Thánh cũ để lập một Trung tâm Văn hóa và Hướng nghiệp. Ngày 15/08/1967 là ngày khai giảng Trường Trung học với sự hiện diện của các Mục sư Tuyên úy Thủy lục, Không lực Hoa Kỳ, các Mục sư, giáo hữu, phụ huynh học sinh và một số hơn 50 em học sinh hai lớp Đệ thất và Đệ lục (lớp 6 và lớp 7 hiện nay).[6] Trường dự định mở thêm 2 lớp nữa trong niên khoá sau. Về các cơ sở hướng nghiệp sẽ lần lượt xây dựng nếu có phương tiện.[7]

Hội đồng Thường niên Hội Thánh năm 1967, quyết định trùng tu và mở rộng đền thờ, xây thêm 1 dãy nhà 2 tầng và một tháp chuông mới. Sau gần một năm, Hội Thánh được chính quyền thị xã Đà Nẵng chấp thuận cho xây dựng nhà thờ và Chẩn Y viện trên lô đất 72×90 = 6.480m2 thuộc một phần khuôn viên nghĩa trang cũ của Hội Thánh Đà Nẵng đã mua đứt của làng Thạc Gián từ năm 1948, và một phần đất của Sở Hỏa xa. Một nhà thờ tạm bằng gỗ, vách ván, mái tôn 60m2 được dựng lên.

Thánh Kinh Tiểu học khóa VIII Bắc Trung phần khai giảng ngày 14/07/1968 và mãn khóa ngày 04/08/1968. Dầu tình thế khó khăn, Chúa cũng cho 64 nam nữ thanh niên từ các Hội Thánh trong hạt đến Đà Nẵng theo học. Có 29 học viên chính thức và 25 dự thính. Mục sư Giáo sư Lê Hoàng Phu làm Hiệu trưởng, ngoài ra còn có Mục sư Giáo sư Phạm Xuân Tín, Mục sư Trí sự Lê Nguyên Anh, Mục sư Mã Phúc Minh, Mục sư Nguyễn Hoài Đức và Truyền đạo Lê Cao Quý dự phần trong chương trình dạy.[8]

Năm 1969, Hội Thánh Đà Nẵng đã có kế hoạch mở Hội Nhánh Quận Nhất (trung tâm thành phố).[9]

Ngày 18/05/1969, nhà thờ Tân An được xây dựng với diện tích 207m2, được khánh thành và cung hiến vào ngày 27/12/1970. Hội Thánh kết hợp cùng Địa hạt Bắc Trung phần thành lập Ủy ban Kiến thiết và trình Tổng Liên Hội lập đồ án xin phép xây cất Chẩn Y viện, lấy tên Chẩn Y viện Đức Tin, diện tích 360m2 trên một phần đất 3.000m2 của Hội Thánh về phía tây nhà thờ để khám, chữa bệnh, phát thuốc cho những người khó khăn. Sau năm 1975, cơ sở này và toàn bộ trang thiết bị được chuyển giao cho chính quyền để sử dụng vào mục đích y tế.

Nhà thờ Tin Lành Tân An

Năm 1970, một chiến dịch Tin Lành được tổ chức tại Tân An từ ngày 06-13/06, tại An Hải từ ngày 14-21/06, tại Hòa Mỹ từ ngày 22-25/06 và tại Đà Nẵng từ ngày 28/06-05/07/1970.[10]

Có 2 đoàn chiếu phim và truyền giảng Tin Lành cho đồng bào tị nạn tại Đà Nẵng được chính quyền địa phương mệnh danh là đoàn Cứu trợ Tinh thần. Chỉ hai đoàn này được quyền di chuyển ngoài giờ giới nghiêm, tức là sau 9g tối. Đoàn 1 do Mục sư Lê Cao Quý làm Trưởng đoàn, đoàn 2 do Mục sư Lê Văn Từ làm Trưởng đoàn, với sự hợp tác của các Mục sư, Truyền đạo hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên tản cư vào và các Mục sư, Truyền đạo địa phương Đà Nẵng cùng các tín hữu. Mỗi đêm, đoàn có truyền giảng Tin Lành cho các trại tị nạn trừ ra đêm thứ Bảy vì cần nghỉ để chuẩn bị cho buổi thờ phượng sáng Chúa nhật. Lúc này, Đà Nẵng có 126 trại gồm hơn 400.000 đồng bào tị nạn. Ngoài ra, đoàn cán sự CTG[11] gồm 14 người tập trung tại Đà Nẵng từ 23/05-05/06/1972 đã phát 29.364 quyển “Thông điệp của Thượng đế”, 3.708 quyển “Bạn có hạnh phúc?”, và 4.276 quyển “Chiến thắng cuối cùng”, kết quả có 52 người tin nhận Chúa Giê-xu. Tính chung đến ngày 10/06/1972 đã có hơn 400 người tin Chúa trong các trại tị nạn tại Đà Nẵng. Trong 126 trại, có trại Books là đông hơn cả gồm 73.000 người. Tại đây, có đêm đến hơn 10 ngàn người nghe Tin Lành, có một nhà thờ và Mục sư Ngô Tấn Phi chăm sóc bầy chiên ở đây. Phải nói rằng, chưa có lúc nào mà việc truyền giảng Tin Lành cho đồng bào 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên được dễ dàng và kết quả như lúc này.[12]

Năm 1974, Mục sư Mã Phước Minh, đắc cử làm Chủ nhiệm Địa hạt, Hội Thánh Đà Nẵng đã mời Mục sư Dương Thạnh về Chủ tọa Hội Thánh.

Ông Bà Mục sư Dương Thạnh

(còn tiếp)

Vũ Hướng Dương
(tư liệu: “Lược sử 110 năm Tin Lành đến Đà Nẵng” của HTTL Đà Nẵng)

 

Chú thích:

[1] Mục sư Lê Đình Tố, Tin tức, Đà Nẵng, Thánh Kinh báo số 310 (143), tháng 06/1964, trang 36.

[2] Hình ảnh thời sự, Thánh Kinh báo số 312, tháng 08/1964, trang 21.

[3] Ngủ yên trong Chúa, Đà Nẵng, Thánh Kinh báo số 318 (149), tháng 01-02/1965, trang 47.

[4] Tin tức, Đà Nẵng-Trường Thánh Kinh Tiểu học, Thánh Kinh báo số 326 (157), tháng 11/1965, trang 38.

[5] Theo biên bản số 20 của Ban Trị sự Địa hạt Bắc Trung phần, trang 52, thì từ tháng 06/1965, tạm cử Mục sư Mã Phúc Minh đến hầu việc Chúa tại Đà Nẵng cho đến khi có Hội đồng lưu mời vào đầu năm 1966.

[6] Ban Giám đốc, Tin tức, Đà Nẵng-Lễ khai giảng Trung học Tư thục Tin Lành, Thánh Kinh Nguyệt san số 348, tháng 11/1967, trang 36.

[7] Ban Quản trị, Tin tức, Đà Nẵng-Trung tâm văn hóa và hướng nghiệp Tin Lành, Thánh Kinh Nguyệt san số 354, tháng 06/1968, trang 36.

[8] Ban Quản đốc, Tin tức, Đà Nẵng-Thánh Kinh Tiểu học khóa VIII…, Thánh Kinh báo Nguyệt san số 358, tháng 10/1968, trang 37.

[9] Biên bản 36/BTP của Địa hạt Bắc Trung phần, ngày 19-20/06/1969, trang 105.

[10] Tin tức TĐSR, Thánh Kinh Nguyệt san số 377, tháng 08/1970, trang 26.

[11] Tổ chức Truyền giảng Tin Lành cho mỗi gia đình.

[12] Thông tín viên, Tin tức, Truyền giảng cho đồng bào tị nạn, Thánh Kinh Nguyệt san số 397, tháng 07-08/1972, trang 42.

Bài trướcTxo Hwjchim Tabmeeg Vajtswv – 3/3/2022
Bài tiếp theoỦy Ban Phụ Nữ Tổng Liên Hội: Thư Chúc Mừng Ngày Phụ Nữ Tin Lành