Bài 73: Phước Hạnh Của Sự Tha Thứ

1900

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

David là một người Chúa đẹp lòng, ông luôn luôn làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, thế nhưng rồi chính con người thánh thiện này đã sa ngã phạm tội, đây là một gương cảnh cáo chúng ta.

 

Các sách lịch sử trong Cựu ước được chia ra làm 3 loại. Thứ nhất là những sách lịch sử mang tính chất minh họa, gồm có Giô suê, Các quan xét và Rutơ. Sáu sách tiếp theo chép về các triều vua của Y sơ ra ên. Ba sách cuối cùng ghi về thời kỳ sau lưu đày. Sách Samuen thuộc về giai đoạn giữa, ghi lại các triều vua của người Dothái. Tại đây chúng ta gặp một trong những nhân vật then chốt trong Kinh thánh đó là David. Kinh thánh đã dành nhiều trang để ghi về cuộc đời ông, một nửa sách 1 Samuen và trọn 2 Samuen đã tường thuật lại cuộc đời của David. Ông cũng là người cảm tác một nửa Thi thiên. Những Thi thiên này cho biết David là người thế nào. Như vậy nếu xét lại toàn bộ những trang mà Kinh thánh đã dành cho David, chúng ta không ngần ngại mà cho rằng ông là bậc vĩ nhân của Đức Chúa Trời.

Chúng ta đã lần lượt đi qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời của David, kể từ khi ông còn là một thiếu niên chăn chiên, làm một nhạc sĩ rồi trở nên một chiến sĩ, một tướng lãnh, một người bị săn đuổi và cuối cùng là làm vua. Nhưng bắt đầu 2 Samuen 11 là những trang sử đen tối của David. David đã phạm tội. Làm sao một người như David, một bậc thánh nhân, một người luôn luôn tìm cách sống vừa lòng Chúa lại bị sa bại thê thảm? Kinh thánh không bào chữa về tội của ông. Tội tà dâm và sát nhân của David rất là nghiêm trọng. Chúng ta cũng đã tìm hiểu vì sao David đã sa ngã. David chỉ là người với bản chất yếu đuối thường tình và có nguy cơ phạm tội. Ông phạm tội vì đã không sống theo ý Chúa, đặc biệt là điều này xảy ra tại đỉnh cao của sự thành công. Phục truyền luật lệ ký đã răn dạy rằng, “Khi các ngươi vào trong xứ và được thịnh vượng thì hãy thận trọng. Đó là lúc các ngươi phải giữ lòng kính mến Chúa vì khi thịnh vượng là lúc dễ sa ngã.” David đã thành công và đó là lúc ông dễ bị tấn công. Tội lỗi đã đánh gục David.

Mặc dầu Đức Chúa Trời tha thứ nhưng David vẫn gặt những hậu quả của tội lỗi. 2 Samuen 11 – 18 phần lớn ghi lại hậu quả đó. Cũng chính tại chỗ thất bại nặng nề nầy mà David lại chứng tỏ tính chất vĩ đại của ông. Chúng ta không có ý nói rằng David vĩ đại vì ông phạm tội, nhưng ở cách ông đối phó với tội lỗi và hậu quả của nó.

Một trong những mục đích của chương trình Thánh Kinh Lược Khảo là tìm sự tương quan giữa các sách trong Kinh Thánh, qua đó chứng tỏ sự hiệp nhất của nó. Lấy ví dụ những sách lịch sử sẽ cung cấp cho chúng ta bối cảnh của các sách tiên tri. Nhờ nó mà chúng ta hiểu được cuộc sống của các tiên tri, hiểu được những bài giảng của họ, hiểu họ đã chịu khổ và chịu chết như thế nào. Những sách lịch sử cũng giúp chúng ta hiểu một trong những sách giá trị nhất trong Kinh Thánh đó là Thi thiên. Nó cung cấp bối cảnh lịch sử của Thi thiên, nhất là Thi thiên của David. Những sách lịch sử trình bày tiểu sử của David, qua đó giúp chúng ta hiểu Thi thiên của ông. 2 Samuen 11 – 18 và những Thi thiên của David phối hợp với nhau rất hài hòa. Không những trong những sách lịch sử mà ngay trong Thi thiên cũng cho thấy David đã đối phó với sự thất bại của mình như thế nào. Một lần nữa ngay tại chỗ sa bại, David đã chứng tỏ con người vĩ đại của ông.

Lấy ví dụ, Thi thiên 55 đã được cảm tác khi David hay rằng người bạn thân tín cũng là quân sư Ahitophe đã khuyên Apsalom là con của David dựng một cái lều trên đỉnh của cung điện và cưỡng hiếp tất cả vợ của cha mình trước sự chứng kiến của người Y sơ ra ên. Nếu đặt mình vào trường hợp của David, quí vị sẽ phản ứng ra sao? Chính trong tâm trạng đó mà David đã viết Thi thiên 55. Như vậy chúng ta sẽ hiểu đoạn này rõ hơn khi nắm được bối cảnh của nó. Cùng vào thời điểm này mà David viết Thi thiên 23, ông nói, “Đức Giê Hô Va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốngì. Ngài khiến tôi an nghĩ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.” Tác giả thi thiên 23 không phải là người ngồi yên bên cạnh dòng suối với những con chiên giỡn đùa bên mình. Thực ra ông là người đã từng đối diện với bao gian nguy khổ nạn. Thi thiên 55 ghi lại khi những đau khổ đã đến tận cùng, ông viết,

 

4  Lòng tôi rất đau đớn trong mình tôi, Sự kinh khiếp về sự chết đã áp lấy tôi.

5  Nỗi sợ sệt và sự run rẩy đã giáng trên tôi, Sự hoảng hốt đã phủ lấy tôi.

Dẫu vậy giữa những kinh hoàng thì David đã nói,

Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công bình bị rúng động.

David đã chứng tỏ sự thành công ngay giữa thất bại của mình. Điều đau lòng là người bạn chí cốt nay lại phản mình, David nói nếu là kẻ thù làm điều đó thì ông có thể đối phó được, nhưng đây lại là người rất thân tình. Chính lúc bị phản bội như vậy mà David đã viết nên Thi thiên 55.

2 Samuen 11 – 18 ghi lại việc Apsalom đảo chánh khiến David phải chạy khỏi Giê-ru-sa-lem vào trong sa mạc. Trong khi chạy thoát thân thì Simei đã nguyền rủa David. Một vị tướng đề nghị hãy giết Simei, nhưng David đáp, “Hãy để nó rủa sả, có lẻ Chúa bảo nó rủa ta.” Khi David chạy thoát khỏi Giê-ru-sa-lem, ông đã cảm tác Thi thiên 3, David nói như sau:

 

1  Đức Giê-hô-va ôi! kẻ cừu địch tôi đã thêm nhiều dường bao! Lắm kẻ dấy lên cùng tôi thay!

2  Biết bao kẻ nói về linh hồn tôi rằng: Nơi Đức Chúa Trời chẳng có sự cứu rỗi cho nó.

Đây là lời mà Simei đã rủa sả David, nhưng trong Thi thiên 3 David đã nói

Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là cái khiên chở che tôi; Ngài là sự vinh hiển tôi, và là

Đấng làm cho tôi ngước đầu lên.

Tôi lấy tiếng tôi mà kêu cầu Đức Giê-hô-va, Từ núi thánh Ngài đáp lời tôi.

Tôi nằm xuống mà ngủ; Tôi tỉnh thức, vì Đức Giê-hô-va nâng đỡ tôi.

Tôi sẽ không nao muôn người Vây tôi khắp bốn bên.

Hỡi Đức Giê-hô-va, hãy chổi dậy; Hỡi Đức Chúa Trời tôi, hãy cứu tôi!

Khi nhìn lại quá khứ David có thể thấy phép lạ được thể hiện qua những biến cố quan trọng trong đời mình. David thấy Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện trong quá khứ, ông có niềm tin quyết trong hiện tại và phó thác tương lai cho Đức Chúa Trời.

Thi thiên thứ 4 cũng được viết ra trong giai đoạn nầy. David cho biết ông đã rơi vào tình trạng bối rối lo âu đến nỗi không thể ngủ được. Ông nói, thông thường chúng ta không ngủ được vì có những quyết định quan trọng cần phải được thực hiện cách đúng đắn. Trong lúc giữa khuya khi mà không ngủ được thì ông đã quyết định trong lòng rằng,

Hãy dâng sự công bình làm của lễ và để lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va.

David nói rằng động lực khiến ông làm điều công chính là để những người khác thấy và hướng lòng về Đức Chúa Trời. Nhiều người đang nhìn chúng ta để tìm xem một đời sống thật sự làm điều công chính chớ không phải vì những toan tính lợi lộc. Thi thiên 4 cho biết David quyết định dâng của lễ bằng sự công bình và đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Khi có sự bình an thì David có thể ngủ được. Các học giả tin rằng Thi thiên 4 cũng được viết ra trong giai đoạn ông phải đối diện với hậu quả của tội lỗi.

Thi thiên 23:3 David nói, “Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình vì cớ danh Ngài.” Chúng ta nằm xuống và an nghỉ khi nhận thức rằng Ngài là Đấng chăn chiên còn chúng ta là bầy chiên của Ngài. Khi nào chúng ta quên ai là người chăn, ai là chiên thì đó là lúc tâm linh chúng ta cần được phục hưng. Khi chúng ta đóng vai người chăn thì mọi sự sẽ đảo lộn, chúng ta cần được khôi phục lại. Tuy nhiên Đức Chúa Trời khôi phục chúng ta bằng cách nào. Đức Chúa Trời là Đấng rất thực tế. Ngài dẫn chúng ta vào các lối công bình. Quí vị nghĩ gì khi nói về phục hưng? Phải chăng đó là những kinh nghiệm đặc biệt trong sự cầu nguyện? Có thể là như vậy và điều đó là quan trọng. Tuy nhiên để phục hưng, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta bước đi trong các lối công bình, tiếp tục bước đi trong vài năm trường. Chính lúc bước đi trong các lối công bình mà tâm linh chúng ta được phấn hưng. David đã quyết định thực hiện điều cần phải thực hiện, dâng của lễ công bình và tin cậy Đức Chúa Trời. David đã hiến mình cho Đức Chúa Trời và nói, “Con sẽ đến và bước đi trong các lối công bình vì cớ danh Ngài.” David đã bước đi trong đó nhiều năm. Ông trải qua những sự sửa phạt, nhưng David nhận được ân điển để vượt qua và hành xử đúng đắn. Ông đã được Chúa khôi phục lại đời sống tâm linh.

David đã cai trị suốt 40 năm. Ông làm vua được 16 năm trước khi phạm tội. Sau khi phạm tội, ông đã bước đi trong những lối công bình, Chúa đã khôi phục tâm linh ông cũng như cả vương quốc cho ông. Chúa giữ ông trên ngôi và ông là vị vua rất tốt trong suốt 24 năm còn lại. Chúa thật đã khôi phục tâm linh cho David khi ông bước đi trong các lối công bình.

Một cách chi tiết hơn thế nào là bước đi trong các lối công bình? Điều này có nghĩa gì đối với David? Bước đi trong các lối công bình bao gồm nhiều điều, nhưng nó bắt đầu với sự xưng tội và ăn năn. Tôi biết được một con cái Chúa, anh nầy đã sa vào cám dỗ để phạm tội, nhưng khi Chúa Thánh linh cáo trách, anh đã ăn năn nên được Chúa thương xót và sử dụng trong công việc Chúa. Ngược lại có những người cố gắng che đậy và không chịu ăn năn, cuối cùng đời sống trở nên khô cằn và buồn thảm. David là một minh họa tuyệt vời trong trường hợp nầy. David là vua, một người đầy quyền lực, giàu sang và danh vọng. Thật không dễ gì để David thú nhận rằng, “Tôi đã phạm tội, tôi đã làm điều sai, xin tha thứ cho tôi.” Mặc dầu lúc bấy giờ ông là hoàng đế của một quốc gia hùng cường nhất. Nhưng khi một người không thành thật thú nhận rằng mình phạm tội thì tâm linh người đó không thể được khôi phục lại vì người đó không bước đi trong những lối công bình mà bắt đầu với sự thú tội và ăn năn. Cho dầu là vua và hoàn toàn không dễ dàng chút nào, nhưng David đã nói rằng, “Tôi đã phạm tội, tôi sẽ thú nhận tội lỗi của tôi.”

Tôi xin phép được hỏi quí vị rằng đời sống quí vị có chỗ nào cần phải xưng tội và ăn năn chân thành trước mặt Chúa không? Nói cách khác quí vị biết làm thế nào để hành xử khi bị sa ngã thất bại không? Thưa quí vị, chúng ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm được phước hạnh và sự tha thứ cho đến khi chúng ta theo gương của David mà thú nhận tội lỗi với Đức Chúa Trời. Thú tội nghĩa là có cùng một cái nhìn, có cùng một sự đánh giá giống như Đức Chúa Trời về tội lỗi. Nó có nghĩa là chúng ta đồng ý với Đức Chúa Trời về sự thẩm định của Ngài đối với những gì chúng ta đã hành động. Xin quí thính giả hãy dành thì giờ đọc Thi thiên 32 và 51. Nguyện những lời của David trở nên những lời của chúng ta để qua đó chúng ta bày tỏ lòng ăn năn thú tội đối với Chúa. Sau đó giống như David, chúng ta kinh nghiệm được phước hạnh của sự tha thứ.

 

 

 

Bài trướcBài 73: Tiếp Tục Bài Giảng Trên Núi
Bài tiếp theoNgày 28/7/2016: Bài Giảng của Sứ Đồ Phao-lô Ở Xứ Bi-si-đi