Ông Xa-cha-ri: Thời Điểm, Đức Tin Và Phước Hạnh

4025

Câu chuyện bắt đầu từ sau khi tiên tri Ma-la-chi, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước qua đời. Trong suốt 400 năm sau đó, không còn lời của các tiên tri Đức Chúa Trời nữa. Rồi một tiên tri khác đến, giống như Ê-li, báo trước sự Giáng sinh của Đấng Cứu Thế, đó chính là Giăng Báp-tít, người dọn lòng dân sự cho Chúa Giê-xu, bằng cách khuyến giục họ ăn năn tội. Vậy là, thời điểm của Chúa đã đến.

NAN ĐỀ HAY THỜI ĐIỂM

Vào khoảng năm thứ 7-6 TC (trước Chúa), trong đời vua Hê-rốt Đại đế cai trị xứ Sa-ma-ri, Ga-li-lê và phần lớn xứ Bê-rê và Sy-ri, có gia đình ông bà Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét thuộc chi phái A-rôn (chi phái thầy tế lễ). Cả hai là những người trung tín và thật lòng gìn giữ các mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Nhưng ông bà đang đối diện với một vấn đề nan giải, là cả hai không thể có con, vì đã cao tuổi và bà Ê-li-sa-bét lại bị son sẻ (theo Lu-ca 1:5-7). Hẳn nhiên, trong sự cầu nguyện thường ngày của ông bà, nan đề này vẫn được dâng lên cho Chúa, và chắc chắn lời cầu nguyện của người công bình, với lòng sốt sắng thật có linh nghiệm nhiều (Gia-cơ 5:16). Nhưng có thể vẫn chưa đúng thời điểm!

Từ thời vua Đa-vít, các thầy tế lễ được chia thành 24 ban. Ông Xa-cha-ri thuộc về ban A- bi-a, là ban thứ 8 trong 24 ban đó. Mỗi ban làm phận sự của mình mỗi năm hai tuần, thời gian còn lại trong năm các thầy tế lễ ra bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, để làm các công việc đời thường. Việc dâng hương, được thực hiện hai lần trong ngày, và việc chọn ra người để dâng hương trong nơi thánh, sẽ được ấn định bằng việc bắt thăm. Không một thầy tế lễ nào có vinh dự được chọn hai lần trong đời, và nhiều người trọn cuộc đời, không được chọn lần nào cả.

Nhưng ông Xa-cha-ri đã nhận được đặc ân bước vào nơi thánh, dâng hương cho Đức Chúa Trời. Trong lúc dâng hương, thì dân sự ở bên ngoài cầu nguyện, đến khi thầy tế lễ trở ra, chúc phước cho dân sự và để họ ra về.

Đang giờ dâng hương, bất ngờ có một thiên sứ của Chúa xuất hiện đứng bên hữu bàn thờ xông hương, khiến ông Xa-cha-ri bối rối, sợ hãi. Nhưng thiên sứ đã trấn an ông và cho biết, lời cầu nguyện kiên trì của ông bà, đã được Chúa nghe và nhậm lời. Chính bà Ê-li-sa-bét, người vợ đang bị son sẻ của ông sẽ sanh một con trai. Thiên sứ cũng bảo ông hãy đặt tên con trẻ là Giăng. Đây là một sự kiện hi hữu, vượt quá sự hiểu biết của con người, nếu dùng lý trí để suy xét. Sau bao năm chờ đợi, giờ đây ước nguyện của ông bà sắp được thực hiện. Không phải bất kỳ thời gian nào khác, nhưng chính trong giai đoạn này.

Sau 400 năm không có một lời tiên tri nào của Đức Chúa Trời, Giăng Báp-tít ra đời ứng nghiệm lời của tiên tri Ma-la-chi “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy.” (Ma-la-chi 4:5-6).

Vào thời ấy, có khoảng 20.000 thầy tế lễ trong toàn xứ. Giăng Báp-tít được sinh ra trong đình thầy tế lễ Xa-cha-ri, là bà con với cô Ma-ri, người được Chúa dùng để Đức Chúa Giê-xu giáng sinh. Ông Xa-cha-ri, người nhận được cơ hội có một không hai, là được vào nơi thánh dâng hương cho Đức Chúa Trời. Giăng Báp-tít phải ra đời trước sự Giáng Sinh của Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng Cứu Thế. Vì ông là người đi trước dọn lòng dân sự cho Chúa Giê-xu.

Chúa Giê-xu, mới là nhân vật đánh dấu bước ngoặt của kỷ nguyên thanh bình, chia đôi dòng lịch sử của nhân loại. Được gọi là trước và sau công nguyên hay khác hơn là trước Chúa (TC), và sau Chúa (SC). Cho nên, Giăng Báp-tít phải được sanh ra trong giai đoạn này.

Bác học Isaac Newton, đã từng thốt lên: “Tôi thấy Thượng Đế qua viễn vọng kính”. “Kinh Thánh có nhiều biểu hiện chắc chắn về tính có thực hơn bất cứ một câu chuyện nào chống lại sách đó”. 

Thật “Đức Chúa Trời là Đấng dùng quyền lớn để tạo dựng trời đất, thì chẳng có sự gì khó quá cho Ngài” (Giê-rê-mi 32:17). Nếu chúng ta là người công bình bởi đức tin đặt nơi Đức Chúa Giê-xu, với tấm lòng sốt sắng cầu nguyện, và điều đó đẹp ý Ngài, thì đúng thời điểm, lời cầu nguyện sẽ được Chúa nhậm. Nhưng kết quả cũng còn tùy thuộc vào lượng đức tin của mỗi người.

ĐỨC TIN HAY NGHI NGỜ?

Đây sẽ là một niềm vui cho ông bà, và những người xung quanh. Nhưng người con này không chỉ dành riêng cho ông bà, mà phải được biệt riêng làm người Na-xi-rê phục vụ Chúa như Sam-sôn (Các Quan Xét 13:4-7) và Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 1:11). Mục đích ra đời của ông Giăng Báp-tít không chỉ là việc Chúa nhậm lời cầu nguyện của ông bà Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét mà Chúa còn muốn dùng ông Giăng Báp-tít để cất bỏ đi những tấm lòng chai đá của dân sự, và thay vào đó bằng những tấm lòng mềm mại, dễ uốn nắn, tin cậy và sẵn sàng biến đổi, để đón nhận Đấng Mê-si-a theo Lu-ca 1:14-17.

Sau 400 năm, dân sự đi trong bóng tối của sự thất vọng và chờ đợi sự đến của Đấng Cứu Thế. Lẽ ra, thầy tế lễ Xa-cha-ri phải là người cảm nhận sự vui mừng và sẵn sàng tiếp nhận món quà từ Đức Chúa Trời, đó là một người con trai: “Con trai đó sẽ làm cho ngươi vui mừng hớn hở, và nhiều kẻ sẽ mừng rỡ về sự sanh người ra… Người sẽ làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ” (Lu-ca 1:14,16)

Nhưng nan đề về tuổi tác của ông bà Xa-cha-ri lớn hơn cả sự khát khao, khẩn nguyện, chờ đợi, khiến lời thiên sứ cũng không thể làm cho ông Xa-cha-ri dám chắc điều đó là sự thật. “Xa-cha-ri thưa rằng: Bởi sao tôi biết được điều đó? Vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi” (Lu-ca 1:18). Nhưng thiên sứ khẳng định, “Ta là Gáp-ri-ên, đứng trước mặt Đức Chúa Trời; Ngài đã sai ta đến truyền cho ngươi và báo tin mừng nầy” (Lu-ca 1:19). Đây là thông điệp từ chính Đức Chúa Trời, chứ không phải là từ bất kỳ một con người bình thường nào khác, hay chính thiên sứ.

Vậy nên địa vị xã hội, chức vụ trong nhà thờ, không nói lên trọn vẹn mức độ của đức tin. Hãy nhìn tất cả mọi nan đề chúng ta phải đối diện với niềm hi vọng, sự trung tín. “Hãy kêu cầu Ta, ta sẽ trả lời cho; Ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết” (Giê-rê-mi 33:3). Đừng để sự nghi ngờ làm chết hi vọng, nghẹt ngòi quyền năng của Đức Chúa Trời, và bản thân mình bị mất phước.

PHƯỚC HẠNH HAY MẤT PHƯỚC?

Thiên sứ khẳng định, thông tin việc ông bà sẽ có con khi tuổi đã cao, là do chính Đức Chúa Trời truyền ra. Đây là một sự bảo đảm chắc chắn về tính xác thực của sự kiện “nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được” (II Ti-mô-thê 2:13). Đến lúc này, thì không có lý do gì để nghi ngờ việc Chúa sẽ ban cho ông bà một người con trai. Nhưng hậu quả của sự nghi ngờ mà ông phải đón nhận như một sự nhắc nhở “Nầy, ngươi sẽ câm, không nói được cho đến ngày nào các điều ấy xảy ra, vì ngươi không tin lời ta, là lời đến kỳ sẽ ứng nghiệm” (Lu-ca 1:20). Vì:

  • Thứ nhất: Đây là dấu hiệu cho biết sự kiện này sẽ được ứng nghiệm đúng thời điểm. Vì ông chỉ câm cho đến khi bà Ê-li-sa-bét hạ sanh.
  • Thứ hai: Vì ông không tin, nên ông không thể nói, đến khi lời thiên sứ rao báo được ứng nghiệm, vì “y như lời Kinh thánh rằng: Ta đã tin, cho nên ta nói; cũng vậy, chúng tôi tin, cho nên mới nói” (II Cô-rinh-tô 4:13).
  • Thứ ba: Lúc ấy, vẫn chưa đúng thời điểm, theo ý muốn của Chúa. Cho đến khi, lời loan báo của thiên sứ trở thành hiện thực. Bà Ê-li-sa-bét sanh một con trai khi tuổi đã cao và khó thụ thai, thì lời ngợi khen của ông bà Xa-cha-ri thật sự có giá trị, và được nhiều người biết đến. “Họ bèn ra dấu hỏi cha muốn đặt tên gì cho con. Xa-cha-ri biểu lấy bảng nhỏ, và viết rằng: Giăng là tên nó. Ai nấy đều lấy làm lạ. Tức thì miệng ngươi mở ra, lưỡi được thong thả, nói và ngợi khen Đức Chúa Trời. Hết thảy xóm giềng đều kinh sợ, và người ta nói chuyện với nhau về mọi sự ấy khắp miền núi xứ Giu-đê” (Lu-ca 1:62-65).

Thoạt tiên, nhìn vào sự kiện ông bị câm, nhưng lời cầu nguyện sẽ được nhậm, ông sẽ có con, thì dù ông có chịu bao thử thách, hoạn nạn, đắng cay cũng cam lòng. Nhưng việc ông bị câm, còn gây ảnh hưởng đến nhiều người khác. Vì khi ông vào nơi thánh dâng hương, thì dân sự ở bên ngoài cầu nguyện, và chờ đợi ông trở ra chúc phước cho dân sự. Nhưng “dân chúng đợi Xa-cha-ri, và lấy làm lạ, vì người ở lâu trong nơi thánh. Khi Xa-cha-ri ra, không nói với chúng được, thì họ mới hiểu rằng người đã thấy sự hiện thấy gì trong đền thánh; người ra dấu cho họ, mà vẫn còn câm” (Lu-ca 1:21-22). Vậy là, ông chỉ có thể ra dấu cho họ, chứ không thể mở miệng chúc phước cho dân sự.

Vậy nên mức độ đức tin của mỗi người, không chỉ ảnh hưởng đến riêng bản thân mình, mà còn ngăn trở nguồn phước từ Chúa, qua mình để đến với những người xung quanh. Nhưng dù có bất kỳ điều gì xảy ra, lắm khi phải đối diện với những thử thách, hoạn nạn, hãy làm tròn các phần việc của mình với Chúa, và với Hội Thánh như ông Xa-cha-ri. Dù bị câm, không thể nói, hay chúc phước cho dân sự, nhưng vẫn làm tròn các phần việc của mình theo Lu-ca 1:23.

Thời điểm và đức tin là điều kiện, để Đức Chúa Trời ban thưởng cho những ai bền lòng trong sự cầu nguyện. Dù sự đáp lời của Chúa có đúng với lời cầu nguyện của chúng ta hay không, thì cũng xin nhớ Chúa luôn biết điều nào là tốt nhất, cho mỗi dân sự của Ngài.

Ti-mô-thê Tạ

Bài trướcLời Của Đức Chúa Trời – 14/12/2022
Bài tiếp theoThư Chúc Mừng Giáng Sinh 2022 và Năm Mới 2023