Hội Thánh Tam Kỳ – Phương Nam Mở Cõi (P4)

2117

Thời kỳ này, có nhiều nhân sự đi ra truyền giáo khá mạnh mẽ,… Nhờ sự nỗ lực truyền giáo của các cụ mà nhiều người dân tại các vùng Tam Xuân, Tam Thanh, Thăng Bình… được biết đến danh Chúa.

PHẦN 4: MỞ CÕI

Hội Thánh Tiên Quả vốn là nhánh của Hội Thánh Tam Kỳ, được biệt trị từ năm 1952. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng Ban Chứng đạo vẫn hoạt động, nhất là sau ngày đình chiến, xa gần đều có người tin Chúa. Trong 6 tháng đầu năm 1955, tín đồ Tiên Quả dốc tâm, hiệp lực với tín đồ tại Kỳ Tân[1] làm nên một nhà thờ bằng tranh tre, nền gạch, khá đẹp. Chỉ trong 1 tuần lễ, khởi công từ ngày 10/07 thì đến ngày 17/07 là làm lễ khánh thành. Ông Chủ nhiệm Mục sư Ông Văn Trung, ông bà Giáo sĩ Irwin và bà Mục sư Lê Văn Long có vào dự và giảng dạy trong một ngày và hai đêm. Kết quả được 1 thanh niên, 2 thiếu nữ và 3 em nhỏ trong các gia đình mới tin Chúa cầu nguyện.[2]

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhà thờ tại Kỳ Tân tồn tại được lâu. Mãi đến đầu năm 1966, khi tại Chu Lai, có rất nhiều tín đồ từ Cẩm Long, Phước Lâm… tản cư xuống, Hội Thánh Tam Kỳ đã có kế hoạch để mở lại Hội Thánh tại xã Kỳ Liên, quận Lý Tín, hiện nay là Hội Thánh An Tân, huyện Núi Thành.[3]

Hội Thánh tổ chức một cuộc giảng đặc biệt từ ngày 06-09/11/1954. Có các tôi tớ Chúa là Giáo sĩ J. H. Revell, Mục sư Chủ nhiệm Địa hạt Lê Văn Long, Mục sư Đốc học trường Kinh Thánh Ông Văn Huyên, Mục sư Giáo sư Lê Nguyên Anh từ Đà Nẵng vào và 15 ông bà Mục sư Truyền đạo ở các Hội Thánh tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cùng đại biểu chính quyền, đồng bào và tín đồ các Hội Thánh lân cận, tổng cộng khoảng 500 người. Trong các đêm giảng Tin Lành, có 12 người ăn năn tin Chúa.[4]

Trong thời gian Mục sư Lê Châu hầu việc Chúa tại Tam Kỳ, ông đã lui tới Thăng Bình để chăm sóc tín hữu tại đây. Lúc này, ông Tô Thăng, người bán sách cho Thánh thơ Công hội, vì hoàn cảnh, đã về ở Phước Thành[5], thuộc Thăng Bình, lại có dịp gieo giống Tin Lành. Ngày đình chiến (1954), Mục sư Nguyễn Xuân Vọng ở Tam Kỳ, vài tuần ra thăm viếng Thăng Bình một lần, làm chứng về đạo Chúa. Kế đến có ban Lưu hành của ông Mục sư Nguyễn Xuân Hảo và Nguyễn Văn Nhung đến giảng, có bà Nghè Đạm, ở Ký Xuyên (Kế Xuyên) và một số người đã tin Chúa. Cụ Giáo sĩ E. F. Irwin cũng có gởi thầy Thọ, học sinh trường Kinh Thánh, đến đây thăm viếng được một thời gian.[6] Khoảng tháng 06/1956, Ban Trị sự Địa hạt nhờ ông Mục sư Nguyễn Xuân Vọng kiêm lo hầu việc Chúa tại đây. Ngày 15/05/1957, Ban Trị sự Địa hạt chính thức bổ nhiệm thầy cô Nguyễn Anh về tiếp tục hầu việc Chúa tại đây.[7]

Vào cuối năm 1959 đầu năm 1960, Hội Thánh Phương Hòa được hình thành từ một chi phái của Hội Thánh Tam Kỳ.[8]  Lễ Khánh thành nhà thờ Phương Hòa được cử hành ngày 09/10/1961. Nhà thờ được xây dựng trên lô đất nằm trên quốc lộ 1, do Hội đồng xã Kỳ Hương cấp, phí tổn trên 70.000đ, kinh phí có được do nỗ lực của Mục sư Nguyễn Xuân Vọng, ông đã đi đến các con cái Chúa xa gần xin giúp đỡ.[9]

Nhà thờ Tin Lành Phương Hòa (ảnh tư liệu của ông Nguyễn Tấn Minh)

Từ sáng Chúa nhật ngày 07/08/1966, Hội Thánh Tam Kỳ có mời Giáo sĩ Thomas Stebbins đem trại vào Tam Kỳ và khởi giảng Tin Lành tại Chu Lai (tức quận Lý Tín) một tuần lễ và tiếp theo là tại sân trường Trung học Công lập một tuần lễ nữa. Có trên 50 người tin Chúa. Sáng Chúa nhật 28/08/1966, Hội Thánh có tổ chức lễ xức dầu cho người bệnh. Tại Xuân Nam, một địa điểm gần tỉnh lỵ Quảng Tín, cũng có 2 buổi giảng Tin Lành, kết quả rất tốt đẹp. Con cái Chúa tại đây, kể cả những người mới cầu nguyện cũng quyên góp để xây dựng một nhà thờ, đây là nhà thờ Xuân Nam.[10]

Lễ khánh thành nhà thờ Kỳ Liên[11] (Chu Lai) tại quận Lý Tín, tỉnh Quảng Tín được cử hành lúc 9g ngày 22/12/1966 dưới sự chủ tọa của Mục sư Chủ nhiệm Bắc Trung phần (Mục sư Nguyễn Xuân Vọng). Hiện diện có các quý vị đại diện quân, dân, chính các cấp, quý vị Giáo sĩ, Mục sư, Truyền đạo, các Ban Trị sự và giáo hữu các Hội Thánh kế cận. Nhà thờ này khởi công xây cất từ tháng 07/1966, nằm tại một vị trí rất đẹp, rộng hơn 4.000m2, sát quốc lộ 1, chứa được trên 100 người.[12]

Nhà thờ Tin Lành Kỳ Liên (An Tân)

Thời kỳ này, có nhiều nhân sự đi ra truyền giáo khá mạnh mẽ, mà đơn cử là cụ Nguyễn Đồng Dâng (cụ Tuyển) là Trưởng ban Chứng đạo, sau đó là cụ Trương Điểu. Nhân sự chứng đạo không ai khác là bà cụ Trước, bà cụ Trác, ông cụ Lành… Nhờ sự nỗ lực truyền giáo của các cụ mà nhiều người dân tại các vùng Tam Xuân, Tam Thanh, Thăng Bình… được biết đến danh Chúa. Cụ Tuyển chính là người cùng với Mục sư Tạ Kế đi mua đất để mở Hội Thánh tại Lý Trà, An Tân. Tinh thần chứng đạo của cụ rất mạnh mẽ, không những chỉ đi cùng các nhân sự, mà chiều thứ Bảy nào, cụ cũng dẫn các em thiếu nhi ra đi chứng đạo cùng cụ, điều này đã giúp cho nhiều em thiếu nhi ngày ấy trưởng thành hơn trong đời sống hầu việc Chúa và đã có người vào học trường Kinh Thánh.

Ngày 22/05/1969, Hội Thánh Tam Kỳ đã có đơn xin mở Hội Nhánh Đức Lý, sau này là Lý Trà (quận Lý Tín, nay là huyện Núi Thành)[13]. Ngày 04/08/1969 Hội Thánh Tam Kỳ đã đệ đơn xin mở Hội Nhánh Trường Xuân.[14] Chi hội Trường Xuân là Chi hội thứ ba tại Tam Kỳ, Quảng Tín với số tín đồ lên gần 200 người. Đến đầu năm 1970, với nguyện vọng của con cái Chúa tại đây và được Ban Trị sự Chi hội Tam Kỳ thuận trình, nên Ban Trị sự Địa hạt Bắc Trung phần và Ban Trị sự Tổng Liên Hội đã chấp thuận cho mở Chi hội Trường Xuân. Từ đó, trong tinh thần gây dựng Hội Thánh, ông bà Phan Vững đã vui lòng cho Hội Thánh mượn phòng khách khá rộng tại đường Trần Cao Vân để làm nơi thờ phượng Chúa hằng tuần. Gần hai năm sau, nhờ lời cầu thay của con cái Chúa xa gần và sự hướng dẫn của Mục sư Chủ nhiệm Địa hạt Bắc Trung phần, tín đồ tại đây đã dâng được một số tiền và nhân công, cộng trên một triệu đồng, được sự tán trợ của Hội Truyền giáo và một số con cái Chúa xa gần, nên đã mua được một thửa ruộng nước, rộng 4.080m2 tại đường Trần Cao Vân nối dài, đã đắp thêm hơn 2.000m3 đất và xây được một nhà nguyện rộng 10,5m x 8,7m. Lễ Cảm tạ và Cung hiến Nhà nguyện được cử hành vào sáng ngày 11/07/1972 do Mục sư Nguyễn Xuân Vọng, Chủ nhiệm Địa hạt Bắc Trung phần hành lễ, với sự tham dự của đại diện cơ quan chính quyền địa phương, quý Giáo sĩ, Mục sư, Truyền đạo và giáo hữu tại các chi hội phụ cận. Trong dịp này, Mục sư Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Vọng, Mục sư Phó Chủ nhiệm Mã Phước Minh và Mục sư Đoàn trưởng Thanh niên Phan Minh Tân có giảng bồi linh cho giáo hữu và giảng Tin Lành cho đồng bào trong 2 ngày, có 6 người tin nhận Chúa. Ban đầu, Hội Thánh nhóm thờ phượng Chúa vào mỗi chiều Chúa nhật, trung bình 80 người, do Mục sư Hồ Xuân Phong từ Chi hội Tam Kỳ kiêm nhiệm. Năm 1972, Chi hội Trường Xuân xin biệt trị và xin Ban Trị sự Địa hạt bổ nhiệm một gia đình tôi tớ Chúa đến hầu việc Ngài. Thời gian này, Hội Thánh cũng đang có nhu cầu xây dựng một nhà thờ rộng rãi hơn hầu đủ chỗ cho tín hữu nhóm thờ phượng Chúa, cùng sinh hoạt của Thanh Thiếu nhi.[15]

MS Tạ Kế, ông Huỳnh Châu, ông Nguyễn Đồng Dâng mua đất cho HT An Tân và Lý Trà (thứ tư đến thứ sáu, từ trái sang phải)

Để dự phần trong chương trình Truyền đạo Sâu rộng, tín hữu Chi phái An Thổ, là một trong 9 chi phái của Hội Thánh Tin Lành Tam Kỳ, dưới sự hướng dẫn của Mục sư Chủ tọa và Ban Trị sự Hội Thánh Tam Kỳ, tổ chức 2 đêm 14 và 15/04/1973 giảng Tin Lành cho đồng bào tại Liên gia 6, ấp An Thổ, xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, trong khu vực tín hữu An Thổ chịu trách nhiệm. Diễn giả là Mục sư Chủ nhiệm Địa hạt Bắc Trung phần, có sự hiệp tác của quý vị Mục sư, Truyền đạo trong Ban Truyền đạo Sâu Rộng tỉnh Quảng Tín cùng các chấp sự và tín hữu các chi phái trong Hội Thánh Tam Kỳ. Mỗi đêm có trên 300 người ngoại đến dự. Dầu trong 2 đêm giảng này, chưa có linh hồn nào ăn năn, tin nhận Chúa, nhưng có nhiều người nghe Tin Lành.[16]

Hội Thánh tổ chức 3 đêm giảng Tin Lành ngay trong thành phố từ ngày 02-04/1974 tại sân trường Tiểu học Tin Lành Tam Kỳ. Diễn giả là Mục sư Chủ nhiệm Mã Phước Minh, Mục sư Trưởng ban Lưu hành Lê Văn Từ, Mục sư Lê Cao Quý, với sự hiệp tác của quý Mục sư, Truyền đạo, cán sự trong tỉnh. Kết quả có 81 người tin Chúa. Ban Chứng đạo Hội Thánh đã liên lạc, thăm viếng và đã có 13 người thường xuyên nhóm lại với Hội Thánh. Tiếp đến Hội Thánh còn tổ chức 3 đêm truyền giảng Tin Lành tại miền quê Phú Lộc[17], Hương Trà thuộc xã Tam Kỳ từ ngày 27-29/08/1974. Diễn giả là Mục sư Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Vọng, Mục sư Nghị viên Địa hạt Hồ Xuân Phong, với sự hiệp tác của Truyền đạo Võ Văn Hiền, Truyền đạo sinh Bùi Quốc Thanh và các cán sự. Kết quả có 5 người tin nhận Chúa.[18]

Hết thế hệ này đến thế hệ khác, những người con Chúa tại Tam Kỳ vẫn không ngừng nỗ lực rao truyền Phúc Âm của Chúa Cứu thế Giê-xu Christ, và qua đó, rất nhiều người được cứu, rất nhiều vùng đất đã được ánh sáng Tin Lành soi rọi đến…

 

(còn tiếp)

Vũ Hướng Dương

Chú thích:

[1] Nay thuộc khối phố 3, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, khu đất này nằm sát bờ sông, bên kia sông là chợ Bến Ván (chợ An Tân sau này).

[2] Truyền đạo Tạ Kế, ‘Hội Thánh Tiên Quả (nhánh của Tam Kỳ) trưởng thành trong gian khổ’, Tin tức, TKB số 227 (058), tháng 09-10-11/1955, trang 17.

[3] Thư ký Nguyễn Tấn Minh, Tam Kỳ, TKB số 333 (164), tháng 07/1966, trang 39.

[4] Ban Trị sự, Tin tức Tam Kỳ, TKB số 221 (052), tháng 03/1955, trang 09-10.

[5] Thuộc xã Bình Quý, huyện Thăng Bình.

[6] Mục sư Nguyễn Xuân Vọng, Tin tức Hội Thánh Thăng Bình, TKB số 237 (068), tháng 07/1956, trang 05.

[7] Chủ tọa và Ban Trị sự, Tin tức Hội Thánh Thăng Bình, TKB số 268 (099), tháng 02/1959, trang 04-05.

[8] Lược sử HTTL Phương Hòa, Lược sử các Chi hội HTTL Việt Nam – tập 1, Lưu hành nội bộ, trang 371.

[9] Tin tức, Hội Thánh Tam Kỳ, 290 (121), tháng 08/1962, trang 12.

[10] Mục sư Tạ Kế, ‘Chiến dịch Tin Lành’, TKB số 339 (170), tháng 01-02/1967, trang 35. Tuy nhiên, hiện nay nhà thờ Xuân Nam đã không còn.

[11] Nhà thờ này cách nhà thờ đầu tiên bằng tranh (1955) khoảng 1km.

[12] Ban Trị sự, Tin tức, Kỳ Liên, TKB số 340 (171), tháng 03/1967, trang 40.

[13] Sổ Biên bản Địa hạt số 1, Địa hạt Liên hội Bắc Trung phần, Biên bản số 36/BTP, trang 104. Tuy nhiên, do thời cuộc, sau năm 1975, không còn nhà thờ. Hiện nay vẫn còn một vài gia đình tín đồ sống trên khu đất này. Ở đây có Chi phái Lý Trà thuộc Hội Thánh Tiên Quả.

[14] Sổ Biên bản Địa hạt số 1, Địa hạt Liên hội Bắc Trung phần, Biên bản số 38/BTP, trang 109.

[15] Ban Trị sự, Tin tức Trường Xuân, TKNS số 401, tháng 12/1972, trang 41.

[16] Nguyễn Văn Thiệt, Tin tức, ‘Hội Thánh Tam kỳ giảng Tin Lành tại ấp An Thổ’, TKB số 406, tháng 06/1973, trang 30.

[17] Hiện nay, tại đây có một chi phái của Hội Thánh Tam Kỳ.

[18] Mục sư Mã Phúc Tín, Tin tức Hội Thánh Tam Kỳ, TKB số 419, tháng 10/1974, trang 28.

Bài trướcKhông Hề Quá Sức – 23/1/2020
Bài tiếp theoThường Trực Tổng Liên Hội Thăm Mộ Các Đầy Tớ Chúa Tại Nghĩa Trang Ân Từ Viên Ngày Giáp Tết