Hội Thánh Bình Đông – Những Nỗ Lực Không Ngừng

3300

Một người bạn nói với tôi, Hội Thánh Bình Đông rất khó tìm thông tin, hễ vào Google thì sẽ hiện ra “Bình Trị Đông” nhiều hơn cả, nên tôi lại tò mò, muốn biết Hội Thánh này như thế nào. Và tình cờ, may mắn thay một ngày tháng 09/2020, chúng tôi có cơ hội ghé thăm Hội Thánh Bình Đông, 216 đường Lưu Hữu Phước, phường 15, Quận 8[1], Thành phố Hồ Chí Minh, trong lúc việc xây dựng nhà thờ đang bước vào giai đoạn cuối.

Cảnh sông nước phía trước nhà thờ Bình Đông

Quận 8 có vị trí chuyển tiếp giữa khu đô thị cũ (Quận 5 và 6) với khu đô thị mới phía nam thành phố, nên nơi đây có nhiều yếu tố để phát triển trong tương lai. Dù diện tích khá lớn, nhưng Quận 8 lại bị chia cắt bởi nhiều sông rạch. Kênh Đôi chia quận ra làm 2 mảnh theo chiều dọc, các kênh Bến Nghé, Tàu Hủ, và nhiều rạch khác lại chia quận ra nhiều phần theo chiều ngang. Điều đặc biệt là giao thông bộ và thủy đều khá phát triển. Bên cạnh đó, có một hệ thống kho tàng đi đôi với các cảng, vì vậy, trước đây dân nhập cư trên địa bàn thường sống bằng nghề khuân vác, họ là những người từ các tỉnh lân cận, hoặc từ miền Bắc, miền Trung, miền Đông Nam bộ đổ về… Ngoài người Việt, còn có một số lớn người Hoa, người Chăm, Khơ-me cũng có sống tại đây. Những năm trước, mỗi lúc triều cường là nước ngập đường đi, sau này nhờ có bờ kè được xây dựng kiên cố nên việc đi lại dễ dàng hơn.

Ngược dòng lịch sử, chúng tôi chỉ có thể tìm được một ít tư liệu về Hội Thánh Bình Đông đăng trên Thánh Kinh báo: một thông báo về lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ Tin Lành Bình Đông vào ngày 12/11/1972 của Truyền đạo sinh Châu Văn Sáng[2]; một tin ngắn về việc sinh hoạt thờ phượng Chúa của Hội Thánh Bình Đông[3] và 1 tấm hình về ngôi nhà thờ đầu tiên[4]. May mắn thay là trong Kỷ yếu 40 năm thành lập của Hội Thánh, vẫn còn được một vài tấm hình về thời kỳ đầu tiên ấy, thật là đáng quí khi thời gian ngày càng xa cách.

Một số hình ảnh về nhà thờ Bình Đông đầu tiên

Vào năm 1972, Hội Thánh Sài Gòn, dưới thời Mục sư Nguyễn Văn Quan chủ tọa, đã mở được Hội Thánh Bình Đông, và sau đó đã mời Truyền đạo sinh Châu Văn Sáng về lo cho công việc Chúa tại đây. Ngôi nhà thờ đầu tiên nguyên là một căn nhà được mua lại trên khu đất của ông bà Nguyễn Văn Tới – Phạm Thị Cơ, số 1792, khóm 45, liên gia 6, bến Nguyễn Duy, Bình Đông, Quận 7, Sài Gòn.

Năm 1981, dù thời kỳ ấy vô cùng khó khăn, nhưng chủ tọa Hội Thánh lúc bấy giờ là Truyền đạo Nguyễn Văn Đại đã cùng Hội Thánh nỗ lực xây lại một ngôi nhà thờ mới để thay thế cho cơ sở nhà Chúa đã cũ nát, mối mọt. Thời gian tiếp theo, Hội Thánh lại tiếp tục mua thêm đất, mở rộng khuôn viên và xây dựng tư thất cho tôi tớ Chúa. Trải qua nhiều năm dài công trình lại xuống cấp. Vào thời gian đó, cơ sở nhà Chúa ở vào vùng trũng thấp nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều cường, gây trở ngại khó khăn trong việc sinh hoạt thờ phượng Chúa. Dù Hội Thánh đã nhiều lần sửa chữa nhưng chỉ cải thiện được một phần nào, nên sau một thời gian chuẩn bị, ngày 28/03/2020, Hội Thánh Bình Đông đã làm lễ Khởi công xây dựng nhà thờ mới trên 300m2 ngay chính tại khuôn viên này.

Nhà thờ Bình Đông qua các thời kỳ

Bình Đông là một Hội Thánh nhỏ, số tín hữu trên 100 người, tuy vậy, mỗi sáng Chúa nhật vẫn có khoảng 60 người đến thờ phượng Chúa. Với số lượng tín hữu như vậy, nên các ban ngành không thể so sánh với các Hội Thánh khác. Điều đáng nói ở đây, là dù với qui mô như vậy, nhưng Hội Thánh vẫn có nhiều thanh niên dâng mình hầu việc Chúa như: Mục sư Đào Minh Hồng Ân, Mục sư Ngô Hồng Quân (là thành viên ban Thanh niên Hội Thánh lúc lên thành phố học tập), Truyền đạo Hồ Hải Đăng…

Buổi nhóm đầu tiên trong nhà thờ Bình Đông mới xây dựng

Nhưng điều chúng tôi tâm đắc nhất là, dù ít, nhưng Hội Thánh vẫn luôn bày tỏ tình yêu thương của Chúa qua các chương trình từ thiện hướng ngoại của mình. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Hội Thánh vẫn cố gắng tổ chức khám bệnh phát thuốc cho người nghèo, hỗ trợ “Góc học tập” học sinh nghèo, tặng quà cho người khó khăn, học bổng cho học sinh, quà cuối năm cho các em thiếu nhi và người lớn tuổi, giúp đỡ một vài người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay chính trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, dù Hội Thánh đang trong quá trình xây dựng, nhưng vẫn nỗ lực để góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương trao 150 phần quà yêu thương cho đồng bào, là những người sinh sống bằng nghề bán vé số trên địa bàn phường 15, Quận 8…

Phát quà hỗ trợ đồng bào nghèo trong đợt dịch Covid-19

Một đợt khám bệnh phát thuốc miễn phí cho đồng bào tại địa phương

 Thay vì giảng đạo bằng lời nói thì Hội Thánh giảng đạo bằng cách quan tâm, chăm sóc mọi người, chính vì vậy mà ảnh hưởng của Hội Thánh giữa cộng đồng ngày càng được khẳng định, cơ hội mời gọi họ đến với Hội Thánh Chúa ngày càng được rõ nét và hiệu quả, những điều này có thể xem như đã thành công bước đầu đem tình yêu thương của Chúa đến cho tha nhân.

Mục sư Võ Hoàng Sinh Nhựt, Quản nhiệm HTTL Bình Đông

Mục sư Quản nhiệm Hội Thánh tâm sự: “Chúa cho tấm lòng, sự yêu mến Chúa, nhiệt quyết con cái Chúa ở đây rất là vui, rất là ấm áp. Chúa cho con cái Chúa quan tâm đến công việc Chúa. Bề dày lịch sử thì có, nhưng vì bị xa cách về địa lý, nên dường như không có ai biết về Hội Thánh…”. Ông lại nói về định hướng trong thời gian đến. Việc xây dựng cơ sở và ổn định nhân sự đã xong. Mục tiêu tiếp theo là đẩy mạnh công tác truyền giảng, mong ước số tín hữu sẽ trên 200 người, Hội Thánh cũng đang muốn kết nghĩa với một Hội Thánh anh em ở các tỉnh để mở Hội Thánh mới.

Đối với một Hội Thánh nhỏ như Bình Đông, những kế hoạch như vậy không phải là nhỏ, nhưng khi nhìn lại những thành công trong thời gian vừa qua, cảm nhận được tấm lòng yêu mến Chúa của tín hữu nơi đây, chúng tôi biết chắc chắn, công việc Chúa tại nơi đây sẽ ngày càng kết quả bởi sự hiệp một của con dân Ngài, luôn hết lòng trông cậy và bước đi trong ý muốn Chúa. Họ đi tới, sức lực lần lần thêm; Ai nấy đều ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn.” (Thi Thiên 84:7)

VHD

(viết theo tư liệu và một số hình ảnh của Hội Thánh cung cấp, có sử dụng hình ảnh trong bản tin ngày 08/04/2020 của TTV Triều Hải)

[1] Đây là Quận 7 trước năm 1975, năm 1976 Quận 7 cũ được giải thể và vào Quận 8.

[2] TKB số 400, tháng 11/1972, trang 10.

[3] TKB số 402, tháng 01/1973, trang 42.

[4] TKB, số 403, tháng 02-03/1973, trang 36. 

Bài trướcPhú Yên: Công Bố Đặc Trách Điểm Nhóm Buôn Ma Sung
Bài tiếp theoỦy Ban CĐGD: Giới Thiệu Sách “Sống Bởi Đức Tin” – Tự Truyện Của MS Nguyễn Văn Bảng