Bài 46: Những Sứ Điệp Khác Của Môi-Se (tt)

2049

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

 

Phục truyền luật lệ ký là sách ghi lại những bài giảng đầy ơn của Môi-se. Có những lời tiên tri và các mệnh lệnh được tìm thấy trong chương 17.

 

 

Môi-se là một tiên tri. Có hai công việc của một tiên tri: thứ nhất là nói trước những sự việc sẽ xảy ra và thứ hai là công bố Lời Đức Chúa Trời.

 

Thỉnh thoảng, tiên tri nói trước nhưng phần lớn họ chỉ rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Trong chương 17, Môi-se vừa nói trước vừa công bố Lời Đức Chúa Trời. Lúc bấy giờ cho đến 500 năm sau đó, dân Y sơ ra ên chưa có vua. Nhưng Môi-se nói rằng, “Sau khi vào trong xứ, các ngươi sẽ yêu cầu có vua và Ngài sẽ cho ngươi một vị vua”.  Sau đó ông viết ra những chỉ thị dành cho vua,

Phục 17:18  Vua phải chiếu theo luật pháp nầy mà những thầy tế lễ về dòng Lê-vi giữ, chép một bản cho mình. 19  Bản ấy phải ở bên vua trọn đời, vua phải đọc ở trong, để tập biết kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn thận làm theo các lời của luật pháp nầy, và hết thảy điều răn nầy, 20  kẻo lòng vua lướt trên anh em mình, xây về bên hữu hay bên tả, lìa bỏ điều răn nầy, hầu cho vua và con cháu vua được trị vì lâu ngày giữa Y-sơ-ra-ên.

 

Vị vua tốt đầu tiên của Y sơ ra ên là Đa-vít. Trong Thi thiên, Đa-vít mô tả thế nào là người được phước. Đó là người được Đức Chúa Trời ban phước, không phải do tình cờ hay ngẫu nhiên. Phước hạnh của người đó là kết quả của đời sống của họ. Người đó được phước vì tin vào Lời Đức Chúa Trời; không những tin mà còn yêu mến, say sưa với Lời Ngài và suy gẫm về Lời Chúa cả ngày lẫn đêm. Do đó, người nầy giống như cây trồng gần dòng nước. Đó là lý do vì sao Đức Chúa Trời ban phước cho người đó. Do đâu Đa-vít có suy nghĩ này? Vì ông là người thật sự được phước, là người yêu mến Lời Chúa, suy gẫm Lời Ngài thường xuyên. Ông đã thực hành như vậy vì Môi-se đã lập nên một luật là Vua phải sao một bản luật pháp để đọc và suy gẫm ngày đêm.

 

Môi-se đã lên án rất nặng việc tà thuật trong chương 18. Đức Chúa Trời không chấp nhận bói toán, đồng bóng.

 

Phục 18:10  chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, 11  kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số, hay là kẻ đi cầu cong; 12  vì Đức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc kẻ làm các việc ấy, và vì các sự gớm ghiếc ấy, nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đuổi các dân tộc đó khỏi trước mặt ngươi.

 

Kinh thánh không phủ nhận thế giới tà linh, nhưng điều Kinh thánh răn dạy là “Đừng có liên hệ gì với nó cả.” Lý do chính Chúa cấm vì những điều này không bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Nếu vậy, nó bắt nguồn từ đâu? Một số người háo hức để xem những điều kỳ lạ trong thế giới thần linh. Họ nghĩ rằng, mọi hiện tượng đó đều là do Thánh linh. Bất cứ điều gì thuộc về thế giới tâm linh đều xuất phát từ Thánh linh. Nói như vậy là ngây thơ quá. Nhiều chỗ trong Kinh thánh đã dạy rằng, “Hãy thử các linh và xem có phải đến từ Đức Chúa Trời không?” Kinh thánh dạy rằng, có một thế giới thuộc linh, nhưng nó có thể là Thánh linh hoặc tà linh. Đức Chúa Trời hành động và bày tỏ chính mình qua thân vị Thánh linh. Do đó, chúng ta có trái của Thánh linh và ân tứ của Thánh linh. Nhưng có những linh không phải là thánh và không thuộc về Đức Chúa Trời. Khi ai đó liên hệ với bói toán, tà thuật và mọi điều tương tự thì người đó đang quan hệ với linh không đến từ Đức Chúa Trời. Qua Môi-se, Chúa cấm tuyệt đối việc giao du với thế giới tà linh.

 

Cũng trong chương 18, Môi-se có lời tiên tri về Đấng Mê-si. Đây là lời tiên tri rất quan trọng của Môi-se. Ông viết,

Phuc 18:15  Từ giữa anh em ngươi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ lập lên một đấng tiên tri như ta; các ngươi khá nghe theo đấng ấy!

16  Đó là điều chính ngươi đã cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tại Hô-rếp, trong ngày nhóm hiệp, mà rằng: Cầu xin tôi chớ nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi nữa, và chớ thấy đám lửa hừng nầy nữa, e tôi chết chăng.

17  Bấy giờ, Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Chúng nó nói có lý;

18  ta sẽ lập lên cho chúng một đấng tiên tri như ngươi, thuộc trong anh em chúng, ta sẽ lấy các lời ta để trong miệng người, thì người sẽ nói cho chúng mọi điều ta phán dặn ngươi.

 

Đây rõ ràng là lời tiên tri về Đấng Mê-si. Đức Chúa Trời đã trả lời khi họ cầu xin dưới chân núi Si-nai vì họ không thể thưa chuyện trực tiếp với Chúa. Đức Chúa Trời đã ban cho họ Lời của Ngài; tuy nhiên, Ngài muốn đối thoại với họ qua một Đấng tiên tri. Đấng tiên tri này chính là Đấng Mê-si làm công việc của một tiên tri, thầy tế lễ  và Vua.

 

 

Những người lãnh đạo tôn giáo đã có lần đến và hỏi Giăng Báp-tít, “Ngươi có phải là Đấng tiên tri không?” Họ đang ngụ ý đề cập về tiên tri mà Môi-se đã nói đến. Đấng đó không ai khác hơn là Chúa Jêsus.

 

 

Chương 19 nói về án tử hình. Phục truyền luật lệ ký không chú tâm vào kẻ gây tội ác và bày tỏ lòng thương hại đối với kẻ đã giết hằng chục mạng người, nhưng chú tâm đến nạn nhân của kẻ giết người. Kinh thánh đã đưa ra án tử hình nhằm quét sạch mọi điều ác ra khỏi dân Y sơ ra ên. Án tử hình lập ra để làm một gương ngăn ngừa tội phạm.

Chương 20 nói về đức tin. Môi-se căn dặn,

Phục 20:1  Khi nào ngươi ra giao chiến cùng thù nghịch mình, nếu thấy ngựa, xe và binh đông hơn mình, thì chớ sợ; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng đã khiến ngươi lên khỏi xứ Ê-díp-tô, ở cùng ngươi.

Ngày nay các ngươi đi giao chiến cùng thù nghịch mình, lòng các ngươi chớ nhát, chớ sợ, chớ run rẩy, và chớ kinh khiếp vì chúng nó;

 bởi Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi là Đấng cùng đi với các ngươi, đặng vì các ngươi đánh kẻ thù nghịch và giải cứu cho.

 Bấy giờ, các quan trưởng sẽ nói cùng dân sự mà rằng: Ai đã cất một nhà mới, mà chưa khánh thành? Hãy đi trờ về nhà mình, e chết nơi chiến trận, rồi một người khác sẽ khánh thành chăng.

Ai đã trồng một vườn nho và chưa hái trái? Hãy đi trở về nhà mình, kẻo chết nơi chiến trận, rồi một người khác sẽ hái trái chăng.

Ai đã làm lễ hỏi một người nữ, mà chưa cưới? Hãy đi trở về nhà mình, e chết nơi chiến trận, rồi người khác sẽ cưới nàng chăng.

 

Ghê-đê-ôn đã áp dụng bài giảng này khi ông tiến đánh người Mađian. Ban đầu, ông có 32,000 người. Chúa nhắc ông về những lời này và bảo Ghê-đê-ôn nói với họ rằng, “Ai trong các ngươi sợ, hãy trở về.” Có 22,000 người rút lui. Chúa nói tiếp: vẫn còn nhiều người quá; nếu thắng trận này, ngươi sẽ nghĩ rằng là do binh đông tướng mạnh, phải sàng lọc một lần nữa. Khi đến một con sông, Chúa phán rằng, “Những người nào bụm nước mà uống, hãy để riêng, những người nằm xuống mà uống, hãy bảo họ về,” 9,700 người được cho về, chỉ còn lại 300 người mà thôi. 300 người là ít hơn 1% lúc ban đầu.

 

Điểm mấu chốt ở chỗ này: không phải Ghê-đê-ôn có bao nhiêu binh sĩ, không phải họ tài năng thao lược đến mức độ như thế nào, nhưng vấn đề là Chúa ở với họ hay không. Đức Chúa Trời có thể ở với 300 người như Ngài ở với 32,000 người. Vấn đề là họ tin rằng, hy vọng duy nhất là Chúa ở với họ. Qua Môi-se, Đức Chúa Trời đã đưa ra một thách thức lớn lao tại đây. Đa-vít tin điều này, những người của Đức Chúa Trời tin điều này. Đa-vít đã nói, “Trận chiến thuộc về Đức Giê Hô Va.”

 

Nhiều người ngày nay tin rằng, nếu mình có vũ khí tối tân, binh sĩ đông và tinh nhuệ, tướng lãnh đầy kinh nghiệm và có tài thao lược thì chắc chắn nắm phần thắng trong tay. Họ tin tưởng vào những gì mắt thấy hơn là tin tưởng vào Đức Chúa Trời. Chúng ta đặt lòng tin cậy của mình tại đâu? Nơi con người hay nơi Đức Chúa Trời?

 

Bây giờ là đến mạng lịnh tiêu diệt toàn bộ người và vật của đối phương sau khi đánh bại họ. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn khi đến sách Giô-suê. Đây là chỗ khó hiểu đối với nhiều người. Một vị tướng đã nói rằng, “Cảnh chém giết và đau khổ trong chiến tranh thật ghê rợn, chỉ có cách tốt nhất là phải kết thúc thật nhanh chóng và dứt khoát.” Sách Giô-suê cho biết, vì dân Y sơ ra ên không vâng lời Chúa tiêu diệt những người tại Ca-na-an nên họ bị các dân tộc nầy thống trị đến 7 lần. Điều này được mô tả trong sách Các quan xét.

 

Chúng ta đã gặp từ “ân điển” trong sách Phục truyền luật lệ ký. Nay một từ rất hay được đề cập đến là từ “chuộc.” Luật chuộc sản nghiệp bởi một người thân thuộc là một bức tranh rất đẹp về Chúa Jêsus, vì cả Kinh thánh nói về Chúa Jêsus. Kinh thánh không phải là một cuốn sách giáo khoa về lịch sử văn minh nhân loại hay khoa học. Nó là lịch sử của sự cứu chuộc và Đấng cứu chuộc. Lần đầu tiên, chúng ta gặp khái niệm nầy trong luật gia đình. Sách Lê vi ký cũng có đề cập đến nhưng ở dưới dạng luật thương mại. Nếu hiểu được ý nghĩa của khái niệm nầy theo khía cạnh luật pháp, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của nó theo khía cạnh thần học. Phân đoạn ngắn nầy là một nền tảng cho sách Rutơ và cho khái niệm cứu chuộc trong Tân ước.

 

Kết thúc sách Phục truyền luật lệ ký giống như kết thúc sách Lê vi ký và Giô-suê, đó là lời răn dạy tuân giữ lời Đức Chúa Trời. Một lần nữa, đây là trọng tâm và cách mà Phục truyền luật lệ ký kết luận. Đây là những bài giảng hay nhất của Môi-se. Một trong những bài giảng hùng hồn nhất trên thế giới nằm ở những chương cuối của sách, là chỗ mà Môi-se khẳng định rằng, phước hạnh sẽ ban cho họ một khi họ tuân giữ lời Chúa và ngược lại tai họa sẽ giáng trên họ một khi họ bất tuân lời Ngài. Môi-se nói, “Ta để trước các ngươi hai sự chọn lựa, sự sống và sự chết, ước gì các ngươi chọn sự sống.”

 

Thật là cách rất hay cho chúng ta để kết thúc phần lược khảo Phục truyền luật lệ ký.

 

 

 

Bài trướcTỉnh Đăk Nông: Những Nét Nổi Bật Trong Tháng 03/2014
Bài tiếp theoBài 46: Giô-Sép Bị Quăng Xuống Hố