Hội Thánh Ea Tul, Đắk Lắk: Kỳ Diệu Quyền Năng Chúa

2985

Dù đến Đắk Lắk nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh hàng ngàn con dân Chúa tập trung trong giờ thờ phượng, một hình ảnh mà ở vùng xuôi chỉ có những hội đồng bồi linh mới có. Dĩ nhiên, ở thành phố thì khó có một không gian rộng để làm một nhà thờ với sức chứa như vậy, nhưng điểm đặc biệt ở đây, là những nhà thờ rộng lớn không hiếm, và thường được làm bằng những vật liệu không kiên cố, vì mục đích là đáp ứng trước mắt nhu cầu thờ phượng Chúa của các tín hữu mà thôi.

Nhà thờ Tin Lành Ea Tul

Những ngày tháng 06, chúng tôi có dịp đến thăm Hội Thánh Ea Tul[1], Buôn Sah A, xã Ea Tul, huyện Čư Mgar, nơi Mục sư Y Ky Êban làm Quản nhiệm từ những ngày mới thành lập lại.

Theo Thánh Kinh báo số 261 (092), thì vào năm 1958, tại đây đã có một nhà nguyện được dựng lên để những con cái Chúa di dân từ Quảng Nam vào sinh hoạt dưới sự chăm sóc của Mục sư Nguyễn Hậu Nhương. Được biết, Mục sư Lê Văn Thái, Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã đến thăm, Mục sư Lê Châu từ quê nhà Tiên Phước cũng góp phần cùng Hội Thánh… Một nhà sàn bằng gỗ, tranh tre bên cạnh khu rừng suối Ea Sah[2] bằng gỗ, vách tre dài 10m, rộng 5m để làm nơi thờ phượng Chúa. Hiện nay, tại đây chỉ còn là một bến nước với những vườn cà phê chung quanh. Đến năm 1967, chiến cuộc lan tràn, đồng bào ly tán, nhà thờ bị bỏ hoang. Những tín hữu người Kinh đã chuyển về Quảng Phú[3] và thành lập Hội Thánh tại đây.

Trong lược sử của Hội Thánh Ea Tul có nhắc đến ông Y Dum Mlô (A Ê An), vốn là một công chức tại Buôn Mê Thuột, đã tin Chúa từ năm 1948, đến năm 1957, ông và các anh em chứng đạo tại Hội Thánh Hội Thánh Buôn Ale A[4] đã thành lập Hội Thánh Buôn Nie[5].

Đến năm 1970, con cái Chúa tập trung về Hà Lan, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ ngày nay, xây dựng được nhà nguyện dài 8m, rộng 6m, tường gỗ, mái tôn, nền xi-măng.

Sau năm 1975, nhà thờ một lần nữa lại lâm vào cảnh bỏ hoang. Từ cuối năm 1989 đến đầu năm 1990, Hội Thánh thờ phượng Chúa theo từng nhóm nhỏ.

Mục sư Y Ky Êban, Quản nhiệm Hội Thánh Ea Tul

Tháng 04/2004, Chi Hội Ea Tul được chính thức thành lập và nhóm lại tại tư gia của Mục sư Quản nhiệm. Năm 2005, Hội Thánh đã dựng lên một nhà nguyện với diện tích gần 300m2, tường tôn, mái tôn, nền gạch nung. Cuối năm 2007, Hội Thánh được nhà nước giao 2000m2 đất, nhà thờ mới được xây dựng vào tháng 06/2008 và cung hiến vào ngày 19/08/2011.

Nhà thờ Ea Tul nằm trên địa bàn xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 40km về hướng Bắc. Hội Thánh hiện có 3404 tín hữu, sống trên địa bàn 13 thôn trong buôn tại cùng một xã, tín đồ chủ yếu làm nông, trồng cà phê, tiêu, cao su… Nhìn trên bản đồ, có thể thấy những con đường bàn cờ trong buôn đi vào từng xóm nhỏ, nhà thờ nằm tách biệt trên một khu đất khá rộng, ở giữa là một hồ nước Ea Tria bốn mùa xanh biếc.

Hội Thánh Chúa trong giờ thờ phượng

Mục sư Quản nhiệm cho biết, điều nổi bật ở đây là đời sống đồng bào được đổi thay rất nhiều. Những hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… đã hoàn toàn bị loại bỏ. Việc xây dựng cơ sở nhà Chúa, dù khá rộng, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thờ phượng của các tín hữu nơi đây. Dù vậy, nhìn về tương lai, Hội Thánh vẫn hướng đến việc qui hoạch, xây dựng cơ sở Cơ Đốc giáo dục, tư thất Quản nhiệm. Đặc biệt, Hội Thánh vẫn luôn mong ước có thể xây dựng được một khu vui chơi giải trí dành cho đồng bào trong xã, nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh tại địa phương và cũng là cơ hội để truyền bá Tin Lành của Chúa Cứu thế Giê-xu đến cho đồng bào.

Các ban hát tôn vinh Chúa

Có lẽ Hội Thánh Ea Tul là nơi mỗi người con Chúa chúng ta nên đến thăm một lần, để được nhìn thấy hàng ngàn con dân Chúa nghiêm trang trong giờ thờ phượng, để được nghe những câu chuyện rất đỗi bình thường về một Hội Thánh vùng cao nguyên với những đổi thay của đời sống những người con Chúa, và trong những cái bình thường đó, chúng ta lại nhận ra được sự kỳ diệu của quyền năng Chúa Chí Cao, từ một vùng đất chiến sự lan tràn đã trở nên vùng đất của những người biết thờ phượng Chúa, đi đâu cũng gặp toàn là tín hữu, và nó như một khải tượng cho chúng ta hôm nay: “Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.” (Ma-thi-ơ 24:14)

VHD-H’ Wy

Chú thích:

[1] Ea theo tiếng Êđê có nghĩa là suối, Hội Thánh Ea Tul mang tên con suối gần đó, chảy vào hồ Buôn Dong.

[2] Suối Ea Sah gần bến nước Ea Sah B hiện nay, cách nhà thờ Ea Tul gần 1 km theo đường chim bay. Trong văn hóa của người Êđê, bến nước không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn là nơi gặp gỡ, trò chuyện, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, việc xây dựng nhà nguyện tại đây là một sự thành công của đạo Chúa đối với đồng bào, nó có ảnh hưởng lớn đối với sinh hoạt và đời sống đức tin của họ.

[3] Quảng Nhiêu Phú Học, là thị trấn Quảng Phú bây giờ, thuộc huyện Cư Mgar.

[4] Buôn Ale A hiện nay ở phường Ea Tam, Tp. Buôn Mê Thuột.

[5] Buôn Nie hiện nay là Buôn Sah A, Buôn Sah B ở xã Ea Tul.

Bài trướcTiền Giang: Bế Giảng Thánh Kinh Căn Bản Khóa V – Năm 1
Bài tiếp theoQuyết Định Sống Ngay Thẳng – 11/8/2020