Không Hề Quá Sức – 23/1/2020

3423

 

I Cô-rinh-tô 10:12-13 

“Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (câu 13).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cho biết đặc điểm chung nào về các sự thử thách mà con dân Chúa phải đối diện? Mục đích của những thử thách được Đức Chúa Trời cho phép đến với chúng ta là gì? Qua thử thách, chúng ta học biết thêm điều gì về Đức Chúa Trời?

Trong nguyên văn Hy Lạp, từ “cám dỗ” trong câu 13 cũng có nghĩa là “thử thách”, vì sự thử thách bên ngoài luôn đem đến sự cám dỗ bên trong. Trước tiên, Sứ đồ Phao-lô cho biết rằng Cơ Đốc nhân phải đối diện với những cám dỗ, thử thách trong cuộc sống. Chính những thử thách là thước đo để biết tình trạng thuộc linh của một người là “đứng” hay “ngã”, chứ không phải do điều mỗi người “tưởng” về chính mình. Điều tiếp theo, ông cho biết đặc điểm chung của những thử thách, đó là “…chẳng có sự nào quá sức loài người” (câu 13). Đức Chúa Trời thành tín nhìn biết thực trạng của con dân Ngài, nên chính Ngài sẽ “chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu”, nhưng trong mọi sự “Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi”.

Ông Gia-cơ và Sứ đồ Phi-e-rơ đã cho chúng ta biết rằng sự thử thách không đến đơn lẻ, nhưng là “thử thách trăm bề” thoạt đến cho chúng ta, và chính sự thử thách mang đến cho chúng ta giá trị quý hơn vàng (Gia-cơ 1:2; I Phi-e-rơ 1:6-7). Tại đây, Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta thêm cái nhìn mới, đó là sự thử thách không bao giờ quá sức chịu đựng của chúng ta. Nếu không trải qua những đợt thử thách đức tin thì chắc rằng ai cũng sẽ “tưởng mình đứng”. Nhưng chính nhờ những cơn thử thách trăm bề này giúp cho đức tin chúng ta được rèn tập. Và điều quan trọng, tốt lành hơn cho mỗi chúng ta khi đối diện với những cơn thử thách, đó chính là sự hiểu biết thêm về đức thành tín của Đức Chúa Trời, cùng được trải nghiệm niềm vui mừng phước hạnh khi được Ngài giải thoát, “mở đàng cho ra khỏi”.

Có được sự hiểu biết về cám dỗ, thử thách và sự thành tín của Chúa, thực sự là năng lực giúp chúng ta có tinh thần nhẹ nhàng khi đối diện với thử thách, cũng như có phương hướng giúp chúng ta không quá căng thẳng khi chỉ chú tâm vào nan đề, nhưng hướng sự chú ý đến Đức Chúa Trời Thành Tín để biết rằng Ngài đang dõi theo cuộc đời của chúng ta, đang quan sát cách chúng ta đối diện với thử thách và luôn kịp thời giải cứu, không để chúng ta phải chịu đựng quá sức của mình.

Bạn thường suy nghĩ gì khi đối diện với thử thách và có được trải nghiệm nào với Đức Chúa Trời khi đã vượt qua cơn thử thách?

Kính lạy Đức Chúa Trời Thành Tín! Con vui mừng và thật thỏa lòng khi được sống trong sự chăm sóc và tể trị của Ngài. Con chúc tụng sự thành tín Ngài đã bày tỏ trên đời sống con khi Ngài luôn dõi theo cuộc đời con, luôn kịp thời mở đường để con vượt qua mọi sự thử thách.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ô-sê 12.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcChủ Đề Các Ngày Lễ Trong Năm 2020
Bài tiếp theoHội Thánh Tam Kỳ – Phương Nam Mở Cõi (P4)