Bài 73: Tiếp Tục Bài Giảng Trên Núi

1956

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

Ma-thi-ơ 5-7

 

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI TRONG BỐI CẢNH

 

            Vì chúng ta đã đến kết thúc về Bài Giảng Trên Núi, nay cần trở lại để xét xem về bối cảnh của nó, bởi có nhiều ý kiến nhận xét có thể là mới mẻ và xa lạ đối với một số người. Rất nhiều người cảm thấy rằng Bài Giảng Trên Núi trình bày đường lối mà những người tin nhận Chúa sống trong xã hội hiện thời, cũng như nó được ban cho hội thánh ngày nay.

            Tuy nhiên, nếu chúng ta trở lại nhìn xem Lời Chúa một cách tổng thể, thì chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã đưa ra ba hệ thống, mà qua đó Ngài dùng để làm luật lệ cho nhân loại.

            Thứ nhất là hệ thống luật pháp Môi-se, ở phần đầu sách Sáng thế ký (đoạn 7) ký thuật về việc Đức Chúa Trời hủy diệt toàn thể nhân loại (chỉ trừ ra có một người và gia đình của ông ta, đó là Nô-ê) bởi vì tính hung bạo của họ và bởi “Các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (Sáng thế ký 6:5b). Nhân loại đã sống xa cách với Đức Chúa Trời và bởi đó Ngài phải đoán phạt họ. Trên toàn cả thế gian này, Ngài đã cứu vớt chỉ Nô-ê và gia đình của ông và cũng từ những người này, Đức Chúa Trời đã bắt đầu lập ra một dân mới, và họ được chọn để trở thành cha của một tuyển dân mà sẽ là chứng nhân cho Ngài. Thật vậy, Ngài đã ban cho họ một xứ, cho họ trở nên một dân đông vô số và khiến cho họ trở thành một nguồn phước giữa thế gian. Qua họ, Đức Chúa Trời sẽ đến cùng nhân loại, và qua Môi-se, Ngài đã ban cho họ hệ thống Luật pháp và đó là hệ thống tế lễ tuyệt vời. Sách Xuất Ê-díp-tô ký cho chúng ta biết về các chi tiết của nó và tỏ bày rằng trọng tâm của hệ thống Luật pháp này là bàn thờ của lễ thiêu, nơi mà của lễ thiêu được dâng lên cho Đức Chúa Trời. Bàn thờ của lễ thiêu này nói về thập tự giá của Cứu Chúa Giê-xu Christ, và Đức Chúa Trời không tha thứ tội lỗi nào, nếu không qua sinh tế được dâng lên. Như vậy, Luật pháp chẳng có thể cứu được con người. Hệ thống Luật pháp này chỉ cho người ta biết rằng họ là tội nhân, và đó là một thứ hệ thống định tội chứ không phải là hệ thống cứu rỗi. Bởi vậy, xuyên qua Kinh Thánh Cựu ước, của lễ thiêu hàm ý nói về một Đấng Cứu Thế sẽ đến, đó là Chúa Giê-xu Christ.

            Chúa Giê-xu đã đến và dâng chính mình Ngài như là một vị Vua để làm trọn các lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu ước. Nhưng dân tộc Ngài, là dân Do Thái đã từ chối Ngài.

            Tin lành Ma-thi-ơ giới thiệu Ngài như là một vị Vua. Mọi điều trong Tin lành này cần được hiểu trong ánh sáng của sự kiện Ngài là Vua. Trong Tin lành Ma-thi-ơ mà chúng ta đã trình bày, Ngài giáng sanh như một vị Vua, sống như một vị Vua, chết như một vị Vua và Ngài cũng từ cõi chết sống lại như một vị Vua, rồi sau cùng Ngài sẽ trở lại cai trị trên đất này cũng với tư cách một vị Vua.

 

            Một trong những sự kiện quan trọng mà Ngài đã làm khi còn ở trên đất này, ấy là Ngài đã tuyên bố bản Luật pháp của Ngài, một luật pháp khác biệt với Luật pháp Môi-se. Nó được gọi là Bài Giảng Trên Núi, được ghi lại trong Tin lành Ma-thi-ơ 5, 6 và 7. Một số phần của bài giảng này cũng được tìm thấy trong các sách Tin lành khác, nhưng ở đây, trong sách Ma-thi-ơ có ký thuật đầy đủ nhất. Như đã đề cập, đó chính là một ấn bản Luật pháp tóm tắt, và bằng chứng của điều này là Ngài đã dùng hai điều răn của Môi-se, và đưa chúng lên tới một mức độ đạo đức cao cả hơn vị trí mà chúng được diễn giải trong Cựu ước. Chẳng hạn Ngài phán rằng, nếu bạn giận anh em mình thì phạm tội giết người. Không có điều nào trong Cựu ước nói như vậy cả. Cũng vậy Ngài phán, nếu bạn nhìn người đàn bà mà động lòng ham muốn, thì bạn phạm tội tà dâm cùng người ấy trong tư tưởng của bạn rồi. Như thế là bạn đã phạm tội vào điều răn của Bài Giảng Trên Núi mà Chúa dạy. Những vi phạm nói trên có liên quan đến phân nửa số nhân loại ngày nay. Rất ít người không vi phạm và không bẽ gãy Luật pháp của Bài Giảng Trên Núi đó.

 

            Bài Giảng Trên Núi đưa Luật pháp Môi-se lên đến đỉnh cao đạo đức tột cùng. Có người hỏi: “Thế Luật pháp đó chẳng phải là điều mà chúng ta đang áp dụng ngày nay sao?” Xin thưa, không phải – Nó là Luật pháp áp dụng trong nước Đức Chúa Trời sẽ xảy ra trên đất. Vào thời kỳ đó, có lẽ chúng ta sẽ có được một ấn bản Luật pháp của Bài Giảng Trên Núi không có tính rút gọn nữa. Nó sẽ là Luật pháp của nước Đức Chúa Trời mà Đấng Christ sẽ lập nên trong tương lai. Trong Bài Giảng Trên Núi có nhiều nền tảng lớn cho chúng ta, nhưng chúng ta được ban cho một hệ thống khác hơn. Ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại ân điển hay còn gọi là thời kỳ của Đức Thánh Linh. Đây là thời đại mà Đức Chúa Trời cứu vớt loài người bằng ân điển và không áp dụng Luật pháp Môi-se, và cũng không phải thi hành Luật pháp đó. Chúng ta không phải được cứu bởi việc chúng ta làm. Nhưng bởi vì chúng ta tin rằng: “Đấng Christ đã chết vì tội lỗi của chúng ta theo như Kinh Thánh, Ngài được chôn và đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại như Kinh Thánh (I Cô-rinh-tô 15:3-4). Đó chính là Tin lành đã cứu chuộc chúng ta.

 

            Sau khi đã được cứu, Đức Chúa Trời có một đường lối cho chúng ta sống và đường lối ấy không phải là Luật pháp Môi-se, không phải là Mười điều răn. Nếu như chúng ta không giữ trọn vẹn Mười điều răn thì sẽ không được cứu (mà chắc chắn không thể nào giữ được), nhưng thật ra, điều có thể cứu chúng ta là đức tin vào Chúa Giê-xu Christ. Do đó, Luật pháp không thể nào cứu rỗi chúng ta được.

            Luật pháp Môi-se cũng không phải là lối sống, cũng không phải phương cách sống của Cơ Đốc nhân. Nói vậy, tức thì có người hỏi: “Như thế, điều đó có nghĩa là ông có tự do vi phạm không?” Dĩ nhiên, chúng ta không được phép vi phạm, điều đó muốn nói rằng, chúng ta có một lối sống cao hơn đạo đức của mười điều răn.

            Bạn có sẵn sàng để đón nhận những lời phát biểu đáng giật mình này không? Bài Giảng Trên Núi chỉ cho thấy càng nhiều kẻ giả hình thêm lên trong hội thánh hơn bất kỳ điều gì khác. Bạn đã từng đọc trong một bài trước đây câu chuyện về một người là thành viên của hội thánh, một người có chức vụ nhưng ông ta lại hay chửi thề, văng tục như một tay thủy thủ giang hồ và cứ nghĩ rằng mình vẫn là một Cơ Đốc nhân. Ông ta chỉ ủng hộ bài giảng đó, ông chấp nhận nó, nhưng lại không giữ, đã không sống theo như nó dạy. Thật chẳng có một ai có thể sống với Luật pháp của Bài Giảng Trên Núi được. Nó cung cấp một hình thức bề ngoài của tôn giáo, mà nhiều người nghĩ thế, trong khi tấm lòng của họ vẫn chẳng thay đổi chút nào. Tấm lòng của người ta cần phải được thay đổi.

            Có người nói rằng: “Tôi không gặp rắc rối gì cả, nhưng bản thân tôi mới chính là rắc rối.” Đó là sự khó khăn nhất trên cõi đời này. Chẳng có một sai lầm gì trong Mười điều răn, vì các điều đó đến từ Đức Chúa Trời, chúng biểu lộ tư tưởng và ý chí của Ngài, và Bài Giảng Trên Núi cũng vậy. Chắc chắn, chẳng có một sự sai lầm nào trong hai bản luật pháp đó cả, nhưng chắc chắn có điều gì sai quấy từ căn nguyên bên trong tấm lòng con người.

            Xin xem lời của Chúa Giê-xu được chép trong Tin lành Ma-thi-ơ để biết điều sai quấy đó ở đâu, Ma-thi-ơ 15:18-20, “Song những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người. Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn. Ấy đó là những điều làm dơ dáy người; song sự ăn mà không rửa tay chẳng làm dơ dáy người đâu.”

            Có nhiều tôn giáo đòi hỏi sự rửa tay, rửa thân thể và thực hiện nhiều lễ nghi, nhưng tấm lòng chính là vấn đề khó khăn. Ngày nay, một người mắc chứng bệnh đau tim trầm trọng, không thể nào dùng phương pháp đi bộ để mà trị liệu. Người đó cần phải tìm đến đại y sĩ Giê-xu, chứ không phải đi bộ. Duy chỉ có Chúa Giê xu Christ mới có thể đổi được trái tim của người bệnh bằng phép lạ, được xem là sự cải tử hoàn sinh. Thậm chí có lần Ngài đã phán với Ni-cô-đem, một con người lịch thiệp và đáng tôn trọng rằng, ông ta cần phải sinh lại. Mặc dù ngày nay, từ ngữ “được sinh lại” đang bị dùng sai và rất bị lạm dụng, nhưng đây là một chân lý mầu nhiệm và lạ lùng.

            Chúng ta cần phải được tái sinh, bởi vì con người cũ của chúng ta đang mang bản tính tội lỗi. Khi Chúa Giê-xu nói về các điều ra từ tấm lòng, Ngài ám chỉ không những tấm lòng của các thầy thông giáo và người Pha-ra-si, mà Ngài cũng muốn nói đến tấm lòng của hết thảy chúng ta. Bạn thấy đó, tấm lòng luôn luôn có vấn đề rắc rối.

            Sứ đồ Phao-lô triển khai thêm về lẽ thật này. Ông nói trong sách Ga-la-ti 5:19-21, “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời.”

            Ngày nay, chúng ta đang sống trong tình trạng đạo đức suy đồi, một sự vô luân kinh khiếp, người ta ném bỏ nền tảng căn bản về đạo đức, thế mà họ còn hãnh diện khi làm như vậy. Có một giáo sư đại học được phỏng vấn trên truyền hình, và được hỏi câu này: “Trong thời đại ngày nay, theo ông điều gì là đúng? Ông ta không ngần ngại trả lời rằng: “Bất kỳ điều gì khiến cho bạn thấy tốt thì đều đúng cả.” Như vậy theo ông ta, nếu việc giết cha mẹ mình khiến bạn cảm thấy tốt thì điều đó cũng hoàn toàn đúng nữa sao? Chúng ta không thể nào làm luật riêng theo cảm nghĩ con người.

            Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Mười điều răn, hầu để kiểm soát bản tính cũ, nhưng chúng ta đã không thể kiểm soát được bản tính cũ, bởi vì dân tộc mà Ngài ban cho Mười điều răn đó đi khỏi Ngài. Họ sống xa cách Đức Chúa Trời.

            Theo lẽ tự nhiên, con người không có khả năng thi hành nổi các tiêu chuẩn đạo đức của mười điều răn đó. Sứ đồ Phao-lô đã nhắc lại điều này trong các sách thư tín của ông.

            Thế thì con người phải sống như thế nào đây? Anh ta không thể sống theo nỗ lực riêng của mình được, bởi vì anh ta không thể tự tạo ra một thành quả nào đó. Lời Kinh thánh trong thư tín đã chép, Ga-la-ti 5:22, “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.”

 

            Chẳng có luật pháp nào tạo ra được những điều này. Chúng ta không thể tự nhiên có sẵn bản năng để có thể yêu. Ở đây không ám chỉ về tình yêu nhục dục, nhưng chỉ đề cập đến tình yêu chân chính đối với Đức Chúa Trời và đối với tha nhân. Loại tình yêu đó không phải tự nhiên mà có. Trước đây đã có một bài hát tựa đề là: “Hãy cứ làm điều gì đến cách tự nhiên.” Vâng, khi con người làm điều gì xãy đến một cách tự nhiên, anh ta chỉ có thể tạo ra được một nền văn minh tạm thời, một thứ văn minh vô luật pháp và đầy bạo lực như chính bản chất của nó vậy. Nếu vậy, có một vấn nạn đặt ra trong tâm trí của những người nghiêm túc, và có trách nhiệm cao trong xã hội rằng liệu các dân tộc chúng ta có thể sống sót chăng? Chúng ta sẽ không thể sống sót, nếu bản tánh con người cũ của chúng ta không được kiểm soát và được phục hồi.

            Làm thế nào chúng ta tạo ra được bông trái tốt như là sự yêu thương, sự nhân từ, hiền lành v.v..? Không thể nào tạo ra bằng nổ lực riêng của mình. Hãy trở lại Bài Giảng Trên Núi, nhớ đến câu Kinh thánh, Ma-thi-ơ 5:5 “Phước cho những kẻ có lòng nhu mì, vì sẽ hưởng được đất.”

            Có một lá thư từ một nhà truyền giáo tại Ê-thi-ô-pi, của Phi châu, nói rằng nơi đó người công bình không hưởng được đất. Vâng, người khiêm nhường rồi sẽ hưởng được đất khi Vua Giê-xu đến, vị Vua Khiêm Nhường nhất đã từng trải qua trên đất này. Ngày kia Ngài sẽ trở lại với đại quyền đại vinh, Ngài sẽ hạ sự bất công trên đất và thiết lập vương quốc của Ngài. Khi nào Ngài thực hiện điều đó thì Bài Giảng Trên Núi sẽ là Luật pháp của nước trời. 

 

            Nhưng ngày nay chúng ta sống như thế nào? Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, Ngài sanh ra những bông trái tốt đẹp này trong đời sống chúng ta như lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an. Bạn có sự bình an với Đức Chúa Trời không? Thế còn bình an chính trong lòng bạn thì sao? Bạn có sự bình an với Chúa chưa? Chỉ có Đức Thánh Linh mới có thể ban cho bạn sự bình an đó. Còn về sự vui mừng? Bạn có biết sự vui mừng thật trong Chúa là thể nào không? Và kế đó công việc của sự nhu mì là thể nào? Chúng ta không thể tự trở nên nhu mì. Tất cả chúng ta điều có tấm lòng kiêu ngạo. Chúng ta tất cả đều kiêu ngạo. Ấy là bản tính cũ tự chứng tỏ chính nó. Nhưng trái của Thánh Linh là sự nhu mì. Trong đời sống, có thể chúng ta từng cầu xin Chúa cho mình trở thành người nhu mì, và ban cho chúng ta một tấm lòng khiêm nhường. Xin Ngài khiến chúng ta trở thành một Cơ Đốc nhân đúng như ý nghĩa của từ này. Nhưng chúng ta không thể tự mình làm được điều đó. Đức Chúa Trời muốn thực hiện điều đó cho chúng ta qua Đức Thánh Linh.

 

            Đây chính là lối sống mới. Đây không phải là hệ thống Luật pháp Môi-se, cũng chẳng phải là Bài Giảng Trên Núi, nhưng đây là lối sống mới. Đức Chúa Trời đã ban phước cho chúng ta với tất cả những phước hạnh thiêng liêng trên các từng trời. Và giờ đây chúng ta bước đi trong thế gian này với lòng nhu mì, sự khiêm nhường trong tâm trí và sự khiêm nhường trong chính tấm lòng mình, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh đang ngự trị và hướng dẫn chúng ta.

 

            Ngay ngày hôm nay đây, chúng ta nên được đầy dẫy Đức Thánh Linh, Đấng khiến chúng ta có thể sống cho Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh sẽ tạo ra được bông trái tốt đẹp trong đời sống chúng ta. Đấng ấy khiến chúng ta có khả năng phụng sự Đức Chúa Trời. Đây là chương trình cao cả mà chúng ta được kêu gọi để phục vụ.

            Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đi xuống núi, nơi mà Chúa Giê-xu đã tuyên bố nền tảng đạo đức của Ngài, và chúng ta ắt sẽ thấy rằng Ngài cũng có quyền năng để khiến cho Luật pháp này được thi hành trọn vẹn khi Ngài trở lại cai trị trên thế gian.

          Mong uớc rằng sau khi bạn học Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu, hãy cầu nguyện nhờ ơn Chúa mà thực hiện nền tảng này trong đời sống của chính mình. 

          Xin nhắc và gởi cho lại bạn hai câu Kinh Thánh mà Chúa Giê-xu nói trong bài giảng của Ngài, Ma-thi-ơ 7:24-25.

      Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá.

      Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá.

 

 

Bài trướcTrại Hè Thanh Niên Tin Lành Thành Phố Đà Nẵng Năm 2016
Bài tiếp theoBài 73: Phước Hạnh Của Sự Tha Thứ