Bài 6: Học Kinh Thánh, Suy Gẫm Kinh Thánh

3420

 Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới



 

Trong loạt bài kỳ trước tôi đã trình bày về những chỉ dẫn trong việc học Kinh thánh, gồm có 7 điều:

 

1-     Bắt đầu bằng lời cầu nguyện

2-     Đọc Kinh thánh.

3-     Học Kinh thánh.

4-     Suy gẫm Kinh thánh.

5-     Đọc sách giải nghĩa Kinh thánh.

6-     Vâng theo lời Kinh thánh.

7-     Truyền đạt Kinh thánh cho người khác.

 

Như tôi đã nói, khởi sự học Kinh thánh với sự cầu nguyện, học Kinh thánh qua việc đọc Kinh thánh. Hôm nay tôi nói đến hướng dẫn thứ ba đó là học Kinh thánh hay nghiên cứu Kinh thánh.

 

3- HỌC KINH THÁNH

 

Có người đến với mục sư Campell Morgan và nói rằng, “Ông là người giảng như được sự hà hơi.” Mục sư diễn giả trả lời, “Sự tuôn đổ mồ hôi chỉ mới có 95%.” Kinh thánh cần phải được học hỏi, nghiên cứu. Chúng ta cần ý thức rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ không dạy chúng ta bất cứ điều gì nếu chúng ta không cố gắng nghiên cứu, học hỏi. Tôi có kinh nghiệm trong việc học hỏi Kinh thánh. Khi tôi đọc qua đoạn Kinh thánh, tôi chỉ hiểu được phần nào, hoặc xem dường như khó hiểu, nhưng khi để thì giờ học hỏi, nghiên cứu, tra xem, Thánh Linh của Đức Chúa Trời dạy dỗ, tỏ bày cho tôi biết nhiều thêm về ý nghĩa của đoạn Kinh thánh đó.

 

Có một vị giáo sư dạy trong trường Kinh thánh. Lớp học của ông gồm có nhiều thanh niên trẻ khác nhau, trong đó chỉ có vài người chăm chỉ học hành. Phải mất một thời gian, sau đó vị giáo sư này mới có thể hiểu rõ họ nhiều hơn. Ông thú nhận rằng, thoạt đầu ông không hiểu họ, sau đó ông mới khám phá ra rằng các thanh nhiên này đã bê trễ học Lời Chúa và không có mối quan hệ mật thiết với Chúa. Một vài học sinh này không học lời Chúa cho đến một đêm trước ngày thi. Họ luôn viện lý do rằng, chúng tôi bận rộn cầu nguyện và công tác phục vụ. Giáo sư có cảm tưởng là những học sinh này tin rằng họ có thể đặt cuốn Kinh thánh của mình dưới gối, khi họ nằm ngủ trong đêm đó thì các chuyện trong lịch sử Kinh thánh sẽ hiện ra. Thật khó mà có chuyện như vậy.

 

Chúng ta phải đầu phục Đức Chúa Trời và học hỏi lời Ngài. Một học sinh trong lớp học Kinh thánh hỏi thầy mình, “Thưa thầy, thầy cho chúng em làm bài khô khan quá!” Vị thầy đáp lại rằng, “Vậy các em hãy làm những bài khô khan này trở nên ẩm ướt bằng những giọt mồ hôi của mình đi.” Ông thầy hàm ý rằng, các học sinh phải tập trung tâm trí vào việc học, nghiên cứu đến nỗi đổ mồ hôi thì những bài học khô khan, bài học khó khăn sẽ trở nên ướt át, ngọt ngào cho mình.

 

Thật rất quan trọng khi ý thức rằng Kinh thánh cần được nghiên cứu, học hỏi. Có những lẽ thật của Kinh thánh mà Đức Chúa Trời không tỏ bày, không mở ra cho đến khi chúng ta để tâm học hỏi. Tôi nghĩ rằng Chúa không soi sáng, không tỏ bày cho những người lười biếng học Kinh thánh.

 

Tôi đề nghị mỗi quý vị cần phải có thì giờ và cơ hội học Kinh thánh cho riêng mình, qua việc tự học, qua sách vở, qua người có khả năng Kinh thánh dạy mình, qua trường lớp hay qua đài phát thanh v.v..

 

Quý vị cần nên tìm thì giờ thuận tiện để học Kinh thánh, tránh những giờ quá bận rộn, hối hả, hay tránh những giờ quá mệt mỏi và tâm trí không thể tập trung được vào việc học vì học Kinh thánh khác với việc học các sách khác. Xin quý vị cần nên có thì giờ ưu tiên cho việc học Kinh thánh. Nếu quý vị bận rộn, không có thì giờ nhiều, quý vị nên sắp đặt thì giờ. Có thể quý vị dành riêng ra 30 phút hay một giờ thuận tiện nào đó trong ngày, thích ứng với sinh hoạt của mình và gia đình. Mỗi người trong gia đình cần học Kinh thánh. Tôi không nêu lên một quy định ép buộc nào, nhưng điều cần thiết là quý vị cần có thì giờ để học Kinh thánh thường xuyên cho chính mình.

 

Có biết bao người siêng năng học Lời Chúa và nhạn được nhiều phước hạnh ngọt ngào cho mình, sau đó chia sẻ lại cho người khác nữa. Có một số người lại được sự thúc giục, sự kêu gọi để trọn thời gian học hỏi, nghiên cứu Lời Chúa trong các trường Kinh thánh hay chủng viện. Tôi hy vọng sẽ có một số thính giả được kêu gọi đặc biệt này.

 

Mục sư John Wesley trong Hội Thánh Anh Quốc giáo được kể là người của Kinh thánh. Điều gì khiến cho người khác gọi ông như vậy? Mỗi ngày, ông thức dậy đọc Kinh thánh vào lúc 4, 5 giờ sáng và đọc Kinh thánh với năm ngôn ngữ khác nhau. Tôi tin rằng khi quý vị nghiên cứu, học hỏi lời Chúa, quý vị sẽ tìm được ý nghĩa tốt lành của Kinh thánh.

 

 4- SUY GẪM KINH THÁNH

 

Suy gẫm là điều Đức Chúa Trời dạy cho con dân của Ngài. Lời của Đức Chúa Trời luôn đặt trước mặt con dân của Y-sơ-ra-ên, để cho họ có thể suy gẫm. Môi-se ghi lại mạng lịnh của Đức Chúa Trời phán dạy như sau:

 

“Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy. Khá buộc nó lên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí; cũng phải viết những lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi” (Phục truyền 6:6-9).

 

Đó là một lời dạy bảo rất kỳ diệu đến từ Chúa. Ngài nói với dân chúng, hãy viết Lời Ngài trên những cột nhà, trên cửa, trên vách, dầu họ xây phía nào cũng có thể đọc được.

 

Giống như những lời được viết trên những bảng quảng cáo mà chúng ta thấy đặt trên những trục lộ giao thông, trên đường phố để tất cả mọi người khi lên xuống đều thấy cả, như quảng cáo thuốc lá, rượu bia… Do đó chúng ta có thể hiểu tại sao ngày nay có nhiều người ghiền thuốc, ghiền rượu, vì tất cả những thứ nầy luôn ở xung quanh đập vào mắt của dân chúng làm cho họ bị thu hút.

 

Chúa biết bản tánh con người chúng ta và Ngài nói cho dân sự của Ngài rằng, hãy đặt Lời Chúa tại những nơi mà mọi người đều có thể thấy được. Hãy viết Lời Chúa trên cột nhà, cổng vào, trên áo để dân Chúa có thể nói Lời Chúa khi họ đi, khi họ ngồi, họ cũng nói Lời Chúa trên giường cho đến khi ngủ. Chúa kêu gọi dân sự Ngài suy gẫm Lời của Ngài. Suy gẫm Lời của Chúa để tìm hiểu ý nghĩa và ghi nhớ, làm cho Lời Chúa dầm thấm trong đời sống mình.

 

Thật là lý thú khi xem lời đầu tiên của sách Thi thiên 1:1-2, “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhơn, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.”

 

Tôi thấy nhiều gia đình ghi các câu Kinh thánh treo trong nhà của mình để suy gẫm thường xuyên, chẳng hạn như:

 

Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, Để tôi không phạm tội cùng Chúa. (Thi-Thiên 119:11)

Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, Chậm nóng giận, và đầy sự nhơn từ. (Thi-Thiên 103:8)

Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta. (Rô-ma 6:23)

Đức Chúa Giê-xu lại cất tiếng phán cùng chúng rằng: Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống. (Giăng 8:12)

Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu. (I Ti-mô-thê 1:15)

 

Tôi mong là quý vị chọn một số câu Kinh thánh mình thích suy gẫm treo trong nhà để suy gẫm, thời gian sau quý vị thay đổi câu Kinh thánh khác.

 

Suy gẫm có nghĩa là nhai lại, mang trong tâm trí, suy xét tới lui. Nhai lại là cách của bò khi ăn cỏ. Quý vị biết là bò đi ra ngoài vào buổi sáng sớm, khi cỏ còn tươi và có sương ướt, lúc đó bò chỉ ăn tạm. Cho đến khi mặt trời lên và nóng, bò nằm dưới bóng cây hay đứng dưới bóng mát để nhai lại cỏ trong một hai giờ. Quý vị thấy và ngạc nhiên về việc bò nhai lại cỏ không? Quý vị biết là bò đem cỏ ăn buổi sáng ra mà nhai lại và chuyển vào bao tử thứ hai, bởi vì bò có hai bao tử. Trong cách này bò nhai lại cỏ.

 

Quý vị và tôi cần học để suy gẫm những gì chúng ta có trong tư tưởng. Chúng ta có Lời của Chúa, hãy đọc tại mọi nơi mình thấy rồi suy nghĩ về nó, suy gẫm về những lời này.

 

Trong nhiều lần khi chuẩn bị bài giảng, tôi chọn, một câu hay phân đoạn Kinh thánh và để hằng giờ đọc đi, đọc lại, đối chiếu với những phần khác hay sách khác nói về phân đoạn Kinh thánh này. Cuối cùng tôi khám phá ra lẽ thật.

 

Tôi nhớ lại lời của tiến sĩ Harry Ironside, ông đã học về sách Nhã Ca, và ông không được hài lòng. Sau đó ông đọc sách Nhã Ca trở lại, quỳ gối xuống và cầu xin Đức Chúa Trời giúp ông hiểu được. Ông làm như vậy nhiều lần trong nhiều tuần, nhiều tháng. Cuối cùng ánh sáng mới chiếu ra từ sách Nhã ca. Sau nầy khi dạy sách Nhã Ca, tôi nhớ lại lời giải nghĩa của vị tiến sĩ nầy, bởi lý do, nó thật sự làm tôi thỏa lòng và thỏa chí hơn tất cả những lời giải nghĩa nào khác mà tôi được nghe, bởi tôi biết rằng vị tiến sĩ đó đã để nhiều thời gian suy gẫm.

 

Có thể khi quý vị và những người trong gia đình đọc các bài học trong những chương trình này tại nhà hay tại chỗ làm rồi vào buổi tối, cả nhà cùng nhau thảo luận lại những điều đã nghe, đó cũng là một cách suy gẫm. Khi có cơ hội và thời giờ, quý vị nên xem lại các chương trình này.

 

Trong phần trước tôi nói với quý vị về việc đọc Kinh thánh, nghiên cứu Kinh thánh và bây giờ suy gẫm Kinh thánh. Chúng ta suy gẫm đến phân đoạn Kinh thánh mà mình đọc trong buổi sáng, suy gẫm đoạn Kinh thánh mà mình đọc trong tối hôm trước, suy gẫm đoạn Kinh thánh mục sư giảng trong ngày Chúa nhật. Chúng ta nên để Lời Chúa trong lòng và tâm trí của mình và suy gẫm thường xuyên. Một trong những lý do mà hội thánh của Chúa ngày nay nguội lạnh và không tươi mới, bởi vì thiếu hẳn việc đọc, học hỏi và suy gẫm lời Chúa.

 

Thí dụ trường hợp vị quan người Ê-thi-ô-bi, ông đọc Kinh thánh sách Ê-sai khi đang đi trên xe ngựa (Công Vụ 8:26-40)

 

“Bấy giờ, có một thiên sứ của Chúa phán cùng Phi-líp rằng: Hãy chờ dậy đi qua phía nam, trên con đường từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Ga-xa. Đường ấy vắng vẻ. Người chờ dậy và đi. Kìa, có một hoạn quan Ê-thi-ô-bi, làm quan hầu của Can-đác, nữ vương nước Ê-thi-ô-bi, coi sóc hết cả kho tàng bà, đã đến thành Giê-ru-sa-lem để thờ phượng, khi trở về, ngồi trên xe mà đọc sách tiên tri Ê-sai.  Đức Thánh Linh phán cùng Phi-líp rằng: Hãy lại gần và theo kịp xe đó.  Phi-líp chạy đến, nghe người Ê-thi-ô-bi đọc sách tiên tri Ê-sai, thì nói rằng: Ông hiểu lời mình đọc đó chăng?  Hoạn quan trả lời rằng: Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được? Người bèn mời Phi-líp lên xe ngồi kề bên.  Vả, chỗ người đọc trong Kinh thánh là đoạn nầy: Người đã bị kéo đi như con chiên đến hàng làm thịt, Lại như chiên con câm trước mặt kẻ hớt lông, Người chẳng mở miệng.  Trong khi người hèn hạ thì sự đoán xét Người đã bị cất đi. Còn ai sẽ kể đời của Người? Vì sự sống Người đã bị rút khỏi đất rồi.  Hoạn quan cất tiếng nói cùng Phi-líp rằng: Tôi xin hỏi ông, đấng tiên tri đã nói điều đó về ai? Có phải nói về chính mình người chăng, hay là về người nào khác?  Phi-líp bèn mở miệng, bắt đầu từ chỗ Kinh thánh đó mà rao giảng Đức Chúa Giê-xu cho người.  Hai người đang đi dọc đường, gặp chỗ có nước, hoạn quan nói rằng: Nầy, nước đây, có sự gì ngăn cấm tôi chịu phép báp-tem chăng?  Phi-líp nói: Nếu ông hết lòng tin, điều đó có thể được. Hoạn quan trả lời rằng: Tôi tin rằng Đức Chúa Giê-xu Christ là Con Đức Chúa Trời.  Người biểu dừng xe lại; rồi cả hai đều xuống nước, và Phi-líp làm phép báp-tem cho hoạn quan.  Khi ở dưới nước lên, thì Thánh Linh của Chúa đem Phi-líp đi; hoạn quan chẳng thấy người nữa, cứ hớn hở đi đường.  Còn Phi-líp thì người ta thấy ở trong thành A-xốt; từ đó người đi đến thành Sê-sa-rê, cũng giảng Tin Lành khắp những thành nào mình đã ghé qua."

 

Có bao giờ bạn suy gẫm về Chiên Con bị giết chưa? Ngài là ai? Ngài đến từ trời, Ngài giống như Chiên Con làm của lễ chết thay cho tội lỗi chúng ta. Quý vị có suy gẫm đến việc Chúa Giê-xu chết thay cho tội lỗi của quý vị không? Người Ê-thi-ô-bi này đã suy gẫm về Chiên Con và ông biết được Chiên Con là Chúa Cứu Thế. Nhưng còn điều quan trọng nữa sau khi ông hiểu và tin nhận Chúa Cứu Thế, ông trở về quê hương của mình xây dựng Hội Thánh. Điều lý thú ở đây, ông đã trở về trong sự vui mừng, bởi vì ông đã suy gẫm lời của Chúa, và Đức Thánh Linh dùng Phi-líp giúp ông hiểu được.

 

Thời gian suy gẫm tốt nhất là vào ban đêm, như Đa-vít tác giả Thi-Thiên đã viết lại:

 

Canh đêm chưa khuya, mắt tôi mở tỉnh ra, Đặng suy gẫm lời Chúa.

Linh hồn tôi được no nê dường như ăn tủy xương và mỡ; Miệng tôi sẽ lấy môi vui vẻ mà ngợi khen Chúa. Khi trên giường tôi nhớ đến Chúa, Bèn suy gẫm về Chúa trọn các canh đêm. (Thi-Thiên 119:148, 63:5-6)

 

Một vị mục sư kể lại việc suy gẫm Lời Chúa trong đêm tĩnh mịch, ông nhớ câu Kinh thánh trong sách Phi-líp 4:13, “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” Ông kể, tôi nhẩm đọc Lời Chúa vài ba lần và suy gẫm từng lời. ‘Tôi,’ tôi là người thể nào? Suy gẫm về ơn Chúa cứu tôi, ơn Chúa đãi tôi. Chúa đặt tôi trong Hội Thánh này trong những năm qua, vui buồn với anh em trong Hội Thánh. Cảm tạ Chúa, cám ơn Chúa. Kế đến ‘làm’, tôi đã làm gì cho Chúa, cho Hội Thánh, và thực sự làm ra sao? Làm được gì? Suy gẫm kỹ thì làm chẳng bao nhiêu, và làm được việc thì không đáng kể. Ồ ít quá. Trong khi ‘tôi có thể làm được mọi sự.’ Phải, mình không làm được mọi sự vì thiếu sức, thiếu khả năng, thiếu ý chí. Ồ lạ quá, lại thiếu đi cả ‘nhờ’ sức Chúa. Tại sao mình cứ trông vào sức mình mà không nhờ vào sức Chúa? Ngài là ‘Đấng thêm sức cho tôi.’ Nhưng mình có bao giờ nhờ Chúa thêm sức đâu, vì việc mình làm cho Chúa chưa hết sức mình thì cần gì Chúa thêm sức. Hơn nữa mình vẫn có tinh thần, ăn thì ăn những miếng to, làm thì lựa việc cỏn con mà làm. Toàn là những việc dư sức thì cần chi Chúa thêm sức. Bao nhiêu những ‘việc lớn và khó’ mình đã từ chối thì cần gì Chúa thêm sức. Dại thật. Ý Cha được nên, ở đất như trời đã không làm được trên đời sống mình. Thánh Linh Ngài cáo trách. Bởi sự suy gẫm đưa đến ăn năn vì đã thiếu lòng biết ơn Chúa, phá hỏng chương trình của Ngài trên đời sống tôi. Tôi đã khoanh tay giữa anh em mình trong Hội Thánh, không chịu làm gì cả. Đã không làm lại thường hay trách móc, phê bình việc làm của người khác để khỏa lấp sự không làm của mình. Bao nhiêu việc trong Hội Thánh có thể làm được mà sao mình không làm, còn bày đặt chuyện xin Chúa sai người khác làm công việc đang có cần. Bởi sự suy gẫm, tôi thốt lên lời cầu nguyện, xin Chúa tha tọi lười biếng, trốn tránh bổn phận, trách nhiệm. Xin Chúa cho con làm được mọi sự theo ý Chúa, theo công việc Chúa giao. Con bằng lòng chấp nhận những ‘việc lớn và khó,’ cả những việc con chưa từng biết. Con xin nhờ sức Ngài, và con quyết làm mọi sự, vì Ngài là Đấng thêm sức cho con. Vui thỏa tin tưởng và chìm vào giấc ngủ. Tôi nằm ngủ bình an.

 

Tôi đã đọc và học nhiều lần về Thi Thiên 23 trong nhiều năm qua. Nay tôi vẫn tiếp tục suy gẫm Thi thiên này và thấy nó rất hay, từng lúc những ý tưởng và dạy dỗ mới lại đến với tôi. Thi thiên 23 viết như sau:

 

 Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.

 Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi,

Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.

 Ngài bổ lại linh hồn tôi,

Dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.

 Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết,

Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi;

Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.

 Chúa dọn bàn cho tôi,

Trước mặt kẻ thù nghịch tôi;

Chúa xức dầu cho đầu tôi,

Chén tôi đầy tràn.

Quả thật, trọn đời tôi,

Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi;

Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va Cho đến lâu dài.

 

Tôi đã trình bày cho quý vị hai hướng dẫn trong việc học Kinh thánh, đó là để tâm trí và thì giờ nghiên cứu, sau đó suy gẫm và ghi nhớ. Tôi mong quý vị sẽ thực hành để có được kinh nghiệm phước hạnh. Kỳ sau, tôi sẽ trình bày cho quý vị việc đọc các sách viết về Kinh thánh. 

 

Bài trướcBài 274: Đồng Cảm Với Chúa
Bài tiếp theoLễ Bổ Nhiệm Mục Sư Quản Nhiệm Hội Thánh Tuy Hòa, Phú Yên