Hội Thánh Ea Kiêu: Mơ Ước Một Con Đường

2134

Trước mắt chúng tôi là một lối mòn ngoằn ngoèo, dốc đá dựng đứng, hơn 5km dẫn vào làng Ea Kiêu. Đó là một thử thách cho những người vốn chỉ quen với các con đường tráng nhựa, hoặc bê tông mà chúng tôi đã từng đi qua.

Con đường đi vào làng Ea Kiêu

Hội Thánh Ea Kiêu của người H’Mông nằm trên địa bàn thôn Ea Boa, xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, một vùng nông thôn khá hẻo lánh. Những chiếc xe đưa chúng tôi vào làng, gầm rú tiếng máy liên tục, vì phải chạy hoàn toàn bằng số một, như thế mới có thể leo được những con dốc dài dường như vô tận, có khi vừa hết dốc này, thì lại có một con dốc khác đã chờ sẵn ở đằng kia. Ngồi trên chiếc xe máy cứ nhảy chồm lên như một con ngựa chứng, người phía sau luôn ở trong tình trạng “cảnh giác cao độ”, bởi chỉ cần chút sơ sẩy của tài xế, thì cả hai đều đo ván trên mặt đất, chỉ toàn là đá và những ổ gà san sát. Thỉnh thoảng, phía bên kia, hiện lên những dãy đồi trơ trọi cây khô và tro bụi, cái nắng tây nguyên vẫn bình thản phủ một màu vàng lạ lẫm giữa những hàng cây khó nhọc vươn lên một chút lá còn xanh…

Cảnh làng quê yên bình

Ngôi làng hình thành từ năm 2002, nằm trên một địa bàn khá heo hút, hiện có 60 hộ dân, hơn 270 nhân khẩu, trong đó có 250 tín hữu. Họ đều là người dân tộc H’Mông từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai di cư tự phát vào đây. Trong 4 yếu tố “Điện, Đường, Trường, Trạm” thì chỉ có điện là công trình được thực hiện đầu tiên thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 1) từ tháng 04/2018.

Thiếu nước sạch, thiếu trạm xá, thiếu trường học, không có sóng điện thoại… khiến cho đời sống của đồng bào gặp vô cùng khó khăn. Anh Kháng Seo Sà, một tín đồ, chia sẻ, “con đường vào làng Ea Kiêu từng là nỗi ám ảnh với bà con nơi đây”. Từ tuổi lớp 1, các em học sinh phải rời xa gia đình, tự nấu ăn, chăm lo cho bản thân tại các trường học cách nhà gần 10 km. Những lúc mưa, đường trơn trượt, nước lũ tràn về cô lập cả làng, có khi đến 3-4 ngày là chuyện thường như cơm bữa.

Chị Lù Thị Hạng, có 3 đứa con đang học bán trú tại trường tiểu học Nơ Trang Lơng kể, người dân muốn đi chợ mua đồ ăn hay vật dụng cũng rất khó khăn nên cả tuần hoặc một tháng mới đi một lần. Cũng chính vì đường sá chưa thuận tiện nên việc mua bán nông sản hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, giá luôn rất thấp mà không thể đòi hỏi được gì thêm. Chị nói trong nước mắt: “Các con đi học bán trú, 2 tuần về một lần. Nhớ chúng lắm, biết chúng xa cha mẹ thì rất vất vả, nhưng vì để có cái chữ nên đành phải chịu.”

Chị Lù Thị Hạng (áo hồng nhạt)

Thầy Truyền đạo Liều Seo Sóng làm Đặc trách ở Ea Kiêu gần 2 năm nay. Ông hoàn toàn không có phụ cấp, mà phải tự lo cho bản thân. Thầy tâm sự: “Cũng vì đường sá khó khăn, nên đã có 10 hộ con cái Chúa phải chuyển sang định cư tại huyện Ea Sup. Hơn 20 năm rồi, con đường vẫn vậy. Nhiều người ốm nặng, mới chuyển đi được 2 km thì đã mất, không kịp đến bệnh viện. Đời sống đồng bào nơi đây chủ yếu là làm ngày nào, ăn ngày đó…” 

 

Nhà nguyện của Hội Thánh Ea Kiêu, thôn Ea Boa, xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk

Khó khăn là vậy, gian nan là vậy, nhưng ngôi nhà nguyện hiện ra trước mắt khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Dẫu biết rằng tín hữu người H’Mông mỗi khi đến nơi nào, thì sẽ tập trung làm nhà cho Chúa trước rồi mới làm nhà cho mình sau, nhưng chúng tôi cũng không ngờ ngôi nhà nguyện 144m2 lại đẹp đến như vậy, tất cả đều bằng gỗ. Tất cả 250 người con Chúa nơi đây là 250 người thợ, họ góp công, góp sức, góp phần để hình thành ngôi nhà nguyện xinh xắn giữa một vùng đất vẫn còn nhiều khó khăn. Thật không thể dùng ngôn từ nào để diễn tả. Đối với tôi, có lẽ nhiều nhà thờ ở thành phố vẫn không đẹp bằng nơi đây. Nhà nguyện hiện nay đang dựng tạm trên đất của một tín hữu, Hội Thánh đã có kế hoạch mua mảnh đất mới, rộng gần 3 sào, nhưng vì kinh phí còn thiếu nên phải còn chờ đợi.

Phương tiện di chuyển của đồng bào nơi đây

Con đường đến với Chúa của người H’Mông nơi đây thật diệu kỳ, chỉ qua đài Nguồn Sống mà họ nhận biết được Tin Lành của Chúa Cứu thế Giê-xu, chỉ qua những sự kết nối với anh em trong Chúa, mà đời sống đức tin của họ được gây dựng. Chúng tôi lại được nghe câu chuyện của những người mẹ, người vợ, hết lòng tận tuỵ, hy sinh mọi điều mình có thể, để con, để chồng mình được học văn hóa, học hỏi Lời Chúa mà trở nên những con người dấn thân phục sự Ngài. Những giọt mồ hôi vì vất vả ngày xưa đó, đã biến thành những giọt nước mắt vui mừng khi Hội Thánh ngày càng phát triển, danh Chúa ngày càng được nhiều người biết đến.

Và chúng tôi lại cùng ước ao, một ngày không xa, qua sự cầu thay, chung tay chung sức của tôi con Chúa khắp nơi, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, một con đường bê tông sẽ vào đến buôn làng Ea Kiêu nhỏ bé. Rồi những năm tháng vất vả vì mưa nắng, sẽ sớm lùi vào dĩ vãng, mà thay vào đó là những bước chân xinh xinh cùng tiếng cười của các em nhỏ đến trường, những chuyến xe chở đầy hoa trái núi rừng, những lời ca tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa của con cái Ngài tại đây vang vọng khắp cả không gian.

Con đường mới của đồng bào tín hữu người Mông, con đường ngập tràn niềm vui…

VHD – H’ Wy

Bài trướcCần Thơ: Huấn Luyện Giáo Viên Thánh Kinh Hè Năm 2020  
Bài tiếp theoKhá Ở Trong Xứ!