Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Sáng thế ký 37:1-24
Khi tóm lược về câu chuyện dòng dõi Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, chúng ta lại đến với gương mặt nổi bật thứ tư trong phần cuối này của sách Sáng thế ký. Kể từ đây xuyên suốt sách Sáng thế ký, mặc dầu vẫn còn liên hệ đến gia đình Gia-cốp, nhưng gương mặt chính yếu vẫn là Giô-sép. Còn có thêm nhiều đoạn nữa sẽ được dành ra để đề cập đến Giô-sép hơn là về Áp-ra-ham hay về Y-sác hoặc về bất kỳ một người nào khác. Còn nhiều đoạn nữa sẽ được dành ra để ký thuật về Giô-sép hơn là bất kỳ ai trong toàn thể giai đoạn đầu kể từ Sáng thế ký đoạn 1 đến đoạn 11. Điều có thể khiến cho những người tìm hiểu có đầu óc suy tư đặt câu hỏi rằng, tại sao Giô-sép lại được dành cho một ưu thế nổi bật trong Kinh Thánh như vậy? Có nhiều lý do cho điều này:
*Lý do thứ nhất, vì Giô-sép có một đời sống tốt đẹp và rất đáng kính trọng. Ông ta là tấm gương sống động của câu Kinh Thánh này, Phi-líp 4:8, “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều cho chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.”
Đức Chúa Trời muốn chúng ta có điều chi tốt, điều chi thánh thiện, điều chi phẩm hạnh và tuyệt vời trong đời sống chúng ta và chính Giô-sép đã có được đời sống ấy.
*Lý do thứ hai và cũng là lý do rất quan trọng. Suốt trong toàn bộ Kinh Thánh, chẳng có bất kỳ ai có một đời sống giống với Đấng Christ hơn là Giô-sép trong cả thân vị, lẫn cả kinh nghiệm từng trải của cuộc đời mình. Vả lại chẳng có nơi nào trong Kinh thánh Tân ước mà hình ảnh của cuộc đời Giô-sép cho chúng ta thấy giống với bối cảnh cuộc đời Đấng Christ đến thế. Tuy nhiên sự tương đồng đó không phải là ngẫu nhiên. Khi chúng ta đọc đến câu chuyện của Giô-sép chúng ta sẽ ghi nhận được về những điểm tương đồng này. Có ít nhất là 30 điểm tương đồng mà sẽ được liệt kê sau.
Bây giờ chúng ta hãy tóm tắt câu chuyện về dòng dõi của Gia-cốp là dòng dõi dẫn đến sự giáng sinh Đấng Mê-si, hay Đấng Christ. Khi Gia-cốp đang sống tại xứ Ca-na-an thì câu chuyện về Giô-sép được bắt đầu.
GIA ĐÌNH GIA-CỐP: NGUYÊN DO CỦA MỐI XUNG ĐỘT TRONG GIA ĐÌNH
Sáng thế ký 37:1, “Gia-cốp, tại xứ của cha mình đã kiều ngụ, là xứ Ca-na-an.”
Rõ ràng là Gia-cốp đã di chuyển xuống phía Nam của xứ Bết-lê-hem và rồi đến tại xứ Hếp-rôn. Đây cũng chính là nơi mà trước đây Áp-ra-ham đã tạo dựng nhà ở của mình, và đây cũng chính là nơi mà mối giao thông của Đức Chúa Trời đã được thiết lập.
Sáng thế ký 37:2, “Đây là chuyện dòng dõi của Gia-cốp. Giô-sép, tuổi mười bảy, chăn chiên với các anh mình; người đi kết bạn cùng con trai Bi-la và con Xinh-ba, hai vợ cha mình. Giô-sép thuật lại với cha các chuyện xấu của họ nói.”
Chúng ta có thể thấy được rằng, đám con trai mà Gia-cốp sinh ra quả thật có vấn đề rắc rối trong cách đối xử với nhau (ngoại trừ Giô-sép và Bên-gia-min). Phải mất một thời gian khá lâu để chúng có thể học được những bài học mà Đức Chúa Trời dạy dỗ cho chúng.
Bây giờ chúng ta hãy lưu ý đến những điểm cần nhấn mạnh chuyển đổi từ Gia-cốp đến Giô-sép. Giô-sép lúc bấy giờ chỉ mới 17 tuổi, còn là một cậu thiếu niên khi biến cố đó xảy ra. Cậu ta là đứa con trai trẻ nhất đi chăn bầy chiên ở ngoài đồng. Bên-gia-min còn quá nhỏ nên phải ở lại nhà. Giô-sép thường hay thuật lại cho cha mình biết về những chuyện xấu của các anh trai kia, dĩ nhiên họ chẳng thích điều đó chút nào. Chắc rằng họ đã gọi Giô-sép là “thằng bép xép, đứa nhiều chuyện.”
Sáng thế ký 37:3, “Vả, Y-sơ-ra-ên thương yêu Giô-sép hơn những con trai khác, vì là con muộn mình, nên may cho chàng một cái áo dài có nhiều sắc.”
Lẽ ra Gia-cốp nên học bài học về gia đình riêng của mình. Ông ta đã biết rằng sự yêu thương đầy thiên vị kia có thể gây nên sự rắc rối trong gia đình. Trước đây chính cha của ông cũng đã dành những đặc ân đó cho người con trai cả và Gia-cốp cũng đã biết điều gì xảy ra do sự phân biệt đối xử đó gây nên. Nhưng ở đây, chính ông lại cũng hành động giống hệt như vậy. Chúng ta cũng có thể hiểu được mối cảm xúc của ông ta, có thể biết được rằng Ra-chên là người vợ mà ông hết lòng yêu mến. Bà ta quả thật là những gì tốt đẹp nhất của đời ông và bởi đó Giô-sép cũng thật sự là đứa con tốt đẹp mà ông hết mực thương yêu. Tất cả những điều đó là sự thật, nhưng không phải là lý do chính đáng để biện hộ! Điều đáng phải trách, ấy là lẽ ra ông không nên may cho cậu ta cái áo choàng nhiều màu sắc kia mới phải!
Danh từ “chiếc áo choàng nhiều màu sắc” nên phải là “chiếc áo choàng có nhiều tay áo,” một chiếc áo dài có nhiều tay áo. Chiếc áo dài thông thường vào thời bấy giờ là một tấm vải dài (độ khoảng hơn 3 mét). Nó được khoét một cái lỗ lớn ở chính giữa để có thể chui đầu qua lỗ ấy. Phân nửa tấm vải có thể buông xuống để che phía trước của thân thể và phân nửa kia thì buông xuống để che phần sau của thân thể, người ta buộc chúng lại với nhau bằng một thắt lưng cột quanh eo, hay có thể móc các mép vải lại với nhau và thế là có được cái áo choàng. Do vậy cái áo choàng đó không có tay áo, thế nên nếu gắn thêm tay áo vào áo choàng cho bất kỳ ai có nghĩa làm nổi bật kẻ ấy lên giữa vòng nhiều người khác. Cũng vậy, khi mặc một chiếc áo choàng có nhiều màu sắc làm cho có sự phân biệt giữa người ấy ra khỏi vòng những người khác .
Sáng thế ký 37:4, “Các anh thấy cha thương Giô-sép hơn bọn mình, bèn sanh lòng ganh ghét, chẳng có thế lấy lời tử tế nói cùng chàng được.”
Lẽ đương nhiên Giô-sép bị các anh ghen ghét vì cớ được cha mình cưng chìu. Thậm chí cũng không thèm ăn nói ôn tồn với cậu ta nữa. Và cũng kể từ đấy chúng ta lại chứng kiến thêm mối bất hoà trong gia đình này. Chúng ta biết rằng dẫu đó là gia đình của ai đi chăng nữa thì rồi tội lỗi cũng sẽ tiêu huỷ nó mất thôi. Tội lỗi có thể tiêu huỷ cuộc sống, có thể tiêu huỷ gia đình, tiêu huỷ cộng đồng và cũng có thể tiêu huỷ cả quốc gia.
Ngày nay chính nó là nan đề đối với mọi gia đình, mọi thành phố và mọi quốc gia chúng ta. Nó cũng chính là nguyên nhân duy nhất mà Đức Chúa Trời gọi nó là tội lỗi.
Thế thì ở đây, chúng ta thấy rằng cậu trai Giô-sép lại là mục tiêu của sự phân biệt đối xử. Người cha đã dành cho cậu ta một sự yêu thương qua sự phân biệt đối xử của mình, còn các người anh kia dành cho cậu sự phân biệt đối xử bằng lòng thù ghét của họ đối với cậu ta.
NHỮNG ĐIỀM CHIÊM BAO CỦA GIÔ-SÉP KHIẾN CHO CÁC ANH MÌNH CĂM GHÉT CẬU TA THÊM
Sáng thế ký 37:5-6, “Giô-sép có nằm chiêm bao, thuật lại cho các anh mình nghe; họ càng thêm ganh ghét nữa. Người nói rằng: Tôi có điềm chiêm bao, xin các anh hãy nghe tôi thuật.”
Thật khó cho chúng ta giải thích được hành vi của Giô-sép lúc bấy giờ. Tại sao cậu ta không đến trình bày cho cha mình, mà lại trước tiên đi nói với các anh mình về giấc chiêm bao đó, điều này khiến cậu ta phải gánh lấy hậu quả tai hại do lòng thù ghét của họ. Cậu ta quả không biết rằng thế gian này có thể tồi tệ đến mức nào và cũng không biết rằng các anh mình xấu xa độc ác đến đâu! Chúng ta có thể có cảm tưởng rằng cậu ta lúc ấy là một chàng trai hơi khờ dại, phải mất một thời gian dài cậu ta mới hiểu được mọi đường lối của thế gian này, nhưng chắc chắn cậu ta đã học được rồi. Sau cùng, rất có thể cậu ta đã biết được nhiều về thế gian cùng sự độc ác giữa người với nhau. Nhưng đó là lúc sau này, chứ lúc bấy giờ thì chưa.
Chúng ta có thể hình dung được vì cớ gì mà Giô-sép đã được bảo vệ và chở che không? Ấy là vì người cha của cậu đã dồn hết lòng yêu thương vào Ra-chên. Ông ta đã yêu bà qua lần gặp gỡ đầu tiên và ông cũng vì bà mà đã làm lụng suốt 14 năm trời. Thế rồi, nhiều năm tháng trôi qua, bà sinh hạ cho ông một con muộn, ấy là Giô-sép. Gia-cốp đã vui mừng không kể xiết. Nhưng rồi khi Ra-chên mất đi, ông chỉ còn biết đổ dồn tình yêu thương vào cậu bé Giô-sép này. Lẽ ra ông không nên cư xử như vậy, bởi vì lúc ấy ông cũng còn có các con trai khác cần nuôi nấng, nhưng quả thật Gia-cốp đã làm điều đó và Giô-sép đã được yêu thương và bảo vệ.
Sáng thế ký 37:7-8, Giô-sép thuật tiếp tục điềm chiêm bao như sau:
“Chúng ta đương ở ngoài đồng bó lúa, nầy bó lúa tôi đứng dựng lên, còn bó lúa của các anh đều đến ở chung quanh, sấp mình xuống trước bó lúa tôi. Các anh người bèn đáp rằng: Vậy, mầy sẽ cai trị chúng ta sao? Mầy sẽ hành quyền trên chúng ta sao? Họ càng ganh ghét hơn nữa, vì điềm chiêm bao và lời nói của chàng.”
Tại sao họ lại chế giễu? Chắc chắn rằng các anh Giô-sép không tin và cũng rất thô lỗ. Họ thật sự không tin rằng cậu ta sẽ cai trị trên họ và dĩ nhiên họ ghét cậu ta vì đã có điềm chiêm bao này. Tuy nhiên, thế đâu đã hết, Giô-sép lại có thêm một điềm chiêm bao khác nữa.
Sáng thế ký 37:9-11, “Giô-sép lại nằm chiêm bao nữa, thuật cùng các anh mình rằng: Tôi còn một điềm chiêm bao nữa: Nầy mặt trời, mặt trăng, và mười một ngôi sao đều sấp mình xuống trước mặt tôi! Chàng thuật chiêm bao đó lại cho cha và các anh mình nghe; nhưng cha chàng quở mà hỏi rằng: Điềm chiêm bao của mầy đó có nghĩa chi? Có phải tao, mẹ, và các anh mầy đều phải đến sấp mình xuống đất trước mặt mầy chăng? Các anh lấy làm ganh ghét chàng; còn cha lại ghi nhớ lấy điều đó.”
Giô-sép lại nói cho họ nghe về điềm chiêm bao này và rồi họ đã hiểu được điềm chiêm bao muốn nói lên điều gì. Khải tượng này cũng giống hệt như khải tượng xảy ra trong Khải huyền 12:1 mà ở đó một người đàn bà được mô tả là có mặt trời bao bọc và mặt trăng ở dưới chân người, và trên đầu đội vương miện bằng 12 ngôi sao. Điều này ám chỉ về nước Y-sơ-ra-ên. Các anh trai của Giô-sép hiểu rằng cậu ta đang nói về chính họ, tức là các con trai nhà Y-sơ-ra-ên.
Tại đây chúng ta cũng thấy được quốc gia Y-sơ-ra-ên vào thuở ban đầu của nó. Sáng thế ký giống như một búp hoa mới nhú, và rồi bông hoa ấy nở rộ ra khi chúng ta đi xuyên qua hết quyển Thánh Kinh. Ở đây, búp hoa này sẽ nở rộ ra khi chúng ta đi đến sách Khải huyền. Đấy quả là một sự nở rộ muộn màng, nhưng kìa nó cũng sắp sửa nở rộ.
Chúng ta cần nên hiểu điều gì đang được nói hơn là cố suy đoán nhiều điều. Chúng ta không cần phải suy đoán khi mà điều đó đã được bày tỏ khá rõ ràng rồi.
Bấy giờ cha già Gia-cốp đã hiểu điều này một cách chính xác, nên ông đã la rầy Giô-sép: “Thế điều này muốn nói rằng rồi đây cha con, mẹ con và các anh con sẽ quì gối trước mặt con sao?” Và Giô-sép chỉ có thể trả lời: “Thưa cha và các anh, đó chỉ là những gì mà điềm chiêm bao muốn bày tỏ!” Anh ta đã không có diễn giải gì thêm về nó. Các người anh kia gạt phăng điềm chiêm bao đó đi và chẳng thèm chú ý đến nó. Họ cho rằng, không một ai trong số họ lại có thể quì gối trước mặt Giô-sép. Nhưng người cha Gia-cốp lại để ý ghi nhận lời nói của điềm chiêm bao.
GIA-CỐP SAI GIÔ-SÉP ĐẾN GẶP CÁC ANH MÌNH
Sáng thế ký 37:12, “Các anh chàng đi chăn chiên của cha tại Si-chem.”
Lúc bấy giờ Gia-cốp và cả gia đình mình đang sống trong xứ Hếp-rôn, cách Giê-ru-sa-lem khoảng hơn 20 dặm về phía Nam, còn xứ Si-chem xa hơn, cách Giê-ru-sa-lem về phía Bắc. Thế nên những người con trai này phải đi chăn bầy chiên ở cách nhà khá xa, họ phải đi chăn bầy chiên quanh khắp tất cả vùng này.
Sáng thế ký 37:13, “Y-sơ-ra-ên nói cùng Giô-sép rằng: Các anh con có chăn bầy chiên tại Si-chem chăng? Lại đây, đặng cha sai con đi đến chúng nó. Giô-sép đáp rằng: Có con đây.”
Giô-sép thưa rằng: “Thưa cha vâng, con sẽ đi đây!” Hãy để ý rằng cậu ta rất vâng lời cha mình.
Sáng thế ký 37:14, Y-sơ-ra-ên biểu rằng: Con hãy đi, xem thử các anh con ra sao, và các bầy chiên thể nào; rồi đem tin về cho cha hay. Vậy, từ trũng Hếp-rôn, người sai Giô-sép đi đến Si-chem.
Giô-sép đã đi thẳng một mạch từ Hếp-rôn đến Si-chem. Lúc cậu ta đến được Si-chem liền bắt đầu tìm kiếm họ khắp chung quanh. Nơi đó là một vùng đất gồ ghề, lởm chởm nên cậu ta khó có thể xác định được họ ở đâu.
Sáng thế ký 37:15, “Có một người gặp chàng đi lạc trong đồng ruộng, liền hỏi và nói cùng chàng rằng: Ngươi tìm chi?”
Có thể hình dung được rằng, người này trước đó đã trông thấy Giô-sép cứ đi qua, đi lại trước lều ông ta nhiều lần, thế nên đã hỏi rằng anh ta đang tìm ai đấy?
Sáng thế ký 37:16-17, “Đáp rằng: Tôi tìm các anh tôi. Xin hãy chỉ giùm tôi họ chăn bầy chiên nơi nào. Người nói: Các anh ngươi ở đây đi rồi, vì tôi có nghe họ nói rằng: Ta hãy đi đến Đô-ta-in. Vậy, Giô-sép, đi tìm các anh mình, gặp được tại Đô-ta-in.
Đô-ta-in là một nơi cách Si-chem một khoảng đường dài về phía Bắc, nó nằm gần thung lũng Kít-rôn và đấy là nơi mà các người anh trai đã lùa đàn chiên đến và Giô-sép đã tìm thấy họ.
Sáng thế ký 37:18-20, “Các anh thấy chàng đi ở đàng xa, chưa đến gần, thì đã lập mưu để giết chàng. Chúng bèn nói nhau rằng: Kìa, thằng nằm mộng đến kia! Bây giờ, nào! chúng ta hãy giết nó đi, quăng xuống một cái hố nước nào đó; đoạn ta sẽ nói rằng nó đã bị thú rừng xé ăn, rồi sẽ xem các điềm chiêm bao của nó ra sao.”
Ôi, họ căm ghét Giô-sép biết dường nào! Tại nơi đây, rất có thể họ ở cách xa nhà hàng chục dặm, và họ nói với nhau rằng: “Nào, bây giờ chúng ta hãy trừ khử hắn đi, đặng để cho hắn biết cái gì sẽ xảy ra qua những điềm chiêm bao của hắn.”
Trước khi tiếp tục câu chuyện, hãy lưu ý về sự so sánh các điểm tương đồng giữa Giô-sép và Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta không nên bỏ qua sự tương đồng này:
1- Sự sinh ra của Giô-sép là điều kỳ diệu có sự can thiệp của Đức Chúa Trời, nhằm đáp lại lời cầu nguyện của Ra-chên: “Đức Chúa Trời nhớ lại Ra-chên, bèn nhậm lời và cho nàng sinh sản” (Sáng thế ký 30:22)
– Chúa Giê-xu được sinh hạ bởi nữ đồng trinh. Sự giáng sinh của Ngài quả thật là một điều huyền nhiệm. “Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 1:35)
2- Giô-sép được cha mình yêu mến. Còn Đức Chúa Giê-xu được Cha Ngài yêu dấu như có lời phán từ trời rằng: “Này là con yêu dấu của ta.”
3- Giô-sép có chiếc áo nhiều màu sắc khiến ông tách biệt khỏi mọi người chung quanh, còn Đấng Christ tách biệt khỏi thế nhân qua ý nghĩa của câu Kinh thánh này: “Ngài phân cách khỏi vòng những kẻ tội nhân” (Hê-bơ-rơ 7:26)
4- Giô-sép tuyên bố rằng, ông sẽ cai trị trên các anh em mình, còn Chúa Giê-xu đã tỏ bày rằng chính Ngài là Đấng Mê-si. Ngay khi bọn họ chế giễu lời nói của Giô-sép, loài người cũng đã chế giễu Chúa Giê-xu. Quả thật, người ta đã đóng lên thập tự giá của Ngài những lời chế nhạo này: “ĐÂY LÀ GIÊ-XU, VUA DÂN DO THÁI.”
5- Giô-sép được cha mình sai đến với các anh em mình, còn Chúa Giê-xu cũng được Cha Ngài sai đến cùng anh em Ngài. Trước tiên Ngài đến với những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên.
6- Giô-sép bị anh em mình ghét bỏ vô cớ, và Chúa Giê-xu bị ghét bỏ bởi anh em Ngài bởi vô cớ (Giăng 15:25).
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với câu chuyện và xin nhớ rằng lúc ấy Giô-sép đang tiến đến cùng các anh mình và bọn họ cũng đang lập mưu để trừ khử anh ta. Bấy giờ anh ta đang mặc chiếc áo choàng nhiều sắc hay chiếc áo choàng có nhiều tay áo, nó cũng là biểu hiện về địa vị. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, dẫu Giô-sép nhỏ hơn các anh mình nhưng lại có địa vị cao hơn họ. Đó cũng chính là nguyên do gây nên sự ghen ghét và ganh tỵ của họ, để rồi từ đó dẫn đến việc sát nhân.
Ru-bên đã đánh mất tư cách là con trai đầu lòng. Tuy nhiên, trong trường hợp này anh ta tỏ ra đủ trưởng thành để đưa ra lời phân xử khôn khéo hơn những người kia.
Sáng thế ký 37:21-22, “Ru-bên nghe qua lời đó, liền giải cứu chàng ra khỏi ra các anh mà rằng: Chúng ta đừng giết chết nó; lại tiếp: Chúng ta chớ nên làm đổ máu ra; hãy liệng nó trong cái hố nước nơi đồng vắng kia, và đừng tra tay vào mình nó. Người nói vậy, có ý muốn giải cứu chàng khỏi tay họ, để trả chàng về cùng cha mình.”
Có lẽ họ sẽ giết Giô-sép ngay sau đó, nếu như Ru-bên không kịp thời can thiệp vào. Thế là mục đích của Ru-bên đã được chấp nhận. Sau khi đã đẩy Giô-sép xuống dưới hố sâu, và lấy áo anh ta đem về lại với cha mình.
Sáng thế ký 37:23-24, “Vừa khi Giô-sép đến gần các anh, họ bèn lột áo chàng, là áo có nhiều sắc đương mặc trong mình; rồi, bắt chàng đem quăng trong hố nước. Vả, hố khô cạn, chẳng có nước.”
Chiếc áo choàng nhiều màu sắc mà Giô-sép đã mặc trông giống như lá cờ đỏ đang bay phất phơ trước mặt một con bò. Họ căm ghét chiếc áo đó vì nó chính là biểu hiệu về sự tách biệt cho ai mặc nó, người đó là Giô-sép, và chiếc áo đó đã làm cho anh ta nổi bật hơn trong số họ. Theo như luật lệ qui định về quyền trưởng nam thì chỉ những người anh lớn hơn mới có quyền đòi được chiếc áo đó. Thế nên họ đã lột nó khỏi người Giô-sép. Rồi quăng Giô-sép xuống hố.
Qua phân đoạn này chúng ta thấy khởi đầu cuộc đời của Giô-sép, một đứa con được cha mình yêu thương và bị các anh căm ghét, hãm hại. Đức Chúa Trời có nhìn thấy những việc như vậy đang xảy ra không? Vâng, Chúa đã thấy và Ngài sẽ hành động. Chúa cũng thấy những gì đang xảy ra cho chính đời sống mỗi chúng ta, nhất là khi chúng ta bị hãm hại, bắt bớ vô cớ thì Chúa bao che và bảo vệ, vì Đức Chúa Trời là Đấng công bình.